Tác động của biện pháp trừng phạt Nga đối với đồng USD: Gậy ông có đập lưng ông?

Thứ Hai, 30/05/2022, 10:27

Giờ đây, khi cuộc chiến Nga - Ukraine ít nhiều có những sắc thái nhìn nhận khác nhau, người ta lại bắt đầu nói nhiều đến hậu quả của nó, hậu quả của những động thái trước đây vốn được cho là tích cực để thể hiện thái độ ngăn chặn cuộc chiến: Trừng phạt.

Không chỉ các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được cho là bất hợp pháp theo Hiến chương Liên hợp quốc, mà theo một bài viết của Giáo sư Radhika Desai, Trường đại học Tổng hợp Manitoba, Winnipeg, Canada, thì việc phương Tây đóng băng dự trữ Ngân hàng Trung ương Nga đã "thay vì ngăn chặn thảm họa lại mang thảm họa đến gần hơn".

Đòn đánh chí mạng?

Theo phân tích này, cuộc chiến của Mỹ trong giai đoạn hiện tại là sự kết hợp của chiến tranh quân sự và các biện pháp hỗn hợp, nhằm ngăn chặn và đảo ngược Mỹ trượt dốc trong vai trò thống trị thế giới. Mỹ luôn nhắm mục tiêu vào các quốc gia khẳng định quyền quản lý kinh tế với các mối quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế theo kiểu riêng của họ, chứ không nhắm vào những quốc gia ủng hộ hoặc do Mỹ chi phối. Trong hơn một thập kỷ qua, việc củng cố vai trò thống trị này ngày càng được tiến hành thông qua các biện pháp trừng phạt, đặc biệt sau khi quân đội Mỹ thất bại ở Afghanistan, người ta thấy dường như đối với nước Mỹ, trừng phạt đã trở thành biện pháp duy nhất.

Tác động của biện pháp trừng phạt Nga đối với đồng USD: Gậy ông có đập lưng ông? -0
Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ.

Lần này, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU là nhằm "hạ bệ chế độ Putin", theo lời của Thủ tướng Anh Boris Johnson hoặc tiến hành một "cuộc chiến kinh tế và tài chính toàn diện" để khiến "nền kinh tế Nga sụp đổ", theo lời của Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, hay để "hạ gục" Tổng thống Putin theo lời của Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham.

Rõ ràng, việc đóng băng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga đã có hiệu quả nhất định. Nó đã khiến đồng ruble lao dốc và buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng lãi suất lên 20%, thậm chí còn góp phần trực tiếp vào việc khiến một loạt tập đoàn tháo chạy khỏi Nga. Họ trích dẫn những lo ngại về đạo đức. Tuy nhiên, họ đang thực sự chạy trốn khỏi một "môi trường thù địch về pháp lý và tài chính" vốn chứa đứng nhiều lo ngại. Với những diễn biến này, hiển nhiên các biện pháp trừng phạt đang trên đường đạt được mục tiêu.

Sebastian Mallaby, chuyên gia của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ cho rằng "phương Tây đã phát minh ra một vũ khí mới": đóng băng nguồn dự trữ của một quốc gia, từ đó có thể "khiến một nền kinh tế vững chắc về tài chính trở nên tê liệt". Tuy nhiên, đó là một dấu hiệu cho thấy tại Washington đã xuất hiện những ảo tưởng và thực tế mọi lập luận trong bài báo của Mallaby đều đáng nghi ngờ.

Đúng như vậy! Gần 60% trong số dự trữ trị giá 630 tỷ USD mà Nga công bố, được dự trữ cho những thời điểm khó khăn khi nước này có thể không tiếp cận được tín dụng phương Tây hoặc để can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu đồng ruble bị áp lực quá mức, đang nằm ngoài khả năng tiếp cận của Nga. Mặc dù không hoàn toàn nhưng thực tế có vẻ như vậy. Tuy nhiên, như Mallaby tuyên bố, dường như điều này sẽ khiến Tổng thống Putin mất đi danh tiếng là một nhà quản lý kinh tế giỏi, trong bối cảnh chính phủ đang thực hiện những phản ứng mạnh mẽ.

Mallaby còn lập luận rằng việc tịch thu tài sản Nga cho thấy Mỹ không còn phải sợ các chủ nợ của mình như trước, chẳng hạn như khi lo lắng Nhật Bản hoặc Trung Quốc sẽ bán phá giá đồng USD(!) Tuy nhiên, những con nợ quyền lực chưa bao giờ sợ các chủ nợ. Vua Philip IV của Pháp đã tiêu diệt các chủ nợ của mình, còn Hiệp sĩ Templar và vua Edward III của Anh đã làm các ngân hàng Italy - chủ nợ của họ - phá sản. Và trong mọi trường hợp, Mỹ từ lâu đã tuyên bố rằng họ là ngân hàng của thế giới và các khoản nợ của Mỹ là tiền của chủ nợ tại ngân hàng. Lập luận cốt lõi của Mallaby là bằng cách từ chối cho các chủ nợ tiếp cận tài sản của họ, Mỹ đã phá hủy lợi thế của chủ nợ. Có ích gì khi có tài sản nhưng lại không thể sử dụng ngay khi bạn cần nhất?

