Tác phẩm và nguyên mẫu ngoài đời: Giới hạn nào cho sáng tạo?

Thứ Hai, 04/07/2022, 20:56

Hai tuần sau khi ra mắt khán giả cũng là quãng thời gian bộ phim “Em và Trịnh” nhận được không ít quan điểm trái chiều của dư luận xung quanh một số chi tiết hư cấu trong phim. Từ sự việc này, một lần nữa đặt ra câu hỏi, với những bộ phim được xây dựng từ nguyên mẫu có thật ngoài đời thì sự sáng tạo thế nào là phù hợp?

Những tranh cãi gay gắt quanh bộ phim chân dung, tiểu sử cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tràn ngập khắp các diễn đàn của mạng xã hội còn được bắt nguồn từ sự lên tiếng của nhân vật được lấy làm nguyên mẫu trên phim. Cụ thể, ca sĩ Khánh Ly đã cho rằng, một số chi tiết liên quan tới bà trong bộ phim là không có thật. Đơn cử như chi tiết xúc sữa chua cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ăn trong lần gặp đầu tiên, chi tiết Khánh Ly ôm Trịnh Công Sơn khi ở Blao…

Khánh Ly khẳng định giữa bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không có tình cảm yêu đương. Bà cũng cho biết mình không bao giờ dùng những từ ngữ suồng sã với ông như một câu thoại trong phim “Anh thó của ông Văn Cao à?”. Bà cho rằng, những chi tiết mà các nhà làm phim sáng tạo ra làm sai lệch mối quan hệ thực sự giữa 2 người cũng như ảnh hưởng đến nhân phẩm của bà.

Tác phẩm và nguyên mẫu ngoài đời: Giới hạn nào cho sáng tạo? -0
Ca sĩ Bùi Lan Hương nhận được nhiều lời khen của khán giả khi vào vai ca sĩ Khánh Ly.

Không chỉ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy cũng lên tiếng khẳng định hình ảnh bà trên phim không đúng với thực tế từ trang phục đến phong cách sống. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng chưa khi nào đưa bà về đầu ngõ như cách kể về nguồn gốc ra đời ca khúc “Ướt mi” … 

Sau những tranh luận ồn ào, gần đây nhất, đại diện nhà sản xuất phim là ông Lương Công Hiếu đã lên tiếng thanh minh: “Em và Trịnh” là bộ phim lãng mạn, không phải là phim tài liệu hay phim tiểu sử. Ngay từ đầu chúng tôi đã khẳng định và còn ghi rõ trong phim “Lấy cảm hứng từ nhân vật có thật” và “kể câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh”. Đồng thời ông Hiếu cũng lấy làm tiếc và thành thật xin lỗi nếu sự sáng tạo của bộ phim có làm phiền lòng đến nhân vật có thật hay người thân. Ông thay mặt đoàn làm phim xin ghi nhận, tiếp thu những đính chính khác biệt trên phim và ngoài đời.

Một điều đáng nói là “Em và Trịnh” lại nhận được sự ủng hộ của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà đại diện phát ngôn là ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh. Tại những sự kiện quảng bá cho phim trước khi công chiếu, bà nhiều lần khẳng định đã đọc kịch bản và ủng hộ cách xây dựng chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Sau này, khi những tranh cãi nổ ra, bà cũng nói “Đây là phim điện ảnh, hư cấu chứ không phải phim tài liệu nên tôi nghĩ việc phản ánh chân thực nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải được hiểu ở khía cạnh tinh thần, cảm xúc chứ không ở các tiểu tiết”.

Tác phẩm và nguyên mẫu ngoài đời: Giới hạn nào cho sáng tạo? -0
 Diên viên Việt Trinh vào vai Bạch Cúc - nguyên mẫu từ Lâm Thị Phấn trong phim “Người đẹp Tây Đô”.

