Nuôi ong ở Vườn quốc gia Xuân Thủy

Thứ Tư, 26/01/2022, 09:45

Ở khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) có nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề nuôi ong lấy mật.  Để đảm bảo nguồn mật, thợ ong còn mở rộng địa bàn cùng đàn ong đi khắp nơi để gom góp những giọt mật ngọt ngào cho đời.

1. Chúng tôi có mặt tại Giao Thủy, Nam Định vào những ngày cuối của năm 2021. Trời nắng, hanh hao, thoảng mới có cơn gió thổi về đem theo vị mặn mòi của biển cả. Trên một doi đất khuất nẻo bên vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy, tìm mãi chúng tôi mới thấy một người đàn ông đang loay hoay bên các thùng ong mật. Trong căn nhà khang trang rộng rãi cách đó gần chục km, thuộc xã Xuân Hòa (huyện Xuân Trường), ông Phạm Văn Chinh (48 tuổi) hào hứng kể lại cái nghề mà theo ông là “cực vui, song cũng cực kỳ nhọc nhằn” này.

Khoảng hơn hai mươi năm trước, khi còn trẻ tráng, ông Chinh đã tấp tểnh theo nghề nuôi ong lấy mật. Thời kỳ đó các hộ đều nuôi ong trong Hợp tác xã. Khi đó đường sá đi lại còn rất khó khăn, nên chủ yếu dân “chăn ong” chỉ đưa đàn di chuyển độ 100 đến 200 cây số loanh quanh mấy tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ là quay về. Sau đó một thời gian thì Hợp tác xã giải thể, mạnh ai nấy làm. Lúc này, dân chăn ong ở nhiều địa phương khác như Thái Bình, Ninh Bình cũng nở rộ. Nên sau mùa hoa sú vẹt ở Giao Thủy thì ông Chinh cùng bạn nghề lên đường vào miền Trung, miền Nam tìm nguồn mật mới

Sở dĩ nơi đây phát triển mạnh nghề nuôi ong lấy mật là do đã có sẵn “thiên thời” là Vườn quốc gia Xuân Thủy. Hàng năm từ khoảng tháng 4 đến tháng 9 là mùa hoa sú, vẹt. Với tổng diện tích 14.500 ha, trong đó hơn 7.100 ha là vùng lõi và hơn 7.300 ha là vùng đệm - nơi đây là thiên đường cho những đàn ong đến lấy mật. Còn với dân chăn ong như ông Sinh, thì cứ mỗi mùa hoa là phải thuê thêm thợ để thu hoạch mật, san ra các thùng chứa, đóng thành chai và gọi thương lái đến mua. Hiện ở các xã Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy có đến hàng trăm hộ chăn ong. Quy mô từ vài chục đàn đến vài trăm, thậm chí có hộ có cả ngàn đàn ong mật.

33-2.jpg -0
Ông Chinh bên đàn ong mật tại Gio Linh (Quảng Trị).

Cũng theo ông Chinh, nghề nuôi ong cho thu nhập cao song không phải ai cũng theo được vì nghề này đòi hỏi sự cần cù, chịu khó. Nuôi ong là nghề “một vốn bốn lời”, do không tốn diện tích đất, chi phí đầu tư ban đầu thấp. Tuy vậy, yếu tố quyết định đến hiệu quả là phải nắm bắt được diễn biến sức khỏe của từng đàn do ong là loài vật rất nhạy cảm với thời tiết, dễ nhiễm bệnh.

Công việc hàng ngày của thợ chăn ong là thường xuyên đảo cầu để mật lên đều, kiểm tra từng thùng ong xem ong có khỏe mạnh, lấy đủ lượng phấn hoa cần thiết hay không. Khi ong chúa đẻ mạnh, số lượng ong trong đàn đông đúc, đàn ong sẽ xây mũ chúa mới và sẻ đàn tự nhiên. Trong trường hợp này, cần cho đàn ong xây thêm cầu mới để ong chúa có nơi đẻ trứng, tổ không chật chội, cắt bỏ bớt lỗ tổ ong đực ở các góc bánh tổ; thay thế ong chúa, bổ sung nguồn thức ăn cho đàn ong...

Hàng năm cứ khoảng tháng 1 đến tháng 3 thì cánh ông Chinh và nhiều bạn nghề phải thuê sẵn xe tải, để xuống Hưng Yên thu mật nhãn. Tháng tư thì về Hải Dương, hoặc lên Bắc Giang “đánh” mật vải. Tới cuối năm thì lại lục tục di chuyển đến các tỉnh miền Trung, miền Nam. Khi bài báo này đến tay bạn đọc, thì ông đang lang thang ở Quảng Bình, Quảng Trị để lấy mật keo. Sau đó lại dạt về Bình Phước lấy mật cao su; vòng lên Đắk Lắk, Gia Lai thu hoạch mật từ hoa cà phê...

2. Hoa ở đâu, ong ở đó - Đây là nguyên tắc bất di bất dịch của nghề nuôi ong. Và hành trình theo đàn ong đi đến với những mùa hoa - theo ông Sinh cũng như nhiều thợ ong khác - chứa đựng đầy những giọt mồ hôi, niềm vui cũng như cả bất trắc khôn lường.