Hở sườn

Tuy nhiên, bằng cách thực hiện biện pháp phong tỏa tài sản cũng như những hành động khác, Mỹ đã cho thế giới thấy ngân hàng trung ương và hệ thống pháp luật của mình không còn độc lập và hệ thống tài chính của họ là không đáng tin cậy.

Tác động của biện pháp trừng phạt Nga đối với đồng USD: Gậy ông có đập lưng ông? -1
Trụ sở chính Ngân hàng Trung ương Nga ở Moscow.

Không chỉ các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU là bất hợp pháp theo Hiến chương Liên hợp quốc, việc Mỹ đóng băng các nguồn dự trữ của Nga đơn giản được coi là hành vi không rành mạch. Nó không đánh vào sự độc lập của các thể chế hay hệ thống luật pháp, mà là hành vi chính trị hóa quá mức của họ, cũng không phải hình sự hóa, vì lợi ích của Mỹ, đồng thời cũng làm suy yếu hơn nữa "sự ủy thác của toàn cầu" dành cho ngân hàng Mỹ với tư cách là hệ thống tài chính quốc tế tính bằng USD. Tệ hơn nữa, đây không phải là điều chưa từng xảy ra. Ví dụ, Mỹ đã từng làm điều này với Venezuela hoặc Iran. Thực hiện biện pháp này với Nga, một thành viên thường trực được trang bị vũ khí hạt nhân lớn hơn nhiều của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chỉ đơn giản là thể hiện rõ hơn khía cạnh này trong hành vi của Mỹ, khiến cho nhiều chính phủ và tổ chức phải đề phòng.

Thật vậy! Cùng với các biện pháp trừng phạt theo hình thức tịch thu khác được áp dụng đối với Nga và người Nga, như Patrik Armstrong của Russia Observer đã chỉ ra, chẳng khác nào họ (người Mỹ) nói với thế giới rằng: "Hãy để tiền của bạn vào ngân hàng của chúng tôi, chúng tôi có thể tịch thu nó; đưa tài sản của bạn vào lãnh thổ của tôi, chúng tôi có thể đánh cướp chúng; sử dụng tiền của chúng tôi và chúng tôi có thể hủy bỏ nó; đặt vàng của bạn vào kho tiền của chúng tôi, chúng tôi có thể lấy nó!".

Thực tế là các biện pháp trừng phạt chống lại Nga là một phần trong khuôn mẫu hành vi lâu đời của Mỹ, vốn đã có từ thời hậu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do có sự tương trợ hiệu quả của các nước trong khối nên các biện pháp này không mấy hiệu quả. Sau Chiến tranh Lạnh, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt hợp pháp do Hội đồng Bảo an hậu thuẫn đã thành một biện pháp khả thi, nhưng sau những tác động khủng khiếp của chúng đối với người dân Iraq trong những năm 1990 - cắt giảm thu nhập quốc dân của Iraq xuống 1/6 và dẫn đến hơn nửa triệu trẻ em tử vong do suy dinh dưỡng" - được biết đến rộng rãi, việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kiểu này trở nên bất hợp pháp.

Sau đó, việc tìm kiếm "các biện pháp trừng phạt thông minh", tức là các biện pháp được cho là được thiết kế để không ảnh hưởng đến những người dân thường, mà chỉ đến giới tinh hoa và sự giàu có của họ - đã dựa vào đồng USD và hệ thống tài chính. Khi quốc gia kiểm soát hầu hết các cấu trúc chính của chế độ tín dụng USD với chức năng như hệ thống tiền tệ của thế giới, Mỹ có thể đơn giản gây khó khăn cho các chính phủ, ngân hàng trung ương, các tổ chức tài chính hoặc cá nhân trong việc thực hiện các giao dịch bằng USD, loại bỏ chúng một cách hiệu quả.

Tác động của biện pháp trừng phạt Nga đối với đồng USD: Gậy ông có đập lưng ông? -1
Các đòn trừng phạt đã khiến đồng ruble lao dốc và buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng lãi suất lên 20%.

Loại "vũ khí" này lần đầu tiên được Chính quyền Tổng thống Bush thử nghiệm trong việc chặn các nguồn tài trợ cho khủng bố và người ta quan sát thấy rằng hiệu quả của nó không chỉ nằm ở sự tuân thủ, mà còn ở sự tuân thủ quá mức: các chính phủ và tổ chức tài chính cố gắng nhún nhường để tránh xa ngay cả những dính líu nhỏ của các giao dịch với các chủ thể bị trừng phạt.