Những tranh luận giữa đời thực và hư cấu ở bộ phim “Em và Trịnh” có thể sẽ dừng lại ở đây bởi điều cần nói thì những người trong cuộc đã lên tiếng. Sự việc có đẩy lên thành “cuộc chiến pháp lý” hay không tùy thuộc vào ứng xử giữa các bên. Khách quan mà nói, những bức xúc của ca sĩ Khánh Ly là điều có thể hiểu được khi bà là nhân vật xuất hiện trên phim. Bà hoàn toàn có quyền đưa ý kiến theo góc nhìn của bà. Tuy nhiên, sự việc một lần nữa đưa ra vấn đề với những bộ phim có nhân vật là nguyên mẫu ngoài đời thì giới hạn sáng tạo của người nghệ sĩ đến đâu? Làm thế nào để không tạo thành những tranh cãi, bức xúc không đáng có?

Một chuyên gia nghiên cứu về Luật Điện ảnh cho rằng, trên thế giới việc sản xuất phim về những nhân vật có thật (còn sống hoặc qua đời) đều được pháp luật thừa nhận và các nhà sản xuất phim cũng khai thác. Điều quan trọng khi làm phim về những nhân vật này, nhà sản xuất, đạo diễn phải đảm bảo không bôi nhọ hay xâm phạm đến bí mật riêng tư của các nhân vật. Những câu chuyện đã được công khai thì việc khai thác không vi phạm quy định về bảo vệ bí mật riêng tư. Có những giới hạn bởi quyền nhân thân của nhân vật hoặc của những người mà tác phẩm có đề cập tới. Người tạo ra tác phẩm điện ảnh có thể sáng tạo, chỉnh sửa thêm thắt các tình tiết để cho tác phẩm được hay hơn và hấp dẫn hơn. Nhưng bắt buộc, việc sáng tạo này phải đảm bảo không xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhân vật có thật mà tác phẩm đề cập tới.

Không phải đây là lần đầu tiên một bộ phim về nhân vật có thật nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận, đặc biệt của chính người trong cuộc. Năm 2010, bộ phim “The Social Network” (Mạng xã hội) nói về sự hình thành của mạng xã hội Facebook ra mắt khán giả. Tên thật cũng như nhiều chi tiết tiểu sử của Mark Zuckerbeg đã được nhà sản xuất đưa vào phim. Trái với sự mong đợi của ê kíp sản xuất phim, Mark Zuckerbeg đã lên tiếng cho rằng phim bịa ra nhiều chi tiết không đúng. Tuy nhiên, phim vẫn rất thành công về doanh thu và nhận được đến 3 giải Oscar, trong đó có giải “Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất”.

Tác phẩm và nguyên mẫu ngoài đời: Giới hạn nào cho sáng tạo? -0
Nhân vật MarkZuckerberg trong phim The “Social Network”.

Hay “The Kings Spees” là bộ phim về tiểu sử vua George VI. Là một người có tật nói lắp, ông đã phải tìm kiếm sự giúp đỡ của một nhà tâm lý học để có thể dẫn dắt nước Anh đi qua Thế chiến thứ 2…

Ở Việt Nam, những người yêu nghệ thuật thứ 7 không thể không nhắc tới những bộ phim về các nhân vật có thật như “Ngọn nến hoàng cung” về vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, phim “Người đẹp Tây Đô”, những bộ phim điện ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp …

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát là người có những trải nghiệm sâu sắc khi viết kịch bản bộ phim “Nhìn ra biển cả” về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn Người dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết. Bà cho biết, trước khi chắp bút viết kịch bản, bà phải đọc rất nhiều tư liệu về Bác ở giai đoạn này. Ngoài việc phải giữ nguyên những mốc lịch sử thì bà nghiên cứu để sáng tạo thêm một số chi tiết, thêm tuyến nhân vật nhưng không nằm ngoài việc khắc họa tính cách, chân dung của một vị lãnh tụ tương lai.

Trước những ý kiến trái chiều về bộ phim “Em và Trịnh”, bà chia sẻ: “Tôi cho rằng, một bộ phim khi ra rạp có ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Sau khi xem “Em và Trịnh” thì tôi thấy đây đích thị là phim về chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rồi. Nhưng đây là Trịnh Công Sơn qua góc khai thác của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Còn có thể nếu tôi làm, tôi sẽ làm đậm hơn hình ảnh ca sĩ Khánh Ly, khai thác sâu hơn mối tri kỷ giữa hai người. Trên nền tư liệu ấy, mỗi đạo diễn có quyền hư cấu theo cách của mình một cách cẩn trọng. Tuy nhiên, từng làm công tác quản lý rồi trực tiếp làm phim nên tôi rất chia sẻ áp lực của đạo diễn nhất là khi đối mặt với bài toán lỗ - lãi”.

