Nóng tình trạng sách lậu, sách giả đầu năm học mới

Thứ Sáu, 06/09/2024, 16:13

Hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ 4.0, sự phát triển của mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp, cá nhân có xu hướng đẩy mạnh kinh doanh online. Sách vở, đồ dùng học tập cũng không ngoại lệ khi chỉ cần ngồi ở nhà, với vài cú click chuột là được ship đến tận nơi mà không phải chen chúc lựa chọn, chờ thanh toán. Đó cũng là cơ hội để cho sách lậu, sách giả lộng hành.

Liên tục thu giữ sách lậu

Đầu hè, chị Hoàng Thị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cần mua sách ôn tập toán cho con năm nay lên lớp 8 để không bị quên kiến thức cũ. Lên mạng tìm kiếm, chị chọn mua hai cuốn sách bồi dưỡng học sinh giỏi toán 7 được giảm giá đến 48%. Vì sách do Nhà xuất bản Giáo dục in ấn nên chị hoàn toàn tin tưởng đặt mua. Thế nhưng, khi nhận sách, chị mở ra xem thì thấy sách có nhiều lỗi, giấy xấu, chữ không rõ nét, lem mực, có trang còn chưa xén hết.

“Bạn bè tôi cũng nhiều người có thói quen mua sách online nhưng nhiều lần cũng nhận được những cuốn sách kém chất lượng như thế. Phần lớn các sách này đều bị lỗi chính tả, hàng chữ không đều, chất lượng giấy và mực in kém...”, chị Hà cho biết.

_xuycn~k.jpg -0
Hướng dẫn phân biệt sách thật, sách giả của Tổng cục Quản lý thị trường.

Tương tự, anh Lê Phong (Gia Lâm, Hà Nội) cũng thường xuyên lên mạng mua sách vì được giảm giá hơn nhiều so với ngoài hiệu sách. Năm ngoái khi con anh lên lớp 6, anh đã lựa chọn mua bộ sách giáo khoa trên mạng cho con, vì tiện mua cả bài tập nâng cao các môn Toán, Văn, Anh cho con. Đồng thời hiệu sách này cũng quảng cáo được giảm 30% sách giáo khoa và 45% sách tham khảo.

Tuy nhiên, đến khi nhận hàng, giở ra anh thấy rất nhiều lỗi chính tả, mực in nhòe, giấy in vừa đen vừa mỏng, anh mới biết là hàng giả. Nhưng liên hệ lại với người bán thì anh không nhận được phản hồi, khi nhắn tin liên tục yêu cầu đổi trả hàng thì anh bị chặn facebook. Rút kinh nghiệm việc mua phải sách không đảm bảo chất lượng nên năm nay, anh đăng ký mua tại lớp cho các con.

Quả thật, trên Facebook, khi tìm kiếm từ khóa “mua bán sách giá rẻ”, có thể dễ dàng tìm thấy nhiều hội nhóm có hàng trăm nghìn thành viên. Trong đó, nhiều đầu sách hot trên thị trường được người bán quảng cáo giảm giá từ 50 - 80% với lý do “thanh lý”, xử lý hàng tồn… nhưng mức giá hời là yếu tố hấp dẫn nhiều độc giả. Không ít người hào hứng đặt mua cuốn sách mình yêu thích với giá rẻ mà không biết đó là sách lậu. Truy cập vào một số fanpage bán sách trên Facebook như: “Sách giá rẻ”; “Sách giảm giá”..., sẽ thấy nhiều cuốn sách hay đã được người bán quảng cáo giảm giá từ 50 đến 80%. Ngoài việc “giảm giá sâu”, người bán còn tạo các combo hấp dẫn như: mua 4 cuốn tặng 1; mua 6 cuốn free ship, tặng kèm một cuốn sách tự chọn giá 69k, hay đồng giá 19k...

Nhiều fanpage mang tên: “Tủ sách Tinh hoa”, “Tủ sách trí tuệ”, “Kho sách giảm giá”... cũng quảng cáo giảm giá đến 50%, miễn phí ship. Thậm chí có những fanpage bán sách còn sử dụng hình ảnh đại diện là logo của nhà xuất bản, đăng lại nội dung các bài viết từ trang web chính thức của nhà xuất bản để tạo lòng tin của khách hàng. Rất nhiều người không biết đây là trang giả mạo cho nên đã mua phải sách giả, sách lậu, chất lượng kém và vi phạm bản quyền.

