Những "độc chiêu" tại các kỳ Olympic
Trên chặng đường đi tới hồi kết, Olympic Tokyo 2020 đang chứng kiến những “độc chiêu luyện công” dị thường, gợi không ít sự tò mò từ giới vận động viên và người hâm mộ. Một trong những phương pháp đó là tập luyện bằng cách hạn chế lưu lượng máu. Qua đây, nó càng làm thêm sự đa đạng về các hình thức luyện tập khác nhau qua mỗi kỳ Olympic…
“Hot trend” ở Olympic Tokyo 2020
Nếu như bạn gõ cụm từ “Blood flow restriction” (Hạn chế lưu lượng máu) trên thanh công cụ tra cứu Google, bạn sẽ nhận ngay được 67.200.000 kết quả chỉ sau 0,67 giây. Phương pháp tập luyện này giờ đây đang nổi lên như một “hot trend” (trào lưu mới) ở kỳ Olympic năm nay tổ chức tại Nhật Bản. “Cha đẻ” của phương pháp tập luyện dựa trên bài tập điều hòa lưu lượng máu hoặc bài tập điều chỉnh tắc mạch máu là cựu lực sỹ cử tạ người Nhật Bản, Yoshiaki Sato. Góp công vào việc lan tỏa và phát triển phương pháp tập luyện này là tiến sĩ Jim Stray-Gundersen, một bác sĩ và nhà nghiên cứu y học thể thao vốn có sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan Olympic ở một số quốc gia như Mỹ hay Na Uy, Đan Mạch…
Stray-Gundersen từng tới Nhật Bản và có thời gian theo tập cũng như lĩnh hội những kiến thức mà cựu lực sỹ cử tạ Sato truyền tải. Năm 2016, Stray-Gundersen cùng một số đối tác tác đã giới thiệu phương pháp hạn chế lưu lượng máu của riêng mình có tên gọi B Strong BFR (BFR, viết tắt của cụm từ Blood flow restriction). So với phương pháp truyền thống, B Strong BFR có ưu điểm khi áp dụng thiết bị hiện đại là những vòng đeo tay hoặc đeo chân có gắn cảm biến với độ nhạy cao có khả năng kết nối với những máy tính, điện thoại thông minh qua một ứng dụng tải về.
Trong quá trình luyện tập, những chiếc vòng được thắt chặt lại giống như kiểu thắt garô thường thấy của nhân viên y tế với bệnh nhân. Thông qua đây, nó có tác dụng cắt lưu lượng máu đến các cơ nhất định trong thời gian giới hạn để vừa tăng cường tác dụng của việc tập luyện vừa kích thích phục hồi cơ bắp.
Kết quả thực nghiệm kết hợp với phân tích cho thấy, phương pháp hạn chế lưu lượng máu đã thúc đẩy phản ứng nhanh hơn từ não để tăng tốc cho quá trình phục hồi các mô bị tổn thương. Đây được coi là điểm khác biệt lớn nhất và đem lại tính hiệu quả cao từ phương pháp này trong quá trình tập luyện của các vận động viên.
“Mỗi một vận động viên có điểm mạnh yếu khác nhau về thể lực, sức bền, sức mạnh. Về cơ bản, chúng tôi cố gắng tạo ra một phương pháp, chiến lược phù hợp giúp vận động viên đạt được hiệu suất cao nhất trong quá trình tập luyện, đồng thời giảm thiểu nguy cơ rủi ro đưa lại từ chấn thương bởi luyện tập với cường độ cao”, Stray-Gundersen nhấn mạnh trước giới truyền thông. Trước và sau khi tập luyện, vận động viên sẽ buộc một thiết bị vào chân hoặc tay, sau đó tăng và giảm độ căng của garô theo khoảng thời gian đều đặn - giống như máy đo huyết áp - để kích thích lưu lượng máu và phục hồi.
