Ở châu Á, “chú lùn” tới World Cup bằng cách nào?

Thứ Tư, 15/09/2021, 13:59

Panama ở Trung Mỹ, Iceland ở châu Âu và Togo ở châu Phi là những quốc gia nhỏ bé từng giành vé tham dự một kỳ World Cup. Cơ hội tham dự Cúp Thế giới không giới hạn bất kỳ một nền bóng đá nào và châu Á cũng không phải ngoại lệ. Bahrain, Syria và Thái Lan chỉ thiếu một chút may mắn trên hành trình của họ.

Tiểu quốc xưng hùng

Bahrain là một trong những quốc gia nhỏ nhất Tây Á, với dân số chưa đầy 2 triệu người và diện tích bé hơn tỉnh Bắc Ninh. Với quỹ đất và quy mô nhân lực khiêm tốn như vậy, Bahrain chưa bao giờ được đánh giá là một cường quốc thể thao ở thế kỷ 20. Tuy vậy, thập niên đầu thế kỷ 21 đã chứng kiến sự trỗi dậy thần kỳ của bóng đá tại quốc gia này.

Từ một đội bóng vốn chỉ được xem như vật lót đường ở những giải đấu lớn, Bahrain dần lột xác ở vòng loại World Cup 2002, nơi họ lọt vào đến vòng cuối cùng. Quốc đảo vùng Trung Đông gây ấn tượng bằng hai chiến thắng liên tiếp trước cường địch Iran, bao gồm trận đấu họ vùi dập đối phương với tỷ số 3-1 trên sân nhà. Đến tận bây giờ, Iran vẫn coi đây là thất bại đau đớn nhất của họ.

Lứa cầu thủ thuộc thế hệ vàng bóng đá Bahrain tiếp tục chơi ấn tượng ở Asian Cup 2004, khi họ lọt vào đến vòng bán kết và xếp thứ 4 chung cuộc. Kết quả đó khiến các đội tuyển khác, vốn nhìn Bahrain bằng ánh mắt khinh thường, nay phải dè chừng họ nếu không muốn nhận thất bại cay đắng. Nhưng đến vòng loại World Cup 2006, Bahrain tiếp tục cho thấy họ không chỉ là hiện tượng nhất thời.

Với nòng cốt là những cầu thủ từng thi đấu bên cạnh nhau suốt 5-6 năm liên tiếp, Bahrain thống trị bảng đấu vòng loại thứ 2 gồm các đối thủ sừng sỏ như Syria, Tajikistan và Kyrgyzstan. Họ xác lập thành tích bất bại với 4 chiến thắng và 2 trận hòa, chỉ để thủng lưới đúng 4 lần trong 6 trận đấu. Kết quả đó giúp Bahrain tiếp tục bước vào vòng loại cuối cùng để ngáng đường Iran.

Ở châu Á, “chú lùn” tới World Cup bằng cách nào? -0
Bahrain (áo sẫm màu) 2 lần tiến gần tới vé dự World Cup.

Thành tích đứng thứ 3 ở vòng loại cuối giúp Bahrain có cơ hội đến kỳ World Cup trên đất Đức bằng suất playoff. Họ hoàn thành nửa chặng đường đầu tiên một cách suôn sẻ khi đánh bại Uzbekistan sau 2 lượt trận. Tuy nhiên, đến khi phải gặp đối thủ đến từ Trung Mỹ là Trinidad và Tobago, Bahrain lại thi đấu kém duyên và để thua sát nút đối thủ.

"Chúng ta chỉ cách tấm vé đến World Cup đúng 1 trận đấu nữa thôi". HLV Luka Peruzovic đã thốt lên đầy cay đắng như vậy khi các học trò của ông để thua trận lượt về với tỷ số 0-1 ngay trên sân nhà. Đó là trận đấu Bahrain chỉ cần hòa 0-0 vì họ có lợi thế bàn thắng sân khách ở lượt đi, nhưng một phút mất cảnh giác đã khiến đội bóng Tây Á phải trả giá.

Khép lại hành trình ở vòng loại World Cup 2006, Bahrain tìm đến khởi đầu mới 4 năm sau. Họ lại giành suất đá playoff, và lần này còn thắng một đối thủ rất mạnh để giành quyền đi tiếp: Saudi Arabia. Việc đánh bại một trong những đội bóng xuất sắc nhất Châu Á khiến người hâm mộ Bahrain tưởng như tấm vé đi tiếp đã nằm trong tay, bởi lúc này họ chỉ còn New Zealand ngáng đường.

