Tài sản của các tỉ phú đã tăng hơn gấp đôi sau 10 năm

Thứ Hai, 16/12/2024, 10:45

Ngân hàng Thụy Sĩ UBS công bố chỉ trong vỏn vẹn 10 năm, tổng tài sản của các tỉ phú thế giới đã tăng vọt 121% lên 14.000 tỉ USD, có thể sánh ngang với GDP của 2 cường quốc là Mỹ và Trung Quốc, trong đó các tỉ phú công nghệ có sức bứt phá khủng khiếp nhất.

Tỉ phú toàn cầu đang giàu hơn bao giờ hết

Ngày 5/12, trong báo cáo thường niên Billionaire Ambitions do Ngân hàng Thụy Sĩ UBS thực hiện, không ít người đã phải choáng ngợp khi nhận thấy tổng tài sản của các tỉ phú trên thế giới đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm qua.

ảnh 2.jpg -0
Theo Forbes, ông Elon Musk đang là người giàu nhất thế giới với tổng tài sản lên đến 343 tỉ USD.

Theo dữ liệu từ báo cáo của UBS, từ năm 2015 - 2024, mức tăng trưởng của các tỉ phú đã tăng 121%, từ 6,3 nghìn tỉ USD lên 14 nghìn tỉ  USD. Trong khi đó, theo ghi nhận chỉ số MSCI AC World trong thời gian này, hiệu suất của thị trường chứng khoán chỉ tăng trưởng 73%. Có thể thấy, các tỉ phú đã thu lợi hiệu quả vượt trội hơn hẳn thị trường chứng khoán toàn cầu hoạt động trong suốt thập kỷ qua.

Thậm chí, nếu so sánh tổng tài sản của các tỉ phú với GDP trên toàn thế giới, người ta cũng kinh ngạc khi nhận thấy con số này chỉ thua GDP năm 2023 của Mỹ (27.360 tỉ USD) và Trung Quốc (17.794 tỉ USD) và nhiều hơn gấp 3 lần của Đức (4.456 tỉ USD), theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Trong thời gian từ 2015 - 2024, UBS cũng ghi nhận số lượng tỉ phú tăng ở mức đáng kinh ngạc. Số lượng tỉ phú đã tăng từ 1.757 người lên đến 2.682 người, trong đó năm 2021 ghi nhận số lượng tỉ phú đông nhất là 2.686 người. Theo danh sách tỉ phú tính theo thời gian thực của Forbes, ông Elon Musk đang là người giàu nhất thế giới với 343 tỉ USD.

Sức bứt phá mãnh liệt của các tỉ phú công nghệ

Theo UBS, tài sản của các tỉ phú công nghệ đã chứng kiến mức tăng đột phá nhất khi tăng trưởng lên gấp ba lần, từ 788,9 tỉ USD vào năm 2015 lên hơn 2.400 tỉ USD vào năm 2024.

"Những năm trước đây các tỉ phú mới tập trung vào việc thương mại hóa thương mại điện tử, mạng xã hội và thanh toán kỹ thuật số. Gần đây họ đã thúc đẩy sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tạo, đồng thời phát triển các lĩnh vực như an ninh mạng, công nghệ tài chính (fintech), in 3D và robot", UBS cho biết. Bám sát ngay sau là các tỉ phú trong lĩnh vực công nghiệp với tài sản tăng nhiều thứ hai, từ 480,4 tỉ USD lên 1,3 nghìn tỉ USD.

Bên cạnh đó, các tỉ phú bất động sản đã tụt lại so với các ngành khác kể từ năm 2017. Nguyên nhân của việc này có thể là do sự điều chỉnh trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc, những biến động trong bất động sản thương mại do COVID-19 gây ra và lãi suất cao hơn ở Mỹ và châu Âu kể từ năm 2022.

Báo cáo của UBS cũng tiết lộ xu hướng tăng trưởng toàn cầu của các tỉ phú bị chững lại kể từ năm 2020. Từ năm 2015 đến 2020, tài sản của các tỉ  phú trên thế giới tăng trung bình 10% mỗi năm, nhưng kể từ năm 2020, tốc độ này giảm mạnh chỉ còn 1%. Nguyên nhân chủ yếu cho xu hướng này đến từ sự suy yếu nghiêm trọng trong tài sản của các tỉ phú Trung Quốc. Tài sản của các tỉ phú ở đất nước tỉ  dân đã tăng hơn gấp đôi từ 887,3 tỉ  USD năm 2015 lên 2.100 tỉ USD năm 2020. Nhưng ngay sau đó, con số này bị chững lại, thậm chí còn suy giảm xuống còn 1.800 tỉ USD.

Các tỉ phú nước Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất trong năm 2024, củng cố vị thế của quốc gia này như trung tâm hàng đầu thế giới cho các doanh nhân tỉ phú. Tài sản của họ tăng 27,6% lên 5.800 tỉ USD, chiếm hơn 40% tổng tài sản của tỉ phú toàn cầu. Báo cáo UBS cũng cho biết, chỉ tính riêng năm 2024, đã ghi nhận 268 người đầu lần đầu tiên trở thành tỉ phú trong năm nay với 60% là doanh nhân khởi nghiệp. UBS cũng nhấn mạnh: "Phần lớn các tỉ phú mới trong năm nay là tự thân". Cũng trong báo cáo này, UBS cũng tiết lộ, quan điểm về các loại tài sản của các tỉ phú đang có sự thay đổi nhanh chóng, khẩu vị đầu tư của giới siêu giàu này cũng dần dần chuyển hướng đến “những nơi trú ẩn an toàn”.

Cụ thể, 43% dự định tăng đầu tư vào bất động sản và 42% vào cổ phiếu tại các thị trường phát triển trong 12 tháng tới. Ngoài ra, các tỉ phú cũng có 40% dự định sẽ tăng đầu tư vào vàng và kim loại quý, và 31% có ý định tăng đầu tư vào tiền mặt  - một sự chuyển hướng có thể phản ánh “những lo ngại về rủi ro địa chính trị gia tăng và định giá thị trường cổ phiếu”.

Việc đầu tư vào các tài sản thay thế nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng đang có sự thay đổi khá lớn. Mặc dù 38% tỉ phú dự định tăng đầu tư trực tiếp vào cổ phần tư nhân. Nhưng chỉ có 28% các tỉ phú lựa chọn kế hoạch tăng đầu tư vào các quỹ cổ phần tư nhân hoặc quỹ đầu tư đa ngành, còn 34% tỉ phú lại quyết định sẽ giảm các khoản đầu tư này. Bên cạnh đó, có 26% tìm cách tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và 35% vào nợ tư nhân.

Ngược lại, ở mảng đầu tư vào nghệ thuật và đồ cổ, các tỉ phú lại hào hứng hơn bao giờ hết, tạo thành một “điểm sáng”, với 32% dự định tăng đầu tư vào các tài sản này - ghi nhận mức tăng 11% so với năm ngoái.

Theo dự đoán của UBS, trong thập kỷ tới, các tỉ phú và các doanh nhân có mong muốn trở thành tỉ phú sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức khi thế giới ngày càng bất ổn, với căng thẳng địa chính trị ngày một leo thang. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu, tạo ra các rào cản thương mại, thậm chí đẩy giá lao động lên mức không tưởng.

Tú Nguyễn
.
.