Sáng tạo văn hóa từ các di sản công nghiệp

Thứ Ba, 26/10/2021, 21:51

Biến nhà máy cũ thành không gian sáng tạo là cách làm không còn xa lạ với thế giới, nhưng lại mới mẻ ở Việt Nam.

Theo ông Lê Quang Bình- điều phối viên của Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”, nếu nhà nước coi công nghiệp văn hóa là mũi nhọn thì việc đầu tư vào chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ không chỉ tạo ra cơ sở vật chất ổn định mà còn tạo ra các điều kiện khác để ngành sáng tạo Việt Nam phát triển.

Gia tài khổng lồ từ các di sản công nghiệp

“Biến nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo” được nhóm “Vì một Hà Nội đáng sống” khởi xướng từ cuối năm 2020 xuất phát từ thực tế: Theo quy hoạch, khoảng 90 nhà máy, cơ sở công nghiệp được di dời khỏi nội thành Hà Nội. Trong đó có những công trình có tuổi đời hàng trăm năm với kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử xứng đáng được giữ lại, chuyển đổi thành các không gian văn hóa, sáng tạo, sinh hoạt sống động.

Theo thống kê, năm 2020, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng đã chứng kiến sự phá hủy của nhiều cơ sở công nghiệp có giá trị di sản đều chưa kịp gọi tên, điển hình là Nhà máy đóng tàu Ba Son (TP Hồ Chí Minh), Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Dệt 8-3, Nhà máy Bánh kẹo Tràng An...

Sáng tạo văn hóa từ các di sản công nghiệp -0
Hòa nhạc “Vì một Hà Nội đáng sống” tại không gian sáng tạo Complex vốn là Nhà máy in Công đoàn cũ.

Theo khảo sát của nhóm “Vì sự tham gia của người dân” năm 2020, thì trong số 21 nhà máy đã di dời ở quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân thì có tới 19 nơi đã chuyển thành chung cư thương mại. PGS, TS, KTS Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng cũng khẳng định: “Các cơ sở công nghiệp quy mô lớn thường gắn với lịch sử thuộc địa hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa của các địa phương, quốc gia. Nó là những vật chứng giúp chúng ta kể các câu chuyện về nơi chốn và thành phố, chính là duy trì bản sắc của các đô thị. Cần xem các nhà máy cũ là cơ hội quý báu, từng bước hiện thực hóa không gian và cộng đồng sáng tạo. Đây là những quỹ đất trống cuối cùng, nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi thành các  không gian sáng tạo, chúng ta sẽ mất mãi mãi”.

Sáng tạo văn hóa từ các di sản công nghiệp -0
Giới trẻ cần nhiều không gian sáng tạo.

Nhóm “Vì một Hà Nội đáng sống” đã tiến hành các khảo sát thực tế với số liệu cụ thể, tổ chức một số cuộc tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia và người dân, đồng thời chia sẻ ý tưởng tại một số diễn đàn về quy hoạch đô thị. Gần nhất, ý tưởng này đã được trình bày trong Tọa đàm tham vấn của Thành ủy Hà Nội về “Đề án phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô” ngày 16-6.

Vào tháng 4-2021, buổi hòa nhạc “Vì một Hà Nội đáng sống” đã được tổ chức thành công tại không gian sáng tạo Complex 01 ở Tây Sơn, Hà Nội (vốn là Nhà máy in Công đoàn cũ) trong sự bất ngờ của nhiều người. Bởi đây là lần đầu tiên, tại Hà Nội diễn ra một sự kiện âm nhạc tại không gian vốn là nền của một nhà máy cũ, qua đó khiến dư luận quan tâm hơn về tiềm năng của những không gian này trong việc phục vụ các hoạt động sáng tạo và nghệ thuật.

Xu hướng của quốc tế nhưng lại mới mẻ ở Việt Nam

Hành trình biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo dù phù hợp với xu hướng quốc tế nhưng lại khá mới mẻ tại Việt Nam nên có khởi đầu không dễ dàng. Mới đây, chiều 21-10 tại tọa đàm với chủ đề “Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp" - một hoạt động trong khuôn khổ của dự án EUNIC “Tái thiết di sản công nghiệp” đã chia sẻ nhiều câu chuyện quốc tế trong việc tái thiết di sản công nghiệp. GS.TS. KTS Salvador Perez Arroyo đến từ Tây Ban Nha đánh giá, Việt Nam có một gia tài khổng lồ các di sản công nghiệp.

Sáng tạo văn hóa từ các di sản công nghiệp -0
Nhà xưởng của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội có kiến trúc độc đáo theo phong cách Art-Deco.

Nhưng ông cũng đề xuất: “Các kiến trúc sư hiện nay phải tìm hiểu, nghiên cứu và tôn trọng tiếng nói của quá khứ, phải yêu thương những vật liệu, những bề mặt và biết lưu trữ thông tin về những công năng cũ. Thật bất tiện nếu giới thiệu một chức năng mới quá khác biệt và trong nhiều trường hợp, gìn giữ những vật thể, cầu thang, sàn nhà, rui kèo và những diện kính nguyên thủy của cửa sổ là rất quan trọng. Không bao giờ nên tin rằng, xóa bỏ bên trong và chỉ giữ lại những bức tường bên ngoài là thuận tiện, những thế hệ kế tiếp sẽ tiếp cận nhiều thông tin hơn và chúng ta cần giữ gìn cho họ”.

Thực tế cho thấy, trên thế giới, có rất nhiều công trình nổi tiếng được xây dựng và tái hiện trên những di sản công nghiệp. Đó là công trình nổi tiếng, 798 Art Zone tại ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc, được xây dựng từ một liên hợp nhà máy với tổng diện tích 60 ha vào những năm 1950, nay chuyển thành một tổ hợp văn hóa nghệ thuật vô cùng hấp dẫn trên nền tảng không gian và các công trình công nghiệp cũ.

Khu 789 Art Zone đã thu hút hơn 75 triệu khách và là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa quốc tế và quốc gia như Liên hoan Phim quốc tế Bắc Kinh, hay tuần lễ thiết kế Bắc Kinh. Hay dự án hợp tác khu La Friche la Belle de Mai, Pháp. Tiền thân là nhà máy Seita, La Friche la Belle de Mai, ngày nay là điểm đến của sự sáng tạo và đổi mới, vừa là không gian làm việc của 65 tổ chức (gồm 350 nghệ sĩ, nhà sản xuất, nhân viên làm việc hàng ngày tại đây), vừa là nơi lan tỏa giá trị (600 đề xuất nghệ thuật được công bố mỗi năm thông qua những hội thảo non trẻ cho đến các liên hoan lớn và lâu đời).

Một ví dụ khá thành công là Songsan Creative Park (công viên văn hóa – sáng tạo Songsan) ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Người ta đã giữ lại, bảo tồn và tái sử dụng toàn bộ khuôn viên và các công trình nhà máy thuốc lá Matsuyama (Tobacco Plant) do người Nhật xây dựng năm 1937, và biến đây trở thành một không gian văn hóa đa năng hấp dẫn (từ năm 2011).

Tạo sự đa dạng cho văn hóa thủ đô

Chúng ta đang sở hữu một gia tài khổng lồ về các di sản công nghiệp. Nhưng nói như kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh: “Các di sản công nghiệp Hà Nội rất quý, chiếm diện tích lớn và nằm ở trung tâm. Nhưng nó có thể gây tranh cãi với bộ phận lớn người dân, không dễ được số đông thừa nhận. Nó có sẵn một nền tảng đương đại về mặt thẩm mỹ, một mặt gây tranh cãi, một mặt tạo ra không gian sáng tạo. Nhiều di sản có câu chuyện hay, kể về chúng ta một thời đáng nhớ, phán ảnh trung thực hệ tư tưởng, chính sách của một thời kỳ xã hội”.

