Thị trường hàng Tết: Người cười nụ, kẻ khóc thầm

Thứ Tư, 11/01/2023, 13:04

“Bán không lỗ, đời không nể”, “Phải bỏ tù bọn đến giờ vẫn không chịu sắm Tết”, “Căng cực! Các chủ quán bánh, mứt đang đứng ngồi không yên, vì người dân năm nay chán, không chịu sắm Tết”... là những status mang tính tếu táo nhưng phản ánh rất đúng thực tế của các chủ shop kinh doanh online ở thời điểm cận Tết này.

Vẫn 24/24h tay cầm điện thoại chăm chỉ bắt khách, nhưng với tình trạng vạn người bán, chỉ có trăm người mua, nhiều chủ shop đã buông vì “cá đuối”, quá nản khi ngày nào cũng lên mạng rao khản tiếng nhưng không có mấy người mua...

Hiu hắt trên mọi “mặt trận”

Đó là nhận xét của chị Lê Ngọc Yến, một chủ shop chuyên sản xuất bánh, mứt và khá nổi tiếng trong giới kinh doanh online. Bếp bánh của chị đã duy trì được gần chục năm nay nhưng đây là năm đầu tiên gặp phải tình trạng ế hàng, dù giá cả không hề tăng, thậm chí còn giảm so với năm ngoái.

Thị trường hàng Tết: Người cười nụ, kẻ khóc thầm -0
Phố Hàng Buồm trong cảnh “chùa Bà Đanh”.

Chị Lê Hồng Thu - một chủ shop kinh doanh online khác cũng gặp cảnh tương tự, cơ sở của chị Thu sản xuất nhiều mặt hàng thực phẩm phục vụ dịp Tết nhưng thời điểm này, chị cũng như các nhân viên của mình sốt ruột đứng ngồi không yên vì bánh, mứt sản xuất ra quá nhiều nhưng người mua hầu như không có hoặc sức mua rất chậm.

Chị Ngọc Nga - một chủ shop kinh doanh thực phẩm online cho biết, bằng giờ này năm ngoái, chị đã tiêu thụ được gần 500 đùi heo muối Tây Ban Nha, mấy trăm thùng rượu vang, vài tạ thịt trâu, thịt bò gác bếp, nhưng hiện tại, con số ấy thực sự là mơ, bởi năm nay, ai cũng có tâm lý chỉ sắm vừa đủ, hạn chế biếu xén. Dù hàng hóa đã dự trữ cả tháng nay phục vụ Tết nhưng đến thời điểm này, tức là chỉ còn cách Tết hơn một tuần, hầu như hàng hóa vẫn còn nguyên và chưa có dấu hiệu nhúc nhích.

Lý giải về điều này, nhiều người cho rằng, đây mới là tình trạng khó khăn chung của toàn thế giới, khi mà dịch giã đã kéo nền kinh tế thụt lùi, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều lao động mất việc làm nên người dân đều có chung tâm lý là thắt chặt chi tiêu, những gì thật sự phục vụ cho nhu cầu chính đáng họ mới móc tiền ra khỏi ví, chứ không mua ồ ạt như trước, nhất là khi đã trải qua những ngày tháng dịch giã khó khăn, không có việc làm, không có thu nhập, họ càng có tư tưởng tích lũy phòng khi thất bát.

Thị trường hàng Tết: Người cười nụ, kẻ khóc thầm -0
Hàng hóa phục vụ Tết ngập tràn nhưng vắng người mua.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên ngành xây dựng than thở, nghĩ đến việc thưởng Tết cho nhân viên mà toát mồ hôi, nửa đêm giật mình tỉnh dậy không biết sẽ lấy tiền đâu ra. Anh dự định sẽ phải cầm cố chiếc xe ôtô đang đi để lấy tiền thưởng tết cho nhân viên. Nhưng, đó cũng là tình cảnh của không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ thời điểm này, vì vậy thị trường mua sắm hiu hắt là không có gì phải bàn cãi bởi nhiều người không còn hào hứng sắm Tết, thậm chí “Tết năm sau hãy về càng tốt”.

Theo các chuyên gia, năm 2023, kinh tế sẽ tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn. Thực ra, tình trạng khó khăn đã diễn ra từ dịp dịch COVID-19 bùng phát, có điều, thời điểm đó, người dân còn tiền tích lũy nên vẫn có thể sinh hoạt, mua sắm khá thoải mái với khoản tiền tích trữ này. Tuy nhiên, dù dịch dã đi qua nhưng hệ quả của nó sẽ còn tác động lâu dài tới việc làm và thu nhập của rất nhiều người khiến cho thị trường hiu hắt trên mọi mặt trận.

Những năm trước, khu phố Hàng Ngang, Hàng Đào, một biểu  tượng rực rỡ của thương mại phố cổ luôn là điểm đến mỗi dịp lễ tết, người dân kéo về đây mua sắm quần áo diện tết nườm nượp, nhưng rất nhiều shop đã đóng cửa hoặc trả cửa hàng thời điểm trong và sau dịch COVID 19, cho đến giờ vẫn chưa mở lại. Thế nên, đi lên khu phố đó thời điểm này, sẽ bắt gặp tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh” và nhiều nhà đã đóng cửa sớm ngay từ chập tối, chứ không sáng đèn đón khách như trước đây.

Tương tự, các khu phố thương mại thuộc khu vực phố cổ như phố Hàng Buồm, Hàng Đường, Hàng Khoai, Nguyễn Siêu, chuyên buôn bán bánh kẹo, rượu, sữa, hoa tươi... cũng không còn tấp nập cảnh người dân chen chúc mua sắm nữa, một là họ đã lựa chọn hình thức mua sắm online, kiểu đi chợ truyền thống không còn hấp dẫn, nhưng nguyên nhân chính vẫn là người dân e ngại việc mua sắm quá nhiều mà không dùng đến gây lãng phí, tốn tiền, trong khi kinh tế đang eo hẹp.

Một nơi được coi là kinh doanh sầm uất bậc nhất Hà Nội, đấy là chợ hoa quả đầu mối Long Biên, tình thế cũng không khá khẩm gì hơn. Sức mua không tăng so với ngày thường, chị Hoa - một tiểu thương chuyên ngành hàng hoa quả ở chợ Long Biên cho biết, thời điểm này năm trước, nhân viên của chị làm giỏ hoa quả phục vụ khách biếu Tết không có thời gian nghỉ ăn cơm, nhưng năm nay rất ít người đặt hàng. Khách buôn cũng chỉ lấy vừa phải, không dám ôm hàng vì sợ ế.

Thị trường hàng Tết: Người cười nụ, kẻ khóc thầm -0
Pháo hoa của nhà máy Z121 là mặt hàng Tết hiếm hoi cháy hàng.

Người cười nụ, kẻ khóc thầm

Nổi tiếng trong giới kinh doanh online với những content ấn tượng, có khả năng dẫn dụ khách “không muốn cũng phải mua”, thế nhưng mùa Tết năm nay, dù mỗi ngày đau đầu suy nghĩ content, mỗi ngày một content khác nhau thì mỗi status bán hàng của chị Đinh Lành - một chủ shop kinh doanh online cũng chỉ dừng lại ở việc được một số người bạn thân thiết từ trước like dạo hoặc comment theo đúng tính chất ngoại giao. “Chỉ like mà không mua” - là slogan mới nhất của một số chủ shop online khi nhắc đến cư dân mạng. “Rao khản loa, mòn tay, không nghĩ ra được content gì nữa, mà hàng hóa ì ạch không đi nổi”, “Nếu các ông không mua hàng, tôi sẽ đăng ảnh câu like rẻ tiền”... là những content tếu táo của một số chủ shop hiện nay. Trước tình trạng khó khăn chung, rất nhiều người kinh doanh đã thỏa sức sáng tạo, sử dụng nghìn lẻ một chiêu trò để hút khách. Mà một những trong những chiêu thức đơn giản nhất dễ áp dụng đấy là khuyến mại.

