Thấy gì từ một "điệp khúc" độc hại?

Thứ Ba, 24/08/2021, 09:33

“Xin link”, “Hội hóng link”, “Động link”… là những từ khóa nhanh chóng leo top tìm kiếm trên khắp các trang mạng xã hội mỗi khi một nhân vật nào đó bị lộ clip, hình ảnh nhạy cảm. Có lẽ, chưa bao giờ “điệp khúc xin link” trở thành sự lây lan xấu xí và khiến người ta ngán ngẩm như thời gian vừa qua.

"Điệp khúc"... xin link

Tối khuya 17-8, hàng nghìn tài khoản Facebook tại Việt Nam bỗng dưng bị khóa. Lý do được Facebook gửi đến người dùng là vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng này. “Chúng tôi đã tạm ngừng tài khoản của bạn. Tài khoản của bạn hoặc hoạt động trên đó vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ ẩn tài khoản của bạn với mọi người trên Facebook và bạn cũng không thể sử dụng tài khoản của mình”, thông báo của Facebook gửi đến người dùng bị khóa tài khoản.

Thấy gì từ một

Chuyên gia truyền thông trẻ Chang Trần. 

Theo chuyên gia truyền thông Chang Trần, tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook là cấm lan truyền hình ảnh khỏa thân người lớn và hoạt động tình dục, theo điều 14, mục III. Ngoài ra, Facebook cũng đặc biệt nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ vị thành niên tại điều 26, mục VI trong bộ Tiêu chuẩn cộng đồng nền tảng này.

Nguyên nhân của đợt quét đồng loạt này do đó được cho là có liên quan tới hành vi phát tán, chia sẻ clip đồi trụy có trẻ vị thành niên trên nền tảng Facebook cũng như qua dịch vụ Messenger. Những người bị khóa tài khoản đã tương tác và chia sẻ đường link của các clip nói trên.

Đây không phải lần đầu tiên dư luận ngán ngẩm với thói quen độc hại của người dùng mạng xã hội mỗi khi xuất hiện sự việc tương tự. Cuối tháng 7-2021, mạng xã hội cũng được phen “dậy sóng” khi thông tin lộ kho ảnh nóng 40GB của giới YouTuber, streamer. Đáng nói, chỉ ít giờ sau khi thông tin được chia sẻ, hàng loạt fanpage, hội nhóm đổ dồn sự quan tâm đến những từ khóa như “40GB”, “rapper số 1 Việt Nam”… Cùng với đó, hàng chục hội nhóm liên quan mọc lên như nấm, nội các bài đăng trong những group này không gì khác ngoài việc… “xin link”.

Thấy gì từ một

Diên viên V.T.A.T. từng rơi vào hoảng loạn khi clip riêng tư bị lan tryền trên mạng xã hội. 

Hay, trường hợp của cô gái có tên là V.T.A.T (23 tuổi, trú Q.Cầu Giấy, Hà Nội), từng đóng một vai trong bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” bị lộ clip nhạy cảm dài 8 phút với bạn trai. Chỉ sau một đêm, clip này nhanh chóng bị phát tán khắp các mạng xã hội, phủ sóng từ Facebook, Zalo đến Telegram... Cô gái này sau đó đã phải đối mặt với hàng loạt bình luận tiêu cực từ dư luận, hình ảnh bị chia sẻ khắp mạng xã hội với những lời miệt thị, xúc phạm hình thể và nhân phẩm. Thời điểm đó, gia đình cho biết cô rất hoảng loạn, thậm chí đòi tự tử.

Một trong những nguyên nhân khiến clip bị lan truyền nhanh đến chóng mặt như vậy cũng là vì nhiều thành viên trên liên tục ”xin link” và chia sẻ cho nhau. Những từ khóa kiểu như "kết bạn Zalo gửi link", "anh em inbox lấy link" cùng hàng trăm bình luận chấm hóng, xin link để lại dưới các bài đăng, hội nhóm khiến nhiều người không khỏi nóng mắt.

Hệ lụy khôn lường

Ở góc độ pháp lý, hành vi phát tán clip nóng, hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Trong quá khứ, đã có trường hợp bị cơ quan chức năng “sờ gáy” vì hành động này.

