Những vết gợn đọng lại sau một kỳ SEA Games

Thứ Sáu, 07/10/2022, 15:37

Bên cạnh doping và một vài tấm HCV bị tước, những chuyện buồn của SEA Games 31 dần được đề cập nhiều hơn sau khi giải đấu khép lại. Câu chuyện gần nhất là dấu hiệu thu chi, hỗ trợ cán bộ không minh bạch ở môn Jujitsu, và mọi thứ dường như không chỉ dừng lại trong phạm vi môn võ này.

Nỗi buồn Jujitsu

Tại SEA Games 31, đội tuyển Jujitsu Việt Nam đặt mục tiêu lần đầu tiên giành HCV ở môn võ này. Cuối cùng chúng ta giành được không chỉ 1, mà tới 2 HCV của Phùng Thị Huệ và Đào Hồng Sơn. Hình ảnh nhà thi đấu Đan Phượng bùng nổ sau mỗi cú đòn ghi điểm của VĐV Việt Nam đã gây ấn tượng rất mạnh với bạn bè quốc tế.

Những vết gợn đọng lại sau một kỳ SEA Games -0
Trọng tài Jujitsu ở SEA Games 31 không được nhận thù lao tương xứng

Thành công của môn Jujitsu tại SEA Games 31 đến từ vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ. Bên cạnh chế độ cho HLV và VĐV, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BTC dành cho trọng tài và cán bộ làm nhiệm vụ tại SEA Games 31 theo quy định.

Cụ thể hơn, theo Thông tư này, trọng tài (không phải bóng đá) được nhận chế độ 600.000 đồng/ngày. Ngoài ra họ còn được hưởng phụ cấp ăn ở, đi lại theo chế độ công tác phí quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng trọn toàn bộ những khoản tiền theo chế độ đó.

"Theo quy định, chúng tôi được hỗ trợ tiền ăn 3 bữa một ngày, nhưng trên thực tế chỉ được ăn trưa. Những bữa còn lại chúng tôi phải tự túc", một trọng tài Jujitsu phản ánh. Trọng tài này cũng cho biết ông phải tự túc khoản đi lại gần như trong tất cả các ngày làm nhiệm vụ, khi địa điểm thi đấu cách nơi lưu trú đến 17km.

Một vấn đề khác ở SEA Games 31 là trọng tài và cán bộ chuyên trách thường phải triệu tập sớm vài ngày so với ngày thi đấu để tập huấn, họp chuyên môn... Nhưng trong câu chuyện của vị trọng tài nói trên, ông chỉ được nhận 1,2 triệu đồng, tương ứng đúng 2 ngày làm nhiệm vụ ở các trận đấu chính thức dù được triệu tập trong vòng 6 ngày.

Những vết gợn đọng lại sau một kỳ SEA Games -0
Sau kỳ tích 2 huy chương vàng, Jujitsu gây tranh cãi với câu chuyện thù lao của trọng tài

Ngoài ra, những trọng tài, cán bộ làm nhiệm vụ môn Jujitsu ở SEA Games 31 bao gồm không ít người ngoại tỉnh. Nhưng để làm nhiệm vụ ở kỳ Đại hội 20 năm mới có một lần, nhiều người phải tự bỏ tiền túi cá nhân để di chuyển bằng xe khách, thậm chí đặt vé máy bay. Tính ra, số tiền họ chi ra để làm việc tại SEA Games có thể lớn hơn nhiều khoản thù lao nhận về.

Bên cạnh Jujitsu, một môn thể thao khác cũng gây tranh cãi với chế độ cho người làm nhiệm vụ là Muay. Một tình nguyện viên đã chia sẻ trên mạng xã hội về việc anh chưa nhận được thù lao dù SEA Games đã kết thúc 4 tháng. Người này đặt câu hỏi cho phía bộ môn thuộc Tổng cục TDTT, nhưng không được hồi âm, thậm chí còn bị chỉ trích bôi xấu hình ảnh thể thao nước nhà.

Trong nhiều năm, thể thao Việt Nam từng đặt câu hỏi, làm thế nào để vận động viên có thể sống với nghề. Điều đó dường như cũng đúng với trọng tài và huấn luyện viên sau những gì đã xảy ra ở SEA Games 31. Thật khó để có những trọng tài công tâm, làm việc minh bạch nếu như họ không được chăm lo thỏa đáng bữa ăn, giấc ngủ trong thời gian làm nhiệm vụ.

