Pele - vị vua duy nhất của “vương quốc” bóng đá

Thứ Sáu, 06/01/2023, 10:14

Ngày 29/12/2022, cầu thủ người Brazil Edson Arantes do Nascimento, thường được biết đến với cái tên Pele, đã qua đời ở tuổi 82. Ông được người dân Brazil tôn vinh là “O Rei” của trái bóng tròn, trong tiếng Bồ Đào Nha, O rei đơn giản chỉ là “nhà vua” với tất cả các quyền uy của nó.

Với gia tài 1.283 bàn thắng được ghi trong 1.366 trận đấu của 20 năm sự nghiệp, Pele mang uy quyền của một vị vua trong bóng đá, cầu thủ duy nhất cho đến nay đã chiến thắng ở 3 kỳ World Cup. Vì thế mấy chục năm qua, chưa ai dám nghĩ đến việc tranh chấp “ngôi vương” của ông, kể cả Cruyff, Platini, Maradona, Zidane, Messi hay Cristiano Ronaldo….

Vượt qua mọi giới hạn của logic

Theo công thức chính xác của Johan Cruyff, Pele là "cầu thủ bóng đá duy nhất vượt qua giới hạn của logic". Mảnh khảnh nhưng được trời phú cho những kỹ thuật siêu phàm của cả chân và đầu… chỉ cao hơn 1,70 mét, nhưng ông có những cú nhảy thẳng đứng mạnh mẽ đến không tưởng cùng với khả năng đọc trận đấu đáng kinh ngạc, Pele trước khi trở thành một “siêu nhân”, đã là một cầu thủ theo đúng nghĩa của nó. Pele mãi mãi là một đứa trẻ thích chơi đùa với trái bóng, cái trò chơi trong đó “đứa trẻ” trong ông sẽ thể hiện óc sáng tạo phi thường, khả năng “ứng biến” bẩm sinh – như đội trưởng Carlos Alberto đã nhận xét. Những cầu thủ đối phương, những ngôi sao lừng lẫy khi đối mặt với Pele đột nhiên trở nên vụng về, lóng ngóng, giống những anh hề khi ở bên cạnh Pele.

t28 (1).jpg -0
Pele nâng cao chiếc cup vô địch thế giới trên đại lộ Champs - Elysées, Paris vào ngày 30/3/1971

Nhưng Pele cũng luôn biết cách tôn vinh những người khác. Tại World Cup 1970, Pele đã hết lời ca ngợi "cú bắt bóng thần sầu" mà thủ môn người Anh Gordon Banks đã thực hiện. “Tôi đã đánh đầu rất hiểm hóc ở cự ly gần, tưởng chắc chắn sẽ là một bàn thắng, nhưng Banks đã cản phá thành công", Pele nhận xét.  Trong trận chung kết với Ý, cú ném biên của Pele cũng đã giúp Carlos Alberto ghi bàn thắng quyết định  và ghi tên mình vào lịch sử.

Cầu thủ ghi bàn trẻ nhất thế giới

Tất cả được bắt đầu ở Bauru, một thành phố thuộc bang Sao Paulo. Từ năm 13 tuổi, Edson Arantes do Nascimento, con trai của một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp có biệt danh là "Dondinho", đã chơi cho câu lạc bộ địa phương Atletico Clube. Biệt danh Pele có nguồn gốc từ tên của Bile thủ môn AC Bauru, do các đồng đội đặt cho cậu để so sánh với Bile. Phải chăng Pele cũng từng là một thủ môn? Đúng là như vậy và lời giải thích của ông rất đơn giản: "Tôi thường đảm nhiệm vị trí thủ môn, bởi vì nếu tôi lên tấn công ngay từ đầu trận đấu, đội của chúng tôi sẽ thắng liên tục và đối phương sẽ không còn muốn chơi bóng nữa”.

Người đầu tiên nhìn ra tài năng của Pele là Waldemar de Brito, một cựu tuyển thủ từng tham dự World Cup 1934. Người cố vấn này đã làm cho các nhà lãnh đạo của Santos FC sửng sốt khi khẳng định chắc nịch rằng trong tương lai, chắc chắn Pele sẽ là "cầu thủ vĩ đại nhất thế giới". Cần nhớ rằng khi đó các cầu thủ của Santos FC đang là nhà đương kim vô địch khu vực Sao Paulo, khu vực nổi tiếng ngang ngửa với Rio và khi đó Brazil còn chưa có một giải vô địch quốc gia. Một lãnh thổ quá rộng lớn. Các vấn đề về giao thông và vấn đề thiếu hụt các phương tiện tài chính đã không cho phép Brazil thành lập một giải đấu quốc gia cho đến tận trước năm 1971.

