Nhọc nhằn ảo thuật kiếm cơm

Thứ Ba, 19/04/2022, 10:19

Cuộc sống hiện đại với những phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nhiều gia đình đã từ bỏ thói quen đưa con em mình đến rạp xiếc đông đúc. Thay vào đó họ thuê hẳn những diễn viên là các ảo thuật gia đến tận nhà để biểu diễn trong những dịp như: ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày Rằm Trung thu hay ngày sinh nhật của con mình.

Chính vì nhu cầu biểu diễn tại gia ngày một lớn nên nghề “ảo thuật gia tại gia” đã trở thành một nghề hot mà rất nhiều bạn trẻ, thậm chí là nghệ sĩ xiếc lựa chọn. Nhưng đường đời, đâu có bao giờ bằng phẳng cho người nghệ sĩ?

Nghề hot?

Ảo thuật là bộ môn nghệ thuật hấp dẫn bởi độ bí hiểm, bất ngờ và sáng tạo. Chính vì thế đây là loại hình sống tốt nhất hiện nay của bộ môn xiếc, đặc biệt thị trường lại rất rộng mở. Chỉ từ 30 phút đến 1 tiếng biểu diễn, mỗi ảo thuật gia có thể kiếm được 1 đến 1,5 triệu đồng, thậm chí là nhiều hơn, tùy vào độ khó của từng tiết mục.

Ngoài ra, nếu biểu diễn hay, làm hài lòng gia chủ họ có thể được nhận thêm khoản tiền tips (tiền thưởng). Nhu cầu xem biểu diễn ảo thuật thường xuất hiện ở các đám cưới, các cuộc liên hoan, những bữa tiệc phục vụ các em nhỏ cũng bởi một tiết mục ảo thuật thường ngắn gọn, hấp dẫn và không tốn nhiều diện tích biểu diễn.

Nhọc nhằn ảo thuật kiếm cơm -0
Để huấn luyện thành thục được một chú chim biểu diễn trên sân khấu cũng phải mất từ 6 tháng đến 1 năm

Nguyễn Văn Trường sinh năm 1996 (quê Nghệ An) vẫn được trong giới gọi là Trường Magic. Trường là trưởng nhóm ảo thuật, chuyên phục vụ biểu diễn ảo thuật cho các bữa tiệc, hội họp…đặc biệt nhóm của anh rất phát triển dịch vụ “Ảo thuật tại gia”. Trường kể: “Trước đây bọn em thường đi biểu diễn theo đoàn, dần dần theo nhu cầu của các gia đình nên dịch vụ ảo thuật tại gia đã được ra đời. Thực tế chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “thuê ảo thuật tại gia” có thể cho ra hàng trăm kết quả. Khoảng 4 năm trở lại đây dịch vụ này rất phát triển. Không chỉ biểu diễn mua vui cho các em nhỏ mà dịch vụ ảo thuật tại gia còn phục vụ cả người lớn”.

Theo như Trường chia sẻ, mùa bội thu của nghề ảo thuật là vào những ngày tết Trung thu hay Quốc tế thiếu nhi. Lượng khách đặt hàng rất đông, nhiều khi phải khóa page, web vì quá tải. “Dịch vụ chú hề, ảo thuật gia, xiếc tung hứng hài hước trong 1 giờ có giá dao động từ 1,5 -3 triệu đồng. Hai năm nay do dịch bệnh COVID-19, các đơn đặt hàng hoặc các gói dịch vụ đã giảm đi rất nhiều nên giá cả cũng giảm 20-30% so với trước đó. Trước đây chưa có dịch chúng tôi hay nhận được đơn biểu diễn cho nhà trường, khu dân cư nhưng giờ thì chủ yếu các gia đình thuê đến tận nhà biểu diễn cho con họ trong những dịp sinh nhật” - Ảo thuật gia Văn Trường cho biết thêm.

Nhọc nhằn ảo thuật kiếm cơm -0
Một buổi biểu diễn ảo thuật chú hề tại gia trong dịp sinh nhật

Theo như lời kể của ảo thuật gia Hoàng Lam làm tại công ty dịch vụ trang trí sinh nhật, thường các năm trước lượng ảo thuật gia còn ít nên việc chạy show không kịp. Tuy nhiên, do nhu cầu ngày càng cao của người dân, các nhóm ảo thuật biểu diễn tại gia cũng xuất hiện nhiều hơn, cạnh tranh rất khốc liệt. “Việc ngày càng nhiều các nhóm nhận biểu diễn ảo thuật tại nhà cũng rất dễ hiểu. Những màn biểu diễn khó thì tôi không nói nhưng để biểu diễn một vài trò ảo thuật đơn giản thì học cũng rất nhanh.

