Những chiêu trò của "bố già chuyển nhượng” Jorge Mendes

Chủ Nhật, 24/10/2021, 21:51

Cái tên Jorge Mendes chẳng hề xa lạ gì trong làng bóng đá thế giới khi được mệnh danh là trùm môi giới khét tiếng. Đằng sau màn vươn lên trở thành quyền lực tối thượng trong giới chuyển nhượng của làng túc cầu thế giới là khá nhiều chiêu trò của “bố già chuyển nhượng” Jorge Mendes được hé mở.

Người đưa CR7 quay lại MU

Một trong thương vụ đình đám nhất trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè vừa qua là thương vụ Cristiano Ronaldo (biệt danh CR7) quay lại ngôi nhà cũ Manchester United, nơi tiền đạo nổi tiếng người Bồ Đào Nha từng thi đấu từ năm 2003 đến năm 2009 sau khi chia tay câu lạc bộ Juventus tại Italy hồi tháng 8 năm nay.

Những chiêu trò của
“Siêu cò” số 1 Jorge Mendes.

Tiền đạo 36 tuổi đã khiến số đông người hâm mộ đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác trong “24 giờ điên rồ” (lời bình luận của một loạt tờ báo Anh). Khi mà khối người tin chắc Ronaldo chuyển tới thi đấu cho Manchester City đến nơi rồi sau khi đồng ý với các điều khoản trong hợp đồng có thời hạn 2 năm mà Manchester City đưa ra bao gồm  mức lương là 250.000 bảng/tuần, mọi chuyện lại quay ngoắt tới 180 độ  với việc Ronaldo lên tiếng xác nhận quay lại Manchester United vào ngày hôm sau.

Theo tờ Daily Mail, đây thực chất là màn kịch hoàn hảo mà nhà môi giới người Bồ Đào Nha, Jorge Mendes đã ủ mưu để đưa Ronaldo quay về Manchester United. Mendes đã vận dụng chiêu giương đông kích tây rất hiệu quả khi đưa Ronaldo tiến sát đến Manchester City. Lẽ đương nhiên, ban lãnh đạo Manchester United không bao giờ chấp nhận dễ dàng việc để CR7 rơi vào tay đại kình địch cùng chung thành phố như Manchester City. Mendes đã đánh trúng vào tâm lý đó và khiến “Quỷ đỏ” (biệt danh của Manchester United) phải cuống cuồng săn đón Ronaldo bất chấp tiền đạo này năm nay bước sang tuổi 36.

Môi giới hay còn được gọi là đại diện vốn là người theo sát các khía cạnh chuyên môn và cá nhân trong cuộc sống của một cầu thủ bóng đá. Môi giới thường tiến hành các cuộc đàm phán chuyển nhượng, hợp đồng và nhà tài trợ cho các mối quan hệ của cầu thủ với câu lạc bộ, đối tác của họ. Với Mendes, câu chuyện không chỉ bó hẹp trong phạm vi hoạt động môi giới đơn lẻ mà nhà môi giới người Bồ Đào Nha đã vươn lên trở thành “siêu cò” số 1 đầy quyền lực trong làng bóng đá thế giới.

Khởi nghiệp

Thành công đến với Mendes không phải một sớm một chiều mà nó là sự tích lũy của cả một quá trình tung hoành ngang dọc trên thị trường chuyển nhượng thế giới cùng việc không ngần ngại áp dụng những tiểu xảo, miễn sao có lợi nhất cho mình. Sinh ngày 7 tháng 1 năm 1966 tại Lisbon (Bồ Đào Nha), Jorge Paulo Agostinho Mendes (tên đầy đủ của Jorge Mendes) đam mê bóng đá từ nhỏ và từng chơi ở vị trí sở trường là tiền vệ cánh trái trong màu áo một số đội bóng không mấy tên tuổi ở Viana do Castelo, Bồ Đào Nha. Chấn thương đeo đẳng cùng tài năng có hạn đã khiến Mendes từ bỏ giấc mơ trở thành ngôi sao sân cỏ và lao vào kinh doanh buôn bán băng đĩa để mưu sinh. Với vốn liếng tích lũy, Mende chuyển sang mở quán bar, hộp đêm, đồng thời tạo dựng mối quan hệ với khá nhiều cầu thủ tại Bồ Đào Nha mỗi khi họ tới quán bar hay hộp đêm của mình để giải trí.

Những chiêu trò của
Jose Mourinho cũng nằm trong danh sách khách hàng của Mendes.