Sáng tạo văn hóa từ các di sản công nghiệp -0
Tái sinh các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo mở ra nhiều cơ hội cho thành phố.

Tuy nhiên, kiến trúc sư Lê Bình cho rằng: “Đây gần như là cơ hội cuối cùng cho Hà Nội để có thêm những không gian sáng tạo, phát triển Hà Nội theo hướng một thành phố công nghiệp văn hóa”. Vậy, thay vì đập bỏ các nhà máy cũ, tại sao chúng ta không nghiên cứu và xây dựng những không gian sáng tạo trên nền cũ để phát triển công nghiệp văn hóa và tạo ra sự đa dạng, phong phú cho đời sống văn hóa thủ đô.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Thái Huyền, nhóm nghiên cứu của chị đã đi tìm hiểu thực trạng và đưa ra những con số thống kê cụ thể về 90 nhà máy đang có kế hoạch di dời của Hà Nội. Trong đó, có một số công trình có giá trị lớn về kiến trúc, cảnh quan cũng như ý nghĩa lịch sử.

Đó là Công ty Diêm Thống Nhất, có dáng vẻ kiến trúc độc đáo, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng khi chuyển đổi để phát huy giá trị kiến trúc của nhà máy như là 1 di sản hay một công trình văn hóa mang đậm dấu ấn của một giai đoạn lịch sử. Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhà máy Dệt kim Đông Xuân là những công trình mang kiến trúc đặc trưng của một giai đoạn, cần nghiên cứu khi chuyển đổi để phát triển mà vẫn gìn giữ được các giá trị văn hóa.

Rõ ràng, câu chuyện chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian văn hóa sáng tạo rất cần sự vào cuộc, đồng hành của cộng đồng, chính phủ, sự cởi mở về chính sách để một lần nữa, chúng ta không để bài toán đô thị hóa nuốt chửng các giá trị văn hóa, để chúng ta vẫn luôn giữ được gạch nối hiện hữu giữa quá khứ và hiện tại. Đó cũng là cơ hội cho các nghệ sĩ được làm việc, thực hành và sáng tạo, đưa Hà Nội trở thành một thành phố sáng tạo đúng nghĩa.

Dự án EUNIC với chủ đề “Tái thiết di sản công nghiệp” do Viện Pháp tại Việt Nam lên ý tưởng và tập hợp được sự tham gia của 7 thành viên EUNIC (Viện Goethe, Hội đồng Anh, Phái đoàn Wallonia Brussels, Đại sứ quán Ý, Đại sứ quán Hà Lan, Đại sứ quán Tây Ban Nha, Đại sứ quán Hungary), phái đoàn EUNIC (Phái đoàn EU tại Việt Nam), 4 đối tác địa phương (Đại học Kiến trúc Hà Nội, mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”, tổ chức Heritage Space, Doanh nghiệp xã hội bền vững VSSE), 3 đối tác chuyên gia (UNESCO Việt Nam, Hanoi Ad Hoc, PRX Việt Nam) và 5 đơn vị hỗ trợ khác là Đại sứ quán Thụy Điển, Đại sứ quán Cộng hòa Séc, Đại sứ quán Romania, Undecided Production và Đại sứ quán Ba Lan.

Dự án này nhằm thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa các thành viên EUNIC và các đối tác Việt Nam thông qua việc chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm và đối thoại các bên về tái thiết di sản công nghiệp hướng tới các không gian văn hóa và sáng tạo tại Hà Nội. Dự án gợi mở các mô hình khác nhau về tái thiết lập di sản công nghiệp với các không gian văn hóa và nghệ thuật từ sự đóng góp của các thành viên EUNIC. Mục tiêu chung của dự án là thúc đẩy các ý tưởng tái thiết đô thị từ các cơ sở công nghiệp cũ với sự tham gia của các đối tác quốc tế, đối tác Việt Nam và các đơn vị truyền thông.

Việt Linh
.
.