Nhọc nhằn thị trường nhạc Underground

Thứ Năm, 21/07/2022, 11:32

Khoảng 5-7 năm trở lại đây, nhạc Underground bùng nổ mạnh mẽ, len lỏi khắp các bảng xếp hạng và trở thành nhân tố chính trong dòng chảy âm nhạc Việt. Khi giới Underground “bước ra ánh sáng” cũng là lúc họ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường.

Khi Underground “thống lĩnh” Vpop

Còn nhớ, khoảng những năm 2000, khi nhạc rap, hiphop… bắt đầu du nhập vào Việt Nam, khái niệm giới Mainstream (ca sĩ chính thống) và Underground (thế giới ngầm) bắt đầu trở nên rõ rệt. Thời điểm đó, nghệ sĩ thuộc dòng nhạc này thường hoạt động tự do, chủ yếu thông qua Internet với các kênh như YouTube, Soundcloud… Những nền tảng này như liều “doping” cho  nhạc underground  khi tạo ra không gian văn hóa riêng ở tầm cá nhân vừa mở ra khả năng kết nối vô tận, và quan trọng hơn là hoàn toàn miễn phí. Thậm chí, bản thân nghệ sĩ không chạy show, quảng bá trên truyền thông, phát hành album… và cũng không chủ đích cho sự bùng nổ nhưng Internet vô tình đưa họ lên mây.

Nhọc nhằn thị trường nhạc Underground -0
Hoa hậu H’hen Niê xuất hiện trong liveshow đầu tay của Đen Vâu - “Show của Đen”.

Những “Túy âm”, “Tình cờ” (Xesi, Masew, Nhatnguyen); “Người âm phủ” (Osad); “HongKong 1” (Nguyễn Trọng Tài) “Một nhà”, “Thanh xuân” (Da LAB)… là những ví dụ điển hình. Mà nói như rapper Đen Vâu: “Có thể hiểu rằng Internet, mạng xã hội đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Underground và Mainstream. Nhờ Internet, nhạc của Underground đã có điều kiện phổ biến rộng khắp hơn. Nhiều khi chính những nghệ sĩ không chủ đích vươn ra bên ngoài, công cụ Internet đã tình cờ giúp cho âm nhạc của họ trở nên lan tỏa hơn” .

Tuy nhiên, phải từ 2018 đến nay, với sự phát triển của dòng chảy âm nhạc thế giới và ngành công nghiệp thu âm, nhạc Việt mới thực sự chứng kiến cuộc vươn mình mạnh mẽ của Underground. Không còn là những bài rap ngẫu hứng đơn thuần với ca từ xù xì, gai góc những mà giờ đây là những bản thu, những sáng tác, những MV được đầu tư chỉn chu, kỹ lưỡng. Không những vậy, nghệ sĩ Underground còn có hàng loạt sản phẩm kết hợp đầy ấn tượng với các ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc Mainstream.

Nhìn rộng hơn, nghệ sĩ Underground từ những “kẻ dưới hầm tối” đã bước ra ánh sáng và trở thành những cái tên thống lĩnh các bảng xếp hạng âm nhạc với sản phẩm có hàng triệu lượt xem, khiến cả các ca sĩ chính thống cũng phải thèm muốn. Đơn cử như Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, JustaTee, Big Daddy, Orange, Đen Vâu… là những cái tên thường xuyên “chinh phạt” Top Trending Youtube thế giới. Hay Đen Vâu – tác giả của loạt hit: “Đưa nhau đi trốn”, “Đi về nhà”, “Trốn tìm”… xuất sắc chiến thắng hạng mục Nam ca sĩ của năm Giải thưởng Âm nhạc Làn Sóng Xanh lần thứ 22 với 50,4% bình chọn, vượt mặt Sơn Tùng M-TP chỉ 28,8%. Đây là lần đầu tiên một rapper từ giới Underground chiến thắng.

Giai đoạn cuối năm 2021 – đầu năm 2022, khi nghệ sĩ Mainstream vẫn đang loay hoay với đời sống “bình thường mới” hậu COVID-19 và rục rịch ra mắt sản phẩm thì nhạc Underground vẫn “sốt xình xịch” với những bản nhạc triệu view. Đơn cử, MV “Càng cua” của Low G hút hơn 3,5 triệu lượt xem sau 3 tuần. Bản rap “Chìm sâu” của MCK (ft Trung Trần) hút gần một triệu lượt nghe sau 3 ngày phát hành. Trước đó, 2 bản rap “XTC “và “Tay to” của MCK âm thầm hút hàng chục triệu lượt nghe.