Do đó, trong thế kỷ 21, đã xuất hiện con đường cho việc sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính và trong bối cảnh sức mạnh quân sự và ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ đang suy giảm một cách rõ ràng, chính quyền Mỹ bắt đầu sử dụng các biện pháp trừng phạt ngày càng nhiều trong các cuộc chiến tranh, chúng trở thành điều cần thiết để ngăn chặn sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ. Thật không may là Mỹ thậm chí đã không thể ngăn cản, chưa nói đến đảo ngược xu thế này. Các tài liệu đã chứng minh rằng những biện pháp trừng phạt này không hiệu quả. Một thực tế khác ít được thảo luận hơn là chúng đang phản tác dụng, thậm chí phá hoại vì khi Mỹ vũ khí hóa hệ thống USD, hành động này cũng đồng thời làm suy yếu cả quyền lực Mỹ.

Dấu hiệu của suy yếu quyền lực Mỹ?

Không thể cung cấp tín dụng, như Đế quốc Anh đã làm trong những ngày mà đồng bảng Anh là đồng tiền chính, Mỹ luôn cung cấp cho thế giới bằng USD dưới dạng nợ, về cơ bản là vay tiền từ phần còn lại của thế giới bằng USD. Phương pháp này luôn nằm trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan - Mỹ cung cấp càng nhiều USD, tức là Mỹ càng vay nhiều tiền, thì áp lực mất giá đối với đồng USD càng lớn.

Tác động của biện pháp trừng phạt Nga đối với đồng USD: Gậy ông có đập lưng ông? -1
Cục dự trữ Liên bang Mỹ được cho là đang loay hoay với chủ trương vũ khí hóa đồng USD.

Sau vụ bong bóng vỡ năm 2008, cho đến nay là vụ bong bóng vỡ quy mô lớn nhất, dòng tài chính chảy vào hệ thống đồng USD đã giảm, đặc biệt là từ châu Âu và bị thay thế bằng chương trình nới lỏng định lượng QE (kế hoạch bơm tiền vào hệ thống tài chính để mua các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp và tài sản, sau khi cắt giảm lãi suất chuẩn xuống 0% của Ngân hàng Dự trữ liên bang để hỗ trợ thị trường tài sản).

Điều này đã làm tăng bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) từ dưới 1 nghìn tỷ USD lên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2009, tăng dần lên 4 nghìn tỷ USD, khi đại dịch làm gián đoạn quá trình kéo dài chậm chạp của nó lên hơn 9 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Quy mô hỗ trợ này được coi là khoảng cách giữa quy mô của các dòng chảy cần thiết để hỗ trợ các thị trường tài sản tăng cao, vốn tạo nên sức hút chính của USD với các dòng chảy thực tế. Mặc dù thảo luận về việc ngừng chương trình này là cần thiết để giữ sự tin cậy dành cho hệ thống, nhưng nó chỉ hoạt động như một hình thức lừa đảo. Đơn giản là thị trường không đủ lớn để mua tất cả những tài sản này nếu FED thực sự cố gắng bán chúng.

Ngay cả khi hệ thống USD đang mất dần sức hấp dẫn theo kiểu này, nền tảng của nó càng bị phá hoại khi chế độ pháp lý và hệ thống thanh toán của nó bắt đầu nghiêng hẳn về phía các tập đoàn Mỹ. Một ví dụ nổi bật là trường hợp phán quyết của tòa án New York có lợi cho các "quỹ kền kền" (tổ chức tài chính chuyên mua các chứng khoán trong tình trạng cùng quẫn, như các trái phiếu có lãi suất cao sắp bị vỡ nợ, hoặc các cổ phần của các công ty hoặc

chính phủ sắp bị phá sản) đòi chia toàn bộ giá trị khoản nợ của Argentina, mặc dù các quy tắc đã thiết lập của trò chơi chỉ cho họ hưởng một phần nhỏ khoản nợ mà họ đã mua với giá rẻ. Giờ đây, Chính phủ Mỹ đã thêm vào việc vũ khí hóa hệ thống thông qua các biện pháp trừng phạt.

Việc vũ khí hóa như vậy không chỉ làm suy yếu niềm tin vào hệ thống trực tiếp với các quốc gia mục tiêu, các quốc gia tương tự mà còn gián tiếp với các quốc gia thứ ba, bao gồm cả các đồng minh phương Tây của Mỹ, như trong trường hợp các lệnh trừng phạt chống lại Iran, và bây giờ là Nga. Trên thực tế, những gì mà các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ đang gây ra chỉ đang đẩy nhanh sự suy giảm quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.