Nhìn lại 2 năm cầm quyền của ông Kishida

Thứ Hai, 23/10/2023, 14:14

2 năm sau khi chính thức trở thành Thủ tướng thứ 64 của Nhật Bản, ông Fumio Kishida đang đối mặt với nhiều khó khăn và vị thế bấp bênh của ông trong đảng cầm quyền có thể khiến ông phải nhìn về tương lai với sự lạc quan thận trọng.

Kể từ khi ông Kishida trở thành Thủ tướng, Nhật Bản đã trải qua và chứng kiến ​​những thay đổi đáng kể cả trong nước và trên trường quốc tế, đặc biệt nền kinh tế trong nước hiện đang phải đối mặt với lạm phát lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.

Nhìn lại 2 năm cầm quyền của ông Kishida -0
Sau 30 năm chìm trong giảm phát, Nhật Bản đang đối mặt với áp lực giá cả trên diện rộng.

Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Kishida đã sớm đưa ra khuôn khổ chính sách “chủ nghĩa tư bản mới”, đôi khi được gọi là “Kishidanomics”. Hầu hết các nhà phân tích đều lưu ý rằng “Kishidanomics” tập trung vào phân phối lại thu nhập, mức lương tối thiểu công bằng, củng cố các dịch vụ an sinh xã hội và giảm khoảng cách giàu nghèo. Các nhà phê bình cho rằng tác động của các chính sách này là không đồng đều và một số thậm chí còn đánh giá rằng chính sách đó chưa đủ để kích thích nền kinh tế đang trì trệ của quốc gia.

Tiền lương thực tế tại Nhật Bản đang trì trệ bất chấp việc thị trường lao động eo hẹp. Điều này ảnh hưởng đến người dân bình thường khi giá tiêu dùng tháng 9/2023 tăng 3,1%, đánh dấu tháng thứ 25 lạm phát tăng liên tiếp, cũng như tháng thứ 18 liên tiếp lạm phát cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đề ra.

Dù trong bối cảnh tài chính của Nhật Bản vẫn “căng thẳng” do chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và tình trạng lạm phát kéo dài, ông Kishida gần đây đã bắt đầu nói về việc giảm thuế với lý do "trả lại" doanh thu thuế tăng lên từ sự phục hồi kinh tế cho người dân. Đằng sau điều này rõ ràng là động cơ của ông để nhằm giữ cho chính quyền của mình tiếp tục tồn tại.

Ngoài ra, gần đây tại Nhật Bản đã xuất hiện các cuộc thảo luận về việc thành lập các đặc khu kinh doanh tài chính cho các công ty quản lý tài sản với mục đích khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Nhật Bản. Vấn đề với cách tiếp cận này là nó thực sự chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Ngoài thuế cao, việc Nhật Bản không thể thu hút được đầu tư nước ngoài còn xuất phát từ tổng hợp các yếu tố bao gồm luật về lợi tức vốn, môi trường kinh doanh bị quản lý quá mức,...

Ngoài vấn đề kinh tế, ông Kishida cũng phải đối mặt với một loạt vấn đề khác ở trong nước. Theo dữ liệu mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Nhật Bản đứng thứ 125 trong số 146 quốc gia trong bảng xếp hạng khoảng cách giới năm nay, vị trí cuối cùng trong nhóm G7 và cũng thấp hơn so với các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ngoài ra, đầu năm 2023, Thủ tướng Kishida cũng thừa nhận trước phiên họp quốc hội một điều chưa từng có, rằng Nhật Bản đang “trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội” do khủng hoảng dân số. Nhật Bản đang già đi. Độ tuổi trung bình của người dân Nhật Bản hiện là 49. Trong khi đó, so với các nước phát triển khác, Nhật Bản cũng là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất, với tỷ lệ sinh đã giảm xuống còn 1,3 ca sinh trên 1 phụ nữ trong vài thập kỷ qua, một trong những mức thấp nhất ở châu Á. Có thể thấy những thách thức ở trong nước của Nhật Bản dường như được kế thừa từ chính quyền này đến chính quyền khác với mức độ khó giải quyết ngày càng tăng lên.

Chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa là đến cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào tháng 9/2024, ông Kishida đang mong muốn trở thành một trong những thủ tướng có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử gần đây. Tuy nhiên, từ những khó khăn trên, cộng với vị thế bất bênh của ông trong LDP - nơi phe của ông chỉ lớn thứ tư với 46 nghị sĩ, ông sẽ phải nhìn về tương lai với sự lạc quan thận trọng.

Theo kết quả thăm dò do nhiều báo và hãng tin lớn của Nhật Bản thực hiện mới đây, tỷ lệ ủng hộ nội các Thủ tướng Kishida không những không cải thiện sau đợt cải tổ tháng 9 mà còn có xu hưởng giảm thêm, đa số đều thấp ở mức kỷ lục kể từ thời điểm nhậm chức là tháng 10/2021. Báo Yomiuri Shimbun công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các Thủ tướng Kishida ở mức 34%, trong khi tỷ lệ không ủng hộ là 49%. Cuộc thăm dò dư luận của hãng tin Kyodo cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các Thủ tướng Kishida là 32,2%, thấp hơn so với mức kỷ lục ghi nhận trước đó là 33,1%, trong khi tỷ lệ không ủng hộ là 52,5%, cũng là con số cao kỷ lục.

Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Kishida đã chứng tỏ mình có khả năng phục hồi tốt hơn những con số cho thấy, vượt qua hai cuộc bầu cử quốc gia và môi trường an ninh ngày càng phức tạp. Vậy đâu là lý do cho sự tồn tại bền vững này?

Các chuyên gia cho rằng, chia rẽ trong phe đối lập thực sự là một trong những yếu tố chính giúp chính quyền Thủ tướng Kishida tồn tại lâu dài. Khi những đồn đoán về một cuộc bầu cử sớm có thể diễn ra vào mùa Thu ngày càng gia tăng, hai đảng đối lập lớn nhất - đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản và Nippon Ishin no Kai - dường như đang cạnh tranh để giành vị trí đảng lớn thứ hai trong quốc hội, thay vì nỗ lực lật đổ khối cầm quyền.

Những trở ngại lớn cho việc thành lập phe đối lập thống nhất giúp LDP trở thành lựa chọn khả thi nhất đối với nhiều cử tri, bất chấp sức mạnh tổ chức bên ngoài các khu vực đô thị đang suy yếu và số phiếu bầu bị giảm sút trong các cuộc bầu cử quốc gia. Trên hết, việc không có người thay thế phù hợp cho ông Kishida để lãnh đạo đảng cho đến nay vẫn có lợi cho ông, vì các ứng cử viên tiềm năng khác dường như không có khả năng tập hợp mức độ ủng hộ như ông đã có 2 năm trước.

Trong bối cảnh này, động lực nội bộ của LDP, cùng với khả năng tổ chức một cuộc bầu cử trước thời hạn có thể củng cố vị thế của Thủ tướng Kishida, mang lại cho ông nhiều đòn bẩy hơn trước cuộc bầu cử chủ tịch đảng vào năm tới.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.