Những khoảnh khắc Festival nhạc cổ điển

Thứ Hai, 11/03/2024, 16:05

Lần đầu tiên, Lễ hội Âm nhạc cổ điển Việt Nam (Vietnam Classical Music Festival - VCMF) 2024 quy tụ những nghệ sĩ tài năng khắp cả nước được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, nhân dịp thành phố này được công nhận là thành phố sáng tạo Unesco trong lĩnh vực âm nhạc.

Hy vọng, Lễ hội Âm nhạc cổ điển sẽ góp phần tạo dựng một sân chơi sáng tạo và bền vững cho cộng đồng âm nhạc cổ điển tại Việt Nam và quốc tế, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa nước nhà.

Hội tụ những nghệ sĩ cổ điển tài năng

Khác với tư duy âm nhạc cổ điển chỉ trình diễn ở những khán phòng sang trọng của Nhà hát Lớn, sang trọng, lần này, Lễ hội Âm nhạc cổ điển đầy sáng tạo và mới mẻ được tổ chức giữa một không gian thơ mộng của Đà Lạt. Âm nhạc, vì thế, sẽ trở nên gần gũi hơn. Lễ hội kéo dài trong suốt 8 ngày từ 10 đến 17/3/2004 quy tụ hơn 100 nghệ sĩ, 17 buổi diễn, 3 hội thảo, masterclass tại 5 địa điểm trải dài trong thành phố, nhằm mở ra không gian thưởng thức nghệ thuật hàn lâm đỉnh cao và đa dạng.

Những khoảnh khắc Festival nhạc cổ điển -0
Nghệ sĩ piano Hsin- Chiao Liao tham gia Lễ hội.

Lễ hội Âm nhạc cổ điển quy tụ 100 nghệ sĩ đến từ Việt Nam và thế giới sẽ có mặt tại Đà Lạt và đem đến những buổi biểu diễn thơ mộng và tràn đầy cảm hứng xuyên suốt một tuần lễ. Các nghệ sĩ gạo cội sẽ trở lại, cùng sự tham gia của những gương mặt trẻ năng động; những âm thanh từ nhạc cụ vừa lạ vừa quen; sự xuất hiện của những màu sắc và cá tính âm nhạc độc đáo, đa dạng, hay những tác phẩm lần đầu được giới thiệu tới công chúng. Tất cả sẽ gặp nhau để tạo nên những điều kỳ diệu và mang lại những khoảnh khắc đẹp của âm nhạc.

Với một lễ hội đầy tính thơ, mô hình biểu diễn đa dạng cùng các tác phẩm âm nhạc cổ điển tinh tế, tràn đầy năng lượng do nhiều nghệ sỹ tài năng trình diễn, dự kiến, lễ hội sẽ đón khoảng 20.000-30.000 lượt khách, hứa hẹn là điểm chạm đầy hứng khởi và công chúng dễ tiếp cận.

Người yêu nhạc sẽ được gặp gỡ những nghệ sĩ nổi tiếng, thưởng thức âm nhạc cổ điển theo phong cách trẻ trung, thử nghiệm không gian biểu diễn độc đáo mà vẫn giữ nguyên các giá trị nghệ thuật tinh hoa.

Bữa tiệc âm nhạc cổ điển thịnh soạn tại VCMF vì vậy sẽ không thể đủ đầy nếu như vắng bóng những buổi hòa tấu thính phòng đầy cá tính và năng lượng. Từ sự góp mặt của nhóm trio gạo cội, Sông Hồng Ensemble với hơn 20 năm hoạt động; cho tới những bạn sinh viên trẻ tài năng từ nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã tìm được những “tri kỷ” trong âm nhạc để thử sức với những kiệt tác như tứ tấu dây của L. V. Beethoven, trio của Darius Milhaud, hay duo của Rebecca Clarke. Từ cách tiếp cận xây dựng chương trình chuẩn mực của Miracle Trio - gồm các nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tới có gì đó phá cách hơn, thân mật hơn trong cuộc đối thoại với Schubert in a Mug (SiaM).