Có điều một lần nữa, Bahrain lại gục ngã khi cánh cửa đến World Cup chỉ còn cách họ một bước chân. Vào trận với tâm thế của một đội cửa dưới, New Zealand đổ bê tông phòng ngự dày đặc bên phần sân nhà và rình rập chờ cơ hội phản công. Họ chỉ ghi đúng 1 bàn thắng trong trận lượt về, nhưng thế là quá đủ để đến World Cup. Bahrain chỉ còn biết tự trách mình vì 2 lần liên tiếp để mất vé.

Những điểm trùng hợp lạ thường

Giai đoạn 2016-2017, Syria chìm trong khủng hoảng vì nội chiến. Bom đạn cày nát lãnh thổ Syria nhưng không vì thế mà trình độ chơi bóng của họ suy giảm trong thời gian ấy. Không được thi đấu trên sân nhà mà phải đá trên sân trung lập, các cầu thủ Syria coi mỗi nơi họ đến thi đấu là nhà. Tinh thần vượt qua nghịch cảnh đó suýt chút nữa đã mang đến phép màu cho đội bóng Tây Á.

Ở châu Á, “chú lùn” tới World Cup bằng cách nào? -0
Kiatisuk (số 13) suýt chút nữa là “vua phá lưới” vòng loại World Cup 2002.

Ở vòng loại thứ 3 World Cup 2018 khu vực Châu Á, Syria kết thúc ở vị trí thứ 3, chỉ kém đúng 2 điểm so với đội nhì bảng Hàn Quốc. Nếu may mắn hơn một chút, họ hoàn toàn có thể giành vé trực tiếp đến Nga. Đối thủ của họ trong trận tranh suất playoff là Australia, và có những lúc tưởng như Syria đã giành quyền đi tiếp.

Không vì cú đúp của lão tướng Tim Cahill trong trận playoff lượt về, Syria cũng giống như Bahrain, chỉ còn cách World Cup đúng 1 lượt đấu nữa. Tương tự Syria, Thái Lan cũng có 2 lần lọt vào vòng loại cuối cùng của World Cup. Họ thậm chí đã chơi không tệ chút nào khi có hai trận hòa trước Australia và UAE ở vòng loại 2018. Kiatisuk chưa thể giúp Thái Lan đến World Cup ở cả cương vị cầu thủ lẫn HLV, nhưng ông có thể tự hào vì những điều đã làm.

Đâu là điểm chung của những câu chuyện cổ tích mang tên Bahrain, Syria và Thái Lan? Nếu nhìn vào đội hình của những đội tuyển này từng chinh chiến đến sát cửa World Cup, có thể thấy họ sở hữu một dàn cầu thủ đồng đều ở mọi tuyến. Thái Lan của vòng loại World Cup 2002 hay 2018 đều không thiếu những hảo thủ. Kiatisuk, Sakda, Dusit; rồi sau này là Chanathip, Dangda... đều là những cầu thủ đẳng cấp hàng đầu Châu Á.

Một điểm khác giúp bóng đá Bahrain hay Thái Lan có thời gian "hóa rồng" trong khoảng 5-7 năm là việc họ giữ được bộ khung đội hình ổn định. Những mắt xích chủ chốt gần như liên tục thi đấu cùng nhau, và chỉ có một vài thay đổi nhỏ bổ sung vào từng thời điểm. Thi đấu lâu năm, lại hiểu nhau nên dàn cầu thủ này chơi vô cùng ăn ý như thể họ tập luyện hàng ngày dưới chung màu áo cấp CLB.

Không thể không nhắc đến nguồn cảm hứng mạnh mẽ giúp những gã tí hon thi đấu vượt khả năng: Cuộc lật đổ những ông lớn. Nếu như Bahrain trưởng thành nhờ đánh bại Iran, thì Thái Lan cũng tự tin lên trông thấy khi ngáng chân những đối thủ hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Australia. Tinh thần đang lên sau mỗi trận cầu lớn như vậy giúp họ không ngán bất kỳ đối thủ nào khi vào trận.