Với truyện tranh, việc các ấn phẩm in bìa khác nhau theo từng giai đoạn xuất bản, các phiên bản đặc biệt khiến tình trạng mua bán sách cũ diễn ra phức tạp, khó lường. Khi những bản sách cũ đã được thay bìa, bản giới hạn không còn bày bán, những cuốn sách giả trà trộn càng khó phân biệt. Bởi lẽ, người mua không còn bản chính thống để đối sánh.

Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh buôn bán sách giáo khoa, sách tham khảo, các loại truyện tranh, các loại đồ dùng học tập giả mạo về nhãn hiệu, kém chất lượng diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà xuất bản, các doanh nghiệp, tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Quan trọng hơn, vấn nạn sách giả, sách lậu còn ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng sử dụng là học sinh, sinh viên… dễ dẫn đến sự tiếp nhận kiến thức sai lệch. Trên thực tế, hiện nay nhiều người mua trực tuyến không dễ dàng nhận biết sách thật hay giả. Sách giả, sách lậu được in ấn tinh vi với mức độ giống sách thật có khi lên tới 95%; ngay cả một số người làm sách cũng khó có thể phát hiện sự khác nhau. Không chỉ vậy, việc truy vết các đối tượng bán sách lậu cũng gặp khó khăn do các tài khoản mạng xã hội ẩn danh hoặc thiếu thông tin…

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT cho biết, hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh buôn bán sách giáo khoa, sách tham khảo, các loại truyện tranh, các loại đồ dùng học tập giả mạo về nhãn hiệu, kém chất lượng diễn ra phổ biến. Những sản phẩm sách giáo khoa giả, sách in lậu thường có những sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung (đường nét biên giới, vấn đề biển đảo), ảnh hưởng đến kiến thức tiếp nhận của học sinh.

Bên cạnh đó, các loại sách giả, sách in lậu thường có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ, không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh, nhất là về thị lực. Sử dụng xuất bản sản phẩm giáo dục giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh.

Để ngăn chặn vấn nạn sách giả, sách lậu hoành hành, thời gian qua, lực lượng QLTT đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, siết chặt công tác quản lý, xử lý đối với sách giả, sách lậu. Cụ thể, theo đại diện của Tổng cục QLTT, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng QLTT trên cả nước đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, thu giữ hàng trăm nghìn xuất bản phẩm giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng như một số nhà xuất bản khác.

Mới đây, lực lượng QLTT tỉnh Hậu Giang vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ gần 80.000 quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa được tính theo giá ghi trên sách giáo khoa là 1.375.413.000 đồng. Đây là vụ việc kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến sách giáo khoa lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Vào tháng 6/2024, một đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả quy mô lớn vừa được Công an Đà Nẵng phát hiện. Qua quá trình điều tra, đường dây đã sản xuất, tiêu thụ khoảng 4 triệu cuốn sách giáo khoa. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Đà Nẵng đã phát hiện rất nhiều các máy móc, phương tiện, trang thiết bị phục vụ việc sản xuất sách giả cùng hàng triệu con tem giả, hơn 600.000 sản phẩm, bán thành phẩm là sách giả.

Tại tỉnh Tây Ninh, Đội QLTT số 4 kiểm tra đột xuất nhà sách Kiều Trâm (số 76 đường Võ Thị Sáu, khu phố 4, phường 3, TP Tây Ninh), phát hiện sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo số lượng 5.547 quyển.

Tại Đồng Nai, Đội QLTT số 1 phối hợp Công an huyện Nhơn Trạch kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp tại tổ 11, khu phố Mỹ Khoan, thị trấn Hiệp Phước, phát hiện có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với hơn 33,8 nghìn ấn phẩm các loại.

