Thế giới trong “mùa gió chướng”

Thứ Hai, 25/10/2021, 11:35

Trước thềm các hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Washington, đã có những dự báo về tiến trình phục hồi kinh tế trên thế giới dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Nếu như khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được coi là đang đối mặt với “vận may bị đảo ngược” thì khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ “bật mạnh” trong năm 2022. Điều mà mọi người đều quan tâm đó là những “cơn gió chướng” nào sẽ cản trở đà tăng trưởng kinh tế thế giới?

Các dự báo của IMF, WB cũng như của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) có trụ sở ở Singapore đã dựng nên bức tranh phục hồi kinh tế thế giới với những mảng màu sáng tối khác nhau. Bức tranh còn chứa đựng những rào cản làm lu mờ triển vọng trong tương lai như tình trạng bất ổn của những nền kinh tế đóng vai trò đầu tàu và tiến triển tiêm ngừa COVID-19 ở các nước.

Thế giới trong “mùa gió chướng” -0
WB dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 8% trong năm 2021.

Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva hôm 5-10 nhận định rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ giảm nhẹ xuống dưới mức dự đoán 6% được đưa ra hồi tháng 7-2021. Bà Georgieva viện dẫn những rủi ro liên quan đến tình trạng nợ công, lạm phát và những xu hướng hồi phục kinh tế khác thường do tác động của đại dịch COVID-19. Bà nhận định kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng trở lại song đại dịch tiếp tục giới hạn khả năng phục hồi. Rào cản chính đối với “sức bật” trở lại của nền kinh tế thế giới chính là tình trạng bất cân bằng lớn về phân phối vaccine trên toàn cầu, khiến quá nhiều nước chưa thể tiếp cận những nguồn vaccine ngừa COVID-19.

Phát biểu trực tuyến tại Đại học Bocconi University, Italy, nữ Giám đốc IMF cho biết Báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới tới đây sẽ đưa ra dự đoán cập nhật, theo đó các nền kinh tế phát triển sẽ quay trở lại tình trạng hoạt động kinh tế như thời tiền đại dịch vào năm 2022. Trong khi đó, phần lớn các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển sẽ phải “mất nhiều năm nữa” để hồi phục. Bà miêu tả: “Tiến trình hồi phục kinh tế toàn cầu vẫn trong trạng thái đi “cà nhắc” vì tác động của đại dịch, giống như chúng ta đi bộ với đôi giày có sỏi đá bên trong, làm cho đi khập khiễng”.

Những mảng sáng - tối

Theo nữ Giám đốc IMF, Mỹ và Trung Quốc vẫn đóng vai trò là những động lực cốt yếu của tăng trưởng kinh tế thế giới. Hồi cuối tháng 8-2021, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu tích cực về tăng trưởng kinh tế như đầu tư và xuất khẩu gia tăng cùng mức tăng trưởng GDP lạc quan hơn. Tuy nhiên, tại Mỹ, chính phủ liên bang đang đau đầu giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ. Nếu các nhà lập pháp Mỹ không nâng hoặc điều chỉnh giới hạn vay nợ liên bang hay còn gọi là trần nợ, thì Chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ. Nếu vỡ nợ, nền kinh tế nước này có thể rơi vào suy thoái.

Thế giới trong “mùa gió chướng” -0
Một số khu vực đối mặt với vận đen phục hồi kinh tế.

Với Trung Quốc, “gã khổng lồ” châu Á này “đi trước một bước” so với các nước khác về tiến trình phục hồi kinh tế do nước này khống chế được đại dịch sớm hơn so với các nước khác mặc dù làn sóng tái lây nhiễm quay trở lại. Dù vậy, tăng trưởng ở Trung Quốc đang chậm lại và nước này đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng thần kỳ và phải tìm những động lực mới cho tăng trưởng. Châu Âu nói chung và Italy nói riêng cũng đang thể hiện “sức bật” ngày càng lớn. Trong khi đó, bức tranh kinh tế ở những khu vực khác trên thế giới vẫn là những mảng màu hỗn hợp.

