Nhiều bất thường từ việc thu hồi phiếu công bố mỹ phẩm

Thứ Tư, 02/07/2025, 08:00

Gần đây, việc một số doanh nghiệp mỹ phẩm tự nguyện rút giấy phép hoặc bị cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi công bố hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm đã cho thấy những động thái bất thường...

Nhiều mỹ phẩm nổi tiếng bị thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm 

Mới đây nhất, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc 20 lô sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH quốc tế Đại Cát Á (địa chỉ đăng ký tại TP Hồ Chí Minh) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Trong đó, 2 sản phẩm: Queendoes rhea serum (số tiếp nhận 241190/24/CBMP-QLD) và Renewing concentrate (số tiếp nhận 232960/24/CBMP-QLD) bị thu hồi và tiêu hủy do có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố; 18 mỹ phẩm khác do công ty đưa ra thị trường bị thu hồi do có nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố.

Cục Quản lý dược yêu cầu buộc tiêu hủy sản phẩm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm (không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa); yêu cầu Công ty Đại Cát Á phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng 20 sản phẩm nêu trên; tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi toàn bộ 20 sản phẩm không đáp ứng quy định...

Tương tự, Cục Quản lý dược cũng vừa có quyết định về việc thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (PCBSPMP) của một sản phẩm do Công ty CP dược liệu Trung ương 2 (địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh) chịu trách nhiệm đưa ra thị trường. Lý do là các công ty phân phối sản phẩm tại Việt Nam đề nghị thu hồi tự nguyện.

Nhiều bất thường từ việc thu hồi phiếu công bố mỹ phẩm -0
Vì tin vào văn bản được phân phối độc quyền, Công ty Dương Minh đã đầu tư xây dựng hệ thống phân phối mỹ phẩm chính hãng Obagi.

Đặc biệt, thời gian gần đây, hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm nổi tiếng mang thương hiệu Obagi (Hoa Kỳ) cũng đã bị Cục Quản lý dược ra quyết định thu hồi số tiếp nhận PCBSPMP Obagi. Theo đó, ngày 26/4/2025, Cục Quản lý dược ra quyết định thu hồi 3 số tiếp nhận PCBSPMP Obagi do Cục cấp đối với 3 sản phẩm: Obagi Clinical Vitamin C+ Arbutin Brightening Serum; Ogabi-C FXC-Clarifying Serum và Obagi-CFXC-Therapy Night Cream. 

Công ty TNHH Waldencast Việt Nam (địa chỉ: tòa nhà AB Tower, 76A đường Lê Lai, TP Hồ Chí Minh) là doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa 3 sản phẩm trên ra thị trường và công ty này đã đề nghị thu hồi tự nguyện số tiếp nhận PCBSPMP...  

Trước đó, ngày 24/12/2024, Cục Quản lý dược ra quyết định thu hồi 33 số tiếp nhận PCBSPMP của Công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam (Công ty Obagi Việt Nam; địa chỉ: tầng 2, Hà Đô Airport Building, số 2 Hồng Hà, TP Hồ Chí Minh) đối với sản phẩm mỹ phẩm (có danh mục kèm theo quyết định). Lý do thu hồi vì công ty chưa nhập khẩu, kinh doanh 33 sản phẩm mỹ phẩm này và đề nghị thu hồi tự nguyện số tiếp nhận PCBSPMP. 

Tiếp đó, ngày 30/12/2024, Cục Quản lý dược đã đồng ý với đề nghị thu hồi tự nguyện đối với 8 sản phẩm mỹ phẩm của Công ty Obagi Việt Nam, để bảo đảm an toàn cho người sử dụng (có danh sách sản phẩm mỹ phẩm kèm theo) do sản phẩm có phát hiện chất cấm hydroquinone với hàm lượng 0,019%; 0,027%). 

Cục Quản lý dược đã yêu cầu Công ty Obagi Việt Nam phối hợp với các đơn vị phân phối: gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng và thu hồi toàn bộ các lô sản phẩm mỹ phẩm có nghi ngờ về chất lượng nêu trên. Rà soát toàn bộ các sản phẩm mỹ phẩm công bố tại Việt Nam chứa thành phần arbutin và xem xét, đánh giá lại các tài liệu liên quan: hồ sơ nghiên cứu sản phẩm, quy trình sản xuất, nghiên cứu độ ổn định để bảo đảm sản phẩm đưa ra lưu thông đạt chất lượng...

Động thái trên của Cục Quản lý dược căn cứ Công văn số 010-2024-OBGVN ngày 18/12/2024 của Công ty Obagi Việt Nam về việc tự nguyện thu hồi sản phẩm mỹ phẩm Obagi Nu-Derm Clear FX, Obagi Nu-Derm Blend Fx, Obagi Clinical Vitamin C+ Arbutin Brightening Serum, Obagi-C Fx C-Clarifying Serum, Obagi-C Fx C-Therapy Night Cream của công ty đứng tên công bố, do công ty phát hiện trong một số điều kiện nhất định (như tiếp xúc lâu dài với nhiệt độ hoặc ánh sáng), thành phần beta arbutin trong sản phẩm có thể bị thủy phân, giải phóng ra một lượng rất nhỏ hydroquinone tự do. 

