Quần vợt Việt Nam bao giờ có lãi sau huy chương vàng SEA Games?

Thứ Tư, 11/05/2022, 13:31

Giấc mơ giành huy chương vàng (HCV) ở một kỳ SEA Games của môn quần vợt đã trở thành hiện thực vào 3 năm trước. Sau chiến tích đó, những người hâm mộ môn thể thao này lại đau đầu với một mục tiêu khác. Làm thế nào để các tay vợt Việt Nam tự chủ về thu nhập, và xa hơn, là môn quần vợt đến bao giờ không còn phải dựa vào nguồn tiền ngân sách hay của những ông bầu mê thể thao nữa?

Chuyện của Lý Hoàng Nam

Với những người hâm mộ quần vợt Việt Nam, ký ức đẹp nhất về môn quần vợt hẳn là trận chung kết đơn nam SEA Games 30. Hai tay vợt Lý Hoàng Nam và Daniel Cao Nguyễn đã biến cuộc đấu giành HCV trở thành trận đánh nội bộ của đoàn Việt Nam, khi họ đánh bại 2 vận động viên (VĐV) nước chủ nhà Philippines ở bán kết.

Quần vợt Việt Nam bao giờ có lãi sau huy chương vàng SEA Games? -0
Ít ai nhớ Lý Hoàng Nam từng bị cấm thi đấu khi thành tích của đội tuyển quần vợt không tốt

Chiến thắng chung cuộc ngày hôm đó thuộc về Lý Hoàng Nam, nhưng đó lại không phải khởi đầu cho một câu chuyện đẹp. Kết thúc SEA Games 30, tay vợt số 1 Việt Nam gần như không thể thực hiện kế hoạch thi đấu nước ngoài để nâng hạng vì COVID-19. Nam mới trở lại đánh các giải quốc tế thời gian gần đây nhưng kết quả trước thềm SEA Games 31 không quá ấn tượng.

Nhìn vào hành trình của Lý Hoàng Nam trong quá khứ, có thể thấy tay vợt này là thành quả, nhưng cũng là... hậu quả của hoạt động xã hội hóa trong môn quần vợt. Anh vô địch quốc gia lần đầu vào năm 2012, khi mới 15 tuổi. Nam sau đó sớm thi đấu các giải trẻ quốc tế và giành không ít thành tích đáng nể, nhưng tất cả sụp đổ chỉ trong vài tháng vì một quyết định gây tranh cãi.

Tháng 4-2014, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) phát lệnh cấm thi đấu với Lý Hoàng Nam. Nguyên nhân xuất phát từ việc câu lạc bộ chủ quản của Nam thời điểm đó từ chối đưa anh lên tuyển dự Davis Cup sau hàng loạt giải đấu quốc tế. Việc Davis Cup tổ chức các trận đấu 5 set thắng 3 có thể khiến tay vợt số 1 Việt Nam dễ gặp chấn thương, qua đó ảnh hưởng đến tốc độ phát triển khi mới ở lứa tuổi 17-18.

Quần vợt Việt Nam bao giờ có lãi sau huy chương vàng SEA Games? -0
Hoàng Thiên lặng lẽ rời khỏi bản đồ quần vợt Việt Nam từ 5 năm trước

Đáng chú ý hơn, quyết định kỷ luật với Lý Hoàng Nam được VTF đưa ra 1 tháng sau cuộc họp giữa đơn vị này cùng Tổng cục Thể dục thể thao và câu lạc bộ  (CLB) chủ quản của Nam thời điểm ấy. Ở cuộc họp đó, các bên xác định họ sẽ hợp tác để đưa Nam trở thành tay vợt giỏi trong tương lai. Nam tưởng như sẽ không bị kỷ luật, cấm thi đấu, nhưng án phạt cuối cùng vẫn được đưa ra.

1 năm sau khi bị cấm thi đấu trong nước và đại diện cho đội tuyển Việt Nam thi đấu quốc tế, Nam khiến tất cả bất ngờ khi giành chức vô địch đôi nam giải trẻ Wimbledon. Chiến công có một không hai trong lịch sử quần vợt Việt Nam khiến tất cả quên Nam từng mang tiếng từ chối thực hiện nghĩa vụ quốc gia. Anh được chào đón như một đứa con xa xứ về nhà, với mọi mỹ từ người ta có thể nghĩ ra.

