Tăng tốc xu hướng phi USD hóa

Thứ Hai, 09/01/2023, 10:33

Vị thế “bá chủ” của đồng USD cho đến nay vẫn không thể phủ nhận, cả trong Giỏ tiền quốc tế (SDR), và trong các giao dịch toàn cầu nói chung, tuy nhiên, nền tảng của đồng tiền này đang lung lay. Xu hướng “phi USD hóa” đã bắt đầu.

Sự thống trị của USD

Đồng USD được sử dụng trong hầu hết các thanh toán, giao dịch ngoại hối và tài sản dự trữ. Không quá khi nhìn nhận Cục Dự trữ Liên bang Mỹ  (FED) như ngân hàng trung ương của thế giới. Chính sách tiền tệ của FED có tác động mạnh tới các chu kỳ chính sách tiền tệ toàn cầu và sự biến động của lãi suất tạo ra hiệu ứng thủy triều lên hoặc xuống đối với thanh khoản đồng USD toàn cầu. Trong năm 2022, đồng USD trên đà tăng giá, thậm chí lập kỷ lục trong 20 năm trở lại đây, trong khi nhiều loại tiền khác như euro, yen Nhật,… sụt giá.

Tăng tốc xu hướng phi USD hóa -0
Đa dạng hóa dự trữ ngoại hối sẽ là hướng đi ngày càng phổ biến.

Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) công bố số liệu cho thấy hiện USD chiếm 40,4% thanh toán quốc tế, 88,3% giao dịch ngoại hối, 45,1% trái phiếu quốc tế, 41,73% giỏ tiền quốc tế (SDR) và 59,23% dự trữ ngoại hối toàn cầu, ước tính khoảng 7 nghìn tỷ USD.

Những biến động theo chu kỳ của USD đã dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trên thị trường tỷ giá hối đoái toàn cầu. Và ở chiều ngược lại, chính điều này cũng đã làm xáo trộn hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô của các quốc gia, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tài chính thường xuyên.

Lịch sử không còn lặp lại?

Lịch sử cho thấy rằng các chu kỳ đồng USD mạnh thường trùng với quá trình USD hóa. Tuy nhiên, khác với những gì từng diễn ra trong quá khứ, chu kỳ hiện tại không đi kèm với quá trình này, mà ngược lại: giai đoạn phi USD hóa.

Lạm dụng các biện pháp trừng phạt tài chính ít nhiều đã, đang và sẽ tiếp tục làm suy yếu nghiêm trọng uy tín của đồng USD, nguyên nhân gốc rễ của quá trình phi USD hóa. Tất nhiên, xu hướng này đã nhen nhóm từ lâu, song nhiều diễn biến suốt vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, khủng hoảng Nga-Ukraine, mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây, cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung,… làm mạnh mẽ hơn những động lực tách khỏi hệ thống thanh toán bằng USD, bán tháo trái phiếu kho bạc của Mỹ, hay thậm chí là xu hướng dự trữ vàng và hạn chế các khoản thanh toán bằng USD.

Trong số kể trên, xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt tài chính chưa từng có tiền lệ được áp đặt sau đó đã trở thành tác nhân thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phi USD hóa. Vũ khí hóa tài chính không chỉ phủ bóng đen sự ổn định và độ tin cậy của trật tự tiền tệ và tài chính quốc tế, mà còn xáo trộn nguyên tắc hoạt động của các thị trường tài chính quốc tế khi họ không còn tuân theo nguyên tắc trung lập. Tài sản thuộc sở hữu của các quốc gia có chủ quyền không còn là là thứ “bất khả xâm phạm”. Nhiều tranh cãi đã nảy sinh quanh những chuyển động này, khi hệ thống tài chính mà Mỹ kiểm soát (SWIFT có thể xem là một ví dụ) dường như trở thành một công cụ của chủ nghĩa đơn phương, khiến USD tự hạ thấp vị thế vốn được xem là tài sản phi rủi ro. Về lâu dài, đây chính là mầm mống cho những xói mòn nghiêm trọng với uy tín của đồng USD.

