Thể thao Việt Nam hướng đến Olympic 2024: Gian nan tìm vé

Thứ Năm, 08/06/2023, 09:19

Cho đến thời điểm này, thể thao Việt Nam vẫn chưa giành tấm vé chính thức nào đến Olympic 2024. Người gần chuẩn nhất là võ sĩ Nguyễn Thị Tâm lại đang dính chấn thương đầu gối chưa rõ nặng nhẹ. Dù vậy, thể thao Việt Nam vẫn đặt kỳ vọng có ít nhất 15 vận động viên (VĐV) đến Paris.

Gian nan tìm vé

Nhiều nguồn tin cho rằng Nguyễn Thị Tâm đã giành vé dự Olympic 2024 sau khi vào chung kết giải vô địch Boxing nữ thế giới 2023 hồi tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, tấm vé này chưa chính thức được xác nhận.

Thể thao Việt Nam hướng đến Olympic 2024: Gian nan tìm vé -0
Nguyễn Thị Tâm chưa rõ khả năng dự Olympic 2024.

Trước giải đấu tại Ấn Độ, Hiệp hội Boxing Quốc tế (IBA) tuyên bố các võ sĩ vào chung kết sẽ đạt chuẩn dự Olympic 2024 theo hạng cân tương ứng. Thế nhưng vào tháng 9/2022, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã ra thông báo loại bỏ các giải đấu của IBA trong quá trình tuyển chọn võ sĩ tham dự Thế vận hội mùa hè. Theo IOC, các giải đấu của IBA có quá nhiều vấn đề và thiếu minh bạch. Vì vậy, họ chỉ trao vé dự Olympic 2024 cho các võ sĩ thông qua 5 đại hội thể thao các châu lục và 2 vòng loại thế giới sẽ diễn ra đầu năm 2024.

Hiện tại, IBA vẫn đang trong cuộc đàm phán với IOC để  dỡ bỏ lệnh cấm. Trong thời gian chờ đợi điều này xảy ra, Nguyễn Thị Tâm vẫn phải tính đến đường tìm vé dự Olympic 2024 ở các giải đấu khác, trong đó đặc biệt là ASIAD 19.

Nhiệm vụ của Nguyễn Thị Tâm lẽ ra đã nằm trong tầm với nếu cô không dính chấn thương đầu gối tại SEA Games 32 vừa qua. Võ sĩ 29 tuổi quê Thái Bình được chẩn đoán đứt dây chằng đầu gối. Nếu phẫu thuật, cô sẽ phải nghỉ thi đấu từ 8 đến 9 tháng và bỏ lỡ ASIAD 19. Tấm vé dự Olympic 2024 vì thế sẽ chịu nhiều rủi ro. Ngay cả khi đạt chuẩn, Nguyễn Thị Tâm cũng phải chạy đua với thời gian để hồi phục và lấy lại thể trạng, phong độ tốt nhất.

Đây rõ ràng là sự cố rất đáng tiếc với thể thao Việt Nam. Nguyễn Thị Tâm là một trong những võ sĩ nữ hạng ruồi mạnh nhất châu Á hiện nay. Cô đã giành Huy chương vàng (HCV) châu Á ở hạng cân này vào năm ngoái, và từng giành huy chương đồng tại ASIAD 18. Ở giải vô địch Boxing nữ thế giới 2023, Nguyễn Thị Tâm cũng chỉ chịu thua sát nút tay đấm của nước chủ nhà Ấn Độ, Nikhat Zareen. Theo đánh giá của giới chuyên môn, nữ võ sĩ Việt Nam có cơ hội lớn vào chung kết ASIAD 19 nếu khỏe mạnh.

Thể thao Việt Nam hướng đến Olympic 2024: Gian nan tìm vé -0
Kình ngư Phạm Thanh Bảo là niềm hy vọng của môn bơi Việt Nam.

Không tính suất chưa chính thức của Nguyễn Thị Tâm, thể thao Việt Nam cũng chưa giành vé nào đến Paris 2024. Áp lực đang đè nặng lên các vận động viên đỉnh cao ở thời điểm này, khi bất cứ sơ sảy nào cũng có thể khiến họ mất tấm vé cao quý này.

Niềm hy vọng lớn nhất của Việt Nam hiện tại đang đổ dồn về môn bơi lội, với cơ hội trông thấy của Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên và Phạm Thanh Bảo sau các chiến thắng ở SEA Games 32. Đây là năm đầu tiên, các nội dung bơi ở SEA Games được Liên đoàn Bơi quốc tế công nhận và tính điểm.