Tác phẩm và nguyên mẫu ngoài đời: Giới hạn nào cho sáng tạo? -0
Một cảnh trong phim “Kings-speech”.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, người đang thực hiện bộ phim “Viên đạn cuối cùng” có nguyên mẫu ngoài đời là xạ thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh thì cho biết: “Khi làm phim về nhân vật có thật đạo diễn gặp nhiều áp lực từ nhân vật, gia đình nhân vật, áp lực dư luận. Với tôi, khi đã làm phim về một nhân vật có thật thì sự tôn trọng họ và gia đình của họ phải được đặt lên hàng đầu. Bộ phim làm ra có thể có nhiều chi tiết hư cấu nhưng nó chắc chắn không được làm tổn thương hay tổn hại đến nhân vật và gia đình họ. Tôn chỉ này sẽ giúp nhà làm phim vượt qua được mọi áp lực.

Thuận lợi khi làm phim về nhân vật có thật là có tư liệu nhưng việc chọn lọc tư liệu cũng khá đau đầu. Có những tư liệu thú vị nhưng gây phản ứng trái chiều hoặc đôi khi ảnh hưởng đến hình tượng nhân vật được kể. Để dung hòa được yếu tố hư cấu và chi tiết thật là một quá trình rất dài. Về cơ bản, nó cũng không khác biệt so với việc xây dựng 1 kịch bản phim về những nhân vật được hư cấu hoàn toàn vì xét cho cùng khi chúng ta có 1 cơ sở vững chắc về nhân vật mình muốn kể, những gì ta hư cấu sẽ không đi chệch khỏi bản sắc của nhân vật đó. Và như vậy, một cách tự nhiên, yếu tố hư cấu và các chi tiết thật sẽ dung hòa với nhau dễ dàng”.

Có thể nói, phim được xây dựng từ nguyên mẫu ngoài đời là dòng phim khá phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Thậm chí gần đây, thể loại phim này thu hút được đông đảo khán giả tới rạp. Vì nhân vật trong phim là có thật ngoài đời nên khán giả sẽ rất tò mò muốn biết nhân vật ấy lên phim như thế nào. Nhưng ngược lại, tính cách, cuộc sống, những chi tiết, câu chuyện xung quanh nhân vật ấy cũng sẽ bị khán giả mang ra đối chiếu, so sánh xem giống và khác như thế nào.

Thực tế cho thấy, phim là một tác phẩm nghệ thuật, vì vậy nó không có nghĩa vụ phải theo sát sự thật một cách tuyệt đối. Người nghệ sĩ hoàn toàn có quyền sáng tạo để thể hiện câu chuyện và thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải. Đạo diễn có thể phản ánh toàn bộ cuộc đời hoặc cũng có thể khai thác một khía cạnh, một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của nhân vật. Một nhân vật có thể được nhiều đạo diễn làm phim theo những góc nhìn khác nhau, thậm chí đối lập. Ở những bộ phim có nguyên mẫu ngoài đời, phải dung hòa được hai yếu tố sự thật và hư cấu. Nhưng cũng không thể hư cấu quá xa sự thật để người xem không còn nhận ra nhân vật đó nữa.

Đặc biệt, không nhân danh quyền sáng tạo để người xem hiểu không đúng về nguyên mẫu, đặc biệt trong câu chuyện liên quan tới nhân phẩm, đạo đức. Khó có thể cân đo đong đếm hay chỉ rõ liều lượng giữa sự thật và hư cấu bao nhiêu là đủ. Điều đó phụ thuộc vào khả năng thấu hiểu nhân vật, tài năng và sự tinh tế của đạo diễn. Họ có thể lược bớt hay thêm thắt câu chuyện nhưng khán giả vẫn phải nhận ra đúng nhân vật đó.

Tuấn Phong
.
.