Quyền lực mềm giữa miền đại thụ

Thứ Ba, 16/05/2023, 23:05

Họ như những cây đại thụ lừng lững giữa buôn làng, nơi mà cả cộng đồng tôn sùng họ bằng đức hạnh và cả sự đóng góp cho buôn làng suốt một đời người. Giữa những luật tục và sự trọng vọng của cộng đồng, họ có một quyền lực mềm để hướng cả cộng đồng tin theo.

Những già làng ở miền cao nguyên

Người ta biết đến Tây Nguyên bằng những áng văn thơ, bằng những tuyệt phẩm về âm nhạc, bằng những kiêu hùng chinh chiêng tấu lên mỗi mùa lễ hội, nhưng ở đó vẫn luôn có những vị già làng được cộng đồng trọng vọng. Nhiều người có lẽ khi đọc “Đất nước đứng lên” hay “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyên Ngọc chắc hẳn đều thấy lừng lững trong đó hình ảnh của những vị già làng. Trên miền cao nguyên nắng lửa và mưa dội này, những già làng đã trở thành những cây đại thụ của nhiều bon buôn plei để hướng mọi người tin theo.

Quyền lực mềm giữa miền đại thụ -0
Trong những bon buôn plei trên cao nguyên, luôn có những vị già làng được cả cộng đồng trọng vọng

Có lẽ đã xa xưa lắm rồi, trên rẻo đất cao nguyên hùng vĩ mà lãng mạn này, những ngôi làng nhỏ bé và lẩn khuất của bà con các dân tộc đều được hình thành từ kinh nghiệm sống chung với thiên nhiên và bởi những bước chân thăng trầm dạn dày nắng mưa, sương gió của các bậc tiền nhân huyền thoại, anh linh. Vai trò trị vì của những vị già làng đã được định hình từ khởi thủy như thế. Nhiều thời điểm, những buôn làng Tây nguyên có thể thiếu khuyết những vị trí lãnh đạo thôn buôn, nhưng chưa bao giờ một ngày vắng bóng những vị già làng. Những vị già làng cũng giống như mỗi dàn ching chiêng đều phải có chiêng cái, chiêng con, chiêng núm, chiêng bằng, cái “đi” giai điệu, cái “cầm” nhịp cho cả dàn, giữ cho sắc thái của giai điệu luôn luôn giàu sinh lực và đẹp về sắc điệu.

Trong căn nhà rông làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, chuyện Chư Păh, Gia Lai) ngồn ngộn các tác phẩm điêu khắc, trên các tấm ván thưng mặt trước và mặt sau là các bức phù điêu khắc họa chân phương và sinh động những cảnh trong lễ hội và sinh hoạt ngày thường của người Gia Rai, Bana như giã gạo, uống rượu, săn bắt, nhảy múa... Trên cột nhà và các vách nhà, bên cạnh các phù điêu cảnh sinh hoạt, các con vật linh thiêng gắn bó với đồng bào. Ở đó, già Xôn với vai trò không thể thiếu của mình tuy không có thứ “bảo bối” cầm tay, nhưng họ có uy tín, có các “luật tục” và sự tinh thông… làm công cụ để khích lệ, quản lí, điều hành cả một cộng đồng người đông đúc. Già Xôn cũng như ngàn nghìn già làng khác ở khắp các buôn làng Tây nguyên này tựa như một kho tàng kiến thức từ săn bắn, trồng trọt, dựng nhà cửa, thực hiện luật tục...

Già Xôn cũng như nhiều già làng khác tôi đã gặp trên suốt miền đất đỏ bazan đều là “tổng công trình sư” cho cho cộng đồng làng, dù có nhiều già làng không biết chữ. Nhưng với những già làng ấy, từng góc cột góc kèo, từng nan mây, từng hoa văn của nhà Rông hay những câu khan, những luật tục hay thời khắc xuống giống cho vụ mùa đã hằn in trong trí nhớ rất siêu phàm, như thể từ trong ấy cuồn cuộn tuôn ra tri thức, ra chất xám, ra văn hóa, ra kinh nghiệm, ra từng trải... để dẫn dắt người làng từng chút một dựng lại văn hóa của Gia Rai hay Ba Na, Ê Đê hay M’Nông.

