Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa

Thứ Tư, 24/11/2021, 20:40

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 diễn ra ngày 24-11 được kỳ vọng sẽ tạo nên sự đổi mới. Làm thế nào để phát huy tối đa sức mạnh mềm của văn hóa, để chúng ta không chỉ bảo vệ được những di sản của cha ông để lại mà còn sử dụng văn hóa như một nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước? Phóng viên ANTG đã có cuộc trò chuyện với các học giả, nhà nghiên cứu về vấn đề này.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Thấu hiểu văn hóa để chấn hưng đất nước

- Văn hóa có vai trò quan trọng trong sự phát triển xã hội, kinh tế và vị thế của một dân tộc. Vậy theo ông, ở nước ta, nhìn lại lịch sử, văn hóa đã phát huy được vai trò đó một cách hiệu quả chưa?

Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa -0
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ.

+ Nhà văn hóa Nguyễn Trãi từng viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Đó là một định đề văn hóa, một tổng kết mang tính lịch sử về văn hóa. Định đề đó nằm ở đầu “Đại cáo bình Ngô”, khẳng định truyền thống độc lập dân tộc cũng như vai trò và giá trị của văn hóa với chủ quyền quốc gia. Kế sách mưu phạt tâm công của Nguyễn Trãi chính là đánh giặc bằng văn hóa tinh thần, bằng tổng thể văn hóa. Cuối “Đại cáo bình Ngô”, Nguyễn Trãi viết rất cập nhật: “Ban chiếu duy tân khắp chốn”. Duy tân là đổi mới, là kinh bang hoa quốc. Cuộc cách mạng thế kỷ XX của chúng ta có một mục tiêu trực tiếp và tối thượng là dân tộc và dân chủ. Dân tộc là phát huy truyền thống độc lập, dân chủ là hướng về nhân dân, vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng. Đề cương văn hóa Việt Nam do lãnh tụ cách mạng Trường Chinh soạn thảo với phương châm dân tộc hóa, đại chúng hóa, hiện đại hóa đã khẳng định đường lối phát triển của văn hóa cách mạng Việt Nam, có tính thời sự cho đến hôm nay. Trên thực tế vận động cách mạng, phương châm đó đã được hiện thực hóa một cách hiệu quả và thành công suốt 76 năm qua. Không thể phủ nhận được dù kỳ vọng của chúng ta, ở địa hạt này hay địa hạt khác, còn mong muốn nhiều hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa.

- Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Điều này được coi là kim chỉ nam cho sự phát triển, trong thời đại hôm nay, trước xu thế toàn cầu hóa, tinh thần của Bác sẽ được ứng dụng thế nào?

+ Cũng năm 1943, lãnh tụ Hồ Chí Minh đưa ra một định nghĩa văn hóa có tầm khái quát sâu sắc, đáng xem là mẫu mực: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Lúc này hay lúc khác, Bác Hồ sử dụng khái niệm văn hóa vào các địa hạt khác nhau của tổng thể đó. Giá trị soi đường cho quốc dân đi là một trong những giá trị cội nguồn của văn hóa với nhân loại, mà cụ thể là với một nhân dân Việt Nam vốn 95% đang mù chữ, một xuất phát điểm văn hóa còn rất đáng lo ngại, cần kíp chấn hưng để mỗi người giác ngộ văn hóa, đảm nhận vai trò chủ nhân của số phận, của cộng đồng và của quốc gia.

Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa -0
Cần phát huy sức mạnh mềm của văn hóa.

Toàn cầu hóa là một sự phát triển tất yếu và mạnh mẽ. Tiếp biến văn hóa là một quy luật sinh tồn của văn hóa. Trước toàn cầu hóa thì nhân loại đã chứng kiến nhiều nền văn minh không thể vượt qua thử thách và đã tàn lụi, đặc biệt ở các không gian châu Phi và châu Mỹ. Toàn cầu hóa hôm nay bao hàm nội dung bảo vệ, bảo tồn bản sắc văn hóa của tất cả các cộng đồng trên thế giới. Tư tưởng về quyền chủ quyền quốc gia dân tộc và đa dạng văn hóa đã được định hình vào nửa sau thế kỷ XX. Tuy nhiên, tiếp biến văn hóa, phát triển kinh tế cũng đặt ra thử thách về sự “trôi dạt văn hóa” ở nhiều cộng đồng, đặc biệt ở cấp độ quốc gia, không trừ một không gian nào. Dĩ bất biến ứng vạn biến, tư tưởng được Bác Hồ vận dụng nhiều lần cũng rất đúng trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày nay chúng ta nói hòa nhập mà không hòa tan cũng là ứng dụng, vận dụng trí tuệ của Bác Hồ trên lĩnh vực văn hóa.