Những khoảnh khắc Festival nhạc cổ điển -0
Nghệ sĩ piano Nguyễn Đức Anh.

Đến với không gian của VCMF, khán giả còn được thưởng thức những ngón đàn quyến rũ của nghệ sĩ piano tài hoa Nguyễn Đức Anh, chìm đắm trong âm sắc trang nhã của pianist Trần Lê Bảo Quyên, lắng nghe tiếng vĩ cầm của "tài năng thiên bẩm" Trần Lê Quang Tiến, và thưởng thức những trích đoạn opera và bản ca khúc cuốn hút từ KOSMOS Opera.

VCMF không chỉ là nơi hội tụ của các nghệ sĩ tài năng đến từ Việt Nam và quốc tế như Tim Allhoff, Kyle Acunicus, cùng những tập thể âm nhạc có uy tín như Sông Hồng Ensemble, Schubert in a Mug, Vietnam Youth Music Institute (VYMI), mà còn là bệ phóng cho những tài năng trẻ như ngũ tấu kèn gỗ The 6th floor, tứ tấu Beethoven Piano Quartet & tam tấu Milhaud Trio hứa hẹn mang đến những trải nghiệm âm nhạc độc đáo và mới mẻ.

Sự kiện còn đánh dấu sự xuất hiện của các dự án giáo dục âm nhạc như Slide on Strings dẫn dắt bởi violist Phạm Vũ Thiên Bảo và violinist Lê Minh Hiền, dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam - Vietnam Youth Orchestra (VYO) dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc.

Họ là những gương mặt nghệ sĩ cổ điển trẻ tài năng của Việt Nam. Họ đều được đào tạo bài bản trong nước và các học viện âm nhạc nổi tiếng trên thế giới, trở về nước và có nhiều hoạt động âm nhạc kết nối nhạc hàn lâm Việt Nam với thế giới. Họ luôn nỗ lực với mong muốn đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng Việt Nam.

Giám đốc âm nhạc của chương trình, nghệ sĩ Cello Phan Đỗ Phúc chia sẻ: “VCMF 2024 mang đến cơ hội hiếm có để khán giả và những người làm nghệ thuật khám phá âm nhạc cổ điển qua góc nhìn mới mẻ, với sự kết hợp của những giá trị nghệ thuật truyền thống và các thử nghiệm không gian biểu diễn độc đáo. Lễ hội hứa hẹn là điểm đến không thể bỏ lỡ cho những ai yêu mến âm nhạc cổ điển, khi họ được dịp thưởng thức từ những nghệ sĩ gạo cội đến thế hệ trẻ năng động, cùng chứng kiến sự đổi mới không ngừng của các tổ chức biểu diễn âm nhạc hàn lâm hàng đầu”.  Còn giám tuyển Phương Vũ nói: “Lễ hội là mô hình hứa hẹn để các nghệ sĩ, khán giả hoạt động rải rác tại Việt Nam sẽ coi đây là cơ hội hiếm có nên có thể tham gia đông vui”.

Và những cuộc đối thoại đặc biệt

Không chỉ có âm nhạc cổ điển vang lên trong không gian thơ mộng của Đà Lạt, Lễ hội âm nhạc cổ điển còn là sự giao thoa, kết nối giữa âm nhạc và các loại hình nghệ thuật như hội họa. Đáng chú ý là hòa nhạc khai mạc triển lãm "Đối thoại về thời gian" giới thiệu các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - một trong tứ trụ của mỹ thuật Đông Dương tới công chúng Đà Lạt. Ông ghi dấu với các tác phẩm tiêu biểu như: “Gióng,” “Điệu múa cổ,” “12 con giáp,” “Con nghé quả thực”,... Các tác phẩm của ông cho thấy sự kế thừa những tinh túy từ mỹ thuật cổ Việt Nam và sức sáng tạo không giới hạn của danh họa tài ba xứ Nghệ.

Những khoảnh khắc Festival nhạc cổ điển -0
Cặp song tấu Trần Lê Bảo Quyên và Trần Lê Quang Tiến.

