Những vùng đất mang tên rồng

Chủ Nhật, 11/02/2024, 07:00

Đầu tiên là vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà. Vào 17h40 phút ngày 16/9/2023, (tức 21h40 ngày 16/9/2023 giờ Việt Nam) tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới...

Trước đó, vịnh Hạ Long được UNESCO 2 lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và năm 2000 theo tiêu chí (vii) và tiêu chí (viii). Năm 2013, hồ sơ đề cử quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Tương truyền, đây chính là những viên ngọc của rồng mẹ và đàn rồng con (do trời sai xuống phun ra để ngăn chặn bước tiến từ phía biển của giặc ngoại xâm phương Bắc. Rồng mẹ bay xuống ở Hạ Long, còn rồng con đáp xuống ở Bái Tử Long. Huyền thoại ghi rằng, đuôi của đàn rồng con vẫy lên trắng lóa, tạo thành dãy đảo nhỏ gọi là Bạch Long Vĩ...

Đền Long Thần thuộc phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là đền thờ Ngô Long. Tương truyền, đời Hùng Vương thứ 18, ông có công giúp Vua Hùng dẹp giặc. Hết giặc, ông hóa thành rồng bay về trời. Sau này, Ngô Long đã hiển linh giúp quân nhà Lê đánh tan nhà Mạc. Vì vậy, ông được nhân dân sắc phong là “Thượng đẳng Long thần”...

Những vùng đất mang tên rồng -0
Vịnh Hạ Long 2 lần được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Ảnh: Việt Ba

Chùa Hoa Long là một di tích nằm bên sông Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tương truyền là nơi Lạc Long Quân lập đàn đế nhờ thần linh giúp việc phân định thứ bậc (anh, em) cho 100 đứa con của mình.

Thác Long Môn, thuộc địa phận huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Đoạn thác có một ngọn núi nằm chắn ngang giữa dòng sông, nước sâu thăm thẳm, đàn cá chép nào vượt qua được ngọn thác thì đều hóa rồng, người đời gọi là “Long Môn”. Tại đây có bút tích của Vua Lê Thái Tổ khắc trên sườn núi vào năm 1429.

Thành Long Biên là nơi Vua Lý Nam Đế (ở ngôi từ 541-547) đóng đô. Vị trí của thành đến nay vẫn chưa xác định được. Theo các nhà nghiên cứu sử học thì có thể thành Long Biên tọa lạc gần khu vực TP Bắc Ninh ngày nay... Tương truyền, trong lúc xây thành vào năm 218 đã xuất hiện đàn giao long bơi quanh quẩn ở hai bên bờ sông, vì vậy thành mới có tên là Long Biên...

Thành Thăng Long (Hà Nội) nguyên là thành Đại La do Trương Bá Nghi xây dựng từ năm Đại Lịch thứ 2 (767). Tháng 7 năm Canh Tuất 1010, Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La. Tương truyền, khi thuyền chở nhà vua đi đến bờ thành, bỗng có con rồng vàng hiện ra, bay lượn. Nhân đấy nhà vua đổi tên là thành Thăng Long (nghĩa là rồng bay lên).

Thăng Long được vua nhà Trần đổi tên là Đông Đô, sau đó nhà Lê đổi tên khác là Đông Kinh. Năm thứ tư trị vì, Vua Gia Long đổi lại là Thăng Long. Năm 1831, Vua Minh Mạng trong dịp chia đặt các tỉnh, thị trấn trong cả nước đã đổi tên gọi là Hà Nội...

Những vùng đất mang tên rồng -0
Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: ST

Cầu Hàm Rồng thuộc tỉnh Thanh Hóa bắc qua sông Mã, bên này là núi Rồng, bên kia là núi Ngọc. Vì thế, cầu có tên là Hàm Rồng. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cầu Hàm Rồng liên tục bị máy bay Mỹ bắn phá. Để bảo vệ cây cầu nối liền con đường huyết mạch Bắc - Nam, quân và dân Hàm Rồng đã chiến đấu, bắn rơi hàng trăm máy bay địch.

Bến cảng Nhà Rồng là một di tích lịch sử nằm bên sông Sài Gòn, thuộc quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Bến Nhà Rồng được Pháp xây dựng từ năm 1864. Do trên nóc trụ sở của một hãng tàu biển của Pháp (nằm tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Rạch Ông - Bến Nghé) có gắn một đôi rồng lớn chầu mặt trời bằng đất nung tráng men, nên người dân Sài Gòn quen gọi là bến Nhà Rồng. Vào ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từ đây xuống chiếc tàu buôn của Pháp để xuất dương tìm đường cứu nước.

Có nhiều tích về sông Hoàng Long, đều ra đời từ câu chuyện thời nhỏ của cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh. Nhờ trí thông minh và sức mạnh hơn người nên ông được dám trẻ cùng lứa tôn làm “vua”. Một hôm, Đinh Bộ Lĩnh chia lũ trẻ trâu thành 2 phe để đánh nhau. Phe Đinh Bộ Lĩnh đánh thắng trận liền bắt trâu của ông chủ mổ thịt để khao quân. Còn cái đuôi trâu, Đinh Bộ Lĩnh đem cắm vào một lổ nẻ trên mặt đất, rồi giả vờ hớt hải chạy về báo chú: Chú ơi, trâu nhà ta chui xuống đất mất rồi! Ông chú liền chạy ra đồng nhìn thấy cái đuôi trâu còn trên mặt đất nên nắm lấy kéo mạnh lên, bất đồ bị mất đà mà lăn kềnh ra đất.

Biết bị mắc lừa, ông chú liền rượt đánh thằng cháu. Đinh Bộ Lĩnh bỏ chạy đến bờ sông thì hết đường trốn. Thình lình xuất hiện một con rồng vàng bay tới đưa “vua” sang bên kia sông. Ông chú hốt hoảng liền cúi sụp xuống đất vái lạy con rồng và thằng cháu Đinh Bộ Lĩnh lia lịa. Kể từ đó, dòng sông chảy qua đất Hoa Lư được gọi là sông Hoàng Long. Đây là con sông phụ lưu của sông Đáy ở ngã ba Gián Khẩu chảy qua tỉnh Ninh Bình.

Nguyễn Tấn Tuấn
.
.