Nhớ Tây Bắc

Thứ Bảy, 15/01/2022, 11:31

Tôi có cái may mắn trải nghiệm khá nhiều, sinh ra tại Hà Nội, lớn lên và học phổ thông ở Thanh Hóa, rồi lại ra Hà Nội học Đại học, giờ lại về công tác ở quê nhà Hà Nam. Nhưng, thời gian đẹp nhất của cuộc đời, từ năm hơn 20 tuổi đến năm chạm mốc 40, lại được sống cùng bà con đồng bào các dân tộc Tây Bắc, với rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên.

1. Hồi mới ra trường, chuyến đi công tác đầu tiên, đầu những năm 2000, hồi đó đừng nói là phương tiện liên lạc, ngay cả đường đi cũng là cái gì đó khó hình dung với đa phần bà con miền xuôi. Bằng chứng là qua đèo Pha Đin khi đó, lần đầu tiên tôi biết khái niệm đi đường mà “có 4 chân thì 3 chân bám đường, một chân thò ra miệng vực”.

Khó hình dung lắm đúng không? Đó chính là mô tả xe tải 4 hàng bánh khi đi trên đèo Pha Đin đấy, những lái xe quả là siêu nhân khi vào các cua tay áo, chỉ còn 3 hàng bám đường, một bánh thò hẳn ra miệng vực, vậy mà vẫn đi được. Đấy là lý do của lần rơi nước mắt đầu tiên khi nhận quyết định đi Tây Bắc công tác. Thú thật, cậu thanh niên nào rời Hà Nội với chiếc điện thoại di động Nokia, lên với Tây Bắc lúc đó, khi chiếc điện thoại chỉ còn chức năng chơi trò rắn săn mồi huyền thoại, chẳng rơi nước mắt trong bữa rượu mềm môi đầu tiên ở cực Tây của Tổ quốc?

Lúc đó, có ông anh đã nói với tôi: rồi chú sẽ rơi nước mắt lần 2 khi rời đây. Khi đó chẳng hiểu đâu, chỉ mong sớm được rời thôi; nhưng bất ngờ là chỉ 5 năm sau, chính mình cũng nói với những cậu em mới ra trường như vậy. Còn với tôi, tháng 10-2018, khi nhận quyết định trở về quê nhà, tôi lại rưng rưng lần nữa thật. Vì chính tình cảm, kỷ niệm với đồng bào đã khiến tôi khóc lần 2 là như thế.

Nhớ Tây Bắc -0
Ảnh: Nguyễn Đình Lâm.

2. Chuyến đầu tiên lên bản vận động bà con, thế nào đi đúng hướng có mấy tổ ong rừng người ta vừa phá để lấy mật; một mẻ chạy gần chết, ong cứ bu vào đốt, phi đại vào bụi cây tránh, rồi rút thuốc lá đốt 4, 5 điếu 1 lúc phả khói mờ mịt, khói thuốc lá xua được ong (kinh nghiệm thiết thân học được từ cuộc sống khi nhà còn ở vùng núi Tây Thanh Hóa), và đó là lần duy nhất thấy khói thuốc lá có lợi cho sức khỏe; cơ mà chuyện là chui vào bụi thì được, lúc định ra mới phát hiện chui nhầm bụi gai; cha chả vui. Lúc đến bản, bà con mời rượu pha mật ong vừa lấy; mọi người bảo, rượu ngâm ong quý lắm, mà người sẵn nọc ong rồi thì giờ chỉ cần đổ rượu vào người tự ngâm. Lần này không phải vui mà là vui quá!