Ông Chinh nhớ lại thời điểm mới bắt đầu nuôi ong ông phải đi vay mượn gia đình bạn bè để gây khoảng vài trăm đàn. Mỗi đàn gồm 7 đến 10 “cầu” ong (khung gỗ hình chữ nhật để ong làm tổ), xếp gọn trong một thùng gỗ kích thước khoảng 50x70cm.

“Khi đó tôi mới thu hoạch được mùa đầu tiên, khoảng 5 tấn mật. Tiền thu về mới chỉ trả được một nửa tiền đi vay. Song một buổi sáng ngủ dậy, ra thăm đàn ong thì choáng váng khi thấy ong không bay túa ra như bình thường? Mở thùng, rút các cầu ra thì chỉ thấy vài con khỏe mạnh bò ra, còn đa phần nằm im. Tình hình ở các thùng khác cũng tương tự. Tôi vội chạy đi nhờ các thợ ong cao niên, họ cho biết một nửa đàn ong đã nhiễm chí ong (chấy, ve). Khi chữa xong thì thiệt hại đến 70%.

Khi đã có những kinh nghiệm để đối phó với bệnh chí ong, thì một lần nữa ông Chinh phải trả giá bằng tiền khi vào mùa đông mấy năm sau, đàn ong lại đổ bệnh đau bụng hàng loạt. Mở thùng nào ra là thấy ong bò lết dưới cửa thùng, bụng trướng. Nguyên do suốt một tuần lễ mưa rét kéo dài, ong hầu như không được bay ra khỏi tổ để kiếm ăn. Ông Chinh đã phải mua thùng mới, di chuyển đàn ong ra một vị trí khác bệnh mới thuyên giảm.

Sau thời kỳ “khởi đầu nan” dần dà ông Chinh đã trở thành dân chăn ong có hạng ở Giao Thủy nói riêng và Nam Định nói chung. “Khoảng mươi, mười lăm năm trước, dân chăn ong ở Nam Định và nhiều tỉnh thành khác gần như đều phất lên nhờ việc hoa trái sum suê. Với 800-1.000 đàn ong, mỗi năm tôi thu đến 40 tấn mật, bán với giá 50 ngàn đồng/lít đã thu về hàng trăm triệu đồng. Cũng nhờ nuôi ong mà tôi xây được nhà cao cửa rộng, mua được nhiều vật dụng hiện đại, con cái đi học hành đầy đủ” - ông Chinh tâm sự.

Cũng là dân chăn ong lâu năm, anh Phạm Quang Hưng (xã Giao Thiện, Giao Thủy) đang có trong tay hơn 700 đàn ong mật. Cả năm rong ruổi đưa đàn ong đi khắp nơi để tìm mật, khi đến mùa sú, vẹt tại Vườn quốc gia Xuân Thủy nở hoa, anh Hưng lại đưa bầy ong mật về “an cư”. Với đàn ong của mình, mỗi vụ hoa sú, anh thu được 8 ngàn lít mật, mùa hoa vẹt anh thu được 20 nghìn lít mật. Toàn bộ số mật này đều được các thương lái, doanh nghiệp đến tận nơi thu mua. Với giá bán dao động từ 60-80 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, anh Hưng lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

33-3.jpg -0
Từ tháng 4 đến tháng 9 là mùa thu hoạch mật hoa sú, vẹt tại Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Dù thu nhập cao như vậy, song theo anh Hưng, nuôi ong du mục như “đánh bạc với trời”. Năm nào thời tiết thuận lợi, hoa trái sum suê, đàn ong tha hồ lấy mật thì năm đó đại thắng. Song cũng có những năm hoa ít, tiền bán mật không đủ tiền thuê xe di chuyển. Hoặc ong bị nhiễm bệnh chết đến nửa số lượng.

Thêm vào đó, điều khiến người nuôi ong di cư lo sợ nhất, là làm phật lòng chủ vườn hoặc người dân bản địa. Đã có rất nhiều chủ ong bị thiệt hại nặng khi bị chủ vườn “trở chứng” xua đuổi vì phật ý, hoặc do thiếu hiểu biết nên nghĩ ong làm hại hoa màu, vườn cây của họ. Mỗi lần bị đuổi là mỗi lần người nuôi ong lãnh đủ, vì chi phí cho mỗi chuyến xe di chuyển ong từ vùng này đến vùng khác rất tốn kém...

Những ngày chuyển ong như một cuộc đua. Chập tối, khi những chú ong thợ cuối cùng bay về, người nuôi đóng tổ lại, rồi vận chuyển thật nhanh lên xe. Có những cuộc di cư dài cả ngàn cây số, đến nơi còn tối om cũng phải chạy đua dỡ thùng đặt xuống cho ong sớm ổn định, để khi trời sáng, những chú ong thợ bay ra khỏi tổ định hướng, tỏa đi tìm mật...

Minh Tiến - Minh Trí
.
.