Phiêu cùng Tân Hóa
Ngày 18/10/2023, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) công nhận xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là Làng Du lịch thích ứng thời tiết tốt nhất thế giới.
Danh hiệu này ghi nhận những cam kết và hành động của địa phương trong tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững: Bảo vệ môi trường, gần gũi với văn hóa, xã hội và đảm bảo tính khả thi về nguồn lợi kinh tế. Tân Hóa rốn lũ, từ địa chỉ nhân đạo trở thành điểm son trên bản đồ du lịch thế giới.
Công bằng mà nói thì vào bất cứ khi nào trong năm Làng du lịch thích ứng thời tiết Tân Hóa cũng đẹp. Mỗi nhịp mùa đi, xuân, hạ, thu, đông luôn biếc xanh, quyến rũ. Kể cả những chuyến lũ về vẫn êm đềm trong lung linh dáng núi. Tân Hóa trải dài trên thung lũng Tú Làn, ôm trọn bởi những vòng cung núi, là nơi hiếm hoi của không chỉ Quảng Bình mà trong cả nước, hội đủ các loại địa hình chỉ trong khoảng diện tích hơn 7.400 ha: Núi cao, rừng già, hang động, thảo nguyên, cánh đồng, làng mạc, dòng sông. Tất cả được tạo hóa sắp đặt lớp lang, hòa quyện đến mức hoàn hảo. Đây là quê hương của những người Nguồn hiền lành, chăm chỉ và giàu bản sắc.
Dù chưa được công nhận là dân tộc nhưng họ sở hữu “nền” văn hóa vô cùng hấp dẫn, từ hình thức lao động sản xuất, cách ăn - mặc - ở đến tín ngưỡng, phong tục, lễ hội. Trong lao động sản xuất có nghề thuốc cá tập thể, trong tín ngưỡng có thờ Pụt, trong ẩm thực có món bồi, trong phong tục hiếu hỉ có tục giỗ sống cha mẹ.
Đặc biệt, người Nguồn có kho tàng văn học nghệ thuật dân gian rất giàu bản sắc, gồm: Truyện cổ, ca dao, tục ngữ, thành ngữ và dân ca. Những làn điệu dân ca cổ như hát sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc cá, hò kéo đò, hò đối đáp giao duyên cho đến ngày nay vẫn còn được lưu truyền và lan tỏa khá rộng rãi bởi tính độc đáo, khác biệt của nó. Sẽ thật may mắn nếu một ngày đến đây, khi thả lỏng lang thang trên những nẻo nhỏ trong làng được nghe tiếng hát ru vẳng ra từ ngôi nhà cũ: “Ơ… Ơ… ha… Con bướm/ chừ/ nó đậu côi rừng/ Lấy nhau không được xin đừng tăm tiếng tăm…”.
Tiếng ru trầm trầm, buồn buồn mà xuyên tim khủng khiếp. Không hoàn toàn vì nội dung câu hát mà bởi tiếng ru được cất lên bởi giọng, điệu đậm chất Nguồn, lại vắt vào không gian mênh mênh mang mang buổi chiều tà, khi nắng đang treo óng vàng trên chóp núi mà hoàng hôn thì đã rình rập buông màn tím mờ xuống thung lũng. Có nhận định cho rằng, dân ca nào, phương ngữ ấy quả không sai. Dân ca Nguồn phải chính người Nguồn hát mới phô diễn được tất cả những vẻ đẹp sâu thẳm của hồn phách người xứ núi.
Không tồn tại sự căng cứng của đời sống hiện đại, người Tân Hóa vẫn giữ nguyên phong thái thủng thẳng, an nhiên làm công việc của mình. Họ sống trong những nếp nhà gỗ đơn sơ, tối giản mà chứa chan ký ức. Đông ấm. Hè mát. Con người, ngôi nhà, không gian miền sơn cước có sự tương thích đến kỳ lạ, làm cho khung cảnh trở nên trữ tình vô đối, hài hòa và giàu chất bản địa.