Tháng 6/1956, Pele ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên lúc mới 15 tuổi và lời tiên tri của De Brito sớm được ứng nghiệm. Trong trận ra mắt với đội 1 của Santos, Pele ngay lập tức thể hiện phẩm chất của mình bằng một bàn thắng. Mười tháng sau, tháng 7/1957, Pele được gọi vào đội tuyển quốc gia để đối đầu với “kẻ thù truyền kiếp” Argentina tại Maracana. Ở đó, Pele trở thành cầu thủ ghi bàn trẻ nhất trong một trận đấu bóng đá quốc tế. Dẫn đầu danh sách ghi bàn của giải vô địch Sao Paulo ngay trong mùa giải đầu tiên của mình, chàng thanh niên đang chuẩn bị khám phá một lục địa mới và anh sẽ bắt toàn thế giới phải biết tới tên tuổi của mình. Mặc dù bị đau đầu gối, Pele vẫn đến Thụy Điển, nơi tổ chức World Cup vào tháng 6/1958.

Ở tuổi 17, khi bước vào sân cỏ của Gothenburg trong trận đấu thứ ba gặp Liên Xô,  Pele đã trở thành cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử tham gia World Cup. Sau tiếp sau đó lại là danh hiệu cầu thủ ghi bàn trẻ nhất, khi Pele đưa đội của mình vào tứ kết bằng cách đánh bại xứ Wales (1-0).

Pele lại tiếp tục là cầu thủ trẻ nhất đá chung kết và giành chiến thắng bằng cách lập cú đúp vào lưới người Thụy Điển (5-2). Trước đó ở  trận bán kết, đội tuyển Pháp của Kopa và Fontaine đã phải chịu hình phạt tương tự do cú hat-trick của tiền đạo này.

Không gì có thể chống lại họ

Brazil cuối cùng đã có thể nâng cao chiếc cúp Jules-Rimet và giải tỏa chấn thương năm 1950 với thất bại bi thảm trên sân nhà trong trận chung kết trước Uruguay. Chiến thắng này chủ yếu dựa trên sự phối hợp hoàn hảo bổ sung cho nhau của hai thiên tài bóng đá: Garrincha và Pele. Khi hai người này xếp đá cùng nhau, Selecao đã không thua trận nào.

Ở câu lạc bộ, Pele tiếp tục đeo số 10. Năm 1958, trong mùa giải thứ hai tại Santos, Pele đã giành chức vô địch Paulista khi ghi được 58 bàn thắng sau 38 trận, một kết quả thực sự đáng kinh ngạc. Năm sau, các nghệ sĩ sân cỏ này đã chiến thắng trong Giải đấu Rio-Sao Paulo - giải đấu để đăng quang nhà vô địch quốc gia - trước khi thống trị châu lục bằng cách nâng cao Copa Libertadores vào năm 1961 sau khi đánh bại đội Penarol de Montevideo.

t28 (2).jpg -0
Pele trong trận chung kết World Cup ngày 21/6/1970 tại Mexico khi Brazil đối đầu với Italia

Không có gì có thể chống lại họ. Santos chính thức trở thành đội bóng xuất sắc nhất thế giới nhờ chiến thắng tại Cúp Liên lục địa năm 1962 trước một gã khổng lồ Benfica của Eusebio. Tại Lisbon, Santos đã thắng áp đảo 5-2. Pele trong tình trạng gần như lên đồng, đã lập một hat-trick. Câu lạc bộ Paulist duy trì vị thế thống trị toàn cầu và khu vực Nam Mỹ trong các mùa giải tiếp theo, bằng cách đánh bại Portenos của Boca Juniors, sau đó là AC Milan.

Một “bảo vật quốc gia không thể xuất khẩu”

Các sân cỏ nổi tiếng ở châu Mỹ, châu Âu và châu Phi đồng loạt mời gọi Pele và  các đồng đội của anh tham gia vào các chuyến du đấu. Năm 1960-1961, họ tham gia Giải đấu Paris, giải đấu mà họ đã giành chiến thắng trước Racing và Stade de Reims. Những lời đề nghị từ các câu lạc bộ giàu có nhất châu Âu – Real Madrid hay AC Milan – cũng đang dồn về để mời chào Pele. Nhưng giống như những gì một tổng thống cần phải làm để bảo vệ một công trình di sản, Tổng thống Brazil Janio Quadros đã ra sắc lệnh tuyên bố rằng Pele là "một báu vật quốc gia không thể xuất khẩu".

t28 (6).jpg -0
Tang lễ của Pele được cử hành tại sân vận động Santos ở quê hương ông

Sau 19 mùa giải ở Santos, ở tuổi 34, Pele bị thuyết phục trước lời mời của Liên đoàn Bóng đá Bắc Mỹ với mức lương 1,4 triệu USD/ năm, trong thời hạn 7 năm, một bản hợp đồng cao chót vót vào thời điểm đó. Nhưng để đến được Mỹ, Pele vẫn phải cần đến sự can thiệp của một trong những người ngưỡng mộ ông, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, để có thể vượt qua sự phản đối của chính quyền quân sự đang nắm quyền ở Brazil lúc đó. Sau sự can thiệp mạnh mẽ và kiên trì của Henry Kissinger, cuối cùng Pele cũng đã có thể rời khỏi Brazil để tới Mỹ.