Kể từ đó, Mendes có một công việc mới, chính là môi giới chuyển nhượng. Cơ hội đổi đời của Mendes thực sự đến vào năm 1996 sau cuộc gặp với Nuno Espírito Santo, cựu thủ môn của câu lạc bộ Vitória và hiện là huấn luyện viên của câu lạc bộ nổi tiếng Tottenham tại Premier League. Tin tưởng vào khả năng của Mendes, Nuno đã chọn Mendes làm người đại diện khi đàm phán chuyển sang thi đấu cho câu lạc bộ Deportivo de La Coruna tại Tây Ban Nha. Không bỏ lỡ cơ hội để tạo dựng thương hiệu, Mendes đã lái xe vượt quãng đường gần 500 km đến để nói chuyện trực tiếp với Augusto Lendoiro, chủ tịch câu lạc bộ Deportivo de La Coruna. Nỗ lực không biết mệt mỏi của Mendes đã được bù đắp xứng đáng khi Nuno thỏa ước mơ thi đấu tại Tây Ban Nha, còn mình bắt đầu được giới chuyển nhượng để ý tới.

Với bộ óc tinh tường siêu việt đến mức tinh quái, Mendes đã thấy rõ nguồn lợi vô cùng lớn từ thị trường chuyển nhượng qua mỗi hợp đồng giao dịch thuộc dạng “bom tấn”. Đặc biệt, Mendes đã tận dụng tối đa kẽ hở quá lớn trong hệ thống luật chuyển nhượng quốc tế, cụ thể là không có điều luật quy định cấm “cò” làm đại diện cho nhiều cầu thủ và huấn luyện viên cùng lúc. Đấy là ở tầm vĩ mô, còn ở tầm vi mô thì Mendes càng có dịp “phát tiết tinh hoa” đủ những chiêu trò, ngón đòn khác nhau.

Những chiêu trò của
Jorge Mendes ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng.

Một phần thành công của Mendes còn là sự “lê la” thường xuyên của “siêu cò” này tại các trường dạy bóng đá và đội trẻ trên khắp Bồ Đào Nha, tìm kiếm và ký hợp đồng với các cầu thủ trẻ. Đây là tiền đề để Mendes tạo dựng “nguồn hàng” từ Bồ Đào Nha, điển hình nhất là việc đưa Cristiano Ronaldo từ Sporting Lisbon sang Manchester United vào mùa Hè năm 2003 hay đưa trung vệ “thép” Pepe tới Real Madrid từ Porto vào năm 2007.

Nhắc tới Mendes không thể bỏ qua tuyệt chiêu “phỗng tay trên” của người khác mà Mendes vận dụng linh hoạt tới mức tinh quái bằng sự  lạnh lùng, khốc liệt trong nghề môi giới. Trong mùa Hè năm 2004, huấn luyện viên nổi tiếng Jose Mourinho đàm phán với Pini Zahavi, đại diện của câu lạc bộ Chelsea nhằm đàm phán chuyển tới London dẫn dắt đội bóng mà tỷ phú người Nga, Roman Abramovich mua lại 1 năm trước đó.

Vào thời điểm đó, đại diện của Mourinho là Jose Baidek, một người gắn bó nhiều năm với Mourinho. Chỉ sau dịp nói chuyện với Zahavi và người đại diện trung lập là Mendes tại London, Mourinho không hiểu thế nào đã rời bỏ Baidek và nhất quyết chọn Mendes trở thành đại diện mới của mình. Danh sách những tay cò bị Mendes lôi kéo mất thân chủ của mình còn được nối dài với những cái tên như Jose Veiga, đại diện của Luis Figo, Ana Almeida, đại diện của Nani hay Goncalo Reis, đại diện của Bebe.

Sự tinh quái của Mendes còn nằm ở chỗ có khả năng biến một cầu thủ từ chỗ “chân gỗ” thành ngôi sao được đội bóng lớn thu nạp. Ví dụ điển hình nhất là đưa “bom xịt” Bebe, cầu thủ mà Mendes làm đại diện, chuyển đến Manchester United từ Vitoria de Guimaraes, Bồ Đào Nha vào mùa Hè năm 2010. Cựu huấn luyện viên Manchester United, Sir Alex Ferguson về sau phân trần với đại ý chưa hề xem Bebe thi đấu trước khi ký hợp đồng với cầu thủ này. Cho tới giờ, đây vẫn là một trong vụ chuyển nhượng gây tranh cãi.

Ngày càng mở rộng đế chế

Từ năm 2010 đến năm 2020, Mendes đã 10 lần được vinh danh là "Người đại diện trong năm" tại lễ trao giải thưởng Globe Soccer Awards được tổ chức một cách thường niên tại Dubai, UAE. Đây chỉ là một trong những dẫn chứng sống động cho thấy tầm ảnh hưởng của “siêu cò” số 1 trong làng túc cầu thế giới. Sau những thương vụ thành công ban đầu, Jorge Mendes đã cho mở công ty có tên gọi GestiFute. Đây là công ty thay mặt Mendes với tư cách pháp nhân trong việc thực hiện hàng nghìn giao dịch những năm qua trên thị trường chuyển nhượng.

