Phát huy di sản văn hóa Mo Mường

Thứ Hai, 30/01/2023, 20:45

Những ngày cuối năm 2022, người Mường nói riêng, người yêu di sản văn hóa nói chung vui mừng trước thông tin hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Mo Mường vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp được triển khai xây dựng.

Qua các hoạt động này, những giá trị đặc sắc của Mo Mường được làm rõ hơn, trong đó có những giá trị mà nhiều người, kể cả chủ thể của di sản - người Mường ở Việt Nam có khi cũng chưa hẳn hiểu hết.

Nhắc tới Mo Mường, rất nhiều người đều nghĩ ngay đến sử thi thần thoại đồ sộ “Đẻ đất đẻ nước”. Ngay các thầy Mo lâu năm, những người được vinh danh là Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân cũng không hẳn có những cách hiểu hoàn toàn thống nhất.

mo muong 2.jpg -0
Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Minh thực hiện nghi lễ Mo.

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh ở xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết, ông chỉ thực hành nghi lễ và diễn xướng. Theo cách hiểu của ông Minh, Mo Mường là loại hình tín ngưỡng dân gian rất đặc biệt, là di sản văn hóa dân gian có tính nguyên hợp, được tạo nên từ ba thành tố chính: Môi trường diễn xướng, lời Mo và nghệ nhân Mo còn gọi là thầy Mo, hay bố Mo… và công cụ hành nghề của các thầy Mo (Túi Khót), trong đó lời Mo và nghệ nhân Mo tồn tại gắn liền với nhau. Mo Mường có độ dài hàng vạn câu thơ Mo, với hơn 12 - 15 đêm diễn xướng và còn chứa đựng rất nhiều điều diệu kỳ, ẩn trong đó những giá trị lịch sử, nhân văn hướng con người tới cái đẹp, sống lương thiện, hướng con người tới cái thiện, cái đức cái tâm sống chân thành với nhau.

Nghệ nhân Bùi Hồng Nhi ở xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa thì cho rằng, Mo Mường là Mo sử thi Đẻ đất-Đẻ nước (Mo Tlreu) và Mo lên trời (Mo dẫn đường), nói chung là Mo Ma. Mo Mường chủ đạo là diễn xướng, là Mo ca, một lối diễn xướng phức hợp. Mo đại bộ phận được sử dụng trong các nghi lễ ma chay, cầu được mùa, cúng chữa bệnh, mừng nhà mới. Lời Mo kể cho ta biết quy luật tạo hóa của vũ trụ để con người sống và ứng xử một cách chủ động, biết sống và giữ gìn cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Lời Mo là tình cảm, là đạo đức, là trí tuệ và thâu tóm đầy đủ về phong tục, tập quán của văn hóa Mường. Mo lên trời (Mo dẫn đường) là phần Mo thiêng liêng nhất… Qua diễn xướng, Mo Mường cũng đã có những đóng góp rất lớn trong việc mở cho chúng ta một cánh cửa về quá khứ để tiếp tục tìm hiểu thêm lịch sử dân tộc, lịch sử tư tưởng văn hóa, nghệ thuật ngôn ngữ của dân tộc Mường.

mo muong 1.jpg -0
Các thầy Mo thực hành nghi lễ Mo.

Còn theo Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Nợi ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình thì các giá trị văn hóa của người Mường tập trung ở Mo Mường. Giá trị đầu tiên nổi bật của Mo Mường là giá trị sử thi. Ngoài ra, Mo Mường còn có các giá trị khác về tư tưởng triết học, nghệ thuật biểu diễn, ngôn ngữ thể hiện… Nhiều giá trị của Mo Mường sẽ còn sống mãi với thời gian mà người muôn đời sau còn phải ngẫm nghĩ để rút ra bài học lớn cho mình và thời đại mình đang sống.

Khẳng định “cái gì có trong người Mường đều có trong Mo Mường”, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng ở xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nhận định, Mo Mường có dung lượng đồ sộ và như là bộ bách khoa toàn thư dân gian về dân tộc Mường, được thể hiện và diễn xướng trong tang lễ của người Mường. Cũng theo ông Vọng, Mo Mường là tên gọi một loại nghề nghiệp, một loại hình di sản dưới dạng hình thức thực hành nghi lễ tín ngưỡng cơ bản được thực hiện trong tang lễ người Mường, bao gồm ba lĩnh vực chính: Lời Mo, công cụ “hành nghề” là túi Khót của các thầy Mo…, môi trường diễn xướng, con người thực hành diễn xướng Mo tức là nghệ nhân Mo. Trong đó lời Mo gắn liền với nghệ nhân Mo chiếm vị trí quan trọng nhất. Bao đời qua, lời Mo được dạy truyền khẩu, gắn liền với con người thực hành Mo và lưu giữ trong truyền khẩu dân gian. Lâu nay, khi nói đến Mo Mường chúng ta chỉ nói về lời Mo chứ không nói đến môi trường, con người diễn xướng. Nói về Mo Mường có thể rất dài, rất nhiều, nhưng để chỉ ra đặc trưng cơ bản của loại hình diễn xướng đặc biệt này của người Mường là rất khó, hay bị lẫn với đặc điểm của các loại hình di sản khác.

mo muong 3.jpg -0
Mâm lễ vật được chuẩn bị phục vụ nghi lễ Mo.

