Số hóa dữ liệu để phát dương di sản văn hóa
Cùng với việc số hóa dữ liệu về di sản văn hóa, nhiều năm trở lại đây, việc chia sẻ, phát huy khối dữ liệu này đã tạo điều kiện để công chúng tiếp cận di sản dễ dàng hơn, đặc biệt qua các nền tảng kỹ thuật số. Nhiều di sản được “đánh thức”, tạo giá trị kinh tế, mặc dù đây mới chỉ là một phần trong khối di sản đồ sộ của đất nước.
Phát huy giá trị di sản tốt hơn
Trong những năm gần đây, người dân và du khách đến nhiều điểm di tích, bảo tàng nổi tiếng như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, di tích quốc gia Nhà tù Hỏa Lò… đã có thêm nhiều trải nghiệm thú vị, mới mẻ và hấp dẫn. Ngoài hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ, nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ góp phần tạo thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn tại các điểm đến.
Việc triển khai xây dựng bảo tàng số, không gian trưng bày số, ứng dụng công nghệ tạo các hệ thống tra cứu thông tin dữ liệu hiện vật, nhằm phục vụ khách tham quan hiệu quả và phát huy được nhiều giá trị văn hóa lịch sử đang lưu giữ, ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR và công nghệ trình chiếu 3D mapping… tạo ra những trải nghiệm mới lạ, với các tương tác đa giác quan thú vị, góp phần thu hút đông đảo du khách hơn. Cùng với đó, các sản phẩm lưu niệm cũng được các di tích, điểm đến đầu tư phát triển đa dạng, bán cho du khách, tăng doanh thu. Điều này cũng đồng nghĩa, di sản văn hóa đang chuyển biến tích cực trong tạo ra giá trị kinh tế.
Tại nhiều đơn vị nghiên cứu cũng cho thấy nhiều chuyển biến tích cực trong công cuộc số hóa dữ liệu di sản văn hóa. Theo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đến nay, Viện đã số hóa được hơn 700 báo cáo khoa học, 1.154 băng phim khoa học và tư liệu và 40.000 ảnh, đã và đang tạo lập được cơ sở dữ liệu (CSDL) dự án Văn hóa phi vật thể.
Trên hệ thống website của Viện đã bước đầu cập nhật các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó mỗi di sản giới thiệu về không gian địa lý, thời gian tổ chức, cộng đồng chủ nhân di sản, nhận diện di sản, đưa một số hình ảnh đại diện và 1 phim chọn lọc dưới 10 phút. Năm 2021, Viện đã chính thức ra mắt nền tảng trực tuyến “Phát triển CSDL di sản văn hóa phi vật thể và nội dung số ở Việt Nam trên trang web IchLinks”.
Đây là không gian chung để cung cấp, quảng bá các ấn phẩm, dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể tới khán giả toàn cầu. Quá trình tham gia vào hệ thống IchLinks giúp cho Việt Nam quảng bá rộng rãi hình ảnh di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia trên nền tảng kỹ thuật số của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các nước trên thế giới.
Trong tham luận “Quản lý thông tin về di tích và công tác bảo tồn di tích dạng dữ liệu số hóa đóng góp vào cơ sở dữ liệu ngành văn hóa” tại hội thảo định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch (VHTTDL) và gia đình được Bộ VHTTDL tổ chức mới đây, TS Chu Thu Hường chia sẻ: Mỗi năm, Viện Bảo tồn di tích đã số hóa được hàng nghìn trang tài liệu bổ sung vào ngân hàng dữ liệu của di tích của cơ quan và đóng góp vào xây dựng cơ sở dữ liệu ngành văn hóa. Ngân hàng dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích ở Việt Nam với hơn 4.000 di tích được upload lên hệ thống, đã trở thành một kênh quan trọng trong việc giới thiệu về di tích và công tác bảo tồn di tích ở Việt Nam.
Ngân hàng dữ liệu này, không chỉ đóng góp dữ liệu tổng quan về di tích của Việt Nam mà còn cung cấp các dữ liệu chi tiết khoa học về các di tích cụ thể, các thông số kỹ thuật trùng tu di tích…Ngân hàng dữ liệu số giúp cho việc tra cứu và tìm kiếm thông tin dữ liệu về di tích trở nên vô cùng thuận lợi, đa dạng hóa cách tiếp cận dữ liệu và góp phần quảng bá di sản tới nhiều đối tượng hơn…
Cần sự đồng bộ và huy động nguồn lực từ cộng đồng
Cũng theo TS Chu Thu Hường, hiện nay, công nghệ kỹ thuật số không chỉ dừng lại ở dạng số hóa di sản đơn sơ mà đang mở ra một giai đoạn mới xây dựng dữ liệu về di tích và di sản. Đây sẽ là cầu nối đưa các di tích đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội. Số hóa di sản văn hóa mang lại nhiều lợi ích cho việc bảo tồn và truyền đạt di sản văn hóa.