Đối chiếu với Bahrain, Thái Lan của ngày xưa và Việt Nam bây giờ, dễ nhận ra hành trình của ba đội tuyển này giống nhau đến kỳ lạ. Việt Nam cũng sở hữu một dàn cầu thủ tốt, thi đấu bên cạnh nhau trong nhiều năm và giữ được bộ khung chính. Đội tuyển của chúng ta bây giờ không sợ những đội bóng Tây Á sau hàng loạt chiến thắng trong thời gian qua.

Ở châu Á, “chú lùn” tới World Cup bằng cách nào? -0
Pha lập công chuẩn mực của Quang Hải vào lưới Saudi Arabia cho thấy tầm vóc của bóng đá Việt Nam đã thật sự thay đổi.

Tất nhiên, đây là vòng loại World Cup thứ ba và những gì Saudi Arabia và Australia đem tới đã cho thấy, vòng loại World Cup là phạm trù hoàn toàn khác so với những gì chúng ta từng trải nghiệm ở các sân chơi khác. Sven Goran Eriksson từng nói rằng khi tới Phillipines làm việc, ông nhận ra sức cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực lớn lao tới mức đã không thể ngủ ngon bất kỳ đêm nào trong suốt 6 tháng cầm quân. Đó có lẽ chỉ là ví von mang tính phóng đại của chiến lược gia người Thụy Điển nhưng rõ ràng, thử thách đặt ra cho Việt Nam trong chiến dịch lịch sử này không hề “nhỏ bé” chút nào.

Nhưng HLV Park Hang Seo cũng từng tuyên bố khi vào tới vòng cuối cùng, trận nào với ông cũng có tính chất như nhau. Mục tiêu của Việt Nam sẽ không phải là những giấc mơ hão huyền về một cuộc lật đổ vĩ đại. Đích đến của Việt Nam là thông qua vòng loại cuối cùng, chúng ta sẽ có điểm nhìn nghiêm túc hơn về sân chơi World Cup, vốn dĩ được xem là quá tầm và xa xỉ với bóng đá Việt Nam.

Đừng quên rằng, danh sách bại tướng của HLV Park Hang Seo và các học trò có cả Nhật Bản, UAE và Qatar. Đấy là cơ sở để tin tưởng về một tương lai sáng sủa cho đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022. Sau Bahrain, Thái Lan và Syria, giờ đến lượt Việt Nam trở thành ngựa ô ngáng đường các ông lớn dù bị gắn mác đội bóng yếu nhất bảng.

Kiatisuk từng suýt là vua phá lưới vòng loại World Cup

Ở vòng loại World Cup 2002 khu vực Châu Á, có 3 cầu thủ cùng nhận danh hiệu “vua phá lưới”. Đó là Hani Al-Dhabit (Oman), Said Bayazid (Syria) và Talal Al-Meshal (Saudi Arabia), mỗi người ghi 11 bàn thắng. Xếp ngay sau 3 chân sút cự phách này là Kiatisuk của đội tuyển Thái Lan cùng 4 cầu thủ Ali Daei (Iran), Obeid Al-Dosari (Saudi Arabia), Yaser Salem Ali (UAE) và Jafar Irismetov (Uzbekistan) với 10 bàn.

Trong số 10 bàn thắng Kiatisuk ghi được ở vòng loại World Cup 2002, có 9 bàn diễn ra ở vòng loại thứ nhất. Đáng chú ý là HLV đương nhiệm của Hoàng Anh Gia Lai đã lập 2 cú đúp vào lưới Sri Lanka và Lebanon, cùng một cú poker trong chiến thắng 6-0 của Thái Lan trước Pakistan. Một mình Kiatisuk đóng góp gần một nửa số bàn thắng của Thái Lan ở vòng loại World Cup năm đó (10/25 bàn).

Ngoài Kiatisuk, Thái Lan lần đó còn có trong đội hình một chân sút cự phách khác là Seksan Piturat, người ghi đến 7 bàn thắng. Bên phía đội tuyển Việt Nam, chân sút xuất sắc nhất ở vòng loại World Cup 2002 là tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn với 5 bàn. Những cầu thủ Việt Nam còn lại ghi bàn là Nguyễn Lương Phúc (2 bàn), Nguyễn Trung Vĩnh, Nguyễn Văn Sỹ (mỗi người 1 bàn).

Đơn Ca
.
.