Soi chiếu hệ giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”: Công tâm với nghệ thuật đại chúng

Thứ Hai, 06/03/2023, 18:25

Không chỉ gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng hay trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, những bộ phim như “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành – hiện tượng phim Việt hiếm hoi cán mốc 500 tỷ doanh thu phòng vé - tiếp tục trở thành ví dụ điển hình được nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học nghệ thuật nêu ra khi bàn thảo, soi chiếu những giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam vào lĩnh vực điện ảnh nói riêng, văn học nghệ thuật hiện nay nói chung.

Cần đặt đúng vị trí…

Tại tọa đàm khoa học “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học nghệ thuật 80 năm qua” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức mới đây, khi bàn về điện ảnh Việt Nam hiện nay, TS Ngô Phương Lan, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam đã gây sự chú ý đặc biệt khi thẳng thắn chia sẻ rằng một số người trong nghề không coi trọng các phim Việt ăn khách.

Soi chiếu hệ giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”: Công tâm với nghệ thuật đại chúng -0
Tọa đàm Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam.

Theo TS Ngô Phương Lan thì đó là suy nghĩ chưa thấu đáo. Những tác phẩm điện ảnh có hiệu ứng xã hội lớn như “Bố già”, “Nhà bà Nữ” cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thay vì xem nhẹ, coi thường hay chê bai là hàng chợ. Có thể coi một bộ phim đạt được hiệu quả xã hội cao – nói cách khác, một bộ phim có tính đại chúng là tác phẩm điện ảnh có giá trị. Xu hướng sáng tác mới cần đảm bảo tính dân tộc, nghệ thuật nhưng cũng phải mang tính đại chúng…

Soi chiếu hệ giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”: Công tâm với nghệ thuật đại chúng -0
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phát biểu tại tọa đàm khoa học "Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học nghệ thuật 80 năm qua"

Đồng quan điểm với TS Ngô Phương Lan, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cũng so sánh: Trước đây, có những năm Nhà nước đầu tư làm tới 20 phim và gặt hái nhiều thành công. Hiện nay, có khi Nhà nước chỉ đầu tư sản xuất 2-3 phim mỗi năm nhưng không tạo hiệu ứng tốt trong công chúng. Chỉ có dòng phim giải trí, thương mại có thể lôi kéo khán giả đến rạp. Đó là vấn đề những người làm trong ngành điện ảnh cần nghiên cứu thêm trong thời gian tới.

Trong tham luận “Soi chiếu hệ giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam vào lĩnh vực hoạt động điện ảnh” gửi Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam - Ban tổ chức tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam”, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng nhận định, dòng phim thương mại, giải trí hướng tới doanh thu là 1 trong 3 dòng phim làm nên diện mạo của điện ảnh hiện nay. Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, nhiều ý kiến cho rằng, khi điện ảnh thỏa mãn tính đại chúng sẽ đồng nghĩa với phim đông khách – phim có doanh thu cao. Hiện tượng thu hút đông khán giả đến với bộ phim “Gái nhảy” nhiều năm trước đây và hai bộ phim “Bố già”, “Nhà bà Nữ” của nghệ sĩ Trấn Thành gần đây với doanh thu gần 500 tỷ đồng đang đặt nhiều vấn đề. “Dù vẫn hiểu phim đông khách chưa hẳn là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao có thể dẫn hướng cho sự phát triển của một nền điện ảnh, nhưng sự cố gắng tìm tòi, thay đổi mình nhằm đáp ứng thị hiếu đại đa số đối tượng khán giả chính là điểm sáng đáng ghi nhận cho dòng phim thương mại, giải trí, hướng tới hiệu quả doanh thu”, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nhận định.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, mặc dù có nhiều khen, chê khác nhau đối với các phim thương mại, giải trí nhưng có điều đáng mừng đó là những bộ phim do người Việt làm ra để kể về những câu chuyện của người Việt và tự thân nó đã thể hiện “bản sắc Việt Nam”, hơn hẳn những bộ phim mà nếu tắt tiếng thoại của nhân vật, người xem rất có thể nhầm tưởng với phim Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) hay Trung Quốc… Nếu biết cách phát huy thế mạnh, tìm được đề tài mới, thế mạnh mới, sáng tạo mới, tầm ảnh hưởng của dòng phim này sẽ càng lớn hơn nữa.

Tuy nhiên, ông Tú cũng cho rằng, để nền công nghiệp điện ảnh ảnh phát triển bền vững và để điện ảnh Việt Nam có đủ nội lực và điệu kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có sự điều chỉnh hài hòa hợp lý giữa các dòng phim. Vẫn cần có vai trò nổi bật của Nhà nước trong việc duy trì đầu tư xứng đáng cho dòng phim về đề tài truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng, xây dựng hệ giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc, hiện đại, nhân văn nhằm góp phần định hướng giáo dục những thế hệ tiếp nối. Với dòng phim giải trí lành mạnh về nội dung, đáp ứng thị hiếu đông đảo người xem và có doanh thu cao cũng cần có nhiều giải pháp hữu hiệu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển. Đồng thời, luôn cần có sự phát hiện, dẫn dắt, nuôi dưỡng, động viên và tôn trọng tự do sáng tạo để khuyến khích nâng đỡ những tìm tòi mới mẻ lành mạnh cho dòng phim tác giả của những nhà làm phim độc lập – dòng phim thường có các tác phẩm nhắm tới các liên hoan phim quốc tế nhưng kén khách và doanh thu không cao.

