Nhật Bản nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Thứ Hai, 19/08/2024, 21:46

Do những cú sốc như cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19, xung đột ở Ukraine và căng thẳng ở nhiều khu vực khác, Nhật Bản đang tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu của mình, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc và đầu tư mạnh vào sản xuất trong nước cũng như ở Đông Nam Á.

Ngay từ năm 2005, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất chiến lược "Trung Quốc+1" với các công ty đa quốc gia của Nhật Bản để phòng ngừa rủi ro khi quan hệ song phương Trung-Nhật trở nên nguội lạnh. Vào thời điểm đó, phản ứng của các công ty Nhật Bản đối với đề xuất này khá hờ hững. Tuy nhiên, lần này thì khác. Bị sốc trước tác động của các lệnh phong tỏa vì đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc, chính quyền cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã lập ngân sách 245,6 tỷ yên (1,56 tỷ USD) để giúp các công ty Nhật Bản chuyển hoạt động sản xuất về nước hoặc sang Đông Nam Á.

antg 1308 %3fnh 1.jpg -0
Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp chuyển chuỗi cung ứng về nước.

Năm 2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Trung Quốc đạt 127,6 tỷ USD, lớn nhất trong số các nước châu Á. Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia của Nhật Bản đã tận dụng quốc gia này làm nền tảng xuất khẩu cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên, mức thuế trừng phạt 25% do Mỹ áp đặt đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc và nguy cơ cuộc chiến thương mại leo thang đã làm tăng chi phí và sự không chắc chắn của các chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó thúc đẩy các công ty Nhật Bản đa dạng hóa hơn nữa chuỗi cung ứng của mình.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản hỗ trợ các công ty nước này chuyển chuỗi cung ứng về nước, trong khi Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) hỗ trợ chuyển chuỗi cung ứng sang các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ấn Độ và Bangladesh. Từ tháng 5/2020-3/2022, METI đã trợ cấp cho 439 dự án chuyển dịch hoạt động sản xuất về nước (onshoring), bao gồm các lĩnh vực như thiết bị y tế, phụ tùng ôtô, điện tử và chất bán dẫn. Trong cùng kỳ, JETRO đã phê duyệt 104 dự án chuyển hoạt động sản xuất về gần chính quốc (near-shoring) và cung cấp tới 5 tỷ yên (32 triệu USD) cho mỗi dự án. Cơ quan này cũng đã phối hợp với ASEAN để thực hiện chiến lược near-shoring nhằm tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản.

Năm 2023, Trung Quốc chiếm 17,6% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản. Đây cũng là một trong những quốc gia tiếp nhận nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất của Nhật Bản. Mục đích của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng là giảm sự phụ thuộc kinh tế của Nhật Bản vào Trung Quốc và giảm thiểu rủi ro từ mối quan hệ chính trị giữa hai quốc gia.

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng chất bán dẫn và gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng chip bán dẫn cho ngành công nghiệp ôtô - trụ cột của nền kinh tế công nghiệp Nhật Bản. Năm 2021, Chính phủ Nhật Bản đã công bố “Chiến lược về chất bán dẫn và ngành công nghiệp số” nhằm xây dựng lại ngành công nghiệp bán dẫn bằng các khoản trợ cấp của chính phủ. Năm 2022, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Đạo luật thúc đẩy an ninh kinh tế, yêu cầu chính phủ bảo đảm chuỗi cung ứng của các vật liệu quan trọng và duy trì sự ổn định của các cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như an ninh quốc gia.

Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và đang cùng các đối tác cũng như các quốc gia cùng chí hướng cố gắng tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực chất bán dẫn, xe điện và các ngành công nghiệp công nghệ cao khác. Với tầm quan trọng về địa chính trị và năng lực công nghệ, Nhật Bản được xem là đối tác có năng lực và đáng tin cậy nhất của Mỹ để cùng nhau tái thiết chuỗi cung ứng toàn cầu trong các ngành công nghiệp chiến lược. Tháng 3/2023, Mỹ và Nhật Bản đã ký Thỏa thuận về khoáng sản quan trọng để tăng cường hợp tác trong các chuỗi cung ứng vật liệu quan trọng, đồng thời đảm bảo các vật liệu pin xe điện (EV) được xử lý tại Nhật Bản không bị phân biệt đối xử theo Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. Hai tháng sau đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura đã đưa ra tuyên bố chung ủng hộ hợp tác để tạo ra hệ sinh thái bán dẫn có khả năng chống chịu tốt hơn và phát triển thế hệ bán dẫn tiếp theo. Nhật Bản đã tham gia liên minh bán dẫn của Mỹ và đã áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với 23 công nghệ bán dẫn.

Chính phủ Nhật Bản đang tận dụng động lực của việc tổ chức lại chuỗi cung ứng và cạnh tranh Mỹ-Trung để phục hồi ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Việc xây dựng chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt để đảm bảo an ninh quốc gia cũng giúp biện minh cho việc Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược bằng các khoản trợ cấp hào phóng. Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ 4.000 tỷ yên (25,4 tỷ USD) để trợ cấp đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn - khoản đầu tư lớn nhất xét theo GDP trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Cả các công ty bán dẫn Nhật Bản và nước ngoài đều đủ điều kiện nhận trợ cấp.

Chiến lược chuyển hoạt động sản xuất về các nước bạn bè (friend-shoring) đã tăng cường khả năng phối hợp giữa Nhật Bản và Mỹ về chính sách công nghiệp và nâng cao vai trò của Nhật Bản trong việc tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo động lực mới cho nước này tái công nghiệp hóa, lấy lại đà tăng trưởng. Ngoài ra, Nhật Bản có thể tận dụng lợi thế từ việc tham gia vào các sáng kiến thương mại tự do đa phương để củng cố vị thế lãnh đạo khu vực trong hoạt động xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững và kiên cường.

Khánh An (Theo East Asia Forum)
.
.