OPEC lại cắt giảm sản lượng

Thứ Hai, 10/10/2022, 12:45

Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia không phải thành viên OPEC (còn gọi là OPEC+) hôm 5/10 đã ký một thỏa thuận cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu mỏ khiến thế giới lại lo ngại giá dầu có thể tiếp tục tăng do hạn chế về nguồn cung, đặt ra nguy cơ lớn hơn cho nền kinh tế thế giới.

Giảm sản lượng, tăng nguy cơ

Sau cuộc họp trực tiếp hôm 5/10 tại Vienna, Áo, OPEC và một số quốc gia không phải thành viên nhóm, trong đó có Nga, ký một thỏa thuận sẽ cùng nhau cắt giảm sản lượng khai thác chung ít nhất 2 triệu thùng dầu một ngày. Đây là mức giảm rất sâu, vượt xa dự báo của giới chuyên môn về khả năng giảm sản lượng khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu thùng dầu một ngày. Mức giảm này đang tạo ra áp lực tăng giá dầu trên thị trường toàn cầu do hạn chế nguồn cung. Thực tế, ngay sau khi có thông tin OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng, giá dầu thô Brent Biển Bắc trên thị trường Lodnon tăng ngay 2%, lên mức 93,80 USD/thùng.

1_image002.jpg -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Hoàng Thái tử Mohammed Bin Salman.

Dự báo trước tình hình, chính quyền Mỹ đã ráo riết vận động và gây áp lực đối với OPEC để ngăn việc cắt giảm sản lượng nhưng bất thành. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc OPEC+ cắt giảm sản lượng ngay lúc này thật sự không cần thiết và đang tạo ra nguy cơ lớn cho nền kinh tế thế giới nói chung. Tuyên bố từ Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Brian Deese cho biết Tổng thống Biden “thất vọng” và cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng là “thiển cận”… trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tác động tiêu cực kéo dài do cuộc chiến ở Ukraine. Tuyên bố cho rằng quyết định của Opec+ “sẽ có tác động tiêu cực nhất đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vốn đang quay cuồng với giá năng lượng tăng cao”.

Đáp trả việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đồng loạt áp đặt hàng ngàn biện pháp trừng phạt về kinh tế, ngoại giao đối với nước Nga và người Nga, trong đó có việc cấm vận dầu mỏ từ Nga. Đồng thời, Nga cũng đáp trả bằng cách cắt giảm cung ứng sang phương Tây, chuyển hướng sang cung cấp cho Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác. Việc đứt gãy nguồn cung dầu từ Nga là nguyên nhân chủ yếu đẩy giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng vọt, kéo theo một loạt hệ lụy về kinh tế.

Để ứng phó với tình trạng giá dầu thế giới tăng cao do mất nguồn cung ứng từ phía Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã một lần quyết định xuất kho dầu dự trữ dầu quốc gia của Mỹ 10 triệu thùng để bình ổn giá. Đồng thời vận động thuyết phục Saudi Arabia và các nước OPEC tăng sản lượng khai thác, xuất khẩu để hạ nhiệt thị trường. Nhờ đó giá dầu tạm thời hạ nhiệt, từ 130 USD/thùng hạ xuống dưới 90 USD/thùng vào tháng 8-2022.

Với quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày của OPEC+, nguy cơ giá dầu tăng kịch trần tái xuất hiện. Để đáp lại quyết định này, Tổng thống Biden đã một lần nữa cho xuất kho dự trữ dầu, đặt hàng thêm 10 triệu thùng từ Cục Dự trữ dầu mỏ chiến lược Hoa Kỳ để đưa ra thị trường vào tháng tới (11-2022), và ông cho biết có thể yêu cầu tăng thêm nguồn cung.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang lo ngại việc giá dầu tăng sẽ làm gia tăng chi phí đổ xăng cho giới lái xe cũng như các doanh cung cấp dịch vụ vận tải, logistic. Người phát ngôn về nhiên liệu của tổ chức RAC Simon Williams cho biết: “Việc cắt giảm sản lượng dầu sâu như vậy chắc chắn sẽ khiến giá dầu tăng, buộc chi phí bán buôn của nhiên liệu tăng lên. Câu hỏi đặt ra là khi nào, và ở mức độ nào, các nhà bán lẻ chọn cách vượt qua những chi phí gia tăng này tại thời điểm dự kiến. Mặc dù ba tháng liên tiếp giá bán lẻ sẽ giảm, nhưng chúng tôi tin rằng trong nhiều trường hợp, các tài xế đang bị tính phí đổ xăng ngày hôm nay nhiều hơn so với mức giá phải trả dựa trên giá bán buôn trung bình trong vài tuần qua.”

Quan hệ đồng minh

OEPC không thể tiếp tục tăng sản lượng bất chấp áp lực của Mỹ do nhiều nguyên nhân, trong đó một phần là do hạ tầng trang thiết bị khai thác dầu của các quốc gia sau thời gian dài không được đầu tư nâng cấp không đủ năng lực để gia tăng sản lượng.

Mặt khác, quyết định cắt giảm sản lượng được cho là “Sự ngạc nhiên tháng 10” của Hoàng Thái tử Mohammed Bin Salman đưa ra vào đúng thời điểm phương Tây đang chuẩn bị cho một mùa đông “khắc nghiệt”, không chỉ do thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, mà còn do tình trạng thiếu nhiên liệu khí đốt sưởi ấm. Đây là hậu quả của chính sách đối đầu giữa các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu với nước Nga xung quanh vấn đề Ukraine. Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn không những không thể thuyết phục được Nga mà còn đẩy căng thẳng leo thang và gây ra những hệ lụy về kinh tế.

Trong bối cảnh đối đầu đó, Quyết định cắt giảm sản lượng dầu được cho là sự phối hợp, dàn xếp giữa Hoàng Thái tử Mohammed Bin Salman và Tổng thống Putin khi mối quan hệ đồng minh mới giữa hai bên đang ngày càng phát triển. Quyết định cắt giảm sản lượng này cũng được cho là một món quà ý nghĩa của Hoàng thái tử Mohammed Bin Salman dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh mới trong khu vực Trung Đông. Cuộc họp OPEC+ tại Vienna vào ngày 5/10 là dấu mốc mới nhất trong mối quan hệ đang phát triển giữa Nga-Saudi Arabia, bất chấp sự ngăn cản của các đồng minh phương Tây của Riyadh và được cho là mang lại ưu thế cho Tổng thống Nga Putin vào thời điểm quan trọng của cuộc chiến Ukraine, bởi nó góp phần làm suy yếu chiến lược của Mỹ và EU trong việc gây áp lực kinh tế lên Nga xung quanh cuộc chiến Ukraine.

Trong khi đó, Mỹ được xem như “trắng tay” trong “cuộc chơi tay ba” này. Tổng thống Mỹ Biden đã đích thân đến thăm Saudi Arabia mùa hè vừa qua trong nỗ lực giảm nhiệt khủng hoảng nguồn cung dầu mỏ. Tuy nhiên, ông Biden đã ra về tay trắng và do đó, phải đối mặt với viễn cảnh khó chịu khi chứng kiến Tổng thống Putin và Hoàng Thái tử Mohammed Bin Salman ngày càng xích lại gần nhau hơn và cùng nhau “làm giá” dầu mỏ. Bản thân ông Biden sẽ phải chiêm nghiệm vấn đề này một cách rõ ràng hơn trong cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng tới.

An Châu (Tổng hợp)
.
.