Thất bại trong chuẩn bị của CLB TP Hồ Chí Minh và cách hành xử
Trước thềm V.League 2022, CLB TP Hồ Chí Minh là một trong những đội bóng hoạt động tích cực nhất trên thị trường chuyển nhượng, nhưng những gì họ thu về lại không hề tương xứng. Đội bóng có biệt danh “Chiến hạm đỏ” lúc này đang mang danh CLB bị nhiều cầu thủ... từ chối nhất sau khi thỏa thuận ký hợp đồng, và cách họ phản ứng với từng trường hợp lại không giống nhau chút nào.
Người lao đao vì bị kiện
Tiền đạo Hoàng Vũ Samson và hậu vệ Dương Văn Khoa là 2 tân binh mới nhất gia nhập CLB TP Hồ Chí Minh, nhưng tên tuổi họ nhanh chóng bị lu mờ bởi những cầu thủ "lật kèo" với đội bóng. Đó là tiền vệ Hải Huy, trung vệ Adriano Schmidt và cả đội trưởng đội tuyển quốc gia Quế Ngọc Hải. Việc 3 cầu thủ dày dạn kinh nghiệm với bóng đá Việt Nam nói lời từ chối cho thấy CLB TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phải bến đỗ thực sự hấp dẫn với những cầu thủ hàng đầu, bên cạnh một vài yếu tố ngoài chuyên môn khác.
Câu chuyện rắc rối giữa CLB TP Hồ Chí Minh và tiền vệ Nguyễn Hải Huy đang trở thành một trong những đề tài nóng nhất trước thềm V.League 2022. Ban đầu cựu cầu thủ Than Quảng Ninh đã nhận lời đầu quân cho CLB TP Hồ Chí Minh, ký hợp đồng ghi nhớ và nhận một phần tiền lót tay (700 triệu đồng), nhưng sau đó lại đổi ý muốn khoác áo Hải Phòng. Dĩ nhiên quyết định đó khiến ban lãnh đạo CLB TP Hồ Chí Minh không hài lòng. Họ yêu cầu Hải Huy trả lại tiền cọc, và bồi thường một số tiền tượng trưng.
Sẽ không có vấn đề gì nếu như khoản tiền "tượng trưng" mà CLB TP Hồ Chí Minh đưa ra không vượt quá khả năng chi trả của một cầu thủ như Hải Huy: 1,5 tỷ đồng. Hải Huy đã xin giảm mức bồi thường xuống 500 triệu, con số anh có thể được CLB Hải Phòng hỗ trợ chi trả, nhưng phía CLB TP Hồ Chí Minh vẫn tỏ ra cứng rắn.
Tính đến thời điểm này, CLB TP Hồ Chí Minh đã khiếu nại vụ việc lên VFF bằng việc gửi toàn bộ chứng từ có liên quan đến chuyện Hải Huy phá vỡ hợp đồng đã ký kết. Nếu tiền vệ người Quảng Ninh không chấp nhận bồi thường tượng trưng cho đội bóng như yêu cầu, anh chỉ còn 2 lựa chọn: vào Nam đầu quân cho CLB, hoặc bồi thường toàn bộ tiền hợp đồng lên tới 5 tỷ. Thật khó tưởng tượng một cầu thủ như Hải Huy có khả năng đáp ứng yêu cầu đó.
"Tôi không còn tiền nuôi con nữa", Hải Huy đã chia sẻ như vậy trước truyền thông trong thời điểm CLB Than Quảng Ninh dừng hoạt động. Đội bóng này đã liên tục nợ lương thưởng cầu thủ trong 2 năm vừa qua, khiến những người như Hải Huy lao đao với cuộc sống thường ngày. Bản thân Hải Huy thừa nhận chi phí sinh hoạt trong gia đình của anh hiện tại do vợ đảm nhận, và anh chỉ biết phụ giúp gia đình… bóc tôm, làm cá ở Hạ Long.
Cuộc mặc cả giữa Hải Huy và CLB TP Hồ Chí Minh có lẽ phải còn lâu mới đến hồi kết, nhất là khi CLB Hải Phòng, điểm đến tiếp theo của tiền vệ người Quảng Ninh vẫn chưa lên tiếng. Từ chỗ liên tục gây chú ý bằng những phát biểu táo bạo, Chủ tịch Văn Trần Hoàn dần im lặng khi V.League bước vào mùa chuyển nhượng sôi động. Rất khó nắm bắt những suy tính của ông Hoàn lúc này cũng như HLV Chu Đình Nghiêm, người được ông đích thân mời về làm HLV trưởng.