Trong Báo cáo cập nhật kinh tế mùa thu 2021 của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được công bố hôm 27-9, WB nhận định khả năng phục hồi kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã bị hủy hoại bởi sự lây lan của biến thể Delta, biến chủng gây lây nhiễm nhiều hơn và lây lan nhanh hơn so với các dạng virus SARS-CoV-2 khác gây ra đại dịch COVID-19 hiện nay. Xu hướng này có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong khu vực. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 8,5%, phần còn lại của khu vực được cho là sẽ tăng trưởng ở mức 2,5%, ít hơn gần 2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4-2021.

Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bà Manuela Ferro nhấn mạnh: “Sự phục hồi kinh tế của các nước đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương đang đối mặt với tình trạng vận may bị đảo ngược”. Theo phân tích của nữ quan chức WB, mặc dù vào năm 2020 khu vực này kiềm chế được đại dịch COVID-19 còn các khu vực khác trên thế giới phải chật vật với đại dịch, song số ca mắc COVID-19 gia tăng trong năm 2021 đã làm giảm triển vọng tăng trưởng (của khu vực) trong năm 2021.

Đông Nam Á bật mạnh trong năm 2022

Khu vực Đông Nam Á liên tiếp đối mặt với làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra. Mức độ nghiêm trọng và thời gian phong tỏa kéo dài đồng nghĩa với tổn thất kinh tế gia tăng.

Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) vừa mới đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á trong năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến giảm xuống còn 2,7%, mức thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 3-2021, thời điểm trước khi biến thể Delta hoành hành. Mức này cũng thấp hơn dự báo mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra đối với khu vực Đông Nam Á là 3,1% trong năm 2021.

Tuy nhiên, AMRO có trụ ở Singapore dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 khi phần lớn các nước trong khu vực sẽ đạt được tình trạng miễn nhiễm cộng đồng, điều kiện cho phép mở cửa trở lại các hoạt động của nền kinh tế một cách đầy đủ. AMRO dự báo Đông Nam Á sẽ đạt tăng trưởng kinh tế 5,8% trong năm 2022, nhờ tiến độ tiêm chủng ở các nước trong khu vực có thể đạt ít nhất 70% dân số vào đầu năm 2022. Động lực tăng trưởng trong năm 2022 của khu vực chủ yếu là nhờ nhu cầu lớn trên thế giới đối với mặt hàng chế tạo xuất khẩu.

Những “cơn gió chướng”

Yếu tố trước hết cần xem xét là “yếu tố liên quan đến Trung Quốc” vốn có thể tác động đến tinh thần kinh doanh của nước này nói riêng và hoạt động kinh tế trên thế giới nói chung. Gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát đối với các tập đoàn lớn của nước này, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ “có máu mặt”. Ngoài ra, tình trạng bất ổn có thể hiện hữu sau vụ “bom nợ” Evergrande. Núi nợ của siêu tập đoàn bất động sản này có thể gây ra những hệ quả tiêu cực sâu rộng đối với không ít thể chế tài chính và ngân hàng cũng như các tập đoàn khác trong và ngoài nước cho Evergrande vay nợ.

Thế giới trong “mùa gió chướng” -0
Thế giới trong “mùa gió chướng” -0
Kinh tế Đông Nam Á được cho là sẽ bật mạnh trong năm 2022.

Yếu tố thứ hai, giới đầu tư và kinh doanh toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ và Trung Quốc, đang trong tâm thế “chờ đợi” chính sách thương mại của Mỹ dưới thời chính quyền ông Joe Biden đối với Trung Quốc trong bối cảnh cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều chịu tác động từ cuộc chiến thương mại giữa hai bên trong 3 năm qua. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai hôm 4-10 đã phát đi tín hiệu tích cực về lộ trình điều chỉnh chính sách thương mại của chính quyền ông Biden đối với Bắc Kinh. Dù vậy, triển vọng điều chỉnh như thế nào vẫn còn là một “ẩn số” khi xét đến những yếu tố chẳng hạn như sức ép chính trị có thể gây khó khăn cho những động thái mang tính nhượng bộ.