Theo nhạc sĩ Dương Khắc Linh, sự phát triển này mang tính tự nhiên giúp âm nhạc Việt Nam trở nên đa dạng, phong phú và nhiều màu sắc hơn. Thực tế, nhạc Underground đem đến sự mới lạ, kích thích tò mò của khán giả vì nghệ sĩ có thể tự do thể hiện cá tính, nói lên suy nghĩ của bản thân để chia sẻ với khán giả. Âm nhạc của loại hình này mang tính đời sống, không quá cầu kỳ trau chuốt. “Những bạn trẻ Underground xuất hiện và mang đến những ca khúc có chất, có gu rất riêng, đầy màu sắc… tôi rất mừng vì nó làm cho V-Pop đa dạng hơn. Ở Việt Nam, những cái tên như Đen Vâu, Bùi Lan Hương… có một gu âm nhạc rất riêng, đậm cá tính”, nam nhạc sĩ bày tỏ.

Không thể là cú chơi “ngông”

Có một thực tế là, Underground hiện nay không còn là những nghệ sĩ mang âm nhạc "dạo chơi" ở V-pop. Họ chủ động chiếm lĩnh cả mảng sân khấu – nơi vốn chỉ các nghệ sĩ được đào tạo bài bản, tên tuổi tầm cỡ mới dám dấn thân. Với hàng loạt bản hit triệu view, năm 2019, Đen Vâu từ một chàng  rapper từng than “Không có tiền thì làm nhạc làm sao”, nay đã có kinh phí làm liveshow riêng với 5.000 khán giả mà không có tài trợ, vẫn có tiền hỗ trợ gia đình các món đồ gia dụng. Đáng chú ý, show của nam rapper còn phải treo bảng "sold out" vé chỉ trong 10 phút mở bán.

Nhọc nhằn thị trường nhạc Underground -0
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh.

Trước đó, hàng loạt sô diễn của các nghệ sĩ indie như: Thái Vũ, Ngọt, Cá Hồi Hoang, Da LAB... đều sạch vé cùng các buổi biểu diễn “cực cháy” dành cho khán giả mộ điệu. Còn Karik, sau thành công của “Người lạ ơi”, cát-sê của anh tăng lên gấp ba lần, công việc trở nên bận rộn hơn vì nhận được nhiều lời mời hợp tác. Osad cũng tương tự khi nhờ bản hit “Người âm phủ”, từ một cái tên lạ lẫm, anh được nhiều lời mời kết hợp cùng các nghệ sĩ khác như Amee, Trịnh Thăng Bình, Min và cả ê-kip Hàn Quốc… Các nghệ sĩ Underground “come out” muộn như Ricky Star, Dế Choắt, B Ray, K-ICM … dần áp đảo trong các sự kiện âm nhạc lớn hoặc lên truyền hình, sánh vai cùng giới ca sĩ chính thống.

Không chỉ thôi “ẩn mình” ở lĩnh vực chuyên môn, những cái tên đến từ “thế giới ngầm” này thậm chí còn được nhãn hàng săn đón. Đơn cử, JustaTee thường xuyên góp mặt trong các chiến dịch marketing của các nhãn hàng mỹ phẩm, thời trang, điện tử; B Ray, BigDaddy, Emily… đều là những gương mặt sáng giá của hàng chục nhãn hàng lẫn các chiến dịch marketing của các thương hiệu lớn trong nước.

Nhưng, không phải ngẫu nhiên và dễ dàng nghệ sĩ Underground vươn mình mạnh mẽ, tạo được chỗ đứng như vậy. Cũng không phải ngẫu nhiên, những người đặt nền móng cho cộng đồng “nhạc ngầm”, người chịu ảnh hưởng của trào lưu văn hóa đường phố Mỹ như: Phong Lê, LK, Wowy… mãi sau này mới được khán giả ở nhiều độ tuổi biết đến. Phải đến khi hàng loạt các gương mặt Underground khác khai phá những thể loại ballad (Da LAB, Uyên Pím), acoustic (Ngọt, Marzuz), họ đã phá vỡ định kiến của khán giả về âm nhạc thô ráp, mạnh bạo của Underground. Còn Đen Vâu - một cái tên đem đến khái niệm khác của Underground. Cách đây 4 năm, thay vì e dè trước những bản rap đầy ngổ ngáo, tình cảm sướt mướt, u tối ảm đạm, thì công chúng bỗng nhiên phát cuồng với Đen Vâu. Với chất giọng phóng túng, mộc mạc nhưng rất đời, Đen Vâu chọn cho mình một hướng đi khác, viết nhạc bằng tâm hồn, đưa hình ảnh đời thường vương chút bụi bặm của cuộc sống vào từng tác phẩm.

Để làm được điều đó, rapper Osad cho rằng, giới nghệ sĩ Underground đang dần hướng tới sự chuyên nghiệp. Nhiều nghệ sĩ có ê-kíp riêng, có định hướng và cách làm việc bài bản. Mặc dù thị phần khán giả hiện tại của các ca sĩ pop, ballad vẫn dễ tiếp cận và chiếm số lượng lớn, nhưng thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai, nhạc của Underground đang và sẽ lên ngôi. Âm nhạc của họ chiếm thị phần cao không thua kém các dòng nhạc khác và giới Underground hoàn toàn có thể sống tốt.

