Thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng khí đốt mới?

Thứ Hai, 07/10/2024, 10:06

Một hội nghị lớn của ngành khí đốt, được tổ chức tại Houston, bang Texas của Mỹ mới đây, đã khơi dậy sự lạc quan trong số những người tham gia. Tuy nhiên, thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu, vốn đóng vai trò quan trọng đối với châu Âu và châu Á kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. Với nhu cầu tăng cao và nguồn cung không đủ đáp ứng, một cơn sốt khí đốt mới có thể sắp xảy ra.

Năm 2025 sẽ không dễ thở hơn

Nga đã đóng cửa các đường ống dẫn khí đốt cung cấp hơn 40% lượng khí đốt của châu Âu. Người ta cho rằng nếu lục địa này đã sống sót qua 2 mùa Đông, họ cũng sẽ thoát khỏi rắc rối, trong khi các dự án LNG lớn ở Mỹ và Qatar sẽ khiến khí đốt tràn ngập thị trường. Trên thực tế, châu Âu đã làm tốt hơn là chỉ sống sót. Lục địa này đang bước vào mùa Đông thứ ba kể từ khi chiến tranh nổ ra, với lượng dự trữ khí đốt ấn tượng, đạt tới 94%, vượt so với mục tiêu 90% (dự kiến đạt được vào tháng 11 tới). Việc mua LNG với số lượng lớn, chiếm 60% lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) trong năm ngoái, đã giúp đạt mục tiêu này.

anh 1.jpg -0
Một cơ sở sản xuất khí đốt ở châu Âu.

Nhưng thay vào đó, thị trường đã có dấu  hiệu lo lắng. Giá LNG ở châu Á, được coi là chuẩn mực toàn cầu, đang dao động trên 13 USD cho một triệu đơn vị nhiệt Anh (mBtu), cao hơn hầu hết mọi thời điểm, ngoại trừ cơn hoảng loạn năm 2022.

Lý do thứ nhất khiến thị trường bất an là nhiệt độ. Nhiệt độ trong 2 mùa Đông vừa qua tại Bắc Bán cầu khá ôn hòa, nhưng mùa Đông sắp tới có lẽ sẽ không như vậy. Châu Âu sẽ cần nhiều khí đốt hơn không chỉ để sưởi ấm mà còn để cung cấp điện, do thời tiết lạnh thường đi kèm với gió yếu, cản trở các trang trại gió. Đông Bắc Á cũng sẽ lạnh hơn. Một mùa Đông khắc nghiệt như năm 2021 - khi Bắc Kinh lạnh tới -20oC vào tháng 1, mức lạnh nhất trong 50 năm - luôn có thể xảy ra.

Theo ước tính của công ty tư vấn và dịch vụ dầu khí Rystad Energy, mức thiếu hụt khí đốt của châu Âu ước tính lên tới 66 triệu m3/ngày, tương đương khoảng 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ hàng ngày của Anh. Cảnh báo này được đưa ra vào thời điểm khó khăn khi đợt không khí lạnh mới dự kiến sẽ tràn xuống châu Âu trong hai tuần tới, dẫn đến nhu cầu khí đốt tăng cao và mùa sưởi ấm bắt đầu sớm.

Sindre Knutsson, Phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy, một đợt giá lạnh ở châu Âu và châu Á sẽ khiến nhu cầu khí đốt tăng thêm lần lượt là 21 tỷ mét khối (bcm) và 15 bcm, tương đương 4%-8% lượng khí nhập khẩu của các khu vực này hồi năm ngoái. Vì châu Âu đang tối đa hóa nhập khẩu qua đường ống (châu Á, trừ Trung Quốc, có lượng thương mại qua đường ống không đáng kể), lượng còn lại sẽ được vận chuyển bằng đường biển. Điều đó có thể tạo ra nhu cầu thêm 26 triệu tấn LNG, tương đương 7% khối lượng giao dịch toàn cầu vào năm ngoái.

Thứ hai là lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống của châu Âu có thể giảm hơn nữa. Theo thỏa thuận kéo dài 5 năm sắp hết hạn vào tháng 12 tới, Nga vẫn vận chuyển khí đốt qua Ukraine đến Trung Âu. Lượng khí đốt này đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2021, nhưng vẫn chiếm 15 bcm vào năm ngoái. Trong khi đó, Ukraine đã tuyên bố sẽ không đàm phán một thỏa thuận mới.

