Sự kiện văn hóa nghệ thuật tiêu biểu năm 2023

Chủ Nhật, 31/12/2023, 09:41

Năm 2023 là một năm có nhiều thành tựu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, với những dấu mốc lịch sử. Cùng phóng viên Chuyên đề ANTG của Báo CAND điểm lại những sự kiện tiêu biểu chúng ta đã đạt được.

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam

k%3f ni%3fm 80 nam ra d%3fi c%3fa ð%3f cuong v%3f van hóa vi%3ft nam.jpg -1
Kỷ niệm 80 năm ra đời của Đề cương về Văn hóa Việt Nam.

Đây là năm kỷ niệm 80 năm ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943). Với kim chỉ nam “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” nhiều sự kiện đã được tổ chức nhằm nhìn lại và tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của bản đề cương. Điểm nhấn là Hội thảo Khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển".

Cùng với đó, Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với thời lượng trên 40 phút, chuyển tải thông điệp ý nghĩa, tập trung làm rõ bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam cùng quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi của bản Đề cương trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Ngoài ra, trong chuỗi sự kiện này còn có triển lãm ảnh và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử để lại”.

Việt Nam trúng cử vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027

Ngày 22/11, cuộc tranh cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 diễn ra trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản thế giới), diễn ra tại tại thủ đô Paris, Pháp. Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp cho biết, đây lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận vai trò tại cơ quan điều hành then chốt nhất về văn hóa của Tổ chức UNESCO.

Việc trúng cử với số phiếu cao cũng thể hiện uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu. Đồng thời, ghi nhận đóng góp thiết thực của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam và trên thế giới.

“Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, quá trình vận động bài bản, đồng bộ, rộng khắp với các đối tác quốc tế ở Hà Nội, Paris (Pháp), và thủ đô các nước thông qua các cơ quan đại diện”, ông Hà Kim Ngọc bày tỏ. PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đại diện nhóm chuyên gia trúng cử của Việt Nam tại kỳ họp, khẳng định Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quan trọng trong thời gian tới. Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Việt Nam đã luôn thực hiện nhiều nỗ lực nhằm lồng ghép nội dung và tinh thần của Công ước vào các luật, chương trình, dự án liên quan đến di sản văn hóa, thiên nhiên và các vấn đề kinh tế - xã hội từ khi tham gia Công ước Di sản thế giới từ năm 1987.

Trở thành thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 góp phần giới thiệu hình ảnh Việt Nam năng động trong đổi mới, hội nhập quốc tế, song vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.

100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao (1923 - 2023), hàng loạt sự kiện văn hóa - nghệ thuật đặc sắc đã diễn ra trên khắp cả nước. Mở đầu là chương trình nghệ thuật "Đàn chim Việt" diễn ra ấn tượng tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Chương trình khắc họa  đậm nét chân dung người nghệ sĩ tài hoa ở 3 lĩnh vực: Âm nhạc, Hội họa và thi ca.

Những tác phẩm nổi tiếng của ông đã vang lên, như “Thiên thai”, “Buồn tàn thu”, “Trương Chi”, “Làng tôi”, “Tiến về Hà Nội”... một lần nữa khẳng định tầm vóc và sức ảnh hưởng của một ông đối với nền âm nhạc Việt Nam. Điểm đặc biệt là màn tái hiện không khí “Tiến quân ca” tại Quảng trường 19/8 (trước Nhà hát Lớn Hà Nội) giúp công chúng được sống lại không khí ngày 18/8/1945, lúc bài hát “Tiến quân ca” lần đầu tiên vang lên trước biển người rộng lớn trước Nhà hát Lớn Hà Nội và được biết đến là “Quốc ca” của nước Việt Nam.

nhi%3fu chuong trình k%3f ni%3fm 100 nam ngày sinh c%3fa nh%3fc si tài hoa van cao.jpg -2
Nhiều chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ tài hoa Văn Cao.

Cũng trong chuỗi kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Văn Cao, một hội thảo “Thế giới Nhạc, Thơ, Họa của Văn Cao” do Báo Nhân Dân phối hợp với Hội đồng Lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức. Hội thảo một lần nữa khẳng định những đóng góp của nhạc sĩ thiên tài ở nhiều lĩnh vực. Những ký ức, câu chuyện, cảm xúc… của gia đình, người thân, bạn bè văn nghệ sĩ đã chia sẻ. Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam cũng tổ chức hội thảo nhằm làm tính thời đại và sự bền vững của tác phẩm Văn Cao. Ngoài ra, còn nhiều đêm nhạc đã được tổ chức để tưởng nhớ nhạc sĩ thiên tài Văn Cao và những đóng góp của ông cho nền văn nghệ nước nhà.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới

v%3fnh h%3f long- qu%3fn  d%3fo cát bà du%3fc unesco công nh%3fn di s%3fn th%3f gi%3fi.jpg -3
Vịnh Hạ Long - quần  đảo Cát Bà được Unesco công nhận di sản thế giới.