Khi “ngôi vương” lung lay

Xét ở quy mô toàn cầu, ngày càng có nhiều “chủ nợ” ở nước ngoài - không chỉ Nhật Bản, Trung Quốc và Nga - không ngừng thoái vốn khỏi các khoản nợ của Mỹ. Theo Reuters và Thời báo Hoàn cầu, số liệu tháng 10/2022 cho thấy khoản nợ của Mỹ mà Nhật Bản nắm giữ đã giảm xuống còn khoảng 1,12 nghìn tỷ USD, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Tổng số nợ của Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ là 933,6 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với con số 1,32 nghìn tỷ USD cách đây khoảng 10 năm. Saudi Arabia đã bán khoản nợ tích lũy trị giá 62 tỷ USD của Mỹ từ năm 2020, mức bán tháo tổng cộng là 35%, và từ năm 2021 bắt đầu đẩy mạnh việc bán tháo các khoản nợ của Mỹ. Một phần nguyên nhân của các động thái này được cho là để phản ứng Đạo luật NOPEC, cho phép khởi kiện chống độc quyền đối với các nhà sản xuất dầu mỏ thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Riyadh cũng đã tuyên bố không sử dụng USD trong các giao dịch dầu mỏ để ngăn chặn NOPEC.

Những rạn nứt trên “chiếc ngai” của đồng USD ngày càng rõ nét hơn

Trong khi đó, nhiều hệ thống dàn xếp thương mại toàn cầu thay thế hệ thống mà USD thống trị đang dần thành hình. Xu hướng phát triển các hệ thống thanh toán độc lập, nhằm tạo ra các lựa chọn khác ngoài những gì mà Mỹ thâu tóm có động lực đáng kể từ nhiều nền kinh tế đang hoặc đã phát triển. Lấy ví dụ, vào năm 2019, Anh, Pháp và Đức, đã thành lập Công cụ Hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX), được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch không sử dụng USD và không phải thông qua SWIFT, qua đó tránh được các biện pháp trừng phạt của Mỹ, chẳng hạn như với Iran. Ấn Độ cũng đã thiết lập một cơ chế thanh toán bằng đồng rupee phục vụ thương mại quốc tế để giảm sự phụ thuộc vào USD.

Hệ thống thanh toán MIR mới của Nga, một lựa chọn khác thay thế SWIFT và MasterCard, đã có những bước tiến đáng kể. Tháng 11-2022, Nga quyết định tiến thêm một bước và kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên của khối BRICS và đối tác xem xét khả năng thiết lập một hệ thống thương mại chung. Nhiều thông tin cho thấy Nga cũng đang bắt đầu thử nghiệm thanh toán quốc tế bằng tiền kỹ thuật số với các doanh nghiệp. Đà phát triển của Nga càng nhiều động lực từ sự hậu thuẫn từ các đối tác lớn như Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Hội đồng Hợp tác các quốc gia Arab-Trung Quốc-vùng Vịnh thượng tuần tháng 12/2022 đã đạt được đồng thuận chiến lược để phát triển cơ chế sử dụng đồng nhân dân tệ cho thương mại dầu khí.

Quá trình phi USD hóa trong hệ thống tiền tệ dự trữ quốc tế sẽ tiếp tục tăng tốc. Năm nay, Ngân hàng Israel bắt đầu đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và chuẩn bị giảm tỷ lệ dự trữ USD 66,5% xuống 61%. Tất cả những điều này cho thấy quá trình phi USD hóa đang tăng tốc cả về chiều sâu và chiều rộng.

Thực tế, sự hình thành của các hệ thống thanh toán thương mại thay thế, đáp ứng nhu cầu tăng cường đối trọng với quyền bá chủ của một đồng tiền thống trị nào đó trong một thế giới phân cực như hiện nay có thể mở đường cho sự phát triển cân bằng của một hệ thống tiền tệ quốc tế đa cực.

Thái Hân (Tổng hợp)
.
.