“Nhật Bản hóa” sẽ là xu hướng tiếp theo của bóng đá Đông Nam Á?
Sau khi dẫn đầu trào lưu thành công với huấn luyện viên (HLV) Hàn Quốc, bóng đá Việt Nam có thể tiếp tục tạo ra một xu hướng mới ở khu vực: xây dựng nền tảng bền vững theo phong cách “Nhật Bản hóa”. Tại SEA Games 32, xu hướng này trở nên rõ ràng hơn khi chủ nhà Campuchia cũng gây ấn tượng với kế hoạch kéo dài suốt 5 năm qua.
Thành công của Campuchia
Còn quá sớm để khẳng định U22 Campuchia sẽ tiến vào bán kết SEA Games lần đầu tiên trong lịch sử, nhưng sự tiến bộ của đội bóng này - và cả nền bóng đá của quốc gia này trong những năm qua luôn được thể hiện rõ ràng. Năm 2018, Liên đoàn bóng đá Campuchia gây sốc khi bổ nhiệm Keisuke Honda làm tổng giám đốc kiêm HLV trưởng. Ở thời điểm đó, Keisuke Honda vừa giã từ tuyển Nhật Bản nhưng vẫn thi đấu chuyên nghiệp. Tiền vệ này trở thành “HLV Online” theo đúng nghĩa đen với tuyển Campuchia.
Ít ai ngờ chuyện tưởng như trò đùa vui này lại nằm trong kế hoạch phát triển bóng đá dài hạn của người Campuchia. Kể từ khi trao quyền lực cho Keisuke Honda, Liên đoàn bóng đá Campuchia chưa bao giờ thay đổi lập trường và niềm tin vào danh thủ người Nhật Bản, ngay cả khi họ chịu 2 thất bại ê chê với tổng tỷ số lên đến 0-24 trước tuyển Iran ở vòng loại World Cup 2022.
Chi tiết công việc Keisuke Honda đã làm tại Campuchia không được tiết lộ. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa treo giày, cựu tiền vệ này luôn duy trì thói quen họp kỹ thuật với ban huấn luyện và các quan chức bóng đá Campuchia ít nhất một lần mỗi tuần. Trái với phong cách có vẻ lãng tử và hơi “bất cần đời”, Honda là người chỉn chu và khoa học trong công việc. Anh đã truyền tải điều này cho bóng đá Campuchia, và sau 5 năm, những thành quả đầu tiên đã xuất hiện.
Tại AFF Cup 2022 diễn ra vào đầu năm nay, ĐTQG Campuchia đạt thành tích tốt nhất trong lịch sử tham dự giải với 2 trận thắng, bao gồm chiến thắng trước đối thủ mạnh hơn nhiều là Philippines. Cho dù không thể vào bán kết, nhưng màn trình diễn của Campuchia khiến người hâm mộ trong khu vực thực sự ngỡ ngàng. Họ không còn ra sân với tâm thế “kẻ lót đường”, mà trở thành một đội bóng chơi chủ động, nhập cuộc tự tin và sẵn sàng đan bóng tấn công bài bản.
Đến SEA Games 32, Keisuke Honda lui vào hậu trường làm giám đốc U22 Campuchia, nhưng thực quyền không khác gì HLV trưởng. Ở trận ra quân gặp U22 Timor Leste, Keisuke Honda thậm chí xuất hiện nhiều hơn HLV Hirose Ryu. Đây là trận đấu cho thấy sự lột xác của U22 Campuchia. Họ nhanh, khỏe và khéo. Màn trình diễn của thầy trò Honda ấn tượng đến mức sai lầm ngớ ngẩn của trọng tài chính ở giữa hiệp 2 cũng không làm giảm đi sự thuyết phục trong chiến thắng của họ.
Ngôi sao số 1 của U22 Campuchia, Chou Sinti không khác gì bản sao của Honda thời trai trẻ. Tiền vệ 20 tuổi này nhỏ con nhưng nhanh như sóc và có khả năng tung ra những pha dứt điểm không ai ngờ đến. Cú đúp vào lưới U22 Timor Leste là minh chứng cho tài năng của Chou Sinti, đồng thời là kết tinh cho 5 năm Campuchia theo đuổi kế hoạch “Nhật Bản hóa” bóng đá.