Soi chiếu hệ giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”: Công tâm với nghệ thuật đại chúng -0
Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam.

Thực tế, xu hướng thừa nhận những giá trị của các sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật mang tính thương mại, giải trí hút khách thời gian qua không chỉ dành riêng cho lĩnh vực điện ảnh mà còn nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật khác. Như nhà phê bình Phan Cẩm Thượng từng chia sẻ là, những năm gần đây, bên cạnh các văn nghệ sĩ trong các đơn vị công lập Nhà nước, với các tác phẩm văn học nghệ thuật được đầu tư bởi nguồn kinh phí Nhà nước, nhiều văn nghệ sĩ vẫn sống bằng tác phẩm nguồn xã hội hóa, thậm chí sống tốt bằng thu nhập từ chính các tác phẩm này. Lực lượng này khá đông và tác phẩm của họ được yêu thích trên thị trường, cần quan tâm, đánh giá đúng vai trò của họ trong xu thế phát triển văn học nghệ thuật hiện nay.

… nhưng không đánh đồng!

Tuy đồng quan điểm nói trên, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, thời gian qua, nhiều sản phẩm nghệ thuật mang tính giải trí, thương mại được đông đảo công chúng đón nhận, thậm chí có khi còn được tung hô quá đà, dẫn đến những nhận thức lệch lạc, tác động tiêu cực đến sự phát triển văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng.

Như chia sẻ của PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nhiều khi người ta nhân danh tính đại chúng để hạ thấp tính chuyên nghiệp, kéo theo xu thế nghiệp dư hóa trong sáng tác, biểu diễn dẫn đến sự lên ngôi của sản phẩm mang tính thị trường, thậm chí là nhảm nhí, nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của một bộ phận công chúng có tiền, có quyền chi phối cả nội dung, chất lượng nghệ thuật, phong cách biểu diễn, thậm chí mua cả sóng truyền hình để làm những mục quảng cáo riêng cho mình. Cùng với đó là những sản phẩm văn hóa ngoại lai, chất lượng thấp, không phù hợp, thậm chí là phản cảm, phản khoa học, chiếm lĩnh các phân khúc thị trường văn hóa, từ thành thị đến nông thôn, từ sân khấu, màn ảnh đến báo hình, báo mạng, những nơi chốn linh thiêng, di tích, lễ hội.

Soi chiếu hệ giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”: Công tâm với nghệ thuật đại chúng -0
Cảnh trong phim “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành.

Cũng theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đại chúng hóa trong văn học nghệ thuật không có nghĩa là làm cho quần chúng mà quần chúng là một yếu tố cấu thành đời sống văn học nghệ thuật và quần chúng cũng cần được giáo dục, nâng cao trình độ về nghệ thuật. Nếu người sáng tạo nghệ thuật chỉ nhằm đáp ứng thị hiếu khán giả - khán giả cần gì, văn nghệ sĩ chiều theo cái đó sẽ kéo theo tính nghệ thuật giảm đi, tính chuyên nghiệp giảm đi, đồng nghĩa với không phát triển văn học nghệ thuật.

PGS.TS Phạm Quang Long cũng cho rằng, hiện nay có những sai lầm về quan niệm giữa đại chúng và tinh hoa, dẫn đến tình trạng nghiệp dư hóa hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Ví dụ điển hình nhất là việc thực hiện sáp nhập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp vào trung tâm văn hóa các tỉnh, thành phố thời gian qua. Cũng theo PGS.TS Phạm Quang Long, “đại chúng hóa” là một trong 3 nguyên tắc để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta được đặt ra trong nội dung Đề cương về văn hóa Việt Nam 80 năm trước. Phương châm đại chúng hóa văn hóa về cốt lõi là đưa văn hóa về với đại chúng. Đứng về phía đại chúng không bao giờ sai nhưng trong cách thức tổ chức thực hiện phương châm này cũng đang tồn tại những sai lầm và bất cập.

“Có những lúc, để giải quyết những nhu cầu cần kíp của đại chúng, chúng ta đã có những ngộ nhận về nội dung luận điểm “phải được quần chúng hiểu và yêu thích”. Khi đưa văn nghệ về với đại chúng, chúng ta đã làm được một công việc trước đó nhiều thế kỷ chưa làm được là đưa những giá trị văn hóa về với đại chúng, gắn đại chúng với văn hóa, làm cho đại chúng được quyền hưởng thụ văn hóa cần thiết. Nhưng mặt khác, khi giải quyết vấn đề này, có nơi, có lúc chúng ta nghiệp dư hóa tính chuyên nghiệp của những loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp vốn đòi hỏi rất cao nghiêm ngặt về nghề”.

“Chúng ta đã có lúc vận dụng sai tư tưởng đại chúng hóa khi cố gắng “tinh hoa hóa” đại chúng hoặc kéo tinh hoa xuống tầm đại chúng để phổ cập giới tinh hoa trong đời sống. Đây là điều không tưởng. Việc chạy theo thị hiếu của đại chúng trong vài thập niên gần đây trong đời sống văn hóa là một bất cập cần khắc phục. Ngay cả trong đời sống văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng, trong vài thập niên gần đây, chúng ta không có đỉnh cao, một phần có nguyên nhân trong nhận thức chưa đúng về mối quan hệ này”, PGS.TS Phạm Quang Long nhận định.

Minh Hà
.
.