Yếu tố thứ ba, chiến lược của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có nguy cơ làm chệch hướng tiến trình phục hồi kinh tế trên thế giới. Quyết định hôm 4-10 vừa qua của OPEC về việc không tăng sản lượng khai thác bất chấp giá dầu tăng và nguồn cung sụt giảm đã làm dấy lên những quan ngại về lạm phát trong bối cảnh chính tình trạng lạm phát đang đè nặng lên khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.

Bên cạnh đó là những yếu tố mà IMF đưa ra như sức ép lạm phát và nợ công. Theo thể chế tài chính này, sức ép lạm phát, một nhân tố rủi ro chính, có thể sẽ giảm bớt ở hầu hết các nước trong năm 2022 song sẽ tiếp tục ảnh hưởng một số nền kinh tế đang nổi và đang phát triển. IMF cũng cảnh báo kỳ vọng lạm phát gia tăng liên tục có thể khiến tỷ lệ lãi suất tăng mạnh kèm theo những điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Mặc dù nhìn chung vào thời điểm này các ngân hàng trung ương tránh việc thắt chặt tài chính song họ có thể sẵn sàng hành động mau lẹ nếu đà phục hồi diễn ra mạnh mẽ hơn dự tính hoặc xảy ra những rủi ro lạm phát. Vì vậy, việc giám sát rủi ro tài chính lúc này có ý nghĩa quan trọng.

Mức nợ công toàn cầu, hiện chiếm khoảng 100% tổng sản phẩm quốc nội trên thế giới, đồng nghĩa với việc nhiều nước đang phát triển khó có thể phát hành khoản nợ mới với những điều kiện thuận lợi. Vì vậy, giải pháp tạm thời lúc này là cần minh bạch hơn nữa về nợ công, những chính sách quản lý nợ công thích hợp và những khuôn khổ quản lý mở rộng.

Những đối sách khả thi

Để thu hẹp sự khác biệt về khả năng phục hồi kinh tế trên thế giới, các nước giàu có hơn cần tăng cường phân phối vaccine đến các nước đang phát triển, gỡ bỏ những hạn chế thương mại và tăng cường hỗ trợ vốn cần thiết cho công tác xét nghiệm, truy dấu và điều trị COVID-19. Sự cách biệt về tỷ lệ tiêm chủng vaccine giữa các nền kinh tế phát triển và những nước nghèo hơn có thể kìm hãm tiến trình phục hồi kinh tế thế giới, làm GDP toàn cầu sụt giảm hơn nữa.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Aaditya Mattoo nhận định: “Việc triển khai vaccine và xét nghiệm nhằm kiểm soát COVID-19 có thể giúp các nước đang gặp khó khăn phục hồi hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2022 và nâng tăng trưởng kinh tế lên gấp đôi vào năm 2023... Tuy nhiên, trong dài hạn, chỉ có những chương trình cải cách sâu rộng mới có thể ngăn chặn sự đình trệ kinh tế và bất bình đẳng gia tăng, được cho là cuộc khủng hoảng kép chưa từng có tại khu vực trong thế kỷ này”.

Tương tự, IMF khuyến nghị các nước cần lên kế hoạch thận trọng để chuyển hướng sang các biện pháp củng cố tài khóa trung hạn, giảm thiểu những gánh nặng nợ nần do đại dịch gây ra đồng thời tránh được những cắt giảm nghiêm trọng trong chi tiêu giáo dục và chăm sóc y tế.

Hà Ngọc (Tổng hợp)
.
.