Rộn ràng trống Đọi ngày xuân

Thứ Hai, 23/01/2023, 11:17

Chúng tôi men theo dòng Châu Giang về xã Đọi Sơn (Duy Tiên-Hà Nam) theo tiếng trống chèo dồn dập vọng tới. Con thuyền trôi theo chiều gió, tiếng hát vang lên nghe dễ thương làm sao. Lời cô gái ngọt ngào từ đâu đó trên một con đò: “Ai mà không xuống thì thôi/ Xuống thuyền thì phải thành đôi đến già/ Không xuống thì liệu ở nhà/ Xuống thì hát đến trăng tà mới thôi”. Cờ hội núi Đọi phấp phới như cánh buồm bay lên trời.

Lễ hội Tịch Điền cho mùa bội thu

Lịch sử của làng làm trống Đọi Tam gắn liền với Lễ hội Tịch Điền ở Đọi Sơn cả ngàn năm. Câu chuyện ông Trạng trống cũng được vua ban ở lễ hội xuống đồng. Khởi nghiệp từ vua Lê Đại Hành, một người nông dân chính hiệu. Tục vua cầy ruộng có từ thời Hùng. Nó thực chính là lễ hội xuống đồng làm vụ lúa mới ở mọi miền quê. Nhưng vua Lê Đại Hành là người khởi xướng bắt đầu xuống đồng cầy như một nông dân thực thụ (Mùng 7 - tháng Giêng năm 987).

26_tet - Rộn ràng trống đọi ngày xuân -0
Múa rồng lễ hội Đọi Tam.

Ngài khuyến khích con dân chăm chỉ làm ăn và yêu quê hương đồng ruộng. Lễ hội Tịch Điền cầu mong cho mưa thuận gió hòa đồng sai lúa mẩy đem lại no ấm cho người nông dân. Ngài đã về chân núi Đọi Sơn cầy ruộng trên cánh đồng từ thuở ấu thơ mải vui đánh đáo thả diều. Năm đó trên đường cày ngài bắt được một chum vàng, rồi lại đến năm sau lưỡi cầy vấp phải chum bạc ngỡ như được trời ban thưởng. Lòng dân vui sướng khôn cùng và đặt tên cho những mẫu ruộng này là “Kim Ngân Điền”. Từ đó mùa mùa no ấm. Đọi Sơn xanh tươi bên sông Châu hiền hòa.

Về làng Đọi Tam lần này chúng tôi gặp nghệ nhân ưu tú Lê Ngọc Hùng, người đã tham gia làm trống sấm lớn nhất hiện nay. Ông kể tích vua cày ruộng cũng là một cơ hội cho dân làng Đọi Tam hình thành nghề làm trống từ ngàn năm nay. Trong làng xưa có hai anh em Nguyễn Đức Ban và Nguyễn Đức Năng bàn cách làm một chiếc trống lớn để chào mừng ngày vua Lê Đại Hành về quê cầy ruộng. Ròng rã bao ngày tháng chiếc trống hình thành với mặt trống to như cái nia. Tiếng trống vang dậy như tiếng sấm ngân rền.

Khi vua Lê Đại Hành vừa cập bến sông Châu dân làng hò reo mở hội cùng tiếng trống dậy sóng chào đón. Vua phấn chấn bước tới cầm lấy tay cầy và hò trâu đi thẳng tắp. Các lực điền trong làng nô nức cùng nhau xuống ruộng. Họ cùng cầy với vua tưng bừng trong tiếng trống hội đón xuân về. Nghệ nhân Lê Ngọc Hùng nói, vậy là từ đó dân làng Đọi Tam được phân làm trống hội mỗi năm. Nghề làm trống phát triển sớm vào những năm đầu thời Lý tính ra cũng đã hơn 1000 năm. Hai anh em Nguyễn Đức Ban và Nguyễn Đức Năng trở thành tổ nghề truyền thống của làng. Sau này nhiều thợ ở Đọi Tam còn lên kinh đô Thăng Long lập hội và làm nghề tạo nên phố Hàng Trống ngày nay. Hiện ở phố Hàng Hòm và Hàng Quạt tiếp nối Hàng Trống vẫn còn những cửa hàng bán trống làng Đọi. Đây là những con phố được hình thành từ thuở “Hà nội băm sáu phố phường”.