Người yên ổn "lật kèo"
Xét về lý, Hải Huy có phần đáng trách khi hủy thỏa thuận với CLB TP Hồ Chí Minh để chuyển sang khoác áo Hải Phòng. Nhưng câu chuyện về tiền vệ Quảng Ninh sẽ không gây ra nhiều tranh cãi đến thế nếu như ở cùng thời điểm anh từ chối CLB TP Hồ Chí Minh, có một cầu thủ nổi tiếng hơn anh rất nhiều làm điều tương tự. Đó là trung vệ Quế Ngọc Hải, người đã nhận trước khoản lót tay lên tới 2,5 tỷ đồng từ CLB TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn từ chối, trả lại và... không bị kiện cáo gì.
"Trường hợp của Quế Ngọc Hải khác với Hải Huy. Cậu ấy là cầu thủ đội tuyển quốc gia, lại có nguyện vọng về khoác áo đội bóng quê hương (Sông Lam Nghệ An) nên chúng tôi cũng muốn tạo điều kiện". Đó là câu trả lời của ban lãnh đạo CLB TP Hồ Chí Minh khi được hỏi vì sao họ mềm mỏng với Quế Ngọc Hải, nhưng lại cứng rắn, mạnh tay với Hải Huy. Điều này có phần... thiếu hợp lý ở 2 khía cạnh.
Thứ nhất, Ngọc Hải đang là đội trưởng đội tuyển Việt Nam, nên xét về lý, anh phải chuyên nghiệp hơn bất cứ ai trong hợp đồng. Thứ hai, nếu nói chuyện Ngọc Hải hồi hương thi đấu là hợp lý, thì việc Hải Huy muốn khoác áo Hải Phòng để đá gần nhà cũng không có gì gây bức xúc cả. Điều duy nhất "hợp lý" khi Ngọc Hải thoát nạn, còn Hải Huy vướng vào kiện tụng, có chăng chỉ là mối quan hệ phức tạp nơi hậu trường giữa 2 cầu thủ với ban lãnh đạo CLB TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch CLB TP Hồ Chí Minh thời điểm hiện tại không ai khác ngoài ông Nguyễn Hữu Thắng, cựu HLV trưởng Sông Lam Nghệ An và đội tuyển Việt Nam. Ông Thắng vừa là đồng hương, vừa là HLV, người anh của Quế Ngọc Hải từ lúc cầu thủ này còn là một hậu vệ trẻ ở đội bóng xứ Nghệ. Chỉ có tình cảm thân tình từ những người con cùng xa quê hương lập nghiệp mới khiến Hữu Thắng mủi lòng đồng ý cho Quế Ngọc Hải “lật kèo” trong êm thấm, dù điều đó có thể khiến ông phá sản hàng loạt kế hoạch đã định sẵn.
Ngoài Quế Ngọc Hải, một cầu thủ khác cũng yên ổn “lật kèo” với CLB TP Hồ Chí Minh là trung vệ Việt kiều Đức Adriano Schmidt. Cầu thủ từng có nhiều năm khoác áo Hải Phòng đã quyết định ra đi khi V.League 2021 khép lại, và từng có thông tin cho thấy anh đã nhận lời CLB TP Hồ Chí Minh. Mức lót tay CLB này trả cho Schmidt lên tới 1 tỷ đồng, nhưng cuối cùng anh lại ra mắt hoành tráng trong màu áo... CLB Bình Định. Đội bóng đất võ được cho đã trả Schmidt tới 1,5 tỷ đồng để anh nhận lời đầu quân.
Câu chuyện “lật kèo” trong êm thấm của Schmidt hơi khác với Quế Ngọc Hải, khi anh chưa đồng ý ký kết vào bất kỳ văn bản nào, cũng như chưa nhận tiền lót tay trước. Trung vệ 27 tuổi mới chỉ có một số thỏa thuận miệng, nhưng trong thời điểm đó anh vẫn không từ chối cơ hội đàm phán với mọi CLB khác. Nắm lấy thời cơ, Bình Định đã hớt tay trên CLB TP Hồ Chí Minh bằng số tiền lót tay nhiều hơn mà đối thủ không thể phàn nàn điều gì.