Những biên bản ký muộn

Tại sao trọng tài ở môn Jujitsu phải đợi đến cuối tháng 9 mới chia sẻ với truyền thông về khoản thù lao bị cắt xén trong thời gian làm nhiệm vụ tại SEA Games 31? Đây dường như là giọt nước tràn ly sau nhiều ngày phản ánh với cơ quan có thẩm quyền nhưng không được giải thích thỏa đáng, đặc biệt từ bộ môn Jujitsu thuộc Tổng cục TDTT.

Những vết gợn đọng lại sau một kỳ SEA Games -0
Với những môn xã hội hóa như Jujitsu, cần có cơ chế thoáng hơn để các Liên đoàn tự chủ

Đến cuối tháng 8, các trọng tài Jujitsu được nhận một văn bản với yêu cầu xác nhận ăn đủ 3 bữa một ngày trong thời gian làm nhiệm vụ ở SEA Games 31. Tại sao họ phải ký vào một văn bản không hề đúng với những gì mình được đãi ngộ? Trên thực tế, đây không phải câu chuyện của riêng bộ môn Jujitsu.

Nhiều trọng tài làm nhiệm vụ ở các môn khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Họ cho biết mình chỉ nhận được khoản tiền 600.000 đồng một ngày cho những ngày thi đấu (chưa kể khấu trừ thuế), không có tiền ăn. Theo lý giải của trọng tài, Ban tổ chức chỉ hỗ trợ tiền ăn tại khách sạn lưu trú, còn ở những nơi khác, trọng tài phải tự túc.

Những biên bản ký muộn không chỉ xảy ra ở môn Jujitsu. Khi được phản ánh về khoản hỗ trợ bị cắt xén, một số cán bộ làm nhiệm vụ ở SEA Games 31 đã thắc mắc và nhận về văn bản tương tự ở bộ môn họ công tác. Không phải ai cũng nhận được tiền khi ký xác nhận, và điều đó làm dấy thêm nghi vấn về những khoản chi không rõ ràng dành cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là trọng tài.

Trong câu chuyện của môn Jujitsu, các đoàn thể thao và cán bộ lưu trú ở khu vực nội thành, nhưng địa điểm thi đấu lại nằm tại huyện Đan Phượng. Điều này gây khó khăn cho các trọng tài khi ăn uống, đi lại bởi không phải ai cũng chủ động được phương tiện di chuyển, nhất là với trọng tài ngoại tỉnh. Vì thế, họ càng có lý do bức xúc khi nhận văn bản yêu cầu xác nhận nội dung không đúng sự thực.

Trong nhiều năm, thể thao Việt Nam từng hy vọng có một đội ngũ trọng tài độc lập, là những người không thuộc biên chế một đơn vị nào nhưng có đủ trình độ, kinh nghiệm để cầm cân nảy mực. Tuy nhiên, số lượng trọng tài độc lập chỉ đáng kể trong phạm vi bộ môn bóng đá. Ở những môn còn lại, trọng tài thường là huấn luyện viên các môn tại địa phương, nên những giải đấu như SEA Games khiến họ càng gặp nhiều khó khăn khi làm nhiệm vụ.

Nỗi khổ của nhà quản lý

Không giống kỳ SEA Games 22 diễn ra hồi năm 2003, SEA Games 31 là kỳ đại hội được tổ chức theo diện "tiết kiệm". Có nhiều lý do để Việt Nam sau 2 thập niên mới tổ chức thêm một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á, sau khi trả lại quyền đăng cai ASIAD ngay khi vừa được chọn. Nguồn kinh phí eo hẹp là một phần nguyên nhân khiến công tác chuẩn bị, tổ chức chưa thể trọn vẹn như kỳ vọng.

Một lý do khách quan khác là bởi những quy định nhà nước liên quan đến công tác thu, chi. Quy định "chi trên 100 triệu đồng phải đấu thầu công khai" khiến nhiều bộ môn gặp khó, bởi tổ chức một phiên đấu thầu mất khá nhiều thời gian và công sức trong bối cảnh họ thường chỉ quen với công tác chuyên môn. Ở cấp địa phương, điều đó càng khó với các khoản chi nhiều hơn bình thường.

