NSND Trần Tiến: Thiên sứ về trời
NSƯT Lê Chức trong bài viết tưởng niệm người anh rể của mình đã gọi NSND Trần Tiến là một “thiên sứ” của sân khấu Việt Nam đương đại. Sự ra đi của ông vào những ngày đầu năm để lại nhiều thương nhớ, tiếc nuối cho mọi người.
Nhà phê bình Ngô Thảo chia sẻ: “Sau NSND Doãn Hoàng Giang, sự ra đi của nghệ sĩ Trần Tiến kết thúc một thế hệ những nghệ sĩ trưởng thành trong thời hòa bình, một thế hệ nghệ sĩ vàng đã làm nên thời kỳ hoàng kim của sân khấu Việt Nam những năm 1980”.
1. Ông ra đi ở tuổi 87, sau nhiều năm sức khỏe suy yếu và cần sự chăm sóc đặc biệt. NSND Trần Tiến trút hơi thở cuối cùng vào chiều mồng 1 Tết Quý Mão, khi con gái út của ông từ Pháp kịp bay về bên cha. NSƯT Lê Vi nói, ba đợi chị về để ra đi, nhẹ nhõm và thư thái, tạm biệt 87 năm sôi nổi và đầy vinh quang ở cõi Người.
NSND Trần Tiến sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà số 136 Quán Thánh, trong một gia đình trí thức Hà Nội. Thuở nhỏ ông học giỏi các môn tự nhiên nên bố mẹ định hướng cho ông theo ngành kỹ thuật. Nhưng rồi cơ duyên đã dẫn dắt ông đến với nghệ thuật, khi tháng 10/1954, ông theo anh mình là Trần Văn Nghĩa (sau này là giám đốc Đoàn Múa rối trung ương) trở thành văn công của Đoàn văn công Trung ương. Ông khởi đầu bằng những vai hề chèo, hề gậy ấn tượng. Chính NSND Thế Lữ đã phát hiện ra tài năng nghệ thuật của Trần Tiến nên khuyến khích ông theo nghề. Năm 1961, ông học khóa diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu cùng các tên tuổi gạo cội như các NSND Thế Anh, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, NSƯT Thanh Tú... Ra trường, ông về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) cho đến khi nghỉ hưu.
NSND Trần Tiến được đánh giá là một trong những diễn viên kịch nói xuất sắc nhất sân khấu kịch Việt Nam. “Ông có khả năng diễn xuất bẩm sinh, sinh ra để làm nghệ thuật. Những vai diễn của ông rất xuất sắc, để lại ấn tượng đậm nét cho người xem”. NSND Doãn Châu - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ. Nếu như NSND Thế Lữ phát hiện ra tài năng của NSND Trần Tiến thì NSND Nguyễn Đình Nghi lại góp phần đưa ông đến với những vai diễn đỉnh cao. Năm 1980, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã khám phá ra một Trần Tiến khác, với những vai diễn chính kịch. Cũng năm đó, ông vào vai Nguyễn Trãi trong vở “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”- một vai diễn ấn tượng khai mở cho một sự nghiệp với những vai diễn sừng sững của NSND Trần Tiến trên sân khấu kịch nói và màn ảnh.
NSƯT Lê Chức - em trai của NSƯT Lê Mai (từng là vợ của Trần Tiến) chia sẻ trong bài viết khi NSND Trần Tiến mất: “Đã không còn nữa một nghệ sĩ của nghệ thuật đích thực, một nghệ sĩ của nhân dân - người xem bao năm. Đã không còn nữa một người biết ý thức và đầy tài năng tạo nên tiếng cười thanh sạch, thẩm mỹ được bắt đầu từ mình để đến với mọi người. Một người Hà Nội với tư chất thơm thảo đất Tràng An. Vậy là nghệ thuật Việt Nam đương đại từ 1954 đến 2023, chúng ta đã có được một thiên sứ - nghệ sĩ Trần Văn Tiến (NSND Trần Tiến). Trong bản “tiểu sử nghệ thuật” tự viết ngày 20/6/1997, nghệ sĩ Trần Tiến đã “tạm” thống kê 21 vai diễn sân khấu tiêu biểu và 13 vai “thành danh” trên màn ảnh.
Cùng với các hoạt động nghệ thuật trên phát thanh - truyền hình, chương trình “An ninh Tổ quốc” và làm đạo diễn cho phong trào văn nghệ quần chúng. Vai diễn với ông thật “đa dạng” với nhiều thứ bậc xã hội, ngành nghề, tuổi tác, kiến thức, vừa chính diện, vừa phản diện, lại có cả “trẻ em” như vai Ngọ - trong kịch vui “Đâu có giặc là ta cứ đi”, kịch trong nước và kịch nước ngoài... Nhưng tất cả đều được quy chiếu theo một quan niệm làm nghệ thuật chính thống, sân khấu là nơi truyền cảm và góp phần giáo dục thẩm mỹ tốt đẹp cho người xem, nhưng nó phải được bắt đầu từ người nghệ sĩ”.
Ông cũng khẳng định, "NSND Trần Tiến có một vị trí “sang trọng” ở sân khấu và điện ảnh cũng như trong lòng người xem. Tài năng của nghệ sĩ Trần Tiến “phát lộ” và rực rỡ nhất là trên sân khấu kịch và trên màn ảnh; dù trước đó ông đã như một “con dao pha” diễn chèo với các vai “hài” mặc định chất là “hề mồi - hề gậy” và cả hát múa, làm cả tiếng động sân khấu, ánh sáng sân khấu.