Thấy gì từ một

Tọa đàm Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội ở TP HCM. Ảnh: Thanh Niên. 

Đơn cử, giữa tháng 5-2021, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phùng Minh Tuấn (28 tuổi), Đỗ Thành Đạt (25 tuổi) và Đặng Quốc Bình (cùng trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) về tội "truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy".

Trước đó, 3 đối tượng này biết được tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Vĩnh Phúc có liên quan đến hoạt động của quán bar - karaoke Sunny nên chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một phòng hát có nữ giới không mặc đồ, có hành động khiêu dâm với các nam giới. Nhóm bị can đăng lên 3 trang web nhằm gây sự chú ý, thu hút người xem truy cập vào trang web có tiêu đề "Hot - clip full quán bar Sunny Vĩnh Phúc", "Dân chơi thác loạn ở quán hát karaoke" do nhóm này lập.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông Luật cho rằng, người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, cân nhắc trước khi phát tán, hoặc chia sẻ một nội dung gì đó. Đặc biệt, trong thời đại 4.0 như hiện nay, những nội dung gây sự tò mò, gây sốc sẽ được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ rất nhanh. Thêm vào đó, với sự hoạt động của các hacker thì khó có thể đảm bảo các video, ảnh hay clip sẽ an toàn tuyệt đối trên không gian mạng.

Thấy gì từ một

 Luật sư Diệp Năng Bình.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đăng Thái (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết thêm : “Tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định, hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân vi phạm, mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức”.

Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh thêm, hành vi tung clip nóng là "phát tán văn hóa phẩm đồi trụy", có thể bị khởi tố hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

Theo đó, người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trong đó, dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB). Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh. Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị. Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

"Do đó, người truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra mà người làm ra, phát tán các hình ảnh nhạy cảm này có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm", luật sư Diệp Năng Bình phân tích.

Cần lên án một vấn nạn buồn

Bên cạnh các quy định pháp luật hiện có, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội.

Trong đó, các tổ chức, cá nhân chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Thấy gì từ một

 Chuyên gia tâm lý-xã hội học Hoàng Thúy Hải.

Chính vì vậy, chuyên gia tâm lý – xã hội học Hoàng Thúy Hải cho rằng, điệp khúc “xin link” là một thực trạng đáng buồn về văn hóa sử dụng mạng xã hội, đặc biệt của giới trẻ hiện nay. Đó còn chưa kể, phía màn hình, những bài viết “share link”, những lời lẽ mỉa mai, cay nghiệt và những cú click chuột là những hậu quả tiêu cực mà nạn nhân phải gánh chịu.

 “Xin link không chỉ là một hiện tượng mạng xấu xí, vô cảm mà còn là một vấn nạn của thời đại 4.0. Mạng xã hội ảo nhưng hậu quả để lại là thật và rất đau lòng. Đối mặt với sự phê phán của dư luận, sự bình phẩm và bàn tán của người xung quanh bản thân nạn nhân và những người xung quanh có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, cuộc sống. Những lời công kích cá nhân từ cộng đồng mạng hoàn toàn có thể đẩy một người vào bức đường cùng, khiến họ nảy sinh những hành vi tiêu cực, thậm chí là quyên sinh”, bà Hoàng Thúy Hải phân tích.

Theo vị chuyên gia này, điều gốc rễ của vấn nạn “xin link” phải bắt đầu từ việc đẩy mạnh xây dựng giáo dục về giới tính cũng như về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội từ nhà trường, gia đình và các hoạt động xã hội. Cùng với đó là việc thực hiện các chương trình giáo dục về quyền con người, tôn trọng quyền riêng tư của mỗi cá nhân.

“Các bậc làm cha, làm mẹ cần phải có trách nhiệm hơn đối với việc giáo dục con cái, đặc biệt là khi con cái đang ở tuổi dậy thì, đã có những nhận thức về bản thân. Khi trẻ em nhận thức được về cơ thể mình, hiểu được giá trị trong các mối quan hệ sẽ có hành vi ứng xử, lối sống phù hợp”, chuyên gia Hoàng Thúy Hải bày tỏ.

Thảo Dung
.
.