Thể thao Việt Nam và giấc mơ Olympic: Có tiền là chưa đủ

Thứ Tư, 21/08/2024, 09:38

Thể thao Việt Nam trải qua kỳ Olympic thứ hai liên tiếp thất bại toàn diện cho dù là số 1 khu vực Đông Nam Á. Có nhiều lý do dẫn đến tình cảnh đáng buồn này, trong đó lý do được nhắc đến nhiều nhất vẫn là tài chính, nguồn lực còn hạn chế. Tuy nhiên, một số bộ môn trọng điểm cho thấy chỉ có tiền là chưa đủ cho thể thao Việt Nam cất cánh ở các đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic.

Thất bại được dự báo trước

Thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic Paris 2024 là điều được dự báo trước. Giống như tại Tokyo 2021, đoàn thể thao Việt Nam không có ngôi sao nào thực sự nổi trội. Chúng ta thậm chí không hoàn thành chỉ tiêu về số suất tham dự, và một lần nữa phải chờ “vé mời” ở một trong những môn thi đấu biểu tượng của Thế vận hội là điền kinh.

anh 1.jpg -0
Nguyễn Huy Hoàng gây sốc vì kết quả quá tệ ở Olympic Paris 2024.

Dù vậy, giới mộ điệu vẫn không khỏi thất vọng trước màn trình diễn của các vận động viên nước nhà. Trong số 16 cái tên đến Paris 2024 tranh tài, chỉ có duy nhất xạ thủ Trịnh Thu Vinh lọt vào chung kết và có cơ hội tranh huy chương rõ ràng nhất. Đáng tiếc, Trịnh Thu Vinh chỉ đứng thứ 7 chung cuộc. Những vận động viên còn lại hầu hết đều gây thất vọng. Trong đó, tệ nhất là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng.

Được kỳ vọng sẽ tạo ra bất ngờ tại Paris 2024 ở nội dung sở trường 800m bơi tự do nam, nhưng Nguyễn Huy Hoàng chỉ về đích thứ 28/31. Kết quả của anh ở vòng loại là 8 phút 8,39 giây. Đây là kết quả kém cỏi nhất trong sự nghiệp của kình ngư quê Quảng Bình và kém xa thành tích của anh trong các giải đấu lớn trước đó.

Tại ASIAD 19 tại Thường Châu, Nguyễn Huy Hoàng chỉ mất 7 phút 51,44 giây để bơi hết 800m và đoạt huy chương đồng đầy xứng đáng. Tại Olympic trẻ 2018, Nguyễn Huy Hoàng đạt thành tích cá nhân tốt nhất sự nghiệp là 7 phút 50,20 giây. Không ai nghĩ kình ngư này sa sút đến vậy khi anh mới tròn 24 tuổi.

anh 2.jpg -0
Trịnh Văn Vinh ngã sõng soài là hình ảnh đáng buồn của thể thao Việt Nam.

Tương tự Nguyễn Huy Hoàng, đô cử Trịnh Văn Vinh khiến người hâm mộ ngao ngán khi không thể hoàn thành bài thi ở môn cử tạ hạng 61kg nam. Rất nhiều người chờ đợi Trịnh Văn Vinh sẽ chiến thắng chính bản thân sau thời gian dài bị cấm thi đấu vì doping, nhưng điều đó không xảy ra.

Tính tất cả, chỉ có một số vận động viên Việt Nam thi đấu tốt tại Paris 2024. Ngoài Trịnh Thu Vinh còn có Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát, Trần Thị Nhi Yến… ít nhiều tỏa sáng và mang lại hy vọng cho người hâm mộ Việt Nam. Thế nhưng, những cái tên này vốn không nằm trong tốp 10 vận động viên xuất sắc nhất bộ môn và gần như không có khả năng tranh huy chương ngay từ đầu.

Câu chuyện “tiền đâu”

Sau mỗi lần thất bại nặng nề của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế, câu chuyện về nguồn lực đầu tư lại được nhắc đến. Với giới mộ điệu, “tiền đâu” luôn luôn là lý do đầu tiên giải thích cho các kết quả tệ hại tại ASIAD và Olympic.

anh 3.jpg -0
Việt Nam khó cạnh tranh ở các môn điền kinh, bơi lội.