Chiếc cúp cuối cùng mà Pele giành được là Cúp vô địch Bắc Mỹ vào tháng 8/1977. Đó cũng là thời điểm mà ông kiên quyết giã từ sân cỏ. Hai tháng sau, trước 70.000 khán giả của sân vận động Giants đã diễn ra một trận giao hữu giữa Cosmos và Santos. Đây là hai đội duy nhất mà Pele đã tham gia, vì thế mỗi hiệp ông đá trong đội hình một đội và đã ghi bàn thắng cuối cùng từ một quả đá phạt trực tiếp.

Năm 1995, Pele nhận lời giữ chức Bộ trưởng Bộ Thể thao theo lời mời của tân Tổng thống Fernando Henrique Cardoso (Đảng Phong trào Dân chủ Brazil, trung hữu). Là người da đen đầu tiên lãnh đạo một bộ ở Brazil, Pele đã ở đó 3 năm, để cố gắng thông qua một đạo luật mang tên ông trước khi rời đi, với mục đích "giải phóng tất cả các cầu thủ bóng đá Brazil khỏi chế độ nô lệ". Pele đã giải thích với tờ Le Monde vào tháng 1/2012: “Trước khi tôi đến, cầu thủ là tài sản tuyệt đối của câu lạc bộ, họ không được tự do chuyển nhượng, kể cả khi hết hợp đồng. Và khi một số câu lạc bộ hết tiền, họ sẽ đến ngân hàng và nói: "Tôi sẽ thế chấp cho bạn các cầu thủ của tôi".

Vị vua duy nhất của Vương quốc bóng đá

“Trước Pele, bóng đá chỉ là một môn thể thao. Pele đã thay đổi mọi thứ. Ông ấy biến bóng đá thành nghệ thuật. Ông ấy đã lên tiếng cho người nghèo, cho người da đen và trên hết, ông ấy đã mang lại tầm nhìn cho Brazil. Ông ấy đã ra đi nhưng ảnh hưởng của ông ấy vẫn còn mãi mãi”, cầu thủ người Brazil, Neymar ca ngợi trên Instagram.

t28 (3).jpg -0
Niềm vui của Pele khi Brazil giành chiến thắng trong trận chung kết World Cup ngày 21/6/1970 ở Mexico

Đối với Cristiano Ronaldo, tiền đạo ngôi sao của đội tuyển Bồ Đào Nha, Pele là "nguồn cảm hứng cho hàng triệu người”, và rằng, “Pele sẽ không bao giờ bị lãng quên và ký ức về ông sẽ sống mãi trong lòng tất cả những người yêu bóng đá”.

Tại Pháp, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Didier Deschamps đảm bảo rằng Pele "sẽ mãi mãi là vua". Đối với ông chủ của The Blues, nhà vô địch thế giới với tư cách cầu thủ năm 1998 và với tư cách huấn luyện viên năm 2018 thì, “Pele là sự kết hợp hoàn hảo của vẻ đẹp và sự hiệu quả. Tài năng và thành tích của ông ấy sẽ mãi mãi khắc sâu trong ký ức của chúng tôi; bóng đá mất đi một trong những huyền thoại xuất sắc nhất của nó, nếu không muốn nói là xuất sắc nhất”.

Santos FC, câu lạc bộ đã chứng kiến chặng đường phát triển đầu tiên từ năm 1956 đến năm 1974 của ông vua bóng đá, đã tiễn biệt Pele bằng một từ "Eterno" (vĩnh cửu), kèm theo hình ảnh chiếc vương miện đặt dưới chùm ánh sáng. Cosmos, câu lạc bộ thứ hai và cũng là câu lạc bộ cuối cùng của ông, tôn vinh tác động "vô giá" và "lâu dài" của Pele đối với bóng đá. Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) khẳng định rằng Pele là "bất tử". Còn Sepp Blatter, cựu Chủ tịch FIFA thì tuyên bố: "Thế giới thương tiếc cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất trong lịch sử và một con người tuyệt vời".

Dương Quốc Tuệ
.
.