3. Lại có lần, vừa cưới vợ, đi xác minh đối tượng, vào vùng lõm không có sóng điện thoại, không cả điện thoại bàn, có mỗi máy vinasat, cơ mà đúng dịp mưa, chẳng gọi được. Đến lúc ra được trung tâm, chỗ có sóng di động, bật máy gọi sếp, sếp nói chú gọi báo cáo cô ấy luôn đi đã, chút báo cáo anh sau, chứ vợ chú đang lục tung lên tìm chú, có khi đòi kiện cả cơ quan ý. Thôi gọi luôn về cho vợ đã. Đánh án thì cũng vẫn phải lưu ý khâu "hậu cần" mà.

5 năm sau, lần này cầm quân đi bắt đối tượng có vũ khí nóng. Phải ém quân đi lúc trời tối mới áp sát nhà đối tượng được. Lần này lại đến cậu em trong phòng, vừa cưới vợ, cứ tí chút vợ lại léo nhéo điện thoại kiểm tra chồng, mà trời tối ở cái vùng rừng núi, một tiếng chuông hay ánh đèn điện thoại bị bọn nó phát hiện thì "đi cả lũ". Điên tiết giằng điện thoại "mắng" con bé: "Cô định cho bọn anh chết hết hay sao? Gọi cái gì? "Nó" đi công tác cùng anh, không phải đi chơi", vân vân và... cả văng tục nữa, làm cô em sợ chết khiếp. Cơ mà được cái sau đó, ông em trốn vợ đi nhậu chỉ ngắn gọn câu thần chú "đang đi cùng a P" là vợ im thít, làm mình lại phải chỉnh thằng em ko được lạm dụng thần chú quá, khéo mất thiêng!

4. “Dạ xin lỗi, nhưng cô còn băng vệ sinh không? Cho tôi xin 1 chiếc”. Khi tôi thốt ra câu này, cô giáo "cắm bản" đã nhìn mình như thể sinh vật lạ, hoặc nói như bạn trẻ bây giờ là biến thái, còn 2 cậu em cùng đơn vị chưa vợ thì mặt đỏ tía tai. Đành phải giải thích: “Là thế này cô ạ, cậu em tôi bị vắt cắn, vào chỗ khá khó, mà nó chảy nhiều máu quá, tôi định lấy thuốc lá rịt cho nó cầm máu, nhưng không có cái gì để băng. Cô cho tôi xin 1 cái băng vệ sinh làm gạc rịt thuốc cầm máu”.

Nghe xong thì cô giáo cũng cười đỏ mặt, nhưng rồi sốt sắng lấy cho 1 dụng cụ cầm máu đặc biệt này. Sở dĩ có câu chuyện trên, là do 3 anh em đi bộ đường rừng, cậu em lớ ngớ thế nào để vắt bò lên tận bẹn, cắn cho phát no máu. Chắc mọi người cũng hiểu vắt rừng nó như thế nào, nó mà cắn no xong máu chảy thì thôi rồi, hơn đỉa nhiều, ấy vậy lại cắn chỗ hiểm nữa, chả biết lấy cái gì để băng. May sao, hồi đó mình cưới vợ rồi, cũng biết chút, về đến bản đánh liều hỏi xin cô giáo đồ dự trữ đó (đừng tưởng dễ mua những thứ như vậy ở bản đâu nhé, thường các cô phải ra tận thị trấn, cách 30km thôi, nhưng đi cả ngày, để mà mua những thứ thiết yếu như vậy).

Thời gian gần đây, bạn chắc có biết đến nhiều bài viết, clip của người nước ngoài nói về tình yêu với lá cờ đỏ sao vàng của người Việt; xin thưa, bạn sẽ cảm nhận được điều đó khi đến những nơi khó khăn nhất của đất nước, những vùng biên giới, hải đảo. Với anh em Tây Bắc chúng tôi, một kinh nghiệm thiết thân khi đi lạc, điều rất dễ xảy ra khi đi đường rừng, là cố gắng định hướng xem chỗ nào có bóng cờ đỏ gần nhất, thì nhanh chóng mà tìm đến đó, chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ. Tây Bắc - Việt Nam là thế đó! 

Đặng Phương
.
.