Cho dù không có kình ngư Việt Nam nào đạt chuẩn A Olympic, nhưng màn trình diễn tại Campuchia mang lại nhiều hy vọng. Đáng chú ý, Nguyễn Huy Hoàng dù giảm sút thành tích cá nhân, nhưng vẫn giành 2 HCV các nội dung sở trường, bao gồm 1.500m nam. Đây là cự ly mà kình ngư người Quảng Bình hướng đến suất dự Olympic 2024 khi hướng điểm rơi phong độ vào ASIAD 19.

Trong khi đó, Trần Hưng Nguyên và Phạm Thanh Bảo đều gây ấn tượng mạnh. Trần Hưng Nguyên chính là kình ngư "mở hàng" HCV cho Đội tuyển Bơi Việt Nam tại SEA Games 32 khi về nhất nội dung 200m hỗn hợp nam với thành tích 2 phút 01,28 giây. Phạm Thanh Bảo thậm chí phá kỷ lục của đại hội ở cả 2 nội dung 100m và 200m bơi ếch. Kình ngư này được ban huấn luyện tập trung phát triển ở 2 cự ly này nhằm hướng đến các giải châu lục và thế giới.

Trước ASIAD 19, các kình ngư Việt Nam sẽ có cơ hội “săn chuẩn Olympic” tại giải Vô địch thể thao dưới nước 2023 tổ chức ở Nhật Bản vào tháng 7 tới. Về lý thuyết, bơi lội Việt Nam có thể giành 2 đến 3 vé. Tuy nhiên, thực tế ra sao chỉ có thời gian mới trả lời được.

Những niềm hy vọng lớn

Không phải môn trọng điểm như Boxing hay bơi lội, nhưng nhiều môn thể thao khác hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam hiện diện ở Olympic 2024.

Đầu tiên phải kể đến cầu lông, với một suất nằm trong tầm với của Nguyễn Thùy Linh. Cho dù vừa thất bại khá cay đắng ở SEA Games 32, nhưng tay vợt 25 tuổi quê Phú Thọ đang có năm 2023 đầy thành công với một loạt chiến thắng trên đấu trường quốc tế. Gần nhất chính là chức vô địch Vietnam Challenge 2023 tại Hà Nội.

Thể thao Việt Nam hướng đến Olympic 2024: Gian nan tìm vé -0
Việt Nam có thể chờ đợi kỳ tích ở các môn thể thao khác như golf...

Hiện tại, Nguyễn Thùy Linh đang hướng đến tốp 30 tay vợt nữ xuất sắc nhất thế giới. Cô có thể sớm đạt chuẩn Olympic trong thời gian tới.

Khó lòng đi đường thẳng như Nguyễn Thùy Linh, các tay vợt nam như Lê Đức Phát và Nguyễn Hải Đăng vẫn còn nguyên “đường vòng” để đến Paris. Vì vậy, cầu lông Việt Nam được chờ đợi sẽ có 1,5 vé dự Olympic 2024.

Một môn thể thao khác ít được người hâm mộ quan tâm là đua thuyền Rowing và Canoeing thậm chí có thể mang về 2 suất dự Olympic 2024. Tại Tokyo, Việt Nam có 2 tay chèo đạt chuẩn là Lường Thị Thảo, Đinh Thị Hảo.

Tương tự như vậy, thể dục dụng cụ Việt Nam cũng đang dần tạo dựng vị thế mới với các tài năng trẻ nổi bật như Trịnh Hải Khang, Đặng Ngọc Xuân Thiện, Nguyễn Văn Khánh Phong. Trong 3 kỳ Olympic gần nhất, thể dục dụng cụ Việt Nam đều có VĐV giành suất tham dự chính thức. Trong đó, Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành là 2 đại diện ở Tokyo 2020. Hiện tại, cả hai đều là “lão tướng” và chấp nhận nhường cơ hội cho thế hệ kế cận.

Cho dù gặp nhiều khó khăn vì đại dịch, nhưng các đàn em của Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành vẫn có thể hoàn thành mục tiêu giành 1 đến 2 vé. Đánh giá về cơ hội tham dự Thế vận hội, HLV đội tuyển nam - Trương Minh Sang cho biết: “Khác với nhiều môn thể thao khác, thể dục dụng cụ không tính thành tích ở ASIAD cho vòng loại Olympic. Muốn có vé, các VĐV tích điểm thông qua thi đấu nhiều giải quốc tế. Chúng tôi đã lỡ hai giải đấu quan trọng trước đó là vòng loại Olympic tại Anh và Pháp diễn ra năm 2022 vì vấn đề visa”.