Bao giờ mới thực sự chuyên nghiệp?
Câu chuyện nhất bên trọng, nhất bên khinh trong 2 thương vụ Quế Ngọc Hải và Nguyễn Hải Huy của CLB TP Hồ Chí Minh cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp ở khâu ký kết hợp đồng. Họ quyết xử mạnh tay trường hợp của Hải Huy như để răn đe những cầu thủ khác muốn lật kèo với đội bóng, lại quyết không nhượng bộ bất chấp tiền vệ Quảng Ninh muốn có giải pháp nhẹ nhàng hơn. Bù lại, chế tài đó không áp dụng với mọi cầu thủ.
Chuyện đó tạo ra một tiền lệ rất xấu cho những người làm bóng đá Việt Nam sau này, khi yếu tố cục bộ vẫn nổi cộm giữa cầu thủ, HLV và lãnh đạo đội bóng. Đúng như HLV Phạm Minh Đức từng nói, vấn đề cục bộ là một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam không thể tiến xa khi một người ngoài đến làm việc ở địa phương khác với quê hương mình. Nhìn vào Hải Huy, hẳn nhiều cầu thủ sẽ phải cân nhắc, đắn đo suy nghĩ hơn khi nhận lời Nam tiến. Thật khó tin tưởng một đội bóng lúc nào cũng đem vấn đề kiện tụng và pháp luật ra dọa nạt cầu thủ, những người vốn luôn ở thế yếu trên bàn đàm phán với CLB.
Ở cương vị HLV trưởng CLB TP Hồ Chí Minh, HLV Trần Minh Chiến hẳn sẽ có rất nhiều việc để làm trong quá trình xây dựng một đội hình có chiều sâu. Uy tín của ông là không đủ khi mọi cầu thủ dần trở nên e dè với “Chiến hạm đỏ” thay vì háo hức đầu quân như trước. Hải Huy có thể mất rất nhiều ở cuộc đấu pháp lý này, nhưng khi mọi việc xong xuôi, anh vẫn là người chiến thắng sau cùng với tâm thế thanh thản.
CLB TP Hồ Chí Minh đón Moses, bế tắc thương vụ Tiến Linh
Sau khi tiền vệ Oloya Moses nói lời chia tay CLB Hà Nội, anh được cho sẽ vào Nam đầu quân cho CLB TP Hồ Chí Minh. Đẳng cấp của Moses là điều đã được khẳng định từ lâu với kinh nghiệm 10 năm chinh chiến ở V.League, lại còn là cựu binh thuộc đội tuyển quốc gia Uganda. Anh cũng có thời gian khoác áo Kuban Krasnodar, đội bóng ở giải hạng nhất Nga trước khi trở lại Việt Nam chơi cho CLB Hà Nội. Với sức mạnh và sự càn lướt của Moses, CLB TP Hồ Chí Minh coi như đã giải được bài toán ở tuyến giữa mà không có Hải Huy trong đội hình.
Nếu như thương vụ Moses đang được CLB TP Hồ Chí Minh tiến hành đàm phán suôn sẻ thì họ lại gặp bế tắc với tiền đạo Nguyễn Tiến Linh. Khi HLV Trần Minh Chiến lên nắm quyền, cậu học trò cũ Tiến Linh là một trong những người ông muốn đưa về đội bóng mới nhất. Thể hình, kỹ thuật và khả năng dứt điểm của Tiến Linh đều không thua bất kỳ tiền đạo ngoại nào, và đó là lý do CLB TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng chiêu mộ chân sút của đội tuyển Việt Nam với mức lót tay lên đến 3 tỷ đồng/mùa. Thế nhưng, thương vụ này vẫn đang giậm chân tại chỗ.
Có 2 lý do khiến Tiến Linh vẫn lưỡng lự. Thứ nhất, anh đang ở trong giai đoạn tập trung cùng đội tuyển quốc gia, nơi các cầu thủ sẽ phải thi đấu liên tục từ giờ đến hết năm 2021. Thứ hai, việc có HLV Trần Minh Chiến không đảm bảo giúp Tiến Linh trở thành trung tâm đội bóng trong một môi trường V.League vốn rất nhiều biến động.