Với cá nhân Lý Hoàng Nam, thứ duy nhất giúp anh vượt qua mọi sóng gió trong 10 năm thi đấu quần vợt chuyên nghiệp là tài năng thể hiện trên sân bóng. Nam lẽ ra có thể tiến xa hơn vị trí 466 thế giới như hiện tại rất nhiều nếu như anh được tạo điều kiện nhiều hơn và không bị phân tâm bởi những vấn đề ngoài sân bóng.

Tốn bao nhiêu tiền?

Tất cả những người làm công tác quản lý quần vợt tại Việt Nam đều từ chối trả lời khi nhận câu hỏi bao giờ Lý Hoàng Nam thứ hai xuất hiện. Tay vợt 25 tuổi đi ngược lại mọi quy luật phát triển quần vợt chuyên nghiệp khi anh có xuất phát điểm khá muộn, lại không được ăn tập bài bản trong thời gian đầu. Quan trọng hơn, gia đình Nam nằm trong số hiếm hoi những ông bố bà mẹ không đốt tiền tỷ vào môn thể thao quý tộc.

Quần vợt Việt Nam bao giờ có lãi sau huy chương vàng SEA Games? -0
Những tay vợt như Trịnh Linh Giang chưa đủ sức trở thành thế hệ tiếp nối Lý Hoàng Nam

Trước Lý Hoàng Nam, quần vợt Việt Nam từng có một hiện tượng mang tên Nguyễn Hoàng Thiên. Tay vợt sinh năm 1995 bắt đầu thi đấu các giải trẻ từ năm 12 tuổi với nguồn kinh phí do gia đình tự bỏ ra. Phụ huynh của Thiên từ chối tiết lộ con số cụ thể họ chi cho sự nghiệp quần vợt của con, nhưng ước chừng cũng lên tới cả triệu USD. Đó là cái giá của giấc mơ chứng kiến Thiên trở thành tay vợt nhà nghề, có thể tranh tài tại các giải ATP hay Grand Slam.

Nhưng giấc mơ của Thiên và gia đình đã không trở thành hiện thực. Sau thất bại ở giải vô địch quốc gia hồi năm 2017, anh rút lui khỏi toàn bộ các hoạt động liên quan đến quần vợt chuyên nghiệp tại Việt Nam. Lúc này Thiên đang định cư tại Mỹ. Anh vẫn chơi quần vợt ở trường đại học theo diện học bổng, nhưng giấc mơ với bóng quần chuyên nghiệp của Thiên có lẽ đã chấm dứt từ lâu.

Tương tự Hoàng Thiên, gia đình Huỳnh Phương Đài Trang từng có không ít tham vọng khi dồn tiền cho con theo đuổi quần vợt. Họ sang nhượng một cửa hàng đang hái ra tiền, rồi bán căn nhà đang ở để trang trải kinh phí cho nhà vô địch tương lai, nhưng chừng đó là không đủ. Trong những chuyến du đấu cùng con gái, mẹ Trang dần tự học cách săn sóc VĐV để tự chăm con, không cần thuê huấn luyện viên bên ngoài với giá đắt đỏ nữa.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền của Trang được gỡ bỏ phần nào khi cô ký hợp đồng với đoàn Đà Nẵng hồi đầu năm 2011. Đơn vị này đồng ý trả lương cho Đài Trang 10 triệu đồng/tháng, cùng mức kinh phí tập huấn 1 tỷ đồng/năm theo bản hợp đồng có thời hạn 5 năm. Nhưng đến đầu năm 2012, Đà Nẵng cắt hợp đồng vì môn quần vợt không nằm trong chiến lược phát triển thể thao của thành phố nữa.

Lần cuối Đài Trang xuất hiện ở một giải quần vợt chuyên nghiệp là khoảng năm 2016. Bước sang tuổi 23, cô quyết định chuyên tâm vào học hành thay vì cố gắng nuôi dưỡng đam mê với một giấc mơ không có thực. Đó cũng là câu chuyện của những Mai Huỳnh, Thùy Dung... khi   tennis vẫn là môn thể thao quá khắc nghiệt và tốn kém với những ai muốn vươn đến đỉnh cao.

Đầu tư cho mục tiêu nào?

Mô hình xã hội hóa môn quần vợt ở Việt Nam giúp những tay vợt như Lý Hoàng Nam không còn phải chi tiền túi ra để thi đấu. Họ có lương để đảm bảo thu nhập ổn định, đồng thời được CLB hỗ trợ ăn ở, tập luyện và thi đấu nước ngoài. Nhưng ở góc độ nào đó, một giao kèo như vậy luôn đi kèm với ràng buộc. Nam đã được CLB hỗ trợ thì phải có nghĩa vụ cống hiến và thi đấu theo yêu cầu.

