Sáng tạo để gần công chúng hơn

Thứ Hai, 03/04/2023, 14:32

Trong đời sống hiện đại, bên cạnh đòi hỏi về giá trị cốt lõi của tác phẩm văn học nghệ thuật thì hình thức truyền tải cũng cần sáng tạo không ngừng để tiếp cận công chúng một cách hiệu quả hơn. Thời gian gần đây, các lĩnh vực như: văn học, mỹ thuật… đã dần có sự khởi sắc trong nỗ lực tìm tòi, thay đổi hình thức tiếp nhận tác phẩm.

Điểm sáng văn học…

Đầu năm 2023, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tổ chức đã tạo nên dấu ấn tốt đẹp. Sự kiện đã được tổ chức 18 năm trực tiếp và 2 năm trực tuyến vì đại dịch COVID-19, nhưng phải đến lần thứ 21 dường như mới thực sự tạo nên sự mới mẻ, mãn nhãn cho công chúng.

Nét mới đáng ghi nhận đầu tiên là việc thay đổi không gian (thay vì Văn Miếu-Quốc Tử Giám), thời gian (thay vì ban ngày) tổ chức. Không gian Hoàng thành Thăng Long rộng lớn, có sân khấu lý tưởng, đủ diện tích để kiến tạo đường Thơ, đường Sách, nhà ký ức, quán Thơ, cây Thơ… Việc chuyển hoạt động quan trọng nhất sang ban đêm phát huy một cách tối đa hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo…

Bên cạnh đó, lần đầu tiên sự kiện được lên kế hoạch, thiết kế, dàn dựng chuyên nghiệp thông qua  một ê-kíp sáng tạo, gồm: Tổng đạo diễn Lê Quý Dương; kịch bản văn học-nhà thơ Hữu Việt; phụ trách mỹ thuật-họa sĩ Phạm Hà Hải, họa sĩ Lê Đình Nguyên và nhiều hạng mục khác do các đơn vị đảm nhận. Tất cả các yếu tố trên là sự tổng hòa quan trọng giúp hàng nghìn khán giả thưởng thức trọn vẹn một đêm thơ hoành tráng về hình thức, sâu sắc về nội dung, dư âm lan tỏa.

Sáng tạo để gần công chúng hơn -0
Khách tham gia Tour du lịch văn học tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Tôi thực sự bất ngờ, xúc động khi tham dự Ngày thơ năm nay. Những cách tân, đổi mới là minh chứng cho nỗ lực của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 10. Nét sống động, đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức thơ ca của công chúng là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự kiện đã dần trở thành một lễ hội mới của dân tộc”.

Chung nhịp với Ngày thơ Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, nhiều tỉnh thành khác trong cả nước đã tổ chức Ngày thơ khá thành công, khẳng định được tiếng nói, bản sắc, thế mạnh rõ rệt. Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hà Tĩnh… không chỉ tổ chức ngày hội mà còn đan xen các cuộc thi, tọa đàm, triển lãm… Điểm sáng vừa là động lực, cũng là áp lực cho công tác tổ chức những năm sau. Đó có thể là những không gian, vùng miền, kịch bản văn học khác… để giá trị của thơ ca trở nên phong phú, gần gũi hơn với các địa phương suốt dọc dài đất nước.

Sáng tạo để gần công chúng hơn -0
Sân khấu Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21.

Một điểm nhấn khác về văn học đó là lần đầu tiên có tour du lịch văn học mang tên “Chữ Tâm chữ Tài” do Bảo tàng Văn học Việt Nam phối hợp Công ty Du lịch Bền vững Vietnam S.T.I.D tổ chức được khai mạc vào những ngày cuối năm 2022, “đánh thức” một bảo tàng hoạt động từ tháng 6/2015 nhưng gần như không mấy ai biết đến. Bảo tàng có diện tích khoảng 3.000m2, trưng bày hơn 3.454 hiện vật tiêu biểu được chọn từ 55.000 hiện vật, là những di sản quý giá chứa đựng nhiều câu chuyện về các nhà văn, nhà thơ, tinh hoa của văn chương Việt Nam.

Tour du lịch mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm, như: Tham quan vườn tượng 20 danh nhân văn học; Gánh tâm gánh tài vào cửa “Ngôi đền văn chương Việt Nam”; Không gian văn học Việt Nam thời kỳ cổ - trung đại; chữ viết lưu truyền thơ văn như thế nào; Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên “Nam quốc sơn hà”; “Bản tuyên ngôn độc lập thứ hai “Bình Ngô đại cáo”; Không gian đại thi hào Nguyễn Du và “Truyện Kiều”; Bác Hồ và tác giả thơ hay nhất về Bác; nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và những câu chuyện lay động lòng người...