Triển lãm là cơ hội để khán giả chiêm ngưỡng tận mắt 12 bức tranh con giáp phiên bản gốc của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm lần đầu tiên được công bố tại Đà Lạt. Giám tuyển Nguyễn Như Huy đánh giá: “Nguyễn Tư Nghiêm không chỉ là họa sĩ, mà còn là bậc đạo sĩ hiền minh, khiến hệ sinh thái bột màu/màu nước giấy dó trở nên sống động, là nơi gặp gỡ giữa truyền thống Á Đông và tinh thần đương đại”.

 Trong không gian trưng bày, hai nghệ sỹ tài năng Trần Lê Bảo Quyên và Trần Lê Quang Tiến sẽ trình diễn các tác phẩm âm nhạc cổ điển song hành với tranh, góp phần mở ra góc nhìn đa chiều, đối chiếu thú vị về văn hóa.

Hai nghệ sĩ vừa là cháu của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đồng thời cũng là cháu ngoại của nhà văn Nguyễn Tuân. Trần Lê Bảo Quyên cũng chính là chủ nhân của bộ sưu tập tranh lần này. Do tính chất nhạy cảm của thị trường tranh hiện nay, bản thân cô và gia đình khá cẩn trọng trong việc chọn địa điểm và hình thức triển lãm. Đây là lần hiếm hoi bộ tranh quý của gia đình cùng với sự trình diễn đặc sắc của Bảo Quyên xuất hiện đồng thời, với những bí ẩn đi kèm trong bộ tranh 12 con giáp và thời điểm năm Giáp Thìn 2024 đã xuất hiện trong tranh như một sự báo trước.

Ngoài ra, còn có những đối thoại thú vị giữa điện ảnh, âm nhạc và sân khấu. Đó là dự án của Saigon Classical Music Group - nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn và các tình nguyện viên đam mê nhạc kịch cổ điển. Dự án hướng tới những tinh hoa của nhạc cổ điển trình diễn sân khấu, từ khí nhạc đến bộ môn kịch múa (ballet và contemporary dance) và chủ yếu các vở opera theo tiêu chí tự tuyển lựa của các thành viên, bằng chính các tác phẩm (bản dựng) trọn vẹn của các đoàn hát lừng danh trên thế giới, song song với tư liệu online và chia sẻ tri thức từ các chuyên gia âm nhạc hiểu về nhạc cổ điển để lan tỏa rộng hơn những vẻ đẹp của âm nhạc hàn lâm đến công chúng.

Những khoảnh khắc Festival nhạc cổ điển -0
Dàn nhạc giao hưởng trẻ tham gia lễ hội.

Sau rất nhiều nỗ lực thì tháng 12/2023, Đà Lạt đã chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo Unesco trong lĩnh vực âm nhạc. Đó là thành quả của nhiều năm Đà Lạt cùng các nghệ sĩ trong cộng đồng âm nhạc Việt Nam nỗ lực bảo tồn, thúc đẩy sự phát triển đa dạng các loại hình âm nhạc ở thành phố 130 năm tuổi này. Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú, thành phố cam kết thực hiện các trách nhiệm khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.

Đó là cam kết về trách nhiệm di sản âm nhạc của tương lai với 4 nội dung về lưu trữ có hệ thống kho tàng âm nhạc của các dân tộc Đà Lạt; tổ chức các buổi thảo luận do cộng đồng thực hiện; nâng cao năng lực, kỹ năng mềm cho cộng đồng; thử nghiệm sự sáng tạo về âm nhạc. Thành phố cam kết tạo điều kiện phát triển âm nhạc cộng đồng; củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo âm nhạc, nghệ thuật. Vì thế, Lễ hội Âm nhạc cổ điển 2024 tổ chức tại Đà Lạt là cơ hội để thành phố giao lưu, kết nối với các nghệ sĩ trong và ngoài nước, mang những không gian âm nhạc đỉnh cao đến với Đà Lạt. Hơn cả một lễ hội, đây sẽ là không gian của tinh thần, của văn hóa và sáng tạo, góp phần thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc phát triển.

Việt Linh
.
.