Sẽ không lạ nếu như trong tương lai, Lý Hoàng Nam phải bỏ dở một giải đấu quốc tế quan trọng để về tranh tài tại giải vô địch quốc gia. Áp lực về thành tích ở một giải đấu trong nước có thể khiến các CLB triệu tập những vận động viên giỏi nhất về thi đấu nhằm đảm bảo cho 1 chiếc HCV. Nam hiểu rõ hơn ai hết điều này từ những biến cố trong quá khứ.

Quần vợt Việt Nam bao giờ có lãi sau huy chương vàng SEA Games? -0
Federer theo đuổi quần vợt nhờ hỗ trợ tài chính từ gia đình

Án phạt cấm thi đấu mà Lý Hoàng Nam phải nhận hồi 2014 đến từ việc anh không lên tuyển dự Davis Cup hồi đầu năm. Việc không có tay vợt số 1 Việt Nam tham dự vòng bảng châu Á - Thái Bình Dương nhóm 2 khiến đội tuyển quần vợt của chúng ta để thua sát nút 2 trận trước các đối thủ Pakistan và Sri Lanka, qua đó xuống hạng và trở lại nhóm 3 ngay sau khi được đôn lên nhóm 2 vài tháng trước.

Chỉ 10 ngày sau khi Việt Nam xuống hạng, VTF thay đổi quyết định, từ không phạt thành cấm thi đấu với Lý Hoàng Nam. Những gì Nam đã trải qua là ví dụ kinh điển cho xung đột quyền lợi giữa CLB bỏ tiền đầu tư cho vận động viên và Liên đoàn Quần vợt Việt Nam. Ai cũng muốn có tay vợt giỏi nhất cho mình ở những giải đấu đại diện cho đơn vị đó, và Nam chỉ đơn thuần là nạn nhân trong việc tranh chấp giữa các bên liên quan.

Suy cho cùng, sự phát triển quần vợt ở Việt Nam nằm ở đời sống, trình độ VĐV và số lượng, quy mô những giải đấu chuyên nghiệp được tổ chức. Điều đó được thể hiện qua thế hệ nối bước Lý Hoàng Nam cần làm được, thậm chí vượt qua những điều Nam đã làm. Tiếc là câu hỏi đó vẫn chưa được những người làm quần vợt ở Việt Nam giải đáp.

Thế giới cũng rất khắc nghiệt

Câu chuyện về những gia đình đổ tiền cho con học quần vợt và thành quả nhận lại không như kỳ vọng không chỉ diễn ra ở riêng Việt Nam. Mark Kantrowitz, một học giả chuyên về nghiên cứu thống kê thể thao của trang Edvisors đã chỉ ra tỷ lệ để một đứa trẻ ăn tập quần vợt trở thành vận động viên nhà nghề là 0,8%, tức 120 người rèn luyện mới có 1 người thành tài. Con số này còn thấp hơn ở những VĐV nam.

Khi Roger Federer bước sang tuổi 15, anh có nền tảng là 2 bậc phụ huynh làm chuyên viên cấp cao của một công ty hóa chất lớn. Stan Wawrinka sống trong một lâu đài của gia đình, nơi mẹ anh nhận nuôi hơn 100 người khuyết tật không nơi nương tựa. 2 tay vợt Thụy Sĩ là minh chứng rõ nhất cho việc để thành công trong quần vợt, gia đình họ phải bỏ ra rất nhiều tiền và không đặt áp lực mang tiền về nhà lên con cái.

Bảng xếp hạng ATP có khoảng 1.000 tay vợt nam nhà nghề, nhưng chỉ 20% trong số đó có thể tự nuôi thân. Nếu không lọt vào nhóm 200 người giỏi nhất thế giới, một tay vợt buộc phải tìm các nguồn thu khác để có thể tiếp tục tập luyện, thi đấu. Họ có thể gây quỹ trên mạng xin tiền từ cộng đồng nếu không muốn phải ngủ ngoài trời thay vì lưu trú trong khách sạn như các tay vợt khác.

Mức chênh lệch về thu nhập giữa những tay vợt tốp đầu và nhóm dưới đã trở thành đề tài gây tranh cãi trong nhiều năm. Federer, Nadal hay Djokovic là những người lên tiếng nhiều nhất yêu cầu ATP hay WTA phải tăng tiền thưởng cho những giải đấu nhỏ, cũng như những tay vợt bị loại ở vòng ngoài. Đó là cách duy nhất giúp những "kẻ lót đường" có cơ hội nuôi giấc mơ thay vì bỏ cuộc từ quá sớm.

Đơn Ca
.
.