Thế giới và “kỷ nguyên cứu trợ kinh tế”

Thứ Ba, 08/11/2022, 08:00

Tác động tích lũy của ba cuộc khủng hoảng liên tiếp đã cho thấy một thực tế là nhiều chính phủ đã trở nên nhanh chóng phản ứng với các trường hợp khẩn cấp hơn so với trước đây. Kết quả là thế giới có vẻ đang chứng kiến một “kỷ nguyên cứu trợ”.

Các chính phủ ngày nay đã đưa ra một số biện pháp để cắt giảm tiêu dùng, trong đó chủ yếu là các công cụ tài chính. Anh đã phân bổ khoản tài trợ trị giá 6,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tới để bảo vệ các hộ gia đình và các công ty khỏi các hóa đơn năng lượng cao hơn, nhiều hơn số tiền mà nước này chi cho chương trình tăng cường và hỗ trợ cho người tự kinh doanh trong giai đoạn 2020-2021.

anh1.jpeg -0
Thời gian qua, nhiều nước tung các gói hỗ trợ để ứng phó khủng hoảng.

Đức và Pháp đang cung cấp khoản trợ cấp trị giá khoảng 3% GDP. Các chính phủ châu Âu đang quốc hữu hóa một lượng lớn công ty trong lĩnh vực năng lượng. Tại Mỹ, các thống đốc bang đang đình chỉ thuế nhiên liệu để giúp người dân giảm gánh nặng năng lượng.

Việc tung ra các gói kích thích trong thời điểm khủng hoảng không phải chuyện lạ, nhưng trong 15 năm qua, nhiều chính phủ đã trở nên sẵn sàng trợ giúp hơn rất nhiều.

Những sự kiện định hình

Có 3 sự kiện được cho là đã định hình kỷ nguyên này. Đầu tiên là cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Theo một bài báo của Deborah Lucas thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, trong giai đoạn này, Mỹ đã chi 3,5% GDP cho các khoản cứu trợ liên quan đến khủng hoảng, bao gồm cả việc rót vốn cho các ngân hàng và người cho vay thế chấp. Các biện pháp can thiệp được đưa ra trên cơ sở “không hành động sẽ gây tốn kém hơn nhiều”. Nếu hệ thống ngân hàng sụp đổ, phần còn lại của nền kinh tế cũng suy sụp theo.

Thứ hai, khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong các lần phong tỏa, các chính phủ đã cung cấp hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ, đảm bảo lượng lớn các khoản cho vay của công ty. Không giống như các cuộc khủng hoảng trước đây, trong đại dịch COVID-19, tỷ lệ đói nghèo không tăng và ở một số nơi thậm chí đã giảm xuống. Ở một số nền kinh tế tiên tiến, thu nhập khả dụng đã tăng lên. Hầu hết các công ty phải đóng cửa trong đại dịch sau đó đã có thể mở cửa trở lại.

Sự kiện thứ ba là giá năng lượng tăng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Quy mô thách thức mà châu Âu phải đối mặt, nơi giá năng lượng cho người tiêu dùng đã tăng 45% so với năm trước, đã thuyết phục nhiều chính trị gia rằng một lần nữa không có lựa chọn nào khác ngoài sự can thiệp lớn của nhà nước. Theo phân tích của ngân hàng Goldman Sachs, hóa đơn năng lượng của châu Âu sẽ tăng khoảng 2 triệu euro (1,94 triệu USD) so với năm 2021. Các chính phủ sẽ trợ cấp phần lớn khoản này.

Tác động tích lũy của ba cuộc khủng hoảng liên tiếp đã đặt ra những kỳ vọng mới về những gì nhà nước có thể và nên làm trong các cuộc khủng hoảng. Điều này có thể nhìn thấy trong các gói cứu trợ, bảo lãnh và cứu trợ nhỏ hơn đã xuất hiện “tới tấp” kể từ đầu những năm 2010. Chính phủ Italy đã lập kế hoạch để xử lý các khoản nợ của ngân hàng, nhằm nỗ lực thúc đẩy khu vực tài chính tư nhân cho vay trở lại. Chính phủ Anh đã bảo lãnh cho các ngân hàng để họ cung cấp các khoản thế chấp lớn hơn. Giá trị tiền gửi ngân hàng được Chính phủ Mỹ bảo hiểm đã tăng 40% trong 5 năm qua.