Chính vì thế nhiều các bạn trẻ đã lập thành các nhóm đi biểu diễn, ban đầu là kiếm thêm thu nhập, sau đó phát triển thành hẳn những công ty giải trí. Để tồn tại được, các nhóm bên cạnh việc nâng cao trình độ ảo thuật ra thì còn phải đưa ra những gói biểu diễn giá rẻ hơn. Như công ty của tôi đợt dịch này cũng gặp nhiều khó khăn, các đơn đặt hàng biểu diễn giảm đi trông thấy. Chủ yếu là các gia đình thuê biểu diễn trong ngày sinh nhật con”, anh Lam chia sẻ.

Duyên nợ với nghề

Với những người làm nghề ảo thuật tại gia chủ yếu đều có điểm chung là sự đam mê, họ có thể là những người lao động phổ thông vì yêu nên học và theo nghề. Có thể lại là một sinh viên có nhu cầu đi làm thêm.

Ảo thuật gia Nguyễn Văn Trường thì đến với bộ môn ảo thuật cũng thật tình cờ. Trường quê ở Nghệ An, vốn là sinh viên trường Đại học Kiến Trúc, vì điều kiện gia đình không được khá giả nên anh quyết định làm thêm để phụ giúp cha mẹ tiền ăn học. Được một người giới thiệu, Trường vào một đoàn biểu diễn xiếc ảo thuật để làm thêm.

Nhọc nhằn ảo thuật kiếm cơm -0
Để học được tiết mục thổi lửa, hầu hết các ảo thuật gia đều từng trải qua những lần bị bỏng

Kể từ đó Trường nhận ra rằng, nghề này đã chọn mình và quyết tâm theo nghề cho bằng được. Là một sinh viên chỉ biết đến đèn sách nên anh gặp không ít khó khăn trong việc tập luyện. Rất nhiều lần Trường đã đổ máu do lúc tập luyện bị các đạo cụ đập vào tay, vào đầu. Rồi có những lần bỏng tay, cháy đạo cụ khi tập các màn biểu diễn thổi lửa, múa lửa.

Trường cho biết: “Lúc đầu tập luyện cũng khá vất vả, nhiều bạn không đủ kiên trì đã phải bỏ ngang. Sau một thời gian đi tập và biểu diễn ảo thuật, bố mẹ em ở quê biết và phản đối kịch liệt. Em đã phải giải thích và động viên bố mẹ rất nhiều, đến bây giờ thì phụ huynh cũng phải chấp nhận rồi”. Theo học nghề khoảng 3 tháng, sau đó đi theo bậc đàn anh biểu diễn khoảng 1 năm thì Trường có thể tự biểu diễn được.

Luyện tập vất vả, gian khổ là thế đến khi đi biểu diễn các ảo thuật gia lại gặp không ít chuyện buồn. Khi thì bị các bạn khán giả nhỏ tuổi nghịch ngợm giật tóc giả, giấu đạo cụ… lúc thì bị chính gia đình thuê mình coi thường. “Có nhiều khi đi biểu diễn tại gia, bọn em làm liên tục trong 2 tiếng, chủ nhà cũng không mời nổi cốc nước, hết tiết mục là đưa tiền rồi về. Thậm chí có nhiều lần đi biểu diễn các em nhỏ chỉ chăm chú nghịch điện thoại mà không xem bọn em biểu diễn. Những lúc như vậy bọn em thấy rất tủi thân, chỉ muốn biểu diễn cho nhanh để đi về” – Trường ngậm ngùi kể lại.

Nhọc nhằn ảo thuật kiếm cơm -0
Tiết mục thổi bong bóng theo các hình khác nhau được nhiều bạn trẻ yêu thích

Để lập được một nhóm biểu diễn ảo thuật tại gia là việc không hề đơn giản. Bởi người đứng ra sáng lập phải là người có nghề, phải đào tạo được các thành viên, chi phí mua đạo cụ, thùng đựng, loa là tương đối lớn. Đơn giản như việc đào tạo một chú chim bồ câu để biểu diễn cũng tốn khoảng 6 tháng. Việc bay mất chim khi đang biểu diễn là không hề hiếm. “Để huấn luyện được một chú chim bồ câu là rất kỳ công, việc mất chim lại xảy ra thường xuyên. Trong lúc biểu diễn tung chim lên trời xong rồi chim bay đi luôn hoặc đến nhà biểu diễn các bạn nhỏ đùa nghịch tung chim bay lên cả nóc nhà chung cư”.