Tất nhiên, Campuchia vẫn còn một hành trình rất dài để đuổi kịp các đội tuyển hàng đầu khu vực như Thái Lan hay Việt Nam. Nhưng ít nhất, họ đã vượt xa hình ảnh của chính mình trong những năm không định hướng trước đây. Sau khi Honda ra đi, những cái tên thân cận với huyền thoại người Nhật Bản sẽ tiếp tục lèo lái bóng đá Campuchia.
Troussier và quyết tâm thay đổi bóng đá Việt Nam
Troussier là HLV người Pháp, nhưng phong cách bóng đá và tên tuổi của ông gắn liền với Nhật Bản. Khi Troussier lần đầu tiên đến Việt Nam làm việc vào năm 2019, ông cũng được nhắc đến chủ yếu nhờ khả năng phát hiện và phát triển các tài năng trẻ giống như đã làm ở Nhật Bản cách đây 20 năm.
Sẽ rất khó để phân biệt rõ ràng Troussier đã tự mình tạo dựng di sản ở bóng đá Nhật Bản hay ngược lại, ông hưởng lợi từ phong cách làm bóng đá của quốc gia này. Chỉ có một điều chắc chắn, đôi bên đã cùng nhau tạo ra bước ngoặt thay đổi hoàn toàn bóng đá Nhật Bản ở những năm 2000.
Sẽ không thừa khi nhắc đến thành tích của HLV Troussier với Nhật Bản. Ông đến Nhật Bản sau thành công vang dội ở Bờ Biển Ngà và được ví von là “Phù thủy trắng”. Ngoài ra, Troussier còn phần nào hưởng lợi từ người mở đường ở xứ sở mặt trời mọc: Arsene Wenger.
Trong 4 năm dẫn dắt tuyển Nhật Bản, Troussier giúp đội bóng này vô địch Asian Cup 2000, lọt vào chung kết Confederations Cup 2001 và lần đầu tiên vượt qua vòng bảng World Cup vào năm 2002. Chiến công của “Samurai xanh” ở World Cup 2002 thậm chí được đánh giá cao hơn tuyển Hàn Quốc, bởi lẽ họ đã thi đấu sòng phẳng với các đối thủ và không vướng vào bê bối được trọng tài thiên vị. Ở vòng chung kết năm đó, Nhật Bản cũng chỉ dừng bước trước “hiện tượng” Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng đó không phải vấn đề chính. Thành công của Troussier nằm ở chỗ ông đã đào tạo nên một thế hệ vàng cho bóng đá Nhật Bản. Ít ai nhớ rằng Troussier là HLV đầu tiên trong lịch sử bóng đá Nhật Bản dẫn dắt cả đội tuyển Olympic và ĐTQG của nước này cùng lúc. Phải đến năm 2018, Hajime Moriyasu mới được giao trọng trách tương tự để vực lại các đội tuyển Nhật Bản.
Hiện tại, đây cũng chính là cách Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đang làm với HLV Troussier. VFF đặt trọn niềm tin vào “Phù thủy trắng” để hướng đến mục tiêu dự World Cup 2026 và trao cho ông toàn quyền lựa chọn cầu thủ từ lứa U20 trở lên.
Sự kiên định của VFF và HLV Troussier được thể hiện ngay từ những ngày tháng đầu tiên. Chiến lược gia người Pháp thường xuyên sử dụng các phát ngôn “đao to, búa lớn” nhưng ông hiểu rõ mình cần làm gì. Việc thay thế một HLV thành công như Park Hang-seo không bao giờ dễ dàng cho bất cứ ai. Để giảm bớt áp lực không cần thiết, Troussier buộc phải đặt ra những mục tiêu lớn hơn của người tiền nhiệm. Nhưng giới mộ điệu cần phải hiểu rõ bản chất: HLV người Pháp nói là nói vậy. Ví dụ như việc nâng tỷ lệ kiểm soát bóng khi đối đầu với Nhật Bản và Hàn Quốc, qua đó tiến sát đến trình độ của các quốc gia này. Đó là mục tiêu dài hạn, có thể kéo dài 5-10 năm, và HLV Troussier đơn giản đang nói đến hướng đi mà bóng đá Việt Nam phải theo đuổi ngay từ bây giờ.
