Olympic Tokyo 2020 – Ván cược của nền kinh tế Nhật Bản
Khởi đầu với mong muốn thúc đẩy kinh tế, du lịch, tiêu dùng và việc làm cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, nhưng kỳ vọng về một động lực Olympic đối với nền kinh tế Nhật Bản đã trở thành một canh bạc “rủi nhiều hơn may” vào thời điểm hiện tại. Điều gì đang chờ đợi kinh tế Nhật Bản khi Olympic 2020 vắng bóng khán giả.
Thế vận hội thể thao mùa Hè Olympic Tokyo đã khai mạc vào tối 23-7 theo giờ Việt Nam với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chưa từng có trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Dù vậy, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã tự tin tuyên bố rằng vượt qua những biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh, Olympic vẫn sẽ đem về lợi nhuận lớn. Theo ông Suga, “nhiều địa điểm sẽ không có khán giả, nhưng tầm quan trọng của Olympic Tokyo không hề giảm sút”. Thế nhưng, những khó khăn và bất cập của một trong những kỳ Olympic đặc biệt nhất lịch sử thể thao thế giới đã và đang bộc lộ rất rõ rệt.
Doanh nghiệp chùn bước - lao đao
Trước thềm khai mạc Olympic, tập đoàn Toyota cho biết sẽ không chạy bất kỳ quảng cáo nào ở Nhật Bản liên quan đến Thế vận hội. Toyota vốn là một trong 13 nhà tài trợ chính cho Olympic Tokyo. Trước đó, tập đoàn này từng chi hàng triệu USD để chạy quảng cáo Olympic tại giải bóng bầu dục Mỹ Super Bowl. Thế nhưng ở Nhật Bản, quan điểm tranh cãi của người dân về sự kiện này do lo ngại tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến Olympic trở thành tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với nhiều doanh nghiệp.
Khoảng 60 tập đoàn của Nhật Bản đã chi hơn 3 tỷ USD để tài trợ cho Olympic Tokyo 2020, một con số kỷ lục đối với các nhà tài trợ chủ nhà của bất kỳ giải đấu Olympic nào. Tuy nhiên, ngoài Toyota, lãnh đạo của các tập đoàn lớn như Panasonic, NTT, Fujitsu, NEC và Keidanren… cũng đã từ chối tham gia lễ khai mạc. Giám đốc điều hành công ty Suntory, ông Takeshi Niinami, chia sẻ công ty của ông đã quyết định không trở thành nhà tài trợ cho Olympic Tokyo 2020, bởi cái giá phải bỏ ra là "quá đắt".
Tokyo Skytree, tháp phát sóng cao nhất thế giới, cho biết năm ngoái công ty này cũng cân nhắc có nên trở thành nhà tài trợ cho Olympic trong hoàn cảnh đại dịch phức tạp hay không. Khác với Suntory, Tokyo Skytree sau đó đã quyết định “lên thuyền”, nhưng kể từ đó, Tokyo Skytree đã buộc phải ngừng các sự kiện khác nhau, bao gồm cả lễ rước đuốc trên đài quan sát. Giám đốc công ty cho biết: “COVID-19 khiến đây không phải là thời điểm thích hợp. Không ai có tâm trạng để tổ chức một lễ hội cầu kỳ”.
Toyota không phải doanh nghiệp lớn duy nhất lên kế hoạch kinh doanh từ Olympic và phải “vỡ mộng”. Nintendo đã phải từ bỏ kế hoạch mở cửa một công viên chủ đề Thế vận hội. Một trong những hãng du lịch lớn nhất Nhật Bản là KNT-CT cho biết họ không thể cung cấp dịch vụ vì đại dịch. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định Olympic Tokyo sẽ không đón khách nước ngoài và cấm khán giả tham gia cổ vũ tại các sự kiện thi đấu. Những quyết sách này đã khiến mảng du lịch, vốn đáng ra sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ Thế vận hội, lại phải đứng ngoài trong sự kiện này.
Không chỉ các công ty lớn, doanh nghiệp nhỏ tại Nhật Bản, từ khách sạn, nhà nghỉ, công ty bảo vệ cũng lao đao vì vỡ kế hoạch. Bà Yoshiko Tobe, chủ một khu nghỉ dưỡng gần Asakusa-Tokyo đã đầu tư hơn 1 triệu USD để tân trang lại cơ sở năm 2019 nhằm đón làn sóng du khách cho Thế vận hội. Giờ đây, hy vọng về làn sóng du khách đến xem Olympic sẽ giúp bà hồi vốn đã tan vỡ.