Nhưng gần đây đã bắt đầu xuất hiện những tiếng nói quan ngại: Liệu các chính phủ có đang “quá tay” với các biện pháp cứu trợ? Vào tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ chi hàng trăm tỷ USD để bảo lãnh cho những người Mỹ đang nợ tiền vay từ hồi sinh viên. Đồng thời, ông Biden mở rộng bảo lãnh cho vay đối với năng lượng sạch. Australia và New Zealand đã cung cấp cho công dân các khoản thanh toán chi phí sinh hoạt để đối phó với lạm phát cao. Ba Lan đã đưa ra lệnh tạm hoãn đối với các khoản nợ thế chấp. Romania cũng đang làm điều tương tự. Những biện pháp can thiệp tiếp không có dấu hiệu gì là sẽ dừng lại.

Phản ứng thái quá…

Các chính phủ đang phản ứng nhanh chóng với các trường hợp khẩn cấp hơn so với trước đây. Tờ Economist đã kiểm tra dữ liệu chi tiêu công của Chính phủ Anh, xem liệu chi tiêu thực tế của các cơ quan chính phủ cao hơn hay thấp hơn so với ngân sách ban đầu. Điều này cho thấy mức độ thường xuyên và mức độ dứt khoát của chính phủ đối với các trường hợp khẩn cấp.

Một nghiên cứu gần đây của chuyên gia Dan Gabriel Anghel thuộc Đại học Nghiên cứu Kinh tế Bucharest và các đồng nghiệp, cho thấy trong những năm 1990, các chính phủ châu Âu đã phát động khoảng hai đợt cứu trợ mỗi năm. Nhưng tới năm 2019, châu Âu đã tung ra 10 đợt cứu trợ. Các dữ liệu khác cũng chỉ ra trạng thái cứu trợ ngày càng tăng. Theo Văn phòng Ngân sách quốc hội, vào năm 1979, 1 trong 5 người Mỹ có thu nhập thấp nhất đã nhận được các khoản tiền trị giá 32% thu nhập trước thuế của họ. Đến năm 2018, con số này là 68%.

Một lợi ích thiết thực từ “làn sóng” cứu trợ này là doanh nghiệp bị phá sản hoặc người dân rơi vào cảnh túng quẫn xảy ra ít thường xuyên hơn. Một lợi ích khác của nhà nước cứu trợ là người dân và doanh nghiệp không còn cần phải chi tiêu nhiều cho bảo hiểm nữa, vì họ biết rằng khả năng họ được “giải cứu” đã cao hơn. Ví dụ, ở Mỹ, tổng chi tiêu cho phí bảo hiểm đạt đỉnh vào đầu những năm 2000 - vào khoảng 8% GDP, nhưng hiện đã giảm xuống dưới 6% GDP.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về những nhược điểm nếu “chiếc phao cứu trợ” được tung ra ồ ạt thiếu cân nhắc. Thứ nhất, đó là chi phí tài chính lớn. Khi các ngành công nghiệp, công ty hoặc người dân gặp khó khăn và trợ giúp tài chính được tung ra, lợi nhuận được tư nhân hóa nhưng nợ công ngày càng tăng hoặc thậm chí xảy ra hiện tượng “nợ ngầm” nguy hiểm. Đây là tình huống khi các chính phủ thường không tính vào số liệu tài chính một số khoản chi tiêu, chẳng hạn như các khoản vay được đảm bảo.

Một số nhà kinh tế học còn chỉ ra các biện pháp can thiệp nhất định thường chỉ chính đáng vào thời điểm khủng hoảng, nhưng nếu can thiệp quá dồn dập hoặc quá lâu có thể “bóp nghẹt” một nền kinh tế. Sức sáng tạo, đổi mới và cạnh tranh có thể bị trì trệ nếu có một “tấm lưới an toàn” đảm bảo cho mọi nguy cơ sụp đổ.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.