Thế giới lo ngại khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo

Thứ Hai, 26/09/2022, 21:53

Ngày 8-9, chính phủ Ấn Độ đã quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với hoạt động xuất khẩu các loại gạo. Các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu lương thực của Ấn Độ trong lúc “vựa lúa mì” Ukraine đang lao đao trong cuộc xung đột với Nga.

Ấn Độ đưa ra quyết định này nhằm giữ giá gạo trong nước ở mức thấp trong bối cảnh gió mùa dưới mức trung bình đã hạn chế việc trồng lúa. Trước đó, vào tháng 5-2022, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mỳ để làm dịu lạm phát trong nước.

Thế giới giờ đây sẽ phải trông chờ vào Việt Nam và Thái Lan - hai quốc gia đang chịu nhiều áp lực về xuất khẩu gạo quốc tế - để đáp ứng nhu cầu lương thực. Các quốc gia xuất khẩu gạo lớn khác bao gồm Pakistan (hiện bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt) và Myanmar.

Quyết định chưa thấu đáo?

Lần cuối cùng Ấn Độ cấm xuất khẩu ngũ cốc là vào năm 2007 và 2008, quyết định khi đó đã gây ra cuộc khủng hoảng an ninh lương thực kéo dài nhiều năm. Việc lặp lại lệnh cấm đó sẽ bị coi là hành động vô trách nhiệm và không hiệu quả.

Thế giới lo ngại khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo -0
Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo quan trọng của thế giới.

Giá gạo cao hơn trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển - vốn đang gặp khó khăn do cuộc chiến Ukraine khiến chi phí lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng cao - khi họ ít có khả năng chi trả nhất. Một Ấn Độ khao khát dẫn đầu thế giới đang phát triển lẽ ra không nên làm tổn hại đến các nước bè bạn.

Lệnh cấm xuất khẩu cũng không làm giảm lạm phát trong nước hoặc cải thiện an ninh lương thực của Ấn Độ. Vào tháng 8-2022, chính phủ Ấn Độ có 28 triệu tấn gạo trong kho dự trữ của mình (cao hơn hẳn kho dự trữ đệm bắt buộc của chính phủ là 11 tấn), vì vậy số lượng gạo đó sẽ đủ cho thời gian dài.

Trong khi đó, các nhà kinh tế nông nghiệp Ấn Độ Ashok Gulati và Ritika Juneja đã chỉ ra rằng lạm phát ở Ấn Độ chủ yếu được thúc đẩy bởi giá nhiên liệu và rau quả; giá gạo chiếm hơn 2% mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng tháng trước.

Hơn nữa, các lệnh cấm xuất khẩu không chỉ có hại đối với các nước nghèo khác mà còn gây hại cho chính nông dân của Ấn Độ, những người đang bỏ lỡ mức giá gạo tăng cao ở nước ngoài.

Các nước chịu ảnh hưởng nặng nhất

Theo một báo cáo của công ty tài chính Nomura được công bố gần đây, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ tác động trực tiếp tới các quốc gia nhập khẩu từ Ấn Độ và gián tiếp tới tất cả các nhà nhập khẩu gạo, do tác động của lệnh cấm đối với giá gạo toàn cầu".

Kết quả nghiên cứu từ Nomura cho thấy giá gạo vẫn ở mức cao trong năm nay, với mức tăng giá trên thị trường bán lẻ vào tháng 7-2022 là khoảng 9,3%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đối với sản phẩm gạo cũng ở mức 3,6% tính đến tháng 7-2022.

ANh_3-1664160148561.jpg
Quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể ảnh hưởng lạm phát thế giới.

Theo Nomura, Philippines - quốc gia nhập khẩu hơn 20% nhu cầu tiêu thụ gạo - là quốc gia ở châu Á có nguy cơ tăng giá cao nhất. Là nhà nhập khẩu ròng hàng hóa lớn nhất châu Á, gạo và các sản phẩm từ gạo chiếm 25% thị phần trong giỏ lương thực của Philippines, một tỷ trọng cao nhất trong khu vực, theo công ty chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng Statista. Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Philippines cho thấy lạm phát của nước này ở mức 6,3% vào tháng 8-2022 - cao hơn phạm vi mục tiêu của ngân hàng trung ương là 2-4%. Do đó, lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ sẽ là một đòn giáng mạnh vào quốc gia Đông Nam Á này.

Tương tự, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng sẽ gây bất lợi cho Indonesia - quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng thứ hai ở châu Á. Theo Nomura, quốc gia này phụ thuộc vào nhập khẩu để phục vụ 2,1% nhu cầu tiêu thụ gạo. Theo Statista, gạo chiếm khoảng 15% trong giỏ lương thực của Indonesia. 

Tuy nhiên, đối với một số quốc gia châu Á khác, “nỗi đau” có thể chỉ ở mức tối thiểu. Singapore phải nhập khẩu hoàn toàn gạo từ nước ngoài, với 28,7% trong số đó đến từ Ấn Độ vào năm 2021, theo Trade Map. Tuy nhiên, Sonal Varma, chuyên gia kinh tế tại Nomura, cho rằng quốc gia này không dễ bị tổn thương như Philippines và Indonesia vì “tỷ trọng gạo trong giỏ hàng hóa của quốc gia đó là khá nhỏ”.

Người tiêu dùng ở Singapore có xu hướng chi “một phần lớn” cho các dịch vụ, điều thường xảy ra ở các nước có thu nhập cao hơn. Mặt khác, các nước có thu nhập thấp và trung bình “có xu hướng chi một tỷ lệ chi phí lớn hơn cho thực phẩm”. Bà Varma nói thêm: “Tính dễ bị tổn thương cần được nhìn nhận từ khía cạnh tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng và mức độ ảnh hưởng của các quốc gia phụ thuộc vào các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu”.

Cơ hội cho các nước khác

Ngoài một số quốc gia chịu ảnh hưởng, Nomura cho rằng Thái Lan và Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi nhuận từ lệnh cấm của Ấn Độ. Hai nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới này sẽ trở thành lựa chọn thay thế có khả năng nhất cho các quốc gia nhập khẩu đang tìm cách lấp đầy khoảng trống. Dữ liệu từ Statista cho thấy Thái Lan sản xuất 21,4 triệu tấn gạo vào năm 2021, tăng 2,18 triệu tấn so với năm trước.

Với sự gia tăng xuất khẩu và lệnh cấm của Ấn Độ gây áp lực lên giá gạo, tổng giá trị xuất khẩu gạo sẽ tăng lên, Thái Lan và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ điều đó. Bà Varma nói: “Bất kỳ quốc gia nào đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ sẽ tìm cách nhập khẩu nhiều hơn từ Thái Lan và Việt Nam”.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.