Nỗi lo bị giám sát trong khuôn khổ BRI

Thứ Hai, 26/09/2022, 22:37

Theo sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đã triển khai các công nghệ giám sát do họ sản xuất tại nhiều quốc gia, khiến các nhà hoạt động ngày một lo ngại nguy cơ bị theo dõi.

BRI khởi động vào năm 2013, nhằm mục đích khai thác thế mạnh của Trung Quốc về tài chính và cơ sở hạ tầng để “xây dựng một cộng đồng rộng lớn có chung lợi ích” trên khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

anh 1.jpeg -0

Theo các phương tiện truyền thông địa phương Campuchia, Trung Quốc đã lắp đặt hơn 1.000 camera quan sát ở Phnom Penh như một phần của hệ thống giám sát toàn quốc mới. Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan phủ nhận rằng các công nghệ này được sử dụng để nhắm vào các nhà hoạt động và lãnh đạo công đoàn. Ông khẳng định: “Các camera quan sát và cơ sở hạ tầng giám sát khác nhằm mục đích an ninh, chống tội phạm, vi phạm giao thông và các hành động bất hợp pháp khác”. Phần lớn công nghệ được cung cấp bởi Trung Quốc - quốc gia bán các gói giám sát kỹ thuật số cho các chính phủ trong khuôn khổ dự án cơ sở hạ tầng BRI.

Ảnh hưởng của Trung Quốc

Trong khi các nhà chức trách biện minh cho việc giám sát là dựa trên cơ sở an ninh, các nhóm hoạt động xã hội đã nêu lên những lo ngại về vi phạm quyền riêng tư và nguy cơ bị phân biệt đối xử, bởi các công nghệ thường được triển khai mà không có sự tham vấn của cộng đồng và thiếu các luật bảo vệ dữ liệu.

Các quốc gia tham gia BRI đang sử dụng các công nghệ bao gồm hệ thống nhận dạng khuôn mặt dựa trên trí thông minh nhân tạo. Phát biểu trên tờ Japan Times, Steven Feldstein, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (CEIP), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, khẳng định: “Những công cụ này cung cấp những khả năng mới để theo dõi các đối thủ chính trị và đối phó với những thách thức đối với chính phủ. Trong môi trường khép kín, những khả năng này rõ ràng có thể sẽ nhằm tăng cường sự kiểm soát”.

anh 4.jpg -1
Công nghệ giám sát trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc đang được triển khai ở hơn 50 quốc gia BRI.

Feldstein ước tính rằng các công nghệ giám sát trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc đang được triển khai ở hơn 50 quốc gia BRI. Một phần quan trọng trong chương trình BRI của Trung Quốc là cái gọi là Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số - một sáng kiến nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu và viễn thông hiện đại ở các quốc gia nằm trên tuyến đường thương mại Con đường Tơ lụa cổ đại.

Lindsay Gorman, chuyên gia về các công nghệ mới nổi tại tổ chức Liên minh vì Dân chủ (ASD), cho biết: “Hiện có nguy cơ nhà nước Trung Quốc có thể thâu tóm dữ liệu - cho dù đó là thông tin giám sát di truyền hay thông tin truyền thống hơn về các quan điểm hoặc hoạt động chính trị - thông qua các hệ thống này”.

Trong khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc khẳng định việc giám sát công nghệ là rất quan trọng để chống lại tội phạm và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, đồng thời bác bỏ các báo cáo rằng họ đang sử dụng công nghệ để cho phép lạm dụng vi phạm quyền tự do khác.

Nỗi lo bị giám sát

Tại Myanmar, các công ty Trung Quốc đang triển khai mạng 4G và 5G, cũng như hệ thống nhận dạng khuôn mặt ở một số thành phố. Chính quyền quân đội đã thông qua luật an ninh mạng tương tự như của Trung Quốc - bao gồm việc hạn chế truy cập vào một số trang web nhất định và cấm các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Twitter.

Tuy nhiên, các báo cáo về việc sử dụng camera quan sát và nhận dạng khuôn mặt để nhắm vào những người biểu tình đã khiến Hsu, 26 tuổi, một luật sư trợ giúp pháp lý cho các tù nhân ở thành phố Mandalay, “lo sợ hơn”. Anh nói: “Cảnh sát nộp trích xuất camera để làm bằng chứng cho tòa án, vì vậy chúng tôi biết điều đó rất nguy hiểm cho các thân chủ. Khi tôi đến gặp những người bị bắt giam, tôi sẽ đeo khẩu trang - không phải vì tôi sợ lây nhiễm COVID-19, mà vì tôi muốn giấu mặt”.

Trên toàn thế giới, sự gia tăng của công nghệ trí tuệ nhân tạo đã dẫn đến sự gia tăng của các hệ thống giám sát hàng loạt, bao gồm nhận dạng khuôn mặt và nhận dạng giọng nói cho một loạt các mục đích sử dụng từ theo dõi tội phạm đến điểm danh học sinh. Feldstein nói: “Công nghệ đã thay đổi bản chất của cách thực hiện giám sát và những gì được lựa chọn để giám sát”.

Tại Campuchia, nơi các nhà chức trách đang xây dựng một cổng Internet quốc gia - tương tự như tường lửa Internet của Trung Quốc chặn các trang web và nền tảng truyền thông xã hội - có rất ít sự minh bạch xung quanh các hệ thống này. Tại Phnom Penh, nhà lãnh đạo nghiệp đoàn Chhim Sithar và những người biểu tình đang tìm cách thích nghi với thực tế hiện nay. Họ tiến hành gặp gỡ trực tiếp nhiều hơn và sẽ tắt điện thoại trong các cuộc trao đổi đó. Họ cũng sử dụng mạng riêng ảo (VPN) và các nhóm trò chuyện được mã hóa và không đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Sithar nói: “Cảm giác bị theo dõi mọi lúc mọi nơi là rất mệt mỏi. Mọi thứ chúng tôi làm đều bị theo dõi. Điều đó thật đáng sợ”.

Hạnh Vân (Tổng hợp)
.
.