Không chỉ nguồn hàng từ Bồ Đào Nha, Gestifute còn vươn tầm hoạt động sang khu vực Nam Mỹ, một trong những lò sản sinh cầu thủ tài năng của bóng đá thế giới. Ngoài tư cách là người đại diện của ngôi sao Cristiano Ronaldo, danh sách khách hàng VIP của Mendes còn có bộ tứ ngôi sao của Manchester City như Ruben Dias, Bernardo Silva, Joao Cancelo và Ederson, cũng như ngôi sao Liverpool, Fabinho và tiền vệ Renato Sanches của Lille. Trong khi đó, Angel Di Maria và James Rodriguez là hai cầu thủ đến từ Nam Mỹ nằm dưới trướng của Mendes. Huấn luyện viên với cá tính mạnh mẽ Jose Mourinho, người hiện đang dẫn dắt câu lạc bộ AS Roma cũng có tên trong danh sách khách hàng lâu năm của Jorge Mendes.

Theo thống kê của tạp chí uy tín Forbes (Mỹ), công ty Gestifute của Mendes hiện quản lý 122 ngôi sao sân cỏ trên thế giới, trong đó có tới 21 cầu thủ đang thi đấu cho một loạt câu lạc bộ nổi tiếng ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, Premier League. Nếu tính gộp lại, trị giá cho những màn giao dịch của tất cả các khách hàng mà Mendes thực hiện vào khoảng 1 tỷ euro. Ngoài bóng đá, Mendes còn đại diện cho các khách hàng ở các môn thể thao khác, chẳng hạn như ngôi sao Công thức 1 Charles Leclerc, vận động viên điền kinh Patricia Mamona, vận động viên lướt sóng Frederico Morais, vận động viên quần vợt Joao Sousa và vận động viên đua xe đạp Joao Almeida.

Tham vọng mở rộng đế chế của Mendes được thể hiện rõ hơn nữa với việc hợp tác với tập đoàn Quantum Pacific của tỷ phú Idan Ofer người Israel mua lại 51% cổ phần sở hữu của câu lạc bộ Famalicao và nâng tiếp lên 85% sau thành tích thăng hạng của đội bóng. Với mục tiêu tối ưu lợi nhuận, Mendes đã đổ công sức để biến đội bóng tại Bồ Đào Nha thành công xưởng theo đúng nghĩa đen để sản xuất cầu thủ theo quy trình công nghiệp đại trà nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cầu thủ tăng cao.

Ngoài Mendes, còn có một vài gương mặt cộm cán trong giới “siêu cò” của bóng đá thế giới. Cái tên đầu tiên nhắc tới là Mino Raiola, người đại diện có quốc tịch Italy gốc Hà Lan. Paul Pogba, Romelu Lukaku, Zlatan Ibrahimovic là những ngôi sao nổi bật trong danh sách khách hàng của Mino. Ước tính trị giá các hợp đồng mà Mino môi giới thành công vào khoảng 750 triệu euro. Tiếp đó là Volker Struth, “siêu cò” thống trị thị trường chuyển nhượng ở Đức khi có có một loạt các tài năng hàng đầu trong danh sách của mình, bao gồm Dayot Upamecano, Toni Kroos và Niklas Sule. Tính ra, trị giá các hợp đồng mà Volker thực hiện thành công vào khoảng 450 triệu euro.

Chừng đó đủ thấy Jorge Mendes vượt xa những “siêu cò” đồng nghiệp về tầm ảnh hưởng và tham vọng như thế nào.

Con gái Jorge Mendes làm quản lý truyền thông cho Cristiano Ronaldo

Hiếm ai biết, Marisa Mendes, con gái của “siêu cò” Jorge Mendes lại làm quản lý truyền thông cho Cristiano Ronaldo. Marisa và ê-kíp cộng sự đã ghi dấu ấn trong việc giúp tiền đạo người Bồ Đào Nha ngày càng trở nên nổi đình nổi đám trên các trang mạng xã hội thông dụng như Facebook, Twitter hay Instagram. Dấu ấn của Marisa Mendes còn được thể hiện một cách rõ nét hơn nữa với việc giúp Ronaldo lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi trở thành người đầu tiên trên thế giới cán mốc 350 triệu người dõi theo qua tài khoản cá nhân trên trang mạng xã hội Instagram.

 

Bảo Quyên
.
.