Tại Bình Phước, Phòng An ninh Chính trị Nội bộ Công an tỉnh phối hợp Thanh tra Sở TT&TT, Cục QLTT, Nhà xuất bản Giáo dục tại TP Hồ Chí Minh kiểm tra tạm giữ 18 đầu sách với hàng trăm cuốn có dấu hiệu in lậu tại một cơ sở phát hành trên địa bàn huyện Lộc Ninh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao ý thức người tiêu dùng

Việc sách giả, sách lậu vẫn bán chạy mặc dù có sự can thiệp của cơ quan chức năng có nhiều nguyên nhân. Do đầu năm học mới là thời điểm nhu cầu sách giáo khoa và tài liệu học tập tăng đột biến. Nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp, chọn mua sách giả với giá thành rẻ hơn để tiết kiệm chi phí. Thêm vào đó, một phần người tiêu dùng chưa nhận thức rõ về hậu quả của việc mua và sử dụng sách giả. Họ không biết rằng sách giả không chỉ làm tổn hại đến quyền lợi tác giả, nhà xuất bản mà còn tiềm ẩn rủi ro về nội dung không chính xác, chất lượng giấy kém và mực in có thể gây hại cho sức khỏe.

Mặt khác, các đối tượng buôn lậu sách giả đã tận dụng tối đa các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội để tiếp cận người tiêu dùng một cách dễ dàng, mà không bị kiểm soát chặt chẽ. Họ thường sử dụng tài khoản ẩn danh, địa chỉ ảo để bán sách, khiến việc truy tìm và xử lý trở nên khó khăn.

_xuycn~l.jpg -0
Kiểm tra thu giữ sách lậu tại Hậu Giang.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi buôn lậu, sản xuất và kinh doanh sách giả, sách lậu có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi. Theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, mức phạt hành chính có thể lên tới 500 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm và 250 triệu đồng đối với cá nhân. Các hình phạt bổ sung có thể bao gồm tịch thu toàn bộ số sách giả, đình chỉ hoạt động kinh doanh.

Còn theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng hoặc gây thiệt hại lớn, mức phạt tù có thể lên đến 8 năm. Ngoài các mức phạt hành chính và hình sự, các cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị buộc phải đền bù thiệt hại cho các tác giả, nhà xuất bản bị ảnh hưởng. Mặc dù các quy định pháp luật hiện hành đã nêu rõ các mức phạt cho hành vi buôn lậu sách giả, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng những biện pháp này chưa thực sự đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm. Bởi hoạt động sản xuất và buôn bán sách giả mang lại lợi nhuận rất lớn cho các đối tượng vi phạm. Chi phí sản xuất sách giả thấp, trong khi giá bán vẫn có thể cao, tạo ra chênh lệch lợi nhuận khổng lồ. Các mức phạt hiện tại không bằng một phần nhỏ lợi nhuận các đối tượng này đã kiếm được.

Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu sách giả thường sử dụng những phương thức tinh vi để trốn tránh sự giám sát của cơ quan chức năng. Họ sử dụng địa chỉ ảo, tài khoản ẩn danh, và thay đổi địa điểm liên tục, khiến cho việc phát hiện và xử lý trở nên khó khăn. Khi bị bắt giữ, các đối tượng có thể chỉ bị xử lý ở mức phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe.

Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhà xuất bản, và các nền tảng thương mại điện tử còn chưa hiệu quả. Các biện pháp kiểm soát, giám sát và xử lý vi phạm chưa được thực hiện đồng bộ, dẫn đến tình trạng sách giả vẫn có thể lọt lưới và bày bán công khai.

Để tăng cường hiệu quả răn đe và ngăn chặn tình trạng buôn lậu sách giả, cần phải xem xét tăng mức phạt hành chính và hình sự đối với các hành vi buôn lậu sách giả, nhất là với các trường hợp tái phạm hoặc có quy mô lớn. Mức phạt cần đủ lớn để làm giảm lợi nhuận mà các đối tượng có thể thu được từ hoạt động này. Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật hiện hành, xử lý mạnh tay các đối tượng vi phạm để tạo ra sự răn đe cần thiết. Việc truy tố hình sự và áp dụng mức án nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng về sự kiên quyết trong việc bảo vệ quyền lợi tác giả và nhà xuất bản.

Đồng thời tăng cường các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc mua và sử dụng sách giả. Khuyến khích người tiêu dùng mua sách từ các nguồn chính thống, đáng tin cậy.

Các nhà xuất bản cần sử dụng công nghệ hiện đại như mã QR, tem chống giả để dễ dàng kiểm tra và xác thực nguồn gốc của sách. Các nền tảng thương mại điện tử cần triển khai các biện pháp kỹ thuật để kiểm soát nguồn gốc sản phẩm và ngăn chặn sách giả xuất hiện trên nền tảng của mình.

Ngọc Mai
.
.