Chúng tôi theo chân nghệ nhân Lê Ngọc Hùng xuống xưởng để xem chiếc trống sấm chuẩn bị cho lễ hội năm tới. Đây là chiếc trống lớn ngang ngửa với chiếc trống sấm bày ở Văn Miếu cũng bà con Đọi Tam gửi tặng. Trống cao hơn 3 mét với đường kính mặt trống dài 1,70 mét. Đặc biệt đội trống xã Đọi Sơn như những chiến sĩ ra quân trong nhịp hùng ca vang dội. Người đánh trống cái chỉ huy dàn hợp âm rền vang. Giai điệu mùa xuân rung chuyển vách núi Đọi. Nghệ nhân Lê Ngọc Hùng chợt nhớ tới câu ca dao đã hình thành từ xưa: “Núi Đọi ai đắp mà cao/ Ngã ba sông Lệnh ai đào mà sâu/ Khen ai khéo bắt cầu Châu/ Khéo bắc cầu Hầu cho cả đường quan”. Sau đó nghệ nhân nói dân làng Đọi còn truyền tụng: “Theo vua cầy ruồng đồng xanh/ Núi cao, sông rộng trong lành mùa vui/ Đội quân trống gái xinh tươi/ Rộn ràng nhịp gõ liên hồi đón xuân”. 

Nghe giục trống chèo...

May sao trong chuyến đi về làng Đọi Tam chúng tôi còn được gặp thêm một nhân tài trống khác là ông Phạm Chí Khang. Gặp tôi ông vồn vã tâm sự nghề làm trống gặp không ít khó khăn nhưng công việc không bao giờ ngơi nghỉ. Bởi lẽ, làng nào cũng cần trống hàng năm vào hội. Trường học nào cũng cần trống đánh mỗi ngày. Thậm chí ông nói các đoàn văn công hay tìm về mua trống đế và trống cơm. Bởi lẽ đó là những nhạc cụ không thể thiếu và thật sự độc đáo trong những đêm ca nhạc, hay biểu diễn nghệ thuật truyền thống như Chèo, Tuồng, hát Văn, Quan họ và Ca trù.

26_tet - Rộn ràng trống đọi ngày xuân -0
Nghệ nhân Phạm Chí Khang bên chiếc trống mới.

Các cụ xưa có ca dao: “Ăn no rồi lại nằm khoèo/ Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem/ Chẳng thèm ăn chả, ăn nem/ Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo”. Riêng dàn trống làng Đọi Tam cũng thạo nghề chơi. Mỗi trống là một nốt nhạc riêng biệt. Nghệ nhân có thể biểu diễn trống với hàng chục bài bản cùng tiết tấu khác nhau. Đặc biệt riêng trống chầu (hay trống đế) thường phải được bọc bằng da nách trâu được nạo mỏng phơi khô. Với độ dai và bền mặt trống đế được căng tối đa tạo nên âm thanh vui, lảnh lót và đanh gọn. Nói rồi nghệ nhân Phạm Chí Khang lấy một trống đế gõ cho tôi nghe âm thanh khác nhau khi đánh vào mặt trống hay bên cạnh tang trống. Nổi hứng ông còn hát và đánh trống theo nhịp rộn ràng. Giọng ca khê nồng nhưng nhịp nhàng đong đưa: “Tình là tình cái chi chi/ Xa thì héo hát chỉ vì nhớ mong/ Tình là tình cái phải lòng/ Gần thì bịn rịn duyên bong ra ngoài…”.

Tôi không ngờ làng trống Đọi Tam lại có nhiều mặt hàng phong phú đến thế. Chỉ với trống đế (trong Chèo) này khi sang ban hát Ca trù thì trở thành trống chầu. Cũng vẫn với tang trống cao chừng 20 phân bằng gỗ mít. Xưa tôi nghe nói ai đến các nhà hát cô đầu ở Khâm Thiên là đi “tom chát”. Thì ra những chiếc trống chầu Đọi Tam đã ròn rã ở các phường ả đào một thuở xướng ca trước năm 1954. Nhà thơ Tú Xương đã từng chơi đàn chầu và mang nặng sầu vương với những đào nương.

Ông có những câu thơ hài hước: “Ngày xuân mừng quý khách/ Khi vui lo đàn phách/ Chuyện nở như pháo rang/ Chuyện dai như chão rách/ Đổ cả bốn chân giường/ Xiêu cả một bức vách” (Tết tặng cô đầu). Nghệ nhân Phạm Chí Khang lấy dùi gõ trên mặt trống chầu thể hiện rõ những âm thanh “tom chát” cho tôi nghe rồi giải thích vì sao cần người cầm chầu trong hát ca trù. Người đánh trống chầu thường là một thính giả tinh tế am hiểu văn chương thơ phú và có tài thẩm âm trong nghệ thuật ca trù. Họ là những quan viên tao nhã sành điệu biết lên tiếng (gõ trống) đúng lúc, đánh giá được những điểm nhấn đặc sắc của canh hát. Mỗi lần đánh tiếng “cắc” vào tang trống là người hát hay tay đờn được thưởng một thẻ tre. Cuối canh hát các ca nương sẽ tính thẻ ăn tiền thưởng. Chính vì thế nghệ nhân Khang nói “Trù” nghĩa là thẻ. Không ít văn nhân đã chia sẻ nỗi lòng với ca nương khi biết tới số phận khắc nghiệt và buồn thương của họ.