Theo NHK, tại các cửa hàng đồ lưu niệm chính thức của Olympic 2020 ở trung tâm thủ đô Tokyo, doanh thu khá ảm đạm, khi lượng khách hàng tìm tới đây là không nhiều. Một quản lý cửa hàng từng tham gia bán hàng trong các sự kiện thể thao lớn tổ chức tại Nhật Bản như Olympic Nagano 1998 hay World Cup 2002 cho biết sự hào hứng của khách hàng tại giải đấu lần này kém hơn rất nhiều do đại dịch. Các cửa hàng đang kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng lên khi các vận động viên Nhật Bản giành được thành tích tốt.
Một kỳ Thế vận hội đắt đỏ
Tâm lý bi quan của các doanh nghiệp Nhật Bản là điều ít ai nghĩ đến khi nước này giành quyền đăng cai Olympic 2020. Chặng đường này bắt đầu gần một thập niên trước tại Olympic London 2012 tại Anh, nơi đoàn Nhật Bản đã đạt được thành tích tốt nhất trong lịch sử nước này tại một kỳ Thế vận hội mùa Hè.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thời điểm ấy từng tuyên bố việc đăng cai tổ chức Olympic sẽ vực dậy tinh thần của đất nước sau thảm họa kép năm 2011 khiến gần 20.000 người thiệt mạng. Ngoài ra, nhìn lại vài thập niên trở lại đây, nền kinh tế Nhật Bản đã phải vất vả đối phó với nhiều vấn đề như nền kinh tế giảm tốc, dân số lão hóa nhanh, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và gánh nặng an sinh xã hội cho người già. Việc tổ chức Olympic Tokyo được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế, du lịch, tiêu dùng và việc làm cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Và trên thực tế, chính quyền Tokyo đã rất tận tâm với sự kiện này. Đến năm 2019, hầu hết các địa điểm tổ chức Olympic 2020 đã hoàn thành đúng hoặc trước thời hạn, đáp ứng được nhu cầu lớn về vé. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thậm chí đã gọi Tokyo là “thành phố đăng cai chuẩn bị tốt nhất trong lịch sử Olympic”.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 ập đến và tháng 3-2020, IOC và Nhật Bản quyết định hoãn Olympic Tokyo 1 năm, với hy vọng dịch bệnh sẽ được khống chế vào mùa hè năm 2021. Song, mong đợi đã không trở thành sự thật. Trong những tuần ngay trước thềm Thế vận hội, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã làm gia tăng số ca nhiễm trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Tokyo, nơi ghi nhận hơn 1.000 trường hợp COVID-19 mới mỗi ngày trong thời gian ngay trước thềm khai mạc Olympic.
Đáng báo động, các ca nhiễm mới tại Nhật Bản xuất hiện ở mọi nhóm người tham gia Thế vận hội, từ vận động viên, huấn luyện viên, đến các quan chức IOC cũng như giới truyền thông. Tại Làng Olympic, nơi các vận động viên chỉ có thể vào sau loạt thủ tục kiểm tra trước và sau khi đến Nhật Bản, cũng đã báo cáo các trường hợp dương tính đầu tiên. Chính quyền Tokyo đã phải tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ít nhất là ngày 22-8, đồng nghĩa giải đấu phải diễn ra trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trong khi đó, ngân sách chính thức của Olympic Tokyo được công bố là 15,4 tỷ USD nhưng các kiểm toán viên của chính phủ Nhật Bản cho biết tổng chi tiêu đã lên tới 20 tỷ USD, tức là cao gần gấp ba so với dự báo ban đầu khoảng 7,4 tỷ USD. Như vậy, sự kiện thể thao này đã vượt Olympic London 2012 (14,4 tỷ USD) để trở thành kỳ Thế vận hội mùa Hè đắt đỏ nhất trong lịch sử. Phần phụ trội do các khoản chi tiêu không lường trước và chủ yếu do việc phải lùi thời điểm tổ chức lại một năm. Cộng thêm vào đó là chi phí cho công tác ngăn ngừa dịch bệnh ước tính tiêu tốn 96 tỷ yen.
Chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi tại Viện Nghiên cứu Nomura cho biết “phần lớn lợi ích kinh tế dự kiến từ Thế vận hội Tokyo đã tiêu tan, khi khán giả nước ngoài bị cấm đến Nhật Bản" - một động thái mà ông Kiuchi ước tính gây thiệt hại kinh tế 1,4 tỷ USD. Việc không cho phép các cổ động viên trong nước đến gần các khu vực tổ chức giải đấu cũng có thể khiến nền kinh tế Nhật Bản phải hứng chịu thêm mức thiệt hại 1,3 tỷ USD. Lợi nhuận kinh tế từ các sự kiện văn hóa và thể thao quảng cáo sau Thế vận hội cũng được dự đoán sẽ giảm đi ít nhất một nửa.