Thực tế, đổ lỗi cho tài chính không sai. Tại hội thảo "Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030" diễn ra vào tháng 12/2023, Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ước tính cần nguồn kinh phí khoảng 5.800 - 6.150 tỉ đồng để nâng tầm thể thao Việt Nam, hướng đến thành tích ở các giải đấu lớn trong vòng 6 năm tới (2024-2030).

Thoạt nhìn, đây là những con số khổng lồ. Tuy nhiên, nguồn ngân sách này khá ít với tham vọng đề ra. Thực chi ngân sách cho thể thao Việt Nam (bao gồm thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao) trong 5 năm qua lần lượt là 893 tỉ đồng (năm 2020), 890 tỉ đồng (2021), 1.242 tỉ đồng (2022), 893 tỉ đồng (2023) và 826,2 tỉ đồng (2024). Riêng năm 2022 vượt mốc 1.000 tỉ đồng do cộng thêm chi phí tổ chức SEA Games 31. Trong khi đó, năm 2024 giảm mạnh so với năm 2020, 2021 và 2023.

So sánh với các đối thủ lớn trong khu vực, ngân sách của thể thao Việt Nam khá khiêm tốn. Vào năm 2016, ngân sách dành cho Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan là 7,14 tỉ baht (238 triệu USD, tương đương 5.500 tỉ đồng). Số tiền này giảm dần theo từng năm, nhưng vẫn ở mức rất cao so với Việt Nam. Tương tự như vậy, Indonesia, Malaysia và Singapore  đều chi rất nhiều tiền cho thể thao, chưa kể các nguồn đầu tư từ xã hội hóa.

Vị dụ trường hợp của kình ngư số 1 Singapore, Joseph Schooling khiến gia đình tiêu tốn 1 triệu USD (khoảng 23 tỉ đồng) trong 10 năm sự nghiệp. Nếu tính thêm tiền đầu tư từ chính phủ và các nhà tài trợ, con số này còn gấp đôi, gấp ba. Theo nghiên cứu tại Mỹ, các vận động viên muốn giành huy chương Olympic ở các môn đại chúng như điền kinh, bơi lội… sẽ cần đầu tư hàng triệu USD.

Đến tháng 4/2024, Cục Thể dục Thể thao tiếp tục họp với Tổ soạn thảo “Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị các kỳ Olympic và ASIAD đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Tại đây, các thành viên thẳng thắn nhìn nhận các dấu hiệu “nguy hiểm” với thể thao Việt Nam hiện tại. Trong đó, việc thiếu thốn cơ sở vật chất cũng được nhắc đến. Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của các đội tuyển. Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP. Hồ Chí Minh thậm chí chỉ đạt 30%, trong khi ở Đà Nẵng, Cần Thơ còn thiếu các hạng mục cơ bản như bể bơi, sân bóng đá và đường chạy tiêu chuẩn. Câu chuyện ngân sách không chỉ dừng lại ở mức đầu tư cho con người.

Có tiền là không đủ

So với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam từ lâu không có “vận động viên quốc dân” nào. Singapore từng có Joseph Schooling, Malaysia từng có Lee Chong Wei, Philippines đang có Carlos Yulo, trong khi Thái Lan sở hữu Panipak Wongpattanakit, Kunlavut Vitidsarn.

anh 4.jpg -0
Nguyễn Thị Ánh Viên từng vô địch châu Á

Trước đây, người hâm mộ Việt Nam có thể chờ đợi vào Nguyễn Tiến Minh, Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ánh Viên thì hiện tại, chúng ta không còn ai. Ngôi sao nổi bật nhất trong năm qua là Nguyễn Thùy Linh cũng chỉ đứng thứ 20 thế giới ở môn cầu lông đơn nữ. Nguyễn Thùy Linh có cơ hội chiến thắng ở các giải quốc tế vừa tầm, nhưng cô gần như không thể tiến sâu ở các giải đấu tầm cỡ như ASIAD hay Olympic. Đó là sự thật tất cả cần nhìn vào. Nói cách khác, chỉ có tiền là không đủ. Có tiền nhưng phải biết cách dùng tiền mới là chìa khóa giải quyết vấn đề.