Những già làng Tây Nguyên thực ra không phải là một chức vị, mà đấy là người được tôn sùng khi có uy tín với dân làng, là người có kinh nghiệm sống, có thể “liên thông” với những bí ẩn của đời sống, đưa ra những lời khuyên hết sức hợp lý mỗi khi dân làng cần, nhất là những việc liên quan đến sự sống của làng, đến sinh mệnh của từng cá nhân trong làng, phân xử những vụ kiện dựa trên luật tục... Ý kiến của già làng thường là quyết định cuối cùng.

Quyền lực mềm giữa miền đại thụ -0
Nữ già làng Ksor H’Lâm gần một phần tư thế kỷ qua đã giúp dân làng vượt qua biết bao khó khăn và ổn định cuộc sống

Cũng như già Xôn, già A Banh (73 tuổi, già làng Ba Na ở làng Kon K'tu, Kon Tum) cũng là trung tâm đoàn kết, là kho báu kinh nghiệm sản xuất và kinh nghiệm ứng xử. Và già A Banh chính là pho tư liệu luật tục ngàn đời truyền lại. Là cuốn từ điển bách khoa, giúp cho con cháu, đồng bào các dân tộc xã nhà biết điều hay lẽ phải, biết cái đúng, cái sai, biết pháp luật nhà nước bảo vệ động vật quý hiếm để ứng xử trong các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với vật nuôi và thiên nhiên tươi đẹp quê nhà. Qua thời gian, mọi người vẫn biết các già làng không phải là thần linh, nhưng các già làng luôn luôn là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng.

Trong nhiều chuyến đi điền dã của mình, tôi đã gặp rất nhiều già làng, và những già làng ấy đều được coi là hình mẫu về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng mình, của tộc người mình. Ở đó, những già làng đã “cầm trịch thiết chế”, khởi xướng chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ở nhiều buôn làng được nâng lên rõ rệt. Nhân dân và cán bộ đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và hăng hái tham gia thực hiện phong trào yêu nước, đoàn kết dân tộc.

Những nữ già làng vượt qua hủ tục

Tây Nguyên là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa với 47 dân tộc anh em. Hiện nay, Tây Nguyên có khoảng 3.000 già làng. Sau 10 năm thực hiện Quyết tâm thư, già làng Tây Nguyên đã góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước, nêu cao tinh thần đoàn kết, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với các thế lực thù địch.

Có một điều, nhiều người vẫn đinh ninh rằng trên miền cao nguyên trung phần này, những vị già làng đều là nam giới. Nhưng, với nền văn hóa mẫu hệ tồn tại hàng ngàn năm, đã từng có rất nhiều già làng là nữ giới. Chế độ mẫu hệ, nơi mà người đàn bà có quyền lớn nhất trong nhà. Dẫu vậy hàng ngàn năm nay vẫn có một điều như mặc định, đó là già làng luôn luôn là... nam giới. Những luật tục quy định nhà rông của làng chỉ đàn ông được lên để xử lý việc làng, nhiều việc khác nữa như dời làng, xử phạt vạ, như làm nhà rông, cúng tế thần linh… đều là việc của đàn ông.

Quyền lực mềm giữa miền đại thụ -0
Giữ gìn văn hóa và truyền cho lũ trẻ là nhiệm vụ của lớp người Gia Rai hay Ê Đê, người Ba Na hay M’Nông hiện nay

Thế nhưng, vẫn có những điều bất ngờ. Như việc một ngôi làng người Gia Rai ở (làng Krông, Ia Mơ, Chư Prông, Gia Lai) sát biên giới ấy có một già làng là nữ. Nữ già làng ấy đã “lên chức” từ năm 1995, khi mà đời sống kinh tế xã hội nơi này vẫn còn rất lạc hậu. Vậy mà nữ già làng ấy lại rất uy tín, nói dân nghe, dân có gì đều hỏi già; các đơn vị quân đội, biên phòng đóng trên địa bàn đều dựa vào già để thực hiện công tác dân vận. Đó là nữ già làng Ksor H’Lâm, nữ già làng đầu tiên ở Tây nguyên vẫn còn là già làng cho đến tận bây giờ.

Dưới thời mưa bom, bão đạn của chiến tranh chống Mỹ, già làng Ksor H’Lâm là một chiến sĩ gan dạ. Thời bình, với vai trò già làng, già đã giúp đồng bào mình phát triển kinh tế, xóa bỏ những hủ tục. Năm 1995 đến nay, già Ksor H’Lâm đã áp dụng những kiến thức của mình vào thực tiễn. Bà đã tìm tòi, học hỏi những mô hình mới để đưa về áp dụng và giúp đồng bào mình phát triển kinh tế. Ngoài ra, già H’Lâm còn tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục. Đã gần 80 tuổi, già làng Ksor H'lâm đã làm già làng gần một phần tư thế kỷ. Già cũng nhiều lần là điển hình tiên tiến được gặp mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Như những cây đại thụ giữa đại ngàn Tây Nguyên, già làng Ksor H'Lâm lấy việc giúp dân là niềm hạnh phúc. Bà trở thành tấm gương sáng để đồng bào J'rai noi theo, bảo vệ vững chắc mảnh đất biên cương của Tổ quốc.