Chiều, sau khi lang thang cùng lũ trẻ trong thung lũng, trở về tuổi thơ với mấy trò chơi dân gian xưa xắc đầy thương nhớ, sẽ vòng vèo trên con đường quanh quanh co co mềm mại trong làng, chợt ngỡ ngàng mùi thơm cũ thoảng ra từ căn bếp nhỏ. Mùi cơm. Mùi cá kho. Thuần khiết và đậm đà. Và những món riêng của người Nguồn: Pồi ngô, ốc tực. Ngô trồng ngoài bãi sông, chả có gì ngoài nắng gió để trổ cờ kết trái. Pồi là món truyền thống, chế biến cũng cần truyền thống. Hạt ngô được giã nhỏ, dần mịn, nhồi kỹ, đánh tơi rồi hong trên bếp củi. Mùi ngô nếp quyện cùng mùi khói thật là kích động. Hai cánh mùi phồng lên cùng tiếng bụng sôi…
Cảm giác thèm được ăn thứ gì đó đã tắt từ lâu lắm bất ngờ trở lại. Bằng đôi tay lặng lẽ của người đàn bà, pồi mới dẻo mịn, thơm bùi, vàng óng. Và ốc tực! Ốc cào trong khe núi, ngâm sạch, hấp chín. Ốc tực chấm cheo - một loại muối sống giã nhuyễn cùng hạt rừng. Đơn giản vậy để vẫn nguyên vị ngọt mát của nước suối đầu nguồn. Pồi ngô và ốc tực là cặp đôi hoàn hảo, bắt cả mũi lẫn miệng. Đến Tân Hóa chưa ăn chưa về, ăn rồi chẳng thể nào quên. “Trông cho mau đến mùa pồi/ Nhớ con ốc tực đang ngồi trên mâm”. Văn hóa truyền thống bền chặt của người Nguồn là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên sự quyến rũ mãnh liệt cho vùng quê hiền lành này.
Tôi đến Tân Hóa lần đầu tiên cách nay 13 năm, khi nơi đây vừa trải qua trận lũ kinh hoàng chưa từng thấy. Nhiều ngôi làng thơ mộng như làn mây bị xoáy nát. Nhân dân phải chạy thật nhanh lên các lèn cao, hang đá gần đó để thoát thân. Để giúp nhân dân sinh sống an toàn hơn, tỉnh Quảng Bình đã đề xuất nhiều phương án nhằm hóa giải những bất lợi về địa hình, địa thế của Tân Hóa. Trong đó có ý kiến đề nghị di chuyển toàn bộ cư dân ra khỏi thung lũng Tú Làn. Lại có ý kiến phá thế độc đạo thoát nước khi mùa lũ đến bằng cách “giải tỏa” núi.
Nhưng, bất khả thi! Tân Hóa có lịch sử hơn 300 năm, người dân gắn bó với cánh đồng, bãi cỏ, nương ngô, yêu thương từng mõm núi cao, từng vạt rừng già và dòng sông mềm mại bên làng, không thể ra đi lạnh lùng và đành đoạn như vậy, cũng không thể phũ phàng phá bỏ bất cứ thứ gì đã được thiên nhiên ban tặng! Sau rất nhiều tranh luận, cân nhắc, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình chốt phương án cuối: Thích ứng để định cư! Không ngờ cú chốt táo bạo ấy đã biến nguy cơ thành thời cơ.
Sau trận lũ năm 2010, Tân Hóa trở thành địa chỉ nhân đạo “nổi tiếng”. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tìm đến giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống. Trong đó có các tổ chức tập trung hỗ trợ nhân dân dựng nhà vượt lũ. Đó là những ngôi nhà phao được cố định bằng hệ thống cọc cao lên đến 15 mét, phù hợp với tính chất lũ dâng ở Tân Hóa, ngập sâu, ngâm lâu, rút chậm. Nước lên đến đâu, nhà nổi đến đó. Khi những ngôi nhà cố định trên mặt đất chìm dần vào nước thì đã có nhà phao mang theo sự sống và hy vọng nổi lên thách thức với thiên tai. Đến nay 100% số hộ gia đình trong xã có ngôi nhà thứ hai đặc biệt này. Tân Hóa trở thành làng “thích ứng thời tiết”, nước lên nhà lên, nước xuống nhà xuống lớn nhất nước.