Thi sĩ Trần Huyền Trân từng viết thơ tặng ca nương Quách Thị Hồ rằng: “Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca/ Mênh mang trời đất vẫn không nhà/ Người ơi mưa đấy hay sênh phách/ Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa” (Sầu chung)

Để bảo đảm chất lượng trống cái âm vang trong lễ hội, hay tiếng trống đế lảnh lót thanh thoát trong các dàn nhạc bộ gõ, nghệ nhân ở Đọi Tam đã phải kỹ lưỡng trong kỹ thuật căng da trâu làm mặt trống. Đây là bí quyết mà chỉ có ở đất Đọi Tam bên dòng sông Châu Giang. Tiếng trống từ lâu được coi là hồn làng xã. Nó điểm canh và báo động cho người dân biết mọi hiểm nguy rình rập. Những miếng da trâu mặt trống thường được nạo rất mỏng và phơi sấy công phu.

Hơn nữa nghệ nhân làm trống còn thể hiện sự cao tay của mình ở kỹ thuật bưng trống (điều chỉnh khi căng mặt trống) để tìm ra những âm sắc đúng với yêu cầu của mỗi loại trống. Họ còn là những nghệ sĩ thẩm âm sành sỏi. Căng mặt trống sao cho âm vang trầm hùng oai nghiêm với trống trận. Hoặc rộn ràng náo nức âm thanh với hội làng khi tiếng trống vang lên… Riêng trống sấm mà những nghệ nhân Đọi Tam chế tác bao giờ cũng phải rền vang lan tỏa cả mươi cây số.

Đội trống gái Đọi Tam

Nghệ nhân ưu tú Lê Ngọc Hùng hồ hởi nói với tôi về đội trống nữ Đọi Tam. Có tới 60 thành viên ở các lứa tuổi tập họp bên nhau từ năm 2004 nay vẫn hoạt động sôi nổi. Đây có lẽ là đội trống nữ độc đáo nhất ở nước ta. Họ thuộc hàng chục bản nhạc trống với nhiều tiết tấu mới lạ. Tất cả các nữ nghệ nhân đều là những nông dân chính hiệu và thợ làm trống chuyên nghiệp. Hàng năm đội luôn bổ sung những tay trống trẻ ở tuổi mười tám, đôi mươi. Đặc biệt có những nghệ nhân trẻ vừa đánh trống cơm vừa hát rất duyên dáng. Điều thú vị nhất khi biểu diễn trống cơm nghệ sĩ chỉ dùng tay vỗ chứ không dùng dùi đánh như các loại trống khác.

26_tet - Rộn ràng trống đọi ngày xuân -0
Màn đánh trống khai hội do phụ nữ Đọi Tam trình diễn.

Mỗi khi vào hội, các tay trống trẻ thường tập luyện kỹ lưỡng từng tiết mục và những bản nhạc theo yêu cầu. Nghệ nhân Hùng mang chiếc trống cơm vỗ cho tôi nghe những âm điệu vui tai. Tôi chợt nhớ đến làn điệu dân ca rộn ràng một thuở mà tôi thường nghe. Đó là bài “Trống cơm”. Lời hát vui dạt dào với nét duyên dáng thú vị. Nghệ nhân Hùng còn đọc cho tôi nghe những câu thơ thật dễ thương về tình yêu được vỗ nhịp theo trống cơm: “Tình là tình cái chi chi/ Xa thì héo hắt chỉ vì nhớ mong/ Tình là tình cái phải lòng/ Gần thì bịn rịn duyên bong ra ngoài”.

Đội trống nữ Đọi Tam trở nên chuyện nghiệp với dàn trống lễ hội. Mỗi khi tiễn những chàng trai lên đường nhập ngũ là đội đều có mặt biều diễn. Họ say sưa vung tay trống trong nhịp điệu “Lá xanh” thật náo nhiệt. Khi đó cả làng cùng ca vang trong khí thế rộn ràng. Giai điệu và lời ca sôi động: “Đi đầu quân! Đi trong mùa động viên/ Đi đầu quân! Đi trong mùa xuân mới/ Gió lá reo! Gió lá reo…”. Đôi mắt nghệ nhân Hùng sáng bừng trong nhịp trống vang lên từ xa. Ông là cựu chiến binh, một tay trống lừng lẫy một thời!

Vương Tâm
.
.