Cùng với già làng Ksor H’Lâm, cho đến hiện tại vẫn có những nữ già làng Rơ Châm Phyah ở làng Tung Breng (xã La Krai, huyện La Grai, Gia Lai) và làng King Pênh (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai). Vào đầu 2013, khi già làng tiền nhiệm, cũng chính là chồng mình qua đời, bà Rơ Châm Phyah được dân làng Tung Breng suy tôn thay thế. Việc suy tôn nữ giới làm “thủ lĩnh tinh thần” đã phá vỡ mọi truyền thống từ trước đến nay của làng. Rồi cứ thế, nữ già làng Rơ Châm Phyah tuyên truyền, vận động các gia đình đồng bào dân tộc ít người trong xã không để xảy ra nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết; nhắc nhở gia đình trẻ thực hiện nghiêm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt, tính từ năm 2000 đến nay đã xin cho gần 100 người vào làm tại Công ty 715 (Binh đoàn 15) để có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, không phải nghĩ nhiều đến cái ăn, cái mặc như trước kia nữa”. Còn nữ già làng Rmah H’Yơm cũng tận tình cùng trưởng thôn các nhiệm kì tuyên truyền người dân từ chuyện định canh, định cư, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn đến bày cho bà con cách làm ăn, đưa mô hình nuôi bò sinh sản cao về để tăng thêm thu nhập cho dân. Nhờ đó, đời sống của người dân địa phương bây giờ văn minh, khá lên trông thấy, hộ nghèo đã giảm nhiều, hủ tục lạc hậu cũng bỏ hết. Nữ già  làng Rmah H’Yơm đã “dắt cả cộng đồng” người Gia Rai, Bana bước qua “lời nguyền”. Đó là vận động bà con các dân tộc ở vùng nghèo nhất xã trước kia bỏ đi luật tục chôn chung, một hủ tục lạc hậu kéo theo nhiều bệnh tật.

Chẳng ai biết những khó khăn mà những nữ già làng đã phải trải qua, bởi họ cũng ít bộc bạch về khốn khó của mình. Từng người từng người cứ âm thầm và cần mẫn để giúp đồng bào mình. Những vị già làng ấy, dù là nam hay nữ cũng đều tựa như những bóng kơ nia cổ thụ trên mảnh đất núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ này, để chắn nắng che mưa cho bà con buôn làng. Những già làng không chỉ cùng các cấp chính quyền, các lực lượng bảo vệ dân làng mình trước những dịch bệnh, thiên tai, từ bỏ những tập tục lạc hậu mà còn hướng mọi người đến cuộc sống hiện tại tốt đẹp.

Qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, những già làng ở miền cao nguyên này vẫn là trụ cột của buôn làng, là những người giàu kinh nghiệm trong cuộc sống và uy tín trong cộng đồng, đã và đang phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào làm ăn, phát triển kinh tế gia đình cũng như giữ gìn cho thôn buôn êm ấm, bình yên.

Trong xanh thẳm những vạt rừng trên miền bazan này, men theo lớp khói lam bốc lên từ những ngôi nhà truyền thống đang ngày một no ấm hơn là ánh mắt của những vị già làng. Nói như già Xôn ở làng cổ Kon Sơ Lăl, thì nếu người già không giữ văn hóa và truyền cho lũ trẻ, để sau này lũ trẻ lớn lên lại truyền cho lớp sau nữa, thì người Gia Rai hay Ê Đê, người Ba Na hay M’Nông liệu còn gì nữa cho mai này. Những người như già Xôn, già Rmah H’Yơm, Rơ Châm Phyah hay già Ksor H’Lâm vẫn miệt mài và thủy chung như thế giúp cho đồng bào mình ngày một tiến lên, như cái cách mà người làng yêu cái cây rừng, yêu cái suối, yêu tiếng ching chiêng hay lửa củi đêm khan vọng về từ xưa cũ bao đời...

Tiêu Dao
.
.