Việc chuyển đổi thông tin thành dạng số hóa giúp bảo vệ di sản trước những mối đe dọa như sự mòn, hư hỏng và phá hủy. Đồng thời, nó cũng giúp tăng cường khả năng truy cập và sử dụng thông tin về di sản từ xa, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập và thưởng thức di sản một cách linh hoạt và hiệu quả.
Ở Việt Nam, số hóa di sản đã được manh nha thực hiện từ khoảng 20 năm về trước. Cho đến nay Chính phủ đã có quyết định triển khai chương trình cụ thể về số hóa di sản giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên mục tiêu số hóa 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tàng và di sản tư liệu là vấn đề cần sự góp sức của cả cộng đồng.
TS Dương Viết Huy, Vụ Khoa học, Công nghệ, Môi trường, Bộ VHTTDL cũng cho rằng, chuyển đổi số và dữ liệu lớn về di sản văn hóa là 2 hoạt động quan trọng trong xu hướng bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hoá hiện nay. Chuyển đổi số để có thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ hành chính công trên môi trường số. Dữ liệu số về di sản văn hóa được tổ chức, liên kết, chia sẻ một cách hợp lý thông qua công nghệ sẽ phát huy giá trị văn hóa thông qua di sản đồng thời mang lại hiệu quả về văn hóa, kinh tế, xã hội... Muốn thực hiện tốt các công việc trên, ngoài sự nỗ lực của nhà nước cần sự phối hợp, chia sẻ từ người dân và doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Di sản văn hóa cũng khẳng định, với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin quản lý, CSDL lưu trữ dữ liệu số, có thể kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc sẽ là một trong các biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của nhân dân và bạn bè quốc tế.
Nhằm bảo tồn, phát huy tốt nhất giá trị các di sản văn hóa, Cục Di sản văn hóa đã xây dựng và triển khai sử dụng trên toàn quốc 4 hệ thống thông tin quản lý ở các lĩnh vực quản lý nhà nước của Cục. Một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh,thành phố như: Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... đã chủ động xây dựng Kế hoạch số hóa di sản văn hóa trên địa bàn nhằm thích ứng và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Không những tiến hành số hóa 2D, một số điểm di tích của các tỉnh đã tiến hành ứng dụng bản đồ số, công nghệ số hóa và thực tế ảo đối với di sản văn hóa nhằm mục đích phòng ngừa những nguyên nhân tác động đến di sản văn hóa như sự xuống cấp của vật liệu, của các hiện tượng tự nhiên khách quan, các cuộc xung đột vũ trang và từ chính con người. Tại Việt Nam, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality-VR) chưa thật sự phổ biến, nhưng cũng đã có một số di tích được phục dựng với kết quả ban đầu khả quan.
Tuy nhiên, Cục Di sản văn hóa cũng cho rằng, hiện nay, các CSDL di sản văn hóa vẫn được xây dựng và vận hành độc lập với những ứng dụng công nghệ khác nhau, chỉ dừng ở mục đích quản lý và khai thác riêng rẽ của từng đơn vị, chưa tính đến việc liên kết dữ liệu với việc phân cấp quản lý, khai thác. Vì vậy, chúng ta cần hướng đến việc phát triển một cơ sở hạ tầng dữ liệu liên kết cho dữ liệu di sản văn hóa đồng nhất ở Việt Nam. Mục tiêu của CSDL liên kết này hướng đến việc trở thành một phương tiện tích hợp để thu thập và kết nối thông tin di sản văn hóa được cung cấp bởi các cơ quan khác nhau.
Dữ liệu đã được số hóa hiện lưu trữ phân tán ở nhiều nơi mà chưa có sự liên kết, ứng dụng công nghệ theo chuẩn mực chung để có thể chia sẻ được với nhau. Cơ chế chia sẻ dữ liệu và lợi nhuận (nếu có) từ dữ liệu số cần phải được thống nhất đối với các bên có dữ liệu tham gia hệ thống. Vấn đề bản quyền tác giả và quyền liên quan đối với các sản phẩm liên quan đến di sản văn hóa khi được phổ biến trên không gian mạng cũng cần được xem xét...
Theo Cục Di sản văn hóa, cả nước hiện có khoảng 40.000 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, gần 65.900 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố; 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.620 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, 562 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 294 bảo vật quốc gia, 200 bảo tàng với hơn 4 triệu hiện vật.
Đặc biệt, Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (13 di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp), 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh (trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới, 6 di sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương).