Thêm “màu” cho Trường Sa

Thứ Hai, 22/04/2024, 12:13

Rau xanh có một vai trò đặc biệt quan trọng trong bữa ăn của người Việt. Thiếu rau xanh lâu dài có thể gây ra tình trạng thiếu vitamin dẫn tới suy nhược. Bảo đảm khẩu phần rau xanh trong bữa ăn bộ đội, nhất là lực lượng đóng quân trên quần đảo Trường Sa là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành hậu cần quân đội.

Qua thực tế tăng gia sản xuất, bộ đội Trường Sa đã đúc rút kinh nghiệm trồng rau xanh, cải tạo đất để phát triển bền vững. Hiện tại ngay cả những đảo có diện tích vườn rau ít dưới 90m2 cũng đã tự túc được rau xanh, tạo niềm tin lớn tới cư dân sinh sống trên đảo.

Chiến lược cải tạo đất, giữ màu xanh lâu dài

Xuất phát từ yêu cầu tạo ra nhiều đất canh tác trên quần đảo Trường Sa, Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường biển thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện đề tài dùng chế phẩm sinh học ủ cát san hô trở thành đất trồng trọt. Đề tài này vẫn đang trong quá trình thực nghiệm, tuy vậy cũng gợi ý cho cán bộ, chiến sĩ và người dân đối với vấn đề cải tạo đất.

vu_n rau c_a ngu_i d_n tr_n d_o sinh t_n.jpg -0
vu_n hoa c_a ngu_i d_n tr_n d_o sinh t_n.jpg -0
Vườn hoa của người dân trên đảo Sinh Tồn

Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh, chính trị viên Cụm chiến đấu 3, đảo Song Tử Tây, là một người có nhiều đam mê với đề tài này. Từ vườn ươm của đơn vị, anh cùng đồng đội đã ươm trồng nhiều loại cây lâu năm, lựa chọn các loại rau màu phù hợp với thổ nhưỡng để phân phối cho các đảo lân cận. Thí dụ như quy trình ươm cây bàng ta. Từ công đoạn phơi khô hạt giống, ươm trong bầu, đưa ra trồng đều được đúc kết thành một quy trình chặt chẽ. Tiếp đến là quy trình tạo nguồn đất, từ tạo độ ẩm đến ủ phân tạo màu cho đất đến các giai đoạn giữ ổn định cho cát, phủ xanh tạo thảm thực bì.

Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Ở Trường Sa có rất nhiều điều mới mẻ, rất khác biệt với đất liền, thí dụ chống lại sự di chuyển của cát, ta cần trồng cây phong ba phía trước và cây bão táp phía sau, tiếp đến là các loại cây tạo độ ẩm cho đất. Khi đã giữ được cát ta mới tính tiếp đến việc tạo màu cho đất. Ngoài ra phải lựa chọn giống cây thích hợp phù hợp với điều kiện tự nhiên. Như trồng rau, ưu tiên các loại như rau ngót và rau muống đất, có thể phát triển trên đất bạc màu đồng thời thân, rễ của chúng cũng góp phần cải tạo đất”.

Tôi đã từng ra công tác tại đảo Trường Sa từ năm 2004, thời điểm đó rau xanh là một vấn đề khá nan giải đối với các đảo nhỏ. Một phần do thiếu cơ sở vật chất, tiếp đến là thiếu kinh nghiệm tăng gia sản xuất, đôi khi những nắm rau sam cũng trở thành cứu cánh đối với chiến sĩ thiếu “chất xanh” lâu ngày. Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa này, chúng tôi rất ngạc nhiên với nguồn rau xanh tại chỗ của bộ đội. Ngoài những loại rau dễ trồng như rau cải, rau muống, mồng tơi, rau ngót… còn nhiều loại củ, quả tưởng như khó trồng như: bí ngô, bầu, mướp, cà tím… Bữa ăn quân đội nơi đảo xa giờ không khác mấy so với đất liền.

Được biết vào thời điểm hiện tại, nhiều đảo nhỏ cũng đã bảo đảm tự cung cấp rau xanh tại chỗ. Bí quyết ở đây chính là việc cải tạo đất và sử đụng nguồn nước ngọt hợp lý. Thời gian trước bộ đội thường dùng cách bóc sạch lớp cát san hô, rồi thay vào đó lớp màu lấy từ trong đất liền. Cách làm này vừa tốn công sức mà đất cũng bị bạc màu nhanh nếu không được bổ sung. Cách làm mới thiên về việc cải tạo và ủ đất san hô với mùn, rác hữu cơ sau khi đạt được độ ngấu nhất định sẽ đưa vào sản xuất. Trong quá trình chăm sóc cây phải chú ý đến yếu tố nước ngọt. Trong thực tế ở một số đảo cũng có nguồn nước lấy từ giếng, có thể sử dụng sinh hoạt, song nguồn nước này thường bị nhiễm mặn không phù hợp với hầu hết các loại cây trồng.

nguy_n quang vinh.jpg -0
Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh cùng chiến sĩ chăm sóc vườn rau.

Chúng tôi được tham quan một số hộ gia đình trên các đảo Song Tử Tây và Sinh Tồn. Theo kinh nghiệm của bộ đội truyền đạt lại, các hộ dân đều tự cung cấp đủ rau xanh ăn quanh năm, kể cả vào những tháng mùa khô thiếu nước. Với diện tích vườn không quá 20m2, nhiều gia đình không những đủ rau xanh mà còn thừa để bán lại cho các tàu cá đánh bắt lâu ngày trên biển. Việc này đã củng cố niềm tin về cuộc sống ổn định, lâu dài, phát triển cho nhiều cư dân sinh sống trên quần đảo.

Hồ lắng nước ngọt và túi ươm cây

Xưa nay chúng ta vẫn biết nước mưa là nguồn nước ngọt chủ yếu cung cấp cho đời sống và sinh hoạt của bộ đội Trương Sa. Từ đó nhiều người cho rằng nước mưa sẽ giúp tưới cây một cách tự nhiên. Thực tế không phải vậy, bởi trong nước của những cơn mưa giữa biển luôn chứa đựng một lượng muối nhất định. Nếu nước mưa trực tiếp rơi xuống cây sẽ khiến cho các loại rau xanh bị táp. Qua quá trình quan sát và tích lũy kinh nghiệm, cán bộ chiến sĩ trên các đảo truyền nhau “bí kíp” sử dụng nước mưa hiệu quả cho cây nhất, đó là sử dụng hồ lắng. Những hồ lắng này có thể được tận dụng bằng những loại thùng phuy cắt dọc thân, hoặc đơn giản hơn là đào hố lót bằng một tấm nilon như cách bộ đội trữ nước khi hành quân dã ngoại. Quá trình tích tụ nước mưa lâu ngày sẽ sinh ra các loại rêu, tảo, vi sinh vật trung hòa chất muối có trong nước mưa. Và đây mới là nguồn nước tưới chủ yếu cho cây xanh, nhất là các loại rau xanh ngắn hạn.

rau1.jpg -0
Tăng gia sản xuất trên đảo.

Trung sĩ Nguyễn Đình Phương, đảo Đá Thị, dẫn chúng tôi tham quan vườn rau xanh quanh đảo. Có 3 vườn, tổng cộng diện tích là 78m2. Khu tăng gia “chiến lược” của đảo trồng các loại rau cải, ngót, muống, cà tím, mồng tơi… Có thể thấy rằng mỗi tấc đất đều được tận dụng tối đa. Hệ thống hồ lắng được tổ chức liên hoàn kéo từ phía ngoài vào trong vườn. Phải nói thêm rằng vườn ở các đảo nhỏ này đều được quây bạt bốn phía nhằm tránh gió, phủ nhựa trong trên mái để cây có đủ nắng sinh trưởng. Đây có thể coi là kết cấu tiêu chuẩn cho vườn rau của các đảo nhỏ. Nước qua quá trình lắng muối, sẽ được tưới thẳng vào gốc cây giữ ẩm.

Cách làm này không khác quy trình tưới nhỏ giọt trên đất liền, tuy nhiên trên đảo lại không có đủ trang thiết bị cần thiết nên “quy trình” này phải dự vào sức lực của bộ đội. Dù vậy, việc chăm tưới vườn rau cũng đem lại niềm vui lớn cho mỗi cán bộ chiến sĩ. Ngoài vườn rau “chiến lược”, bộ đội còn tận dụng tất cả các góc khuất gió và có nắng để trồng thêm các loại rau thơm, rau gia vị… qua đó ra một lượng rau xanh dồi dào bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày.

vu_n rau tr_n d_o c_ lin.jpg -0
Vườn rau trên đảo Cô Lin.

Vậy còn túi ươm cây thì thế nào? Thực tình nó rất đơn giản chính là cách che chắn gió mưa cho từng cây. Mô hình này được áp dụng cho các loại cây lâu năm sau quá trình ươm giống được đưa ra trồng ngoài thực địa. Mỗi gốc cây là một túi ươm, cây vươn cao túi ươm cũng vươn cao. Hình ảnh ấy có sức truyền cảm lớn. Mới thấy mỗi mầm xanh trên quần đảo này đã chứa đựng bao công sức của bộ đội. Nghị quyết của Đảng bộ Vùng 4 Hải quân về xanh hóa Trường Sa qua hơn một năm thực hiện đã có những kết quả bước đầu ấn tượng. Theo đó hiện đã có hơn 80% diện tích các đảo có điều kiện phù hợp trồng cây lâu năm được phủ xanh.

vu_n rau tr_n d_o __ th_.jpg -0
Vườn ớt trên đảo Đá Thị.

Các đầu mối đơn vị và phân đội, cụm chiến đấu quán triệt nghị quyết tới từng cá nhân, theo đó mỗi lượt cán bộ, chiến sĩ ra công tác tại đảo sẽ trồng từ 5 đến 10 cây.  Trong trường hợp đảo đã hết diện tích phù hợp trồng mới, các chiến sĩ sẽ chăm sóc cho các cây non. Chính vì thế mà đi trên nhiều đảo lớn chúng tôi thường bắt gặp những túi ươm cây cao, thấp theo độ phát triển của từng cây.

Thượng tá Trần Văn Tình, chính trị viên đảo Sinh Tồn, cho biết việc thực hiện nghị quyết về xanh hóa Trường Sa được Đảng ủy đưa vào nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên toàn đảo. Rừng phi lao xanh thẫm, đầy sức sống trên đảo Sinh Tồn là minh chứng sinh động cho những nỗ lực, công sức của bộ đội trong thời gian qua.

Đông Hà - Ninh Cơ
.
.