Bùi Ngọc Hiếu, sinh năm 1992 tại Hà Nội đến với nghề này từ năm 2011. Hiện Hiếu không chỉ biểu diễn mà còn là trưởng nhóm điều hành gần 20 ảo thuật gia chuyên biểu diễn tại gia, hội nghị, trường học. Con đường đến với nghề ảo thuật của chàng trai Hà Nội này cũng thật tình cờ. Ban đầu khi xem các tiết mục biểu diễn ảo thuật, Hiếu cảm thấy vô cùng thích thú.

Trong đầu Hiếu đã nhen nhóm ý tưởng trở thành một ảo thuật gia. Rồi một ngày anh quyết định đầu tư hai triệu đồng ra cửa hàng mua trang phục, dụng cụ về sau đó tự đến liên hệ những trường học gần nhà để xin được biểu diễn miễn phí. Hiếu kể lại: “Em có thể tự biểu diễn được những tiết mục không quá khó nhưng cái mà mình không có chính là nghệ thuật biểu diễn. Cái thần thái đứng trên sân khấu rất quan trọng nên cuối cùng em quyết định phải đi học bài bản”. Người thầy ảo thuật đầu tiên của Hiếu ở Việt Nam chính là ảo thuật gia Trịnh Duy Anh – người thành lập ra Hội Ảo thuật Việt Nam.

Theo lời Hiếu chia sẻ thì: “Mỗi người sẽ có một tư duy luyện tập khác nhau, như em sẽ cố gắng tập trung quan sát người thầy của mình để làm sao ít xảy ra sai sót cũng như ít bị thương nhất. Bản thân em cũng từng bị bỏng ở vai trong quá trình tập luyện, ngoài ra những lần bị thương nhẹ thì đếm không hết”.

Hiếu cho biết, chi phí để mua các đạo cụ biểu diễn của bản thân có khi đến cả trăm triệu. Ngoài những chi phí đầu tư mua dụng cụ ảo thuật thì diễn viên cũng phải thường xuyên nâng cấp bài diễn để tiết mục luôn mới mẻ. “Ví dụ như năm nay em diễn cho gia đình chị những tiết mục này nếu sang năm chị vẫn tiếp tục mời thì bọn em sẽ lại phải có những tiết mục khác để phục vụ. Như vậy thì mới giữ được mối khách quen”, Hiếu chia sẻ.

Không giống như nhiều bạn diễn khác, những tiết mục ảo thuật mà Hiếu biểu diễn thường phức tạp hơn như: cắt người làm 2, 3 khúc; đâm giáo, lồng dao qua người. Hiếu cho biết: “Em không biết các bạn khác thế nào chứ bản thân em đã từng phải đầu tư một khoản tiền rất lớn sang tận Trung Quốc để “tầm sư học đạo”. Mỗi lần Hiếu thay đổi bài diễn mới thì chi phí để mua dụng cụ ít cũng từ vài chục triệu trở lên. Tập luyện vất vả, chi phí mua dụng cụ biểu diễn cũng khá lớn nhưng mỗi show diễn trừ tất cả các chi phí, diễn viên chỉ thu về được khoảng 500 nghìn đồng. Theo chia sẻ của Hiếu thì ngày nhiều nhất có thể nhận 3 show nhưng cũng có ngày, thậm chí là nhiều ngày không có show nào.

Không tốn tiền đầu tư dụng cụ như Hiếu, nhưng Nguyễn Văn Quyền, sinh năm 1994 (Hải Hậu, Nam Định) lại phải mất rất nhiều thời gian tập luyện cũng như tư duy thế nào để gây cười. Quyền cho biết: “Khán giả của em gồm có người lớn và trẻ em. Nếu biểu diễn cho trẻ em thì mình cần chú trọng tính chất gây cười còn biểu diễn cho người lớn thì lại phải đầu tư về kỹ thuật rất kỹ càng”.

Cũng theo Quyền chia sẻ thì hiện nay ở Hà Nội, những đội làm dịch vụ này rất nhiều. Chính vì thế việc cạnh tranh giữa các nhóm để có được khách hàng cũng rất gắt gao. Nếu không thực sự cố gắng và cầu tiến thì tự khắc sẽ bị đào thải. Chưa kể, rồi thì thị hiếu của mọi người, liệu sẽ kéo dài được bao lâu? Mồ hôi và công sức của người nghệ sĩ, đến bao giờ mới được đền đáp xứng đáng?

Phong Anh
.
.