Một trong những ví dụ điển hình trong việc áp dụng kỹ thuật hạn chế lưu lượng máu từ Stray-Gundersen là vận động viên bơi lội Michael Andrew, người đại diện cho Mỹ tranh tài ở nội dung bơi ếch 100 mét, cự ly 200 mét cá nhân và 50 mét tự do tại Olympic 2020 đang tổ chức tại Nhật Bản. Đối với một vận động viên như Andrew, người bơi hàng nghìn mét mỗi ngày, kỹ thuật hạn chế lưu lượng máu đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc tăng tốc thời gian phục hồi.
Thoạt đầu, Andrew làm quen với phương pháp bằng việc buộc thiết bị vào tay rồi chạy ở cự ly ngắn từ 25 mét xong tăng dần cự ly lên. “Tôi không còn cảm giác gì ở cánh tay sau buổi tập đầu tiên. Điều đó thực sự rất khó chịu đến nỗi suýt nữa tôi đã tính bỏ cuộc giữa chừng”, Andrew chia sẻ thêm, “May mắn là tôi đã vượt qua thời khắc ban đầu chẳng làm dễ chịu gì cho lắm. Giờ đây tôi đã thích nghi và thuần thục trong kỹ thuật áp dụng phương pháp hạn chế lưu lượng máu trong quá trình rèn luyện thời gian qua”.
Nhắc tới những môn đồ của phương pháp tập luyện bằng cách hạn chế lưu lượng máu, không thể bỏ qua Dave Marsh, huấn luyện viên bơi lội hiện phụ trách đội bơi của đoàn thể thao Israel ở Thế vận hội năm nay. Với thực tiễn đúc rút cùng kinh nghiệm làm công tác huấn luyện nhiều năm, huấn luyện viên người Mỹ đã khích lệ học trò tại đội bơi Israel áp dụng phương pháp hạn chế lưu lượng máu để tăng tốc độ hồi phục trong quá trình tập luyện, nhất là trong giai đoạn chạy nước rút để tham gia tranh tài ở một kỳ đại hội thể thao lớn mang tính tầm cỡ toàn cầu như Olympic Tokyo 2020.
Theo lời thừa nhận từ Marsh, nếu có sự kiên trì luyện tập cùng sự hỗ trợ của thiết bị phân tích, phương pháp hạn chế lưu lượng máu sẽ đem lại những tiềm năng to lớn vượt cả sự mong đợi từ cánh vận động viên.
Sức lan tỏa của độc chiêu tập luyện đề cập ở trên còn thể hiện sống động hơn nữa khi có nhiều vận động viên đến từ một loạt đoàn thể thao khác nhau như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Đan Mạch, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… áp dụng vào luyện tập với hy vọng đạt thành tích cao qua các nội dung thi đấu ở kỳ Olympic năm nay. Đây cũng là một trong những chủ đề mà số đông người hâm mộ bàn tán một cách rôm rả kể từ khi Olympic 2020 khởi tranh từ ngày 24-7 vừa qua cho đến nay.
Món “đặc sản” qua từng kỳ Olympic
Sự đa dạng, khác lạ trong phương pháp tập luyện có thể coi là món “đặc sản” qua từng kỳ Olympic khác nhau. Nếu như phương pháp “luyện công” bằng cách hạn chế lưu lượng máu đang “làm mưa làm gió” tại Olympic 2020, thì trào lưu giác hơi lại từng khiến cánh vận động viên phát sốt tại Olympic Rio 2016 tổ chức tại Brazil. Hình ảnh siêu kình ngư người Mỹ, Michael Phelps hay những vận động viên khác như Alex Naddour, vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ và vận động viên bơi lội người Belarus, Pavel Sankovich xuất hiện trước ống kính máy ảnh với những vết đỏ sẫm hình tròn rải rác trên vai và lưng đã gây sự chú ý đặc biệt.
Đây thực tế là giác hơi, một liệu pháp cổ xưa sử dụng ở các nước Trung Đông và châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Liệu pháp này sử dụng các cốc hút thủy tinh tròn được làm nóng lên, sau đó đặt lên các bộ phận bị đau của cơ thể. Vị trí đặt cốc thủy tinh tạo ra một phần chân không, được cho là có tác dụng kích thích cơ bắp và lưu lượng máu, đồng thời giảm đau. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, giác hơi có niên đại ít nhất 2.000 năm, được cho là có thể khôi phục lại dòng chảy của "khí" - sinh lực.