- Từ rất sớm, chúng ta đã có những chính sách, chủ trương phát triển văn hóa, coi văn hóa là sức mạnh nội sinh để kiến tạo nên một quốc gia. Thế nhưng, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa đạt được nhiều thành tựu lớn. Theo ông, có phải do chủ trương chính sách vẫn đang mang tính hình thức?

+ Chủ trương chính sách cũng là một yếu tố cấu thành của tổng thể văn hóa, nó ra đời từ thực tiễn và nhu cầu của tổng thể văn hóa. Khái niệm “thành tựu lớn” là tùy vào cách quan sát. Tuy nhiên, mọi thành tựu đều có những nguyên nhân rất sâu xa. Các tôn giáo, các nền ngôn ngữ, các học thuyết xã hội, các văn minh tinh thần và vật chất đã được sáng tạo trong những hoàn cảnh cụ thể của từng phần địa cầu khác nhau. Cái đó tạo nên một truyền thống cho từng không gian, và ngày nay cho cả nhân loại. Chúng ta có những thành tựu không thể phủ nhận ở cấp độ quốc gia: độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, phát huy văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc. Chúng ta đã từ một nền tảng đầy những lạc hậu, như các trí thức xuất sắc đầu thế kỷ XX đã trăn trở, để đi đến hôm nay mà không “trôi giạt văn hóa” quốc gia thì đó là thành tựu lớn. Còn “tác phẩm” lớn thì vẫn nằm trong kỳ vọng. Vấn đề nghiên cứu văn hóa thế giới quan tâm cuối thế kỷ XX đến nay là vấn đề bản sắc. Thành tựu tác phẩm là một trong những yếu tố của bản sắc mà thôi. Chính sách là một bộ phận của thiết chế văn hóa. Quả đúng là, trong truyền thống bao cấp, chúng ta có những bất cập, có những biểu hiện quan liêu và lãng phí trong hoạt động văn hóa, trong việc khơi dậy sự giác ngộ và trách nhiệm của nhân lực trong thiết chế văn hóa. Điều đó đang được từng bước sửa chữa, nhưng cần thời gian.

- Nhiều học giả, nhà văn hóa cho rằng, Hội nghị văn hóa lần này cần một cuộc “chấn hưng” văn hóa mạnh mẽ, vì văn hóa, đạo đức đang xuống cấp. Theo ông, chúng ta sẽ “chấn hưng” bằng cách nào?

+ Có những phương sách cụ thể cần hài hòa, đặc biệt là với văn hóa truyền thống, với các di sản văn hóa. Đó là Thấu hiểu văn hóa – Thẩm định văn hóa – Bảo tồn văn hóa – Phát huy phát triển văn hóa – Quảng bá văn hóa. Thấu hiểu là tìm tòi nghiên cứu tạo nên tri thức về văn hóa. Thẩm định là đánh giá giá trị, năng lực, trữ lượng, tính chất của di sản để cho việc bảo tồn, phát triển và quảng bá văn hóa. Bảo tồn là bảo tồn những giá trị đã được thẩm định. Phát huy là sáng tạo trên giá trị văn hóa truyền thống trong sự tiếp biến hiện đại. Quảng bá không chỉ là tuyên truyền biểu tượng cộng đồng, biểu tượng quốc gia mà cái chính là đem bản sắc văn hóa phục vụ cộng đồng thế giới. Chấn hưng đi theo những phương sách như vậy.

- Ông có kỳ vọng gì ở Hội nghị văn hóa Toàn quốc lần này?