Vào hồi 17 giờ 39 phút ngày 16/9/2023 (giờ địa phương) tại Thủ đô Riyadh nước Cộng hòa Saudi Arabia, Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã gõ búa thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới. Đây là Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam, là bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới ở Việt Nam trong những năm tới. Trước đó, Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và năm 2000 theo tiêu chí (vii) và tiêu chí (viii).

Sự kiện này là bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới nói riêng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nói chung ở Việt Nam trong những năm tới. Đồng thời, sự kiện này cũng góp phần tạo nên giá trị điểm đến du lịch độc đáo liên tỉnh. Trong thời gian tới, hai địa phương sẽ bảo tồn và phát huy giá trị di sản đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến, để kích cầu du lịch, thu hút mạnh mẽ đầu tư, phát triển các giá trị di sản. Từ đó, đưa vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ấn vàng Hoàng đế Chi bảo hồi hương

%3fn vàng hoàng d%3f chi b%3fo h%3fi huong.jpg -0
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo hồi hương.

Ngày 16/11/2023, lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” - một báu vật hoàng cung của Triều Nguyễn ở Việt Nam - đã được tổ chức ở Đại sứ quán Việt Nam tại Paris để hồi hương, kết thúc hành trình hơn một năm thương thảo giữa các đối tác Việt Nam và Pháp. Ấn vàng Hoàng đế chi bảo là một tài sản quốc gia mang ý nghĩa lịch sử và chính trị đặc biệt, phản ánh nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng khác nhau của Việt Nam.

Sự kiện là kết quả của một năm đàm phán, thực hiện các thủ tục pháp lý để ấn vàng có thể trở về Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Hồng đã chi 6,1 triệu euro mua ấn, dưới sự bảo trợ của chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam. Để mua được ấn vàng này, nhà sưu tập cam kết với Cục Di sản văn hóa sẽ chỉ chuyển giao bảo vật cho cơ quan nhà nước khi không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày tại bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng.

Hành trình sau 72 năm lưu lạc, ấn vàng được hồi hương là một sự kiện có ý nghĩa đối với công tác bảo vệ cổ vật của Việt Nam, trước vấn đề “chảy máu” cổ vật - di sản đang được đặt ra.

Hoạt động văn hóa có nhiều thành tựu nổi bật

Trong dịp kỷ niệm Ngày Các thành phố thế giới (31/10/2023), Tổng giám đốc UNESCO đã ký quyết định công nhận Đà Lạt và Hội An cùng 53 thành phố khác trên toàn thế giới chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Như vậy, sau khi Hà Nội trở thành thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, hiện Việt Nam cùng lúc có thêm một Thành phố sáng tạo âm nhạc (Đà Lạt) và một Thành phố sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian (Hội An).

Theo đại sứ Lê Thị Hồng Vân, việc hai thành phố này tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo cũng là một đóng góp nữa của Việt Nam cho hợp tác UNESCO trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo, nhất là trong bối cảnh Việt nam đang là Phó chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Đây cũng là cơ hội để các địa phương học hỏi kinh nghiệm, phát triển và kết nối với các hoạt động trong khu vực và thế giới, để quảng bá sâu rộng hơn hình ảnh Việt Nam ra bạn bè quốc tế, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.

Ngoài ra, năm 2023 ghi nhận nhiều điểm sáng trong phát triển công nghiệp văn hóa. Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới như BlackPink, Kenny G... Các lễ hội âm nhạc đã được tổ chức trở lại như Gió mùa, Hay Fest, giới thiệu với công chúng nhiều nghệ sĩ mới trong và ngoài nước. Trong lĩnh vực điện ảnh, hai bộ phim của các đạo diễn Việt đã được vinh danh tại Liên hoan phim Cannes, “La Passion de Dodin Bouffant” của đạo diễn Trần Anh Hùng và “Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân. Thêm một Liên hoan phim Quốc tế Đà Nẵng được tổ chức tại thành phố biển, tạo cơ hội kết nối cho các nhà làm phim trong nước và thế giới.

 Những địa chỉ như Hỏa Lò, tháp nước Hàng Đậu, Văn Miếu, các làng nghề truyền thống như làng dệt Nha Xá, lụa Hà Đông... đang dần đổi mới cách làm để thu hút khách du lịch với mục tiêu biến lĩnh vực văn hóa thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa.

Nhóm PV (Tổng hợp)
.
.