Còn á quân Rap Việt mùa 2 – Blacka cho rằng, trước đây, anh viết rap để hướng đến khán giả có góc nhìn giống mình. Sau khi nổi tiếng, anh buộc phải thay đổi công thức để cho nhiều tầng lớp thưởng thức âm nhạc của mình. “Tôi phải chắt lọc câu chữ, ứng xử khéo léo hơn và thay đổi phong cách để phù hợp cho bước chuyển biến của sự nghiệp. Tôi có khát vọng là chinh phục lớp khán giả nhỏ tuổi. Mà để làm được điều đó, trước tiên Blacka cần thuyết phục các bậc phụ huynh, do đó âm nhạc của mình phải chọn lọc rất kỹ”, nam rapper bày tỏ.

Thị trường khắc nghiệt

Nghệ sĩ Underground bước ra ngoài ánh sáng không thể là cú chơi “ngông”, không được là cú chơi “ngông”. Bởi, khi là ca sĩ đại chúng, ngoài chuyên môn, họ cần giải được bài toán tương lai âm nhạc của chính mình để tồn tại trong vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Thị trường đã chứng minh điều đó khi bên cạnh những cái tên liên tục duy trì sức nóng thì cũng có những ngôi sao “sớm nở tối tàn”.

Nhọc nhằn thị trường nhạc Underground -0
Rapper Blacka.

Nguyễn Trọng Tài từng gây chấn động với “tuyệt tác trong cơn say” - "Hongkong1”. Ca khúc điển hình của dòng nhạc Lo-fi dễ gây "nghiện" nhờ sở hữu giai điệu chậm rãi, tạo cảm giác bay bổng khi nghe, thích hợp với xu hướng của giới trẻ hiện tại. Ca từ không quá cầu kỳ mang lại cảm giác giãi bày, gần gũi. Nhưng, sản phẩm tiếp sau "Hongkong1" của chàng sinh viên 22 tuổi lại không đủ sức hút công chúng. Từ đó đến nay, cái tên Nguyễn Trọng Tài dần bặt vô âm tín. Tương tự, Xesi - một nữ sinh THPT với "Túy âm" cũng từng "làm mưa làm gió" bởi giai điệu huyền ảo, ma mị. Cho đến giờ, đây vẫn được coi là một trong những sản phẩm thành công nhất của giới underground. Thừa thắng xông lên, Xesi ra mắt ca khúc thứ 2 - "Vô tình" (kết hợp cùng HOAPROX). Nhưng, ca khúc này bị người nghe đánh giá là "bình mới rượu cũ", không có đột phá nên chưa thể gây bão như "Túy âm" năm nào. Xesi từ đó cũng âm thầm biến mất trong đời sống âm nhạc.

Một trường hợp khác là Hương Ly. Khán giả gọi Hương Ly là “hiện tượng cover” với nhiều video đạt hàng chục triệu lượt xem. Chẳng hạn: “Cô Thắm không về” (20 triệu lượt xem), “Sao em vô tình” (27 triệu lượt xem), “Đau để trưởng thành” (41 triệu lượt xem), “Từng yêu” (73 triệu lượt xem) hay “Sóng gió” (82 triệu lượt xem)… Nhưng từ đầu năm 2020, nữ ca sĩ không còn giữ được sức nóng. Cả những bản cover lẫn MV của riêng cô đều không đạt được lượt xem lớn như những sản phẩm trước.

Nhìn nhận thực tế này, Blacka cho rằng, nhiều nghệ sĩ Underground bất ngờ bước ra Mainstream, dẫn đến một hệ lụy. Có người ngay lập tức có sản phẩm siêu hit, hút chục triệu đến cả trăm triệu view, nhưng bài tiếp theo chỉ nhận vài nghìn view. Tức là những người này không có fan nền tảng. “Với Blacka, ở giai đoạn im ắng nhất cũng hút từ 200.000 đến 1 triệu view. Blacka luôn có nhóm fan nền tảng từ những ngày đầu. Có người nhận định underground là thế giới ngầm, thích làm gì làm nhưng không đúng. Đó là nơi họ tập luyện và chinh phục những khán giả ở đó trước khi vươn tới môi trường lớn hơn. Các nghệ sĩ mainstream thường rơi vào vòng luẩn quẩn là luôn tìm cách để sản phẩm của mình lan tỏa nhất. Nhưng nghệ sĩ underground biết công thức như vậy. Chỉ cần làm ít và sẽ gây bùng nổ lớn”, nam   rapper phân tích.

Có thể thấy, Underground đã được đưa ra “ánh sáng”, không có nghĩa là có thể thỏa mãn để rồi lại làm nó đi vào bóng tối. Muốn đưa Underground “sáng” như một thể loại âm nhạc thịnh hành lâu bền thì ngoài đam mê, vẫn rất thêm nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, ý nghĩa nội dung, truyền nhiều cảm hứng và năng lượng tích cực lan tỏa trong cộng đồng. Đến lúc đó, Underground chắc chắn sẽ đến một tầm cao mới, như Only C từng nói: “Những gì là cá tính, có dấu ấn cá nhân sẽ trở thành đặc biệt và thu hút công chúng”.

Thảo Dung
.
.