+ Hội nghị tập hợp những đại biểu tinh hoa của hoạt động văn hóa. Tôi kỳ vọng từ tình cảm và trí tuệ, chúng ta sẽ nhìn nhận đúng đắn những gì là thành tựu, những gì là bất cập để có một phương hướng vừa đúng đắn, vừa cụ thể và hiệu quả cho sự nghiệp văn hóa. Mong muốn Hội nghị sẽ đem đến một sự giác ngộ văn hóa lan tỏa cho toàn dân như trước đây, chúng ta đã giác ngộ tư tưởng văn hóa của Bác Hồ, của Đề cương văn hóa Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Quốc gia muốn phát triển phải có nội lực tự thân

Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa -0
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương.

Văn hóa là nền tảng phát triển của quốc gia. Điều này là hiển nhiên khỏi bàn cãi. Trong đó văn hóa đọc là một trong những nền tảng quan trọng nhất. Quốc gia muốn phát triển, hiện đại hóa và hòa nhập với thế giới thì phải có nội lực tự thân. Nội lực này chính là văn hóa. Hơn nữa không có văn hóa thì không thể khuếch trương sức mạnh mềm của quốc gia ra bên ngoài. Nhìn vào ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản ta sẽ thấy điều này. Tôi cho rằng, việc đọc sách và khuyến đọc thực sự quan trọng để phát triển văn hóa của đất nước. Để có văn hóa đọc thực sự thì cần làm hai việc cả “từ trên xuống” lẫn “từ dưới lên”.

Ở việc thứ nhất, cần hoàn thiện các bộ luật và thực thi nó hiệu quả. Nhà nước và các cơ quan cần có chính sách thực sự coi trọng văn hóa đọc, đầu tư xứng đáng cho cả cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực, chế độ lương bổng hấp dẫn. Ngoài ra cần tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng cho cá nhân, công dân và các đoàn thể của họ tham gia khuyến đọc. Ví dụ như khuyến khích thành lập thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, tủ sách cộng đồng…

Ở việc thứ hai “từ dưới lên”, người dân cần chủ động tham gia vào khuyến đọc và xây dựng văn hóa đọc bằng tất cả những gì có thể làm từ lập câu lạc bộ, thư viện, tủ sách, tới tổ chức các sự kiện lấy văn hóa đọc làm trung tâm. Thiết thực nhất và có thể làm được ngay là xây dựng tủ sách gia đình và đọc sách cùng con.

(Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương)

Cần lấp đầy những khoảng trống trong phát triển văn hóa

Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa -0
Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Trong suốt thời gian qua, chúng ta tập trung đổi mới, xây dựng kinh tế, chính trị, xã hội nhưng rõ ràng có những khoảng trống trong phát triển văn hóa. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI năm 2014 cũng xác định: “Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Vị trí văn hóa quan trọng như thế nào trong đời sống được nhận thức rất rõ, nhưng nhận thức đó lại không đi vào thực tiễn. Nói văn hóa đặt ngang bằng với những lĩnh vực khác không thể hiểu như chia tài sản, hay đầu tư ngang bằng nhau mà điều quan trọng là phải đặt vị thế của văn hóa tác động như thế nào đến lĩnh vực đó. Chúng ta hay nói đến hàm lượng văn hóa kể cả trong các sản phẩm vật chất. Chính vì thế, văn hóa trở thành nền tảng. Một sản phẩm có thể đạt doanh thu, lợi ích cao nhưng nó sẽ giá trị hơn khi có yếu tố văn hóa.

Hiện nay, nền văn hóa của chúng ta có phát triển nhưng sự phát triển này không bền vững, chúng ta có những thay đổi nhưng những bước đi không lâu dài cho cách thức chúng ta quản lý. Ví dụ câu chuyện về sách giáo khoa, chúng ta đầu tư không nhỏ nhưng lại chưa ổn định. Tôi cho rằng, điều quan trọng vẫn là giải bài toán lợi ích bởi bài toán này đang chi phối nhận thức của xã hội. Rồi câu chuyện bảo vệ di sản của cha ông, tại sao chúng ta không thể biến một ngôi đình thành một trung tâm văn hóa để kết nối quá khứ với hiện tại. Làm thế nào để văn hóa luôn hiện hữu trong đời sống chứ không phải ở những chủ trương, chính sách.

(Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ trong Hội thảo “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”)

Bảo Linh
.
.