Theo lời chia sẻ từ một số vận động là tín đồ của giác hơi, họ cảm thấy rất nhẹ nhõm, thoải mái như xóa bỏ đi mệt mỏi, căng thẳng đưa lại sau những giờ luyện tập và thi đấu với cường độ cao.
Cũng tại Olympic Rio 2016, đội đua xe đạp Canada đã đem tới sự thú vị qua những bài tập vận động với khí oxy bổ sung trong một căn phòng kín hiện đại. Với thiết kế đặc biệt, căn phòng có thể tùy chỉnh nhiệt độ và độ ẩm khác nhau tạo hiệu ứng như đang đua xe ở vùng đất có địa hình cao.
Thông qua mặt nạ dưỡng khí kết nối với thiết bị điều chỉnh lượng oxy, vận động viên sẽ thực hiện những bài tập mô phỏng chặng đua ở địa hình cao. Nhờ dữ liệu thu thập được, máy tính sẽ phân tích sự trao đổi oxy, năng lượng tiêu hao để đưa ra một lịch trình tập luyện phù hợp nhằm tăng cường sự dẻo dai, bền bỉ cho vận động viên.
Tại Olympic London 2012, giới mộ điệu từng có dịp chứng kiến không ít vận động viên dán lên người băng dán đủ màu sắc khác nhau trông rất bắt mắt. Phụ kiện này thực chất là loại băng dán có tên gọi Kinesio.
Với độ đàn hồi mạnh, băng Kinesio có tác dụng khá hiệu quả trong việc việc giảm đau và nhức cho các vùng cơ bị tổn thương. Nó còn được sử dụng để ngăn ngừa chấn thương do giãn cơ quá mức, chẳng hạn như các vấn đề về vai do các hoạt động cường độ cao, liên tục chẳng hạn như thi đấu quần vợt. Tay vợt nổi tiếng người Serbia, Novak Djokovic là người rất hay sử dụng loại băng dán Kinesio nhằm tránh gặp phải chấn thương căng cơ sau mỗi trận đấu kéo dài tới hàng tiếng đồng hồ.
Không chỉ có Djokovic, một loạt tên tuổi khác trong làng thể thao thế giới như Lance Armstrong, Serena Williams… đã tìm đến loại băng trị liệu đàn hồi này. Cũng bởi “đắt khách” như vậy nên đã xảy ra tình trạng một loạt các nhãn hiệu ăn theo mọc lên như nấm sau mưa như RockTape, PerformTex, SpiderTech, KT Tape. Báo hại cho cánh vận động viên chẳng biết đường nào mà lần để lựa chọn trước ma trận các loại băng dán thể thao với đủ kiểu dáng, màu sắc khác nhau.
Sức hút từ băng dán Kinesio còn lan sang cả số ngôi sao sân cỏ, ví dụ điển hình hơn cả là tiền đạo kỳ cựu người Italy, Mario Balotelli thường xuyên ra sân thi đấu với những miếng băng dán đủ màu khác nhau hồi còn khoác áo những đội bóng lừng danh ở Premier League như Manchester City hay Liverpool. Thậm chí có dạo, khối người đã nhầm tưởng “Siêu Mario” (biệt danh của Balotelli) là đại sứ thương hiệu của loại băng Kinesio.
Cùng với băng dán Kinesio, tắm nước đá lạnh là phương pháp được nhiều vận động viên lựa chọn để luyện công mỗi khi tranh tài ở các kỳ Olympic khác nhau trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, việc tắm trong những bồn chứa nước đá lạnh đem lại hiệu quả thiết thực trong việc giúp săn chắc cơ bắp, tránh nguy cơ gặp phải chấn thương vì căng cơ. Ngoài tác dụng trị liệu một cách đơn thuần, việc tắm nước đá lạnh còn là biện pháp thư giãn, giúp thả lỏng sau những giờ tập luyện, thi đấu tới vắt kiệt sức lực của vận động viên.
Sự đa đạng về đủ chiêu độc luyện tập khác nhau đã phần nào tạo thêm sức hút với số đông người hâm mộ qua mỗi kỳ Olympic.