Nguyễn Thị Ánh Viên là “nạn nhân” tiêu biểu của việc dùng tiền không đúng cách của thể thao Việt Nam. Cách đây 8 năm, Ánh Viên từng đánh bại thần đồng người Mỹ Katie Ledecky giành huy chương bạc nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nữ ở Giải bơi lội Arena Pro Swim Series diễn ra tại Orlando (bang Florida, Mỹ). Ở thời điểm đó, Ánh Viên được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những đối thủ chính của Katie Ledecky trong tương lai. Đáng tiếc, cô cứ tụt dần lại phía sau cho dù nhận được số tiền đầu tư khổng lồ.

Tính đến Olympic Tokyo 2021, Nguyễn Thị Ánh Viên có 7 năm tập huấn tại Mỹ với tổng số tiền đầu tư lên đến 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, cô không thể vào chung kết trong cả hai kỳ Thế vận hội từng tham dự. Năm 2021, Ánh Viên thậm chí bị đánh giá “hết thời” khi mới 24 tuổi - giống như Nguyễn Huy Hoàng hiện tại.

Năm 2024, Nguyễn Thị Ánh Viên giải nghệ từ lâu, trong khi đối thủ đồng niên của cô - Katie Ledecky giành thêm 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng ở Olympic Paris 2024, qua đó thiết lập hàng loạt kỷ lục. Katie Ledecky không chỉ giành huy chương vàng 4 kỳ Thế vận hội liên tiếp mà còn trở thành vận động viên nữ giành nhiều huy chương Olympic nhất lịch sử. Vẫn biết mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng Ánh Viên là trường hợp điển hình cho thấy chỉ có tiền là không đủ hướng đến vinh quang trong thể thao đỉnh cao.

Thể thao Việt Nam đang chi tiền sai chỗ?

Ngân sách hạn chế, nhưng thể thao Việt Nam lại đầu tư dàn trải. Đây là điều khó trách, bởi lẽ mọi môn thể thao đều cần tiền để thi đấu quốc tế, và Việt Nam không chỉ tranh tài tại ASIAD hay Olympic. Với nhiều người, SEA Games thậm chí có ý nghĩa quan trọng hơn các giải đấu tầm cỡ châu lục và thế giới. Vì thế, không thể cắt giảm nguồn tiền ở môn thể thao này để đổ dồn vào môn thể thao khác.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp cụ thể cho thấy thể thao Việt Nam đang chi tiền sai chỗ. Đơn cử như các môn võ, riêng Wushu chiếm ngân sách hơn 70%. Theo số liệu năm 2022, Cục Thể dục Thể thao duyệt chi cho Wushu đến 46 tỉ đồng, trong khi các bộ môn quan trọng khác như Boxing, Taekwondo, Judo và Vật chỉ có tổng ngân sách chưa đầy 20 tỉ.

Lý do ngầm hiểu là vì Wushu từng mang huy chương vàng thế giới và ASIAD về cho đoàn thể thao Việt Nam. Bất cập nằm ở chỗ, Wushu không có trong chương trình thi đấu Olympic như các môn võ kể trên.

Nếu bóc tách từng bộ môn, sẽ xuất hiện nhiều trường hợp tương tự ở cấp độ thấp hơn. Những môn có khả năng giành vàng ở SEA Games sẽ được đầu tư nhiều hơn ngay cả khi không xuất hiện ở ASIAD. Cứ như vậy, thử thách cho thể thao Việt Nam mỗi khi hướng đến Olympic lại tăng thêm một bậc.

Muốn có sự đầu tư đồng bộ và chính xác hơn, ngân sách phải đủ lớn, những người ra quyết định cũng phải đủ tâm và tầm.

Đơn Ca
.
.