Một chủ doanh nghiệp chuyên nhập khẩu rượu ngoại cho biết, thời điểm này, anh đang bấn loạn vì hàng nghìn thùng rượu vang vẫn nằm yên trong kho, trong khi trước đó phải cắm cả sổ đỏ để lấy tiền “ôm” rượu. Vì không phán đoán được thị trường, không nghĩ là sức mua lại kém hơn năm ngoái nên giờ giờ đây, anh phải dùng chiêu khuyến mại đặc biệt: Mua 1 thùng rượu vang Úc 6 chai được tặng 2 hộp nho khô nguyên cành cũng từ Úc. Chấp nhận cắt lỗ để thu hồi vốn, được đồng nào hay đồng ấy chứ tầm này không mơ gì đến chuyện thu lãi nữa.

Thị trường hàng Tết: Người cười nụ, kẻ khóc thầm -0
Giảm giá 70% vẫn không có người mua.

Mua 1 tặng 1, mua 3 tặng 2... được nhiều chủ shop kinh doanh quần áo và giày dép online áp dụng. Theo dõi các page bán hàng được chạy quảng cáo, mới thấy người chốt đơn cũng nhiều, nhưng người xả đơn cũng nhiều không kém. Lúc chốt đơn là theo kiểu “vui vui thì chốt”, còn lúc xả hàng cũng kiểu “vui vui thì xả, gì mà căng”. Báo hại chủ shop vừa livestream bán hàng vừa nghiến răng “lên án” khách vô tình, đã không ủng hộ thì thôi lại còn chơi bài bom hàng, xả hàng. Lúc hối hả đóng hàng gửi đi cho khách thì vui như tết, quên hết mệt nhọc, lúc hàng quay đầu nản đến không buồn mở gói ra kiểm tra, đành chất đống ở góc nhà đợi... Tết năm sau bán tiếp.

Trong tất cả các mặt hàng Tết năm nay, nhộn nhịp nhất có lẽ là mặt hàng pháo hoa do nhà máy Z121 thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất. Hiện nay, người dân chỉ được phép sử dụng loại pháo hoa do nhà máy Z121 sản xuất, sản phẩm được phân phối tại 206 cửa hàng thuộc 56 tỉnh, thành trên toàn quốc. Mỗi người dân được mua tối đa 3 giàn pháo hoa tại các cửa hàng này và có hóa đơn chứng từ kèm theo. Tuy nhiên, giá của các loại pháo này đang bị các con buôn rao giá thường là cao ít nhất gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí gấp ba so với giá niêm yết bán ra của nhà máy là 308.000 đồng (đối với giàn phun viên). Dù bán đúng giá niêm yết của nhà máy là đã được chiết khấu phần trăm theo quy định, nhưng hầu như tất cả những người kinh doanh mặt hàng này đều tự ý tăng giá theo cách của mình, theo tệp khách hàng của mình, theo thời điểm và theo... ngẫu hứng của mình.

Thị trường hàng Tết: Người cười nụ, kẻ khóc thầm -0
Những status thế này của các chủ shop online tuy hài hước nhưng phản ánh thực tế buồn tẻ của việc kinh doanh hàng tết.

Không như các mặt hàng khác, pháo hoa là mặt hàng đặc biệt, trăm người bán nhưng có tới vạn người mua, thế nên các chủ shop tha hồ đẩy giá và hiện tại, cơ quan chức năng chưa có biện pháp gì để ghìm giá cho mặt hàng này về đúng giá trị ban đầu của nó. Nguyên nhân là dù đã hoạt động hết công suất nhưng nhà máy chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu của người dân nếu tính trên tổng dân số hơn 90 triệu người. Cách đây 1 tuần, mặt hàng này bị đẩy giá lên cao nhất và khách phải tranh nhau mới được sở hữu, nhưng thời điểm cận Tết, giá đã bắt đầu hạ nhiệt, lý do là các chủ shop muốn đẩy nhanh để còn gọn gàng đón Tết và thu tiền về. Tuy nhiên, hiện tượng giảm nhiệt chỉ xảy ra đối với mặt hàng pháo hoa giàn phun viên, còn loại giàn phun hoa vẫn là đang được săn lùng vì khan hiếm và giá vẫn cao ngất ngưởng.

Hiền Phương
.
.