Trong khi đó, VFF thể hiện lập trường bằng việc chấp nhận cử đội tuyển U20 Việt Nam tham dự ASIAD 19 và U23 Đông Nam Á 2024. Đây vốn là 2 giải đấu dành cho tuyển Olympic, nhưng thông qua tham mưu của HLV Troussier, VFF quyết định trẻ hóa đội hình hướng đến các mục tiêu xa hơn. Quan trọng không kém, sự thay đổi này sẽ giúp HLV Troussier có thêm thời gian làm việc cùng lứa U23 hiện tại cũng như ĐTQG Việt Nam trong 6 tháng cuối năm.
Bất chấp kết quả tại SEA Games 32 ra sao, kế hoạch của VFF cùng HLV Troussier vạch ra sẽ tiếp tục được triển khai theo đúng lộ trình. Đây là điều mà người hâm mộ bình thường không nhìn thấy hoặc muốn gạt bỏ khi đội nhà chơi không tốt. Triết lý chiến thuật thiên về kiểm soát bóng và triển khai tấn công từ hàng thủ của HLV người Pháp chỉ là một phần trong đó.
Cho đến thời điểm này, màn trình diễn của U22 Việt Nam dưới thời HLV Troussier rõ ràng không đủ thuyết phục. Sau khi thua 5 trận giao hữu, U22 Việt Nam có chiến thắng vất vả trước U22 Lào tại ngày ra quân ở SEA Games 32. Đó là trận đấu hiếm hoi mà người hâm mộ chứng kiến U22 Việt Nam bị U22 Lào ép ngược. Các cầu thủ của Troussier cũng không thể hiện được phong cách bóng đá như ông mô tả. Nhưng HLV người Pháp vẫn hài lòng. Hơn ai hết, ông hiểu rõ việc thay đổi phong cách của cả một nền bóng đá không hề đơn giản, đặc biệt với một quốc gia đang phát triển nhưng cuồng bóng đá như Việt Nam. Thời gian sẽ đưa ra câu trả lời chính xác nhất, và người hâm mộ có lẽ nên học cách kiên nhẫn hơn trong giai đoạn chuyển giao lịch sử này.
Xu hướng mới của bóng đá Đông Nam Á?
Bóng đá Việt Nam từng dẫn đầu xu hướng sử dụng HLV Hàn Quốc tại Đông Nam Á trong 5 năm qua với thành công vang dội cùng HLV Park Hang-seo. Hiện tại, vẫn còn 2 quốc gia sử dụng HLV Hàn Quốc là Indonesia (Shin Tae-yong) và Malaysia (Kim Pan-gon). Cả hai đều gây ấn tượng tốt cho dù chưa đạt được danh hiệu nào như HLV Park Hang-seo.
Với quyết định xây dựng chiến lược dài hơi theo phong cách Nhật Bản cùng HLV Troussier, bóng đá Việt Nam có thể tạo ra một xu hướng mới trong khu vực những năm tới. Trên thực tế, Campuchia mới là quốc gia mở ra con đường này, nhưng đẳng cấp bóng đá của họ quá thấp để làm hệ quy chiếu cho các liên đoàn khác noi theo. Với Đội tuyển quốc gia Việt Nam, câu chuyện sẽ khác đi rất nhiều. Sẽ không có gì bất ngờ nếu HLV Troussier thành công, giúp bóng đá Việt Nam từng bước định hình phong cách mới, những quốc gia cuồng bóng đá như Malaysia, Indonesia… sẽ lại học theo Việt Nam.
Thậm chí Thái Lan cũng bắt đầu xem xét hướng đi này. Đây là lý do tại sao họ chần chừ trong việc giữ chân Mano Polking cho dù HLV người Đức giúp “Voi chiến” vô địch AFF Cup 2 lần liên tiếp. Sau Asian Cup 2024, người Thái sẽ đánh giá lại bức tranh bóng đá của họ cũng như toàn khu vực - hay chính xác là của Việt Nam để đưa ra đối sách phù hợp.