Tiếp đó, căn cứ đề nghị của Công ty Obagi Việt Nam tại văn bản số 001/CV-OBAGI ngày 26/11/2024, Cục Quản lý dược tiếp tục ra quyết định thu hồi 33 số tiếp nhận PCBSPMP đối với sản phẩm mỹ phẩm (có danh mục kèm theo quyết định này). Lý do thu hồi: Công ty chưa nhập khẩu, kinh doanh 33 sản phẩm mỹ phẩm (có danh mục kèm theo quyết định này) và đề nghị thu hồi tự nguyện số tiếp nhận PCBSPMP.

Ngoài ra, ngày 3/6/2024, Cục Quản lý dược đã ban hành công văn về việc tạm ngừng lưu hành lô sản phẩm mỹ phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream do Công ty Obagi Việt Nam nhập khẩu và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường vì trong sản phẩm có chất cấm sử dụng.

Gần đây, ngày 28/4/2025, Cục Quản lý dược ra quyết định thu hồi tới 64 số tiếp nhận PCBSPMP Obagi của Công ty Obagi Việt Nam (có danh sách mỹ phẩm kèm theo)...

Bên cạnh Công ty Obagi Việt Nam thì Công ty Wadencast Việt Nam cũng bị Cục Quản lý dược thu hồi 3 số tiếp nhận PCBSPMP do Cục này cấp đối với sản phẩm mỹ phẩm Obagi gồm: Obagi Clinical Vitamin C+ Arbutin Brightening Serum; Ogabi-C FXC-Clarifying Serum và Obagi-CFXC-Therapy Night Cream. Cả 3 sản phẩm đều của nhà sản xuất SWISS-American CDMO LLC có địa chỉ tại 2055 Lima Road#126 Carrollton, TX 75006, USA và được cấp phép lưu hành cho Công ty Wadencast Việt Nam tháng 11 và 12/2024. Việc thu hồi này căn cứ đề nghị của Công ty Wadencast Việt Nam về việc thu hồi tự nguyện số tiếp nhận PCBSPMP. 

Như vậy, từ tháng 12/2024 đến nay, Cục Quản lý dược đã ra quyết định thu hồi hơn 100 số tiếp nhận PCBSPMP đối với sản phẩm mỹ phẩm Obagi. Đáng nói, xung quanh việc phân phối các sản phẩm mang thương hiệu Obagi thời gian qua cũng có nhiều lùm xùm với một số doanh nghiệp liên quan... 

Có hay không việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp?

Theo bà Bích Thu, Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Dương Minh (Công ty Dương Minh; trụ sở số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hồ Chí Minh), vừa qua công ty đã gửi đơn tới nhiều cơ quan chức năng nhằm phản ánh việc công ty của mình bị cạnh tranh bất thường từ một số công ty khác.

Cụ thể, từ tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý dược cấp số tiếp nhận PCBSPMP đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam. Bà Hà Kim Nguyễn - nhà phân phối của Obagi toàn cầu phụ trách khu vực Đông Nam Á kết nối với Obagi Hoa Kỳ như người đại diện. Hai bên đã ký kết làm thủ tục chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự...

Suốt từ năm 2017 đến 2019, Công ty Dương Minh vừa xây dựng cơ sở vật chất vừa từng bước để xây dựng thị trường phân phối sản phẩm Obagi. Khách hàng nhận biết thương hiệu Obagi tăng trưởng liên tục nhờ những nỗ lực phát triển thị trường sáng suốt và không ngừng nghỉ của Công ty Dương Minh thông qua các hoạt động marketing với khoản chi lớn. Thời điểm cao nhất, Công ty Dương Minh đã xây dựng được 8.000 cơ sở phân phối trên toàn quốc.

Tuy nhiên, tháng 9/2021, bà Hà Kim Nguyễn bất ngờ thông báo với Công ty Dương Minh rằng, Obagi Hoa Kỳ đã được bán cho chủ mới và sau năm 2021 có thể Công ty Dương Minh sẽ không còn được phép bán sản phẩm Obagi ở Việt Nam nữa. Chỉ còn cách là Công ty Dương Minh mua số lượng lớn hàng của Obagi, đảm bảo doanh thu. Vì Công ty Dương Minh không có bất kỳ văn bản xác nhận nào từ bà Hà Kim Nguyễn hay Obagi Hoa Kỳ nên đã tin tưởng và mua số lượng hàng trị giá nhiều triệu USD từ Obagi Hoa Kỳ từ đầu năm 2022.

Cũng theo yêu cầu của bà Hà Kim Nguyễn, ngày 28/2/2022, Công ty Dương Minh lập mới Công ty TNHH Obagi Medical Việt Nam để tiếp tục đăng ký bộ hồ sơ PCBSPMP mới... 