Về di sản Mo Mường, GS.TS Lê Hồng Lý cho rằng, đây là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của người Mường trong quá khứ và hiện tại. Nói đến Mo Mường là nói đến tất cả các tác phẩm Mo phản ánh những sinh hoạt văn hóa của người Mường. Trong Mo Mường có rất nhiều tác phẩm Mo khác nhau, mà “Đẻ đất đẻ nước” là một tác phẩm nổi trội nhất, đồ sộ nhất. Đối với người Mường, Mo là di sản văn hóa gắn liền với đời sống của họ trong suốt cuộc đời.

Từ khi sinh ra và lớn lên, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, Mo luôn luôn cùng với họ như những lời chỉ bảo, dạy dỗ và hướng cho họ trong mọi hoạt động của cuộc sống. Mo Mường là một kho tàng tri thức lịch sử, xã hội và văn hóa của một tộc người Mường, chứa đựng trong đó không chỉ trí tuệ của người Mường quan niệm về vũ trụ bao quanh họ, mà còn là một kho tri thức dân gian về cuộc sống của họ, cũng như tính nhân văn trong những thực hành văn hóa ấy. Bởi vậy, nó xứng đáng để được giữ gìn, công nhận, lưu giữ và phát triển cho thế hệ hôm nay và mai sau. Mo Mường còn đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại nhằm giữ gìn sự đa dạng văn hóa các tộc người trên thế giới, sự bao dung, tính nhân văn làm cho các tộc người trên thế giới thắt chặt hơn tình hữu nghị, sự khoan dung và hòa bình hơn để con người yêu thương nhau hơn, các tộc người đoàn kết gần gũi bên nhau để hành tinh chúng ta tồn tại bền vững.

Cùng chung nhận định về giá trị đặc sắc của Mo Mường nhưng nhiều địa phương cũng cho biết, Mo Mường đang ngày càng mai một, đứng trước nguy cơ thất truyền. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, số lượng những ông Mo, thầy Mo trong các bản, làng ngày càng ít dần. Toàn tỉnh chỉ còn một số nghệ nhân cao tuổi, rất ít nghệ nhân trẻ. Bên cạnh đó, Mo Mường đang chịu tác động mạnh, toàn diện từ môi trường tồn tại và nhu cầu sử dụng… Đắk Lắk đã triển khai công tác phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể để bảo vệ khẩn cấp.

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cũng cho thấy, hiện nay di sản Mo Mường chỉ còn được bảo lưu trên địa bàn huyện Tân Sơn và Yên Lập. Các ông Mo, thầy Mo đều truyền nghề qua phương thức truyền khẩu. Trong quá trình lưu truyền, bảo tồn số lượng câu Mo, bài Mo không còn được đầy đủ như ban đầu. Số lượng các cuốn sách, ấn phẩm nghiên cứu về di sản văn hóa Mo Mường của người Mường ở Phú Thọ hầu như chưa có. Vì vậy quá trình nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy di sản văn hóa cũng gặp không ít khó khăn. Số lượng ông Mo, thầy Mo trong các bản ngày càng ít dần. Phú Thọ có 31 ông Mo, thầy Mo, trong đó có nhiều thầy Mo tuổi cao, sức yếu đã trên 80 tuổi. Số lượng người muốn và có khả năng theo học Mo không nhiều…

Tại Hà Nội, theo TS Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, kết quả kiểm kê bổ sung di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường năm 2022, Hà Nội có 7 nghệ nhân Mo Mường, 1 nghệ nhân đã mất và không có người kế cận. Cũng giống như nhiều địa phương khác, phần lớn các nghệ nhân Mo tại Hà Nội đều cao tuổi và chưa có học trò theo học. Do sự giao thoa văn hóa dẫn đến thay đổi trong nhận thức và do quy định thực hiện nếp sống văn minh nên các nghi thức được đơn giản hóa. Vì vậy, di sản Mo Mường tại Hà Nội đang đứng trước nguy cơ mai một, cần phải có kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị kịp thời.

Về di sản Mo Mường nói chung, TS Phạm Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho rằng, Mo Mường hàm chứa bên trong nó là những biểu trưng văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của một dân tộc. Có lẽ cũng chính bởi những lý do đó mà di sản Mo Mường đã được quan tâm tìm hiểu từ rất sớm bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước. Các công trình đã đề cập đến các vấn đề xoay quanh những khía cạnh của Mo Mường, đặc biệt tập trung vào phần nội dung kể chuyện sử thi từ việc giới thiệu các văn bản Mo Mường đã được phiên âm, dịch thuật đến những phân tích, nhận thức, đánh giá thông qua văn bản.

Tuy nhiên, đối với một loại hình di sản có trữ lượng văn bản đồ sộ, có một không gian thực hành bao phủ khắp các bản làng Mường trên cả nước, Mo Mường cần được nhận thức đầy đủ hơn, toàn diện hơn, với nhiều các cơ sở khoa học thực tiễn nhằm giúp cho việc xây dựng kế hoạch và các biện pháp bảo vệ di sản này được thiết thực, hiệu quả hơn. Còn rất nhiều nội dung cần được làm rõ, nhất là khi di sản Mo Mường được chọn lựa để xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

* Ảnh trong bài: Quang Vinh.

Minh Hà
.
.