Bài toán kinh tế
Nhưng bất chấp những khoản chi phí cao vọt, việc hủy bỏ Thế vận hội sẽ còn thảm khốc hơn đối với nền kinh tế Nhật Bản lúc này, dẫn đến thiệt hại ước tính lên tới 4,5 nghìn tỷ yen. Điều này chủ yếu do chi phí cơ sở hạ tầng đặc biệt được xây dựng cho Thế vận hội nhưng không tạo ra được lợi nhuận kinh tế hoặc chỉ tạo ra lợi nhuận hạn chế và trong tương lai xa. Do đó, bài toán kinh tế đối với Nhật Bản lúc này được cho là tìm cách tối ưu hóa lợi nhuận thu được từ Olympic Tokyo 2020, thậm chí biến rủi ro thành cơ hội trong bối cảnh đại dịch. Giới chuyên gia cho rằng Nhật Bản có thể nhìn lại những kinh nghiệm từ Olympic Tokyo 1964.
Nhìn lại kỳ Thế vận hội này, việc xây dựng các địa điểm như Trung tâm Judo Nippon Budokan - được tái sử dụng trong Olympic Tokyo 2020, đến các mạng lưới giao thông - bao gồm hệ thống tàu cao tốc Shinkansen, sự kiện thể thao mùa Hè năm 1964 đã tạo ra những cải tiến cơ sở hạ tầng quan trọng là trọng tâm của phát triển du lịch Nhật Bản sau này, đồng thời cũng chứng minh một lịch sử đi đầu và đổi mới trong công nghệ của quốc gia châu Á. Olympic Tokyo 1964 còn là kỳ Thế vận hội đầu tiên trên thế giới được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, thu hút từ 600 triệu đến 800 triệu khán giả trên toàn thế giới lúc bấy giờ.
Giờ đây, đại dịch gây gián đoạn Olympic Tokyo 2020 có thể sẽ là “cơ hội” để thế giới một lần nữa chứng kiến sự phát triển của công nghệ Nhật Bản, trong thời đại của Cách mạng công nghiệp 4.0. Trên thực tế, chính phủ Nhật Bản đã cho triển khai hàng loạt dự án táo bạo về giao thông thông minh, dịch vụ tự động hóa với hàng loạt robot thế hệ mới... với kỳ vọng giới thiệu thủ đô Tokyo như một “đô thị siêu thông minh” với du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, với việc chi phí xây dựng tại Tokyo tăng cao, ban tổ chức đã chuyển một số sự kiện thi đấu thể thao tại Olympic đến các địa phương khác, vừa giúp giảm thiểu chi phí, nhưng đồng thời cũng tăng cường đầu tư tại các khu vực. Ví dụ rõ nét nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng tại thành phố Izu – cách Tokyo 200 km về phía Tây và là nơi tổ chức môn đua xe đạp, đã được cải thiện đáng kể.
Nhà kinh tế học Takahide Kiuchi cũng lạc quan về khả năng người dân các nước xem Thế vận hội Tokyo qua truyền hình và có thể quyết định đến thăm Nhật Bản sau đại dịch. “Các nhà hàng và khách sạn đã cải tạo cơ sở vật chất để đón du khách quốc tế trong những năm qua sẽ không bị lãng phí. Các sân vận động và đấu trường Olympic cuối cùng sẽ được đón khách vào thời điểm thích hợp”, theo ông Takahide.
Cuối cùng, Olympic Tokyo ước tính sẽ tạo ra cơ hội việc làm mới cho toàn quốc về lâu dài, mang lại lợi ích cho tổng cộng 1,9 triệu người. Con số này thực sự ý nghĩa trong bối cảnh COVID-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tại “xứ sở hoa anh đào” tăng lần đầu tiên sau 11 năm, lên 1,98 triệu người - theo thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản.
Như vậy, trong khi những lợi ích ngắn hạn là gần như không thể đạt được, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai châu Á có thể kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực trong dài hạn, đặc biệt là khi Olympic thành công tốt đẹp và an toàn. Nhưng trước mắt, Chính phủ Nhật Bản cần đảm bảo Thế vận hội không trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm, mang đến rủi ro sức khỏe và kinh tế to lớn. Khi ấy, đất nước sẽ cần một chặng đường dài hơn để phục hồi và tiêu tốn thêm nhiều tiền bạc.