Vì vậy, châu Âu và Ukraine đang thảo luận các giải pháp thay thế. Giải pháp thực tế nhất là “hoán đổi” với Azerbaijan, theo đó khí đốt của Nga đi qua Ukraine sẽ là của Azerbaijan trong khi một phần khí đốt của Azerbaijan là của Nga. Khi đó, Azerbaijan sẽ được tự do mua khí đốt đó cho chính mình hoặc vận chuyển bằng đường ống đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trong kịch bản này, châu Âu vẫn sẽ thiếu khí đốt khi vẫn nhận được lượng khí đốt qua Ukraine như trước đây, nhưng ít hơn từ Azerbaijan. Hơn nữa, vì năng lượng ở Azerbaijan rẻ, Nga sẽ phải đồng ý bán cho Azerbaijan với giá cắt giảm, hoặc Azerbaijan sẽ phải trả giá cao hơn. Và Nga vẫn có thể quyết định ngừng cung cấp khí đốt “Azerbaijan” cho châu Âu bất kỳ lúc nào. Các cuộc đàm phán đang cho thấy ít có sự tiến triển.

 Như vậy, thời tiết và địa chính trị có thể tạo ra nhu cầu về nhiều lô hàng LNG bổ sung, và điều này xảy ra vào thời điểm thị trường không còn dồi dào. Dự án LNG Bắc Cực 2 của Nga, ban đầu dự kiến xuất khẩu 13 triệu tấn LNG mỗi năm vào năm tới, đã bị trì hoãn sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với dự án. Kế hoạch đưa Ai Cập thành nhà cung cấp LNG đáng tin cậy cho châu Âu cũng đã sụp đổ. Sản lượng khí đốt của quốc gia Bắc Phi này đang giảm nhanh hơn nhiều so với dự kiến.

Tuy nhiên, Mỹ gây thất vọng lớn nhất. Lệnh hoãn triển khai các dự án LNG của Tổng thống Biden sẽ giáng một đòn vào nguồn cung nhưng chỉ trong vài năm và lệnh này chỉ áp dụng cho các dự án mới. Vấn đề đau đầu trước mắt của Mỹ là sự phá sản của nhà thầu chính trong dự án Golden Pass của Texas, một trong hai cảng khí đốt lớn dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm tới, có thể gây ra sự chậm trễ trong 6 tháng hoặc hơn. Cùng với những trục trặc ở các dự án nhỏ hơn, điều này có nghĩa là trong số 25-30 mtpa công suất mới dự kiến vào năm 2025, chỉ có 15 mtpa có thể thành hiện thực.

Vậy kịch bản tệ nhất sẽ như thế nào?

Kịch bản tệ nhất có thể xảy ra là nhiệt độ ở châu Âu xuống dưới 0oC vào đầu tháng 12 tới và khí đốt của Nga sẽ cạn kiệt vào ngày 1/1/2025. EU sẽ không cạn kiệt nhiên liệu trong thời gian ngắn do ngoài lượng dự trữ kỷ lục, khối này còn có nguồn năng lượng hạt nhân dồi dào (nhiều lò phản ứng của Pháp đã hoạt động trở lại) và thủy điện (vốn đang có rất nhiều nước sau những trận mưa rất lớn vừa qua). Nhưng lượng dự trữ khí đốt của châu lục sẽ cạn kiệt nhanh hơn nhiều. Lần này, nhu cầu của châu Âu sẽ lớn hơn nữa.

Châu Âu sẽ phải cạnh tranh với châu Á về LNG, làm tăng giá giao ngay. Theo nhà nghiên cứu Anne-Sophie Corbeau của Đại học Columbia, giá khí đốt có thể dễ dàng đạt 16 USD/mbtu vào đầu năm tới. Các nước châu Á giàu hơn và Trung Quốc sẽ được hỗ trợ phần lớn, vì họ mua phần lớn LNG theo các hợp đồng dài hạn được lập chỉ mục theo giá dầu. Tuy nhiên, hầu hết các giao dịch mua của châu Âu đều được thực hiện trên thị trường giao ngay hoặc được lập chỉ mục theo giá giao ngay, và lục địa này không thể sống thiếu khí đốt vì đã đóng cửa hầu hết các nhà máy điện than.

Trần Anh
.
.