Ở sân khấu hài, ông thuyết phục khán giả bởi những vai diễn đã trở thành “tượng đài nhân vật” như ông Đại Cát trong vở “Quẫn”, vai Nghêu trong “Nghêu sò ốc hến”... Ông còn thể hiện tài năng ở những nhân vật là danh nhân lịch sử như vua Lý Huệ Tông trong “Thái sư Trần Thủ Độ”, danh nhân Nguyễn Trãi trong “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, đặc biệt là vai diễn Tiên cờ Đế Thích trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Trong điện ảnh phải kể đến các vai diễn như vai Chủ Sự trong phim “Nguyễn Văn Trỗi”, vai thầy đồ phim“Thằng Bờm”, vai ông bố trong “Tự thú trước bình minh” cùng với con gái - NSƯT Lê Vân, vai Lý trưởng trong phim“Quan Âm Thị Kính”... Ông là người kỹ lưỡng, tỷ mỉ trong từng vai diễn.
Sinh thời, NSND Trần Tiến quan niệm, làm nghệ thuật là một công việc đặc thù mà ở đó, người nghệ sĩ phải dấn thân bằng tình yêu và đam mê của mình, một tình yêu thuần khiết, không vụ lợi, tính toán. Ông từng chia sẻ rằng: “Nếu anh biến nghệ thuật thành một thứ công việc để kiếm sống, để mưu sinh thì tôi nghĩ không được. Anh phải yêu, phải đam mê trước tiên đã; rồi anh lao động bằng tất cả tài năng và tâm huyết của anh, nó sẽ nuôi anh một cách chân chính. Còn nếu chỉ nhăm nhăm làm nghệ thuật để kiếm tiền, anh rất dễ "ăn xổi ở thì" với nó. Như thế thì rất không được. Anh sẽ làm mất đi giá trị đích thực của nghệ thuật. Với riêng tôi, thì nghệ thuật chưa bao giờ được tính đến như một công cụ để kiếm tiền cả”.
2. NSND Trần Tiến không chỉ để lại một sự nghiệp lừng lẫy, ông còn được biết đến là bố của ba cô con gái tài hoa, NSƯT Lê Vân, NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vi. Cả ba chị em đều thừa hưởng nét tài hoa và tình yêu nghệ thuật của bố mẹ. Ngày bé, ba chị em thường theo bố mẹ đến nhà hát. Dù ông và NSƯT Lê Mai chia tay khi Lê Vi còn nhỏ, nhưng các con ông đều phát huy được truyền thống nghệ thuật của gia đình.
NSND Lê Khanh chia sẻ: "Bố tôi được trời phú, tổ nghề cho biệt tài có thể diễn tất cả thể loại bi kịch lẫn hài kịch... Ông diễn bình dị nhưng thâm thúy, sâu sắc chứ không ồn ào, phô trương". Trong 3 người con, có lẽ, chị là người chịu ảnh hưởng bố nhiều nhất, từ tinh thần yêu nghệ thuật, tài năng và sự tỏa sáng trên sân khấu. Cũng giống như bố Tiến, NSND Lê Khanh xuất hiện là sân khấu rực sáng. Đến bây giờ, NSND Lê Khanh vẫn không ngừng làm mới mình trong từng vai diễn, luôn đầy năng lượng sáng tạo “Có lẽ, điều này tôi chịu ảnh hưởng từ bố, Người cũng đã không ngừng lao động và cống hiến cho đến khi sức khỏe không cho phép nữa”.
Khi cuộc hôn nhân của NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai tan vỡ, sau một thời gian dài, ba cô con gái đều ủng hộ bố mẹ tìm hạnh phúc riêng, nhưng hai người không đi bước nữa. Với ba cô con gái, NSND Trần Tiến là một người bố giàu tình cảm, yêu thương và có trách nhiệm với các con.
Về già ông có một người phụ nữ tên Hạnh tự nguyện chăm sóc ông. NSND Lê Khanh rất cảm động với tấm chân tình của cô Hạnh, đã ở bên bố chị vào tuổi xế chiều và những tháng ngày ốm đau, bệnh tật. NSND Lê Khanh từng lên truyền hình gửi lời cảm ơn đến người bạn gái lâu năm của bố. "Tôi trân trọng và xúc động vô cùng với người bạn gái ấy của bố mặc dù ông không còn cường tráng, phong độ nhưng những gì đẹp của ông vẫn luôn đọng lại trong cô ấy. Nhờ có cô ấy mà những lúc tôi đi xa sẽ yên tâm hơn về bố. Cho nên những người con, người cháu phải hãnh diện vì mình có phúc thì cha mẹ mới còn có người thương khi ở tuổi xế bóng. Những điều quý giá ấy dẫu có tiền cũng không thể mua được”.
Dù nhiều năm nay, NSND Trần Tiến không còn tham gia vào đời sống văn hóa nghệ thuật, nhưng sự ra đi của ông để lại một khoảng trống lớn cho sân khấu nước nhà. Nhiều người giật mình về một thế hệ vàng đã làm nên thời kỳ hoàng kim của sân khấu nước nhà đã vắng bóng. Ngoảnh đi, ngoảnh lại đã chẳng còn mấy. Sân khấu, cũng vì thế mà vắng lặng dần, cùng với sự đổi thay, biến thiên của thời cuộc. Những khoảng trống ấy, biết đến bao giờ mới được lấp đầy.