“Trong năm 2023 sẽ có 4 cúp thể dục dụng cụ thế giới, đồng thời là vòng loại Olympic 2024. Ngoài ra, vào cuối tháng 5 tới sẽ có giải vô địch châu Á và vòng loại Olympic tại Hàn Quốc. Vào tháng 10, giải vô địch thế giới tổ chức tại Bỉ sẽ xác định những VĐV chính thức giành vé đến Paris”.

Cuối cùng, thể thao Việt Nam sẽ chờ đợi bất ngờ đến từ các môn mà chúng ta đang thống trị khu vực như vật, đấu kiếm, Judo… Cần biết rằng, trong tổng số 136 HCV Việt Nam giành được tại SEA Games 32, có 48 HCV thuộc các nội dung Olympic Paris 2024, chiếm tỷ lệ 35,29%.

Đoàn thể thao Việt Nam đã giành ngôi nhất toàn đoàn SEA Games 32 đầy thuyết phục. Trong đó, tỷ lệ vàng ở các nội dung Olympic là minh chứng rõ nét cho thấy sự tiến bộ của các VĐV Việt Nam. Cả 12 nội dung của điền kinh Việt Nam đã giành vàng đều có trong chương trình thi đấu ở Olympic Paris,  8/13 nội dung ở môn vật, 5/8 ở môn Judo, 4/4 tại môn thể dục dụng cụ, 4/4 ở môn đấu kiếm. Bên cạnh đó có golf, bóng rổ 3x3,  bóng đá nữ.

Đặc biệt, môn Breaking Dance cũng mang lại thành công cho Việt Nam với 1 HCV và 1 HCB tại nội dung B-girl, nhiều nhất đại hội. Olympic 2024 là lần đầu Breaking Dance ra mắt. Do vậy, tấm HCV SEA Games 32 của Việt Nam đến ở thời điểm này sẽ mang nhiều ý nghĩa.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, ông Đặng Việt Hà nhấn mạnh: “Sân chơi SEA Games vẫn là trọng tâm của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không dành tất cả nguồn lực cho SEA Games. Nguồn lực phải phân phối, đặc biệt phải định hướng ASIAD và Olympic là đích đến. Điều này thể hiện rõ trong chiến lược của thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Vận động viên giành huy chương Olympic 2024 sẽ trở thành tỷ phú

Động lực lớn cho các VĐV Việt Nam hướng đến Olympic là cơn mưa tiền thưởng từ các ban ngành liên quan và các nhà tài trợ. Riêng ở Olympic 2024, các VĐV giành huy chương chắc chắn sẽ trở thành tỷ phú khi trở về nước.

Cụ thể, Công ty TNHH Asong Invest - đối tác chiến lược của Quỹ Chiến lược Thể thao quốc tế tại Việt Nam sẽ tài trợ tiền thưởng cho các vận động viên của Việt Nam đạt thành tích cao ở kỳ Thế vận hội tới. VĐV giành Huy chương vàng sẽ được thưởng 1 triệu USD (khoảng hơn 23 tỷ đồng), Huy chương bạc là 500.000 USD (khoảng 11,5 tỷ đồng) và huy chương đồng là 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng). Chưa kể phần thưởng từ các “mạnh thường quân” khác, riêng các con số này đủ giúp các VĐV trở thành tỷ phú nếu đứng lên bục vinh quang ở Paris.

Đó chắc chắn là một trong những yếu tố đặc biệt thúc đẩy các VĐV nỗ lực không ngừng nghỉ ngay từ bây giờ. Bởi lẽ muốn đoạt huy chương, họ cần giành vé dự Olympic trước.

Thực tế, cơ hội đạt chuẩn Olympic của các VĐV đã thấp, cơ hội giành huy chương càng thấp hơn. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà tài trợ sẵn sàng đưa ra mức thưởng lớn như vậy. Bất cứ VĐV nào tái lập được kỳ tích của Trần Hiếu Ngân hay Hoàng Xuân Vinh trong quá khứ đều là thần tượng mới của giới trẻ, là biểu tượng mới của cả đất nước.

An Khánh
.
.