Ngày 31/3/2022, Công ty Obagi Medical Việt Nam nhận được thư ủy quyền và giấy chứng nhận lưu hành tự do được cấp bởi Obagi Hoa Kỳ. Nội dung bộ hồ sơ này cấp cho Công ty Obagi Medical Việt Nam quyền nhập khẩu và phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam, có giá trị đến 31/12/2025. Tuy nhiên, bất ngờ, ngày 4/8/2022, CEO của Công ty Obagi Hoa Kỳ đã gửi email chấm dứt quyền phân phối độc quyền sản phẩm Obagi tại Việt Nam của Công ty Dương Minh và Công ty Obagi Medical Việt Nam ngay lập tức mà không giải thích lý do hoặc cung cấp một thời gian lộ trình chấm dứt hợp lý. Trong khi đó, thư ủy quyền và giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm cho Công ty Dương Minh và Công ty Obagi Medical Việt Nam được lập dưới hình thức chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự vẫn còn nguyên hiệu lực.

Đáng nói, ngay thời điểm đó, bà Hà Kim Nguyễn lại thành lập Công ty Obagi Việt Nam để tiến hành tự đăng ký hồ sơ công bố mỹ phẩm Obagi riêng nhằm tự nhập khẩu và phân phối sản phẩm Obagi. 

Theo bà Bích Thu, chính vì những động thái trên, Công ty Dương Minh đã bị thiệt hại nhiều triệu USD... Đến tháng 7/2023, sau gần 1 năm nỗ lực thương lượng để giải quyết sự việc với tinh thần thiện chí, hợp tác nhưng không có kết quả, đứng trước thiệt hại quá lớn, Công ty Dương Minh đã nộp đơn kiện hãng Obagi Hoa Kỳ, tập đoàn Waldencast (chủ sở hữu thương hiệu Obagi tại Hoa Kỳ) tại Tòa án Liên bang California (Hoa Kỳ) để yêu cầu bồi thường thiệt hại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Dương Minh. Vụ việc hiện vẫn đang trong quá trình xử lý. Đồng thời, từ đó đến nay Công ty Dương Minh liên tục cầm đơn gõ cửa nhiều bộ ban, ngành Trung ương và địa phương trong nước để phản ánh nhưng chưa có kết quả.

Đáng nói, từ ngày 26/9/2024, Công ty Obagi Hoa Kỳ ủy quyền song song cho Công ty Obagi Việt Nam và Công ty Waldencast Việt Nam đồng thời được nhập khẩu, phân phối và công bố mỹ phẩm Obagi tại Việt Nam. Sau đó, kể từ tháng 1/2025, các sản phẩm thuộc nhãn hàng Obagi được chuyển dần nhà nhập khẩu và phân phối từ Công ty Obagi Việt Nam sang Công ty Waldencast Việt Nam, và sau đó, Waldencast Việt Nam sẽ thay thế hoàn toàn Obagi Việt Nam...

Không phải rút số công bố sản phẩm là không còn căn cứ để xử lý nghiêm

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Tạ Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, việc thu hồi tự nguyện số công bố sản phẩm là quyền của doanh nghiệp tự quyết định. Cục Quản lý dược giải quyết việc thu hồi số tiếp nhận PCBSPMP theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT. Theo đó, doanh nghiệp nộp bộ hồ sơ, cơ quan quản lý rà soát hồ sơ, thành phần, tính năng, công dụng của sản phẩm mỹ phẩm doanh nghiệp kê khai phù hợp; tính năng, công dụng và thông qua. 

“Hồ sơ, tài liệu công bố mỹ phẩm đơn giản, thời gian giải quyết ngắn, kinh phí không nhiều, nên doanh nghiệp dễ dàng công bố nhiều sản phẩm mỹ phẩm. Thậm chí, có hiện tượng công bố bao vây, công bố không nhập khẩu để kinh doanh lưu thông dẫn đến nhiều con số ảo. Thực tế, số lượng sản phẩm công bố đưa vào kinh doanh, sản xuất ít hơn so với hồ sơ”, ông Tạ Mạnh Hùng cho biết.

Cũng cần nói rõ là theo quy định, việc công bố sản phẩm là một điều kiện bắt buộc trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Do đó, hành động thu hồi số tiếp nhận PCBSPMP đồng nghĩa với việc sản phẩm không còn được phép lưu hành. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp bị yêu cầu thu hồi hay tự nguyện rút hàng loạt sản phẩm trong đó có những sản phẩm từng được quảng bá rầm rộ thì dư luận có quyền đặt câu hỏi: Liệu có phải các sản phẩm này không đạt tiêu chuẩn hoặc có khuất tất khiến doanh nghiệp phải tự thu hồi? 

Ông Tạ Mạnh Hùng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2025, số lượng thu hồi PCBSPMP, thu hồi quyết định cơ sở đủ điều kiện sản xuất tăng tới hơn 300 sản phẩm. Nhưng, ông Tạ Mạnh Hùng khẳng định, dù doanh nghiệp xin thu hồi tự nguyện, nếu cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm có dấu hiệu vi phạm thì vẫn có thể xử lý nghiêm được, không phải rút số là không còn căn cứ để xử lý.  

Phú Lữ
.
.