Trong trận lũ tháng 10/2020, nước dâng lên đến hơn 10 mét, nhưng nhân dân Tân Hóa vẫn sống tốt. Bà con chủ động được sinh hoạt của gia đình, lũ về là mang theo các nhu yếu phẩm và cả hạt giống để mùa sau lên nhà, ở an toàn trên đó cho đến ngày nước rút. Nhìn những ngôi nhà vượt lũ được sơn vẽ rất điệu của nhân dân Tân Hóa, tôi lại nghĩ về Con thuyền Nô Ê - Con thuyền cứu rỗi trong Kinh thánh. Những ngôi nhà ở đây cũng mang sứ mệnh thiêng liêng ấy - chuyên chở sự sống và hy vọng! Mùa lũ, những mái nhà xanh nổi lên trên mặt nước đỏ, người dân an nhiên sống trong thiên tai, mang đến cho Tân Hóa vẻ đẹp của sự khác biệt và kiên cường.
Tân Hóa có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, ẩn chứa tiềm năng sinh thái với hệ thống hang động tráng lệ như hang Tú Làn, hang Chuột, hang Dơi…. nhưng trước đây chưa được khai thác đúng tầm. Bao đời qua, nhân dân sinh sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt và khai thác lâm sản. Chỉ đến khi có tour du lịch khám phá hang động Tú Làn từ năm 2014 và các đoàn làm phim quốc tế chọn không gian thiên nhiên thơ mộng và kỳ vĩ nơi đây làm bối cảnh chính cho những bộ phim hoành tráng như “Kong - Đảo đầu lâu” của đạo diễn Hollywood Jordan Vogt-Roberts, “Người bất tử” của đạo diễn Victor Vũ… Tân Hóa mới thực sự trở thành vùng đất của du lịch.
Người dân tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch như không làm du lịch bởi toàn bộ chất liệu đều từ đời sống thường nhật của họ. Khách du lịch lại như không phải đang du lịch mà sống đời sống thực chất với dân bản địa. Ngoài tham gia tour thám hiểm hang động khá tốn sức, du khách sẽ được nghỉ ngơi thư giãn trên những ngôi nhà “thích ứng thời tiết”, ăn bữa cơm thanh lọc, tham gia lao động sản xuất truyền thống và vui chơi giữa môi trường trong lành. Sáng, khám phá rừng lim cổ thụ để biết rằng thiên nhiên đã đãi đằng chúng ta thật nhiều.
Chiều, đạp xe trên thảo nguyên nghe phơi phới gió thổi qua tai hay chèo thuyền trên sông Rào Nan để cảm nhận sự êm đềm lắng trong của không gian miền sơn cước. Tối, lặng yên lắng nghe điệu hát “Hôi lên là hôi lên” rộn ràng, mời gọi: “Trời mưa chừ nước chảy hồi quanh hồi/ Hôi lên là hôi lên/ Anh không chừ lấy vợ ai đâm pồi anh ăn/ Hôi lên là hôi lên”, rồi nhẹ nhàng chìm dần vào giấc ngủ an lành, thanh thản. Phong cách du lịch mở, thân thiện ở Tân Hóa mang đến cho du khách không gian mênh mông tự do.
Làng quê bé nhỏ ẩn mình sau những rặng núi cao, vùng rốn lũ mà nghe đến ai cũng phải giật mình đã bước ra thế giới bằng sự giản dị riêng có, nguyên sơ mà cũng đầy phóng khoáng, can trường. Một khung cảnh bồng bềnh núi non sương sớm. Những con người cũ mộc hiền khô. Một điệu hát Hôi lên tâm can thăm thẳm. Những ngôi nhà theo nước xuống lên... Mùa xuân, hãy một lần phiêu cùng Tân Hóa!