Với thời lượng 90 phút, thường khởi hành vào 18-19h thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, hoạt động này đã đưa công chúng gần hơn với tác giả, câu chuyện, nhân vật thông qua những hình thức trải nghiệm nhẹ nhàng trong một không gian đầy cảm xúc.

Sáng tạo để gần công chúng hơn -0
Các hoạt động đa sắc trên Đường Thơ tại Ngày thơ.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Bảo tàng chia sẻ: “Làm thế nào để giá trị văn hóa, văn học lan tỏa rộng rãi đến với công chúng đặc biệt hơn cách mà lâu nay những người yêu văn chương vẫn thể hiện là đến ngắm nhìn hàng nghìn hiện vật và nghe thuyết minh là điều trăn trở của đội ngũ vận hành. Sẽ có nhiều phiên bản cho tour du lịch văn học với các chủ đề khác nhau và thời gian tới, bảo tàng sẽ phối hợp các đơn vị thực hiện nhiều chương trình du lịch chuyên đề kết nối với các địa phương là quê hương tác giả nổi tiếng để giá trị văn học thân thuộc hơn với mọi người, mọi nhà, thậm chí là du khách quốc tế”.

Ngắm tranh quý trong lòng phố cổ

Đầu tháng 3/2023, Câu lạc bộ (CLB) Sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà với 20 thành viên đã tổ chức triển lãm bộ sưu tập hơn 50 tác phẩm hội họa tại Ngôi nhà di sản 45 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm chủ yếu thuộc hai giai đoạn: Mỹ thuật Đông Dương và Mỹ thuật kháng chiến với sự phong phú về chất liệu: Sơn mài, sơn dầu, lụa, giấy… gắn liền với tên tuổi các họa sĩ nổi tiếng: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Phan Kế An, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Huyến, Phan Thông, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Thiện…

Sáng tạo để gần công chúng hơn -0
Tác phẩm hội họa đặc biệt của Vua Hàm Nghi được sưu tầm.

Bên cạnh đó còn có những tác phẩm đặc sắc của các bậc thầy hội họa người Pháp từng tham gia sáng lập, giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, như: Victor Tardieu, Joseph Inguimberty… hoặc tác phẩm thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng là bức tranh sơn dầu chủ đề phong cảnh của vua Hàm Nghi thuộc bộ sưu tập của ông Trần Ngọc Lâm. Theo Asian Art, vua Hàm Nghi đã tìm thấy trong nghệ thuật một nơi ẩn náu, một không gian cá nhân để suy tư, để thanh thản, tạo ra một loại hình nghệ thuật làm phong phú thêm cuộc sống đầy tâm trạng, thăng trầm. Bức tranh sơn dầu kích thước 38 x 55cm trên cũng có một “số phận” rất đặc biệt trước khi thuộc sở hữu của nhà sưu tập.

Sáng tạo để gần công chúng hơn -0
Công chúng thưởng thức vẻ đẹp của những tác phẩm nổi tiếng ngay giữa phố cổ Hà Nội.

CLB Ngọc Hà vốn quy tụ những nhà sưu tập hoạt động lặng lẽ, đam mê nghệ thuật, nhưng sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, họ quyết định thay vì giao lưu nội bộ, sẽ thường xuyên tổ chức triển lãm tranh (vài tháng một lần) nhằm thúc đẩy hoạt động nghệ thuật trở nên sôi động hơn. Thay vì tổ chức tại những địa điểm có tính thông lệ như: bảo tàng, nhà triển lãm, khách sạn… CLB chọn không gian đậm nét di sản, gắn bó với đời sống người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung, đó là ngôi nhà di sản trong lòng phố cổ. Công chúng vừa có thể ngắm kiến trúc nhà cổ, thưởng thức tranh, giao lưu trò chuyện với các nhà sưu tập, nhà nghiên cứu mỹ thuật, thong dong cà phê ngắm phố phường…

Cuộc quy tụ của các nhà sưu tập là dấu ấn đáng nhớ. Có người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, cũng có những người đến từ nhiều tỉnh thành, và đặc biệt có nhà sưu tập đã bước sang tuổi 90. Trong tương lai gần, với sự vào cuộc của nhiều nhà giám tuyển, họa sĩ từ nước ngoài trở về, CLB dự định tổ chức thêm nhiều triển lãm lưu động ở nhiều tỉnh thành trong cả nước để nối gần khoảng cách giữa tác phẩm kinh điển với công chúng. Ngay tại ngày khai mạc, nhiều người xem triển lãm đã bày tỏ sự xúc động trước tình cảm, tâm huyết của các nhà sưu tập đã mang đến cho họ cơ hội được tiếp cận những tác phẩm giá trị cao bởi không phải ai cũng có điều kiện vào bảo tàng, khách sạn hay một không gian sang trọng nào đó.

Mai Lữ
.
.