Những vết gợn đọng lại sau một kỳ SEA Games -0
Nguyễn Thị Tâm là 1 trong 3 võ sĩ Boxing được thưởng 100 triệu đồng nhờ giành huy chương vàng SEA Games 31

Tại SEA Games 31, cơ sở vật chất của các môn như Bơi lội hay Xe đạp địa hình chỉ được hoàn thành cấp tốc ngay trước ngày khai mạc. Sẽ ra sao nếu một đường đua, một bể bơi thuộc chương trình thi đấu SEA Games không thể xây kịp tiến độ? Vì thế, chúng ta không thể không ghi nhận những nhà quản lý đã nỗ lực hết mức có thể nhằm giúp SEA Games 31 diễn ra tốt đẹp.

Dù vậy, những khoản trợ cấp làm nhiệm vụ SEA Games bị bớt xén lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Trong câu chuyện của môn Jujitsu, Sách kỹ thuật từ Ban tổ chức có ghi rõ môn võ này kéo dài trong vòng 6 ngày, gồm 4 ngày tập huấn, chuẩn bị công tác chuyên môn và 2 ngày thi đấu. Nhưng đến khi nhận tiền công tác, các trọng tài chỉ nhận được tiền làm nhiệm vụ cho 2 ngày là điều không thỏa đáng.

Ở nhiều môn thuộc SEA Games 31, cán bộ của Tổng cục TDTT vẫn đứng ra quản lý, làm việc trực tiếp khá nhiều thay vì Liên đoàn Thể thao của bộ môn. Điều này dường như khiến khối lượng công việc của cán bộ chuyên trách bị quá tải, trong khi các Liên đoàn Thể thao lại không thực hiện đúng chức năng của họ.

Việc phân bổ các đầu việc cần thực hiện lại, trong bối cảnh nhiều Liên đoàn thể thao có nguồn kinh phí xã hội hóa không hề nhỏ. Điều đó sẽ giúp hạn chế những khoản chi bất thường liên quan đến ngân sách nhà nước, cũng như đảm bảo thu nhập cho đội ngũ trọng tài, chuyên gia. Đó là cơ sở để không còn những chuyện đáng tiếc như ở Jujitsu, cũng như nhiều môn thể thao khác tại SEA Games 31.

Đến Tết mới nhận thưởng SEA Games

Với các vận động viên kỳ cựu, họ đã quen với việc các khoản thưởng được giải ngân chậm trong một năm dương lịch. Theo thông lệ, tiền thưởng mỗi năm ở các kỳ Đại hội, SEA Games... chỉ được giải ngân trước Tết Nguyên đán, nên vận động viên thường nói vui đây là tiền thưởng Tết họ được mang về nhà. Nhưng với nhiều người, có tiền "thưởng Tết" như vậy đã là điều rất may mắn.

Một số vận động viên tham dự SEA Games cho biết, nhiều người trong số họ bị địa phương nợ tiền lương thưởng từ Tết Nguyên đán cho đến tận tháng 5. Trong khoảng thời gian đó, nhiều người phải rút tiền tiết kiệm ra để tự chi tiêu, số khác vay mượn bạn bè. Họ không thể tìm một công việc khác để làm tạm thời bởi đang trong thời gian tập trung cùng đội tuyển quốc gia.

Việc được thưởng nóng là rất hãn hữu với các vận động viên. Với môn Jujitsu, các võ sĩ giành huy chương được Chủ tịch Liên đoàn thưởng nóng ngay trong ngày thi đấu cuối cùng. Số tiền không quá nhiều, mỗi người được nhận vài triệu đồng nhưng đó là phần thưởng, khích lệ không nhỏ dành cho những vận động viên đã bị nợ lương gần... nửa năm trời.

Khác với Jujitsu, ở phía môn Boxing, Liên đoàn quyền Anh Việt Nam đã thông báo treo thưởng 100 triệu đồng cho 1 tấm HCV cùng số tiền không nhỏ cho VĐV giành HCB và HCĐ. Số tiền này được chuyển khoản cho vận động viên vào khoảng tháng 6-7, không lâu sau khi SEA Games kết thúc. Những khoản thưởng nóng như ở môn Jujitsu và Boxing cho thấy Việt Nam cần có cơ chế thoáng hơn với xu hướng xã hội hóa thể thao.

Đơn Ca
.
.