Thị trường vàng 2024: Sẽ còn tăng

Thứ Hai, 08/01/2024, 16:24

Quỹ đạo của vàng trong năm 2023 đã khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên vì thứ kim loại này vẫn kiên cường trước những "cơn gió ngược" kinh tế vĩ mô truyền thống như biến động thị trường, bất ổn địa chính trị và sự không chắc chắn trong chính sách tài chính và tiền tệ của Mỹ.

Ngoài ra, nhu cầu cơ bản về vàng, từ lượng mua kỷ lục của ngân hàng trung ương đến nhu cầu sử dụng mạnh mẽ trong trang sức, đã giúp kim loại này vượt qua bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy thách thức.

Thị trường vàng 2024: Sẽ còn tăng -0
Dự báo giá vàng tăng mạnh năm 2024.

Theo ông Robin Tsui, nhà chiến lược vàng APAC và chuyên gia bán vàng SPDR cho Hong Kong tại Công ty quản lý đầu tư State Street Global Advisors, nhu cầu vàng trên thế giới năm 2024 có thể tăng lên và đạt giá cao kỷ lục nhờ sự chuyển biến của 3 làn sóng kinh tế vĩ mô: chính sách tiền tệ của Mỹ trở nên ôn hòa nhờ tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát ổn định; đồng USD suy yếu do khoảng cách tăng trưởng kinh tế Mỹ và toàn cầu được thu hẹp; các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng và tâm lý lạc quan của giới đầu tư đối với vàng trong bối cảnh rủi ro gia tăng.

Trong bối cảnh tỉ lệ lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm và ổn định gần mức lạm phát trung bình dài hạn trong lịch sử, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phần lớn không có động lực để tiếp tục tăng lãi suất. Trên thực tế, kỳ vọng hiện nay của thị trường là Fed giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024, một động thái có thể đẩy giá vàng tăng.

Trong khi đó, Mỹ với gánh nặng nợ ngày càng tăng và suy thoái tài chính đã bị hạ mức tín dụng vào năm 2023 và khả năng tiếp tục không chắc chắn về chính sách tài khóa có thể cản trở triển vọng của đồng USD. Triển vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí suy thoái có thể đè nặng lên đồng USD trong trung hạn, và triển vọng đồng USD ổn định hoặc yếu hơn có thể đẩy giá vàng tăng trong năm tới.

an5vzn~f.gif -0
Giá vàng thế giới tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng có thể ảnh hưởng đến triển vọng của đồng USD khi các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi tiếp tục đa dạng hóa nguồn dự trữ của họ không chỉ bằng USD mà bằng các loại tiền tệ dự trữ khác. Đây là một xu hướng đang dần diễn ra và là chất xúc tác tiềm năng mạnh mẽ cho vàng, đặc biệt là khi tỷ lệ nắm giữ vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi ít hơn ba lần so với các ngân hàng trung ương tại các thị trường phát triển.

Một dấu hiệu khác cho thấy vàng sẽ diễn biến tích cực trong 2024 là dòng vốn chảy ra từ các quỹ hoán đổi danh mục vàng (ETF vàng) trong quý IV/2023 đã giảm so với các năm trước. Lịch sử cho thấy, các quỹ ETF vàng thường chứng kiến dòng tiền chảy ra trong quý IV, nhưng năm 2023 có xu hướng ngược lại. Đó là nhờ hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương nhiều nước.

Trong kịch bản cơ bản cho năm 2024, kỳ vọng vàng sẽ được giao dịch trong khoảng từ 1.950-2.200 USD/ounce. Theo kịch bản này, tăng trưởng toàn cầu và của Mỹ chậm lại trong khi tránh được suy thoái kinh tế, đồng USD đi ngang hoặc giảm nhẹ sau khi Fed vài lần cắt giảm lãi suất ở mức hạn chế và lãi suất vẫn cao hơn trong thời gian dài hơn. Nhu cầu tiêu dùng vàng tại các thị trường mới nổi vẫn ổn định nhờ hoạt động mua vàng tiếp tục mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương.

Trong trường hợp vàng tăng giá, phạm vi kim loại này được giao dịch trong khoảng từ 2.200-2.400 USD/ounce. Nếu như vậy, Mỹ trải qua một cuộc suy thoái kinh tế với việc Fed cắt giảm lãi suất đáng kể và đồng USD yếu hơn, trong khi biến động thị trường gia tăng, làm dấy lên nhu cầu đầu tư vàng mạnh mẽ.

Trong trường hợp vàng giảm giá, dự báo phạm vi giao dịch trong khoảng từ 1.800-1.950 USD/ounce. Theo kịch bản này, nền kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ ghi nhận sự tăng trưởng mở rộng và Fed tăng lãi suất để giảm bớt lạm phát giá cả và tiền lương tăng do thị trường lao động thắt chặt.

Hơn nữa, biến động thị trường giảm hơn làm giảm nhu cầu đầu tư vàng và kết quả là đồng USD mạnh hơn làm tăng giá vàng trên thị trường quốc tế, mặc dù nhu cầu của người tiêu dùng tại các thị trường mới nổi đối với đồ trang sức bằng vàng, vàng thỏi và tiền xu vẫn mạnh mẽ nhờ lạm phát tăng và các đồng tiền mất giá.

Đầu tư vàng có thể được xem là một trong những hình thức đầu tư phổ biến và an toàn nhất đặc biệt trong môi trường rủi ro cao.

Theo ông Rohan Reddy, Giám đốc nghiên cứu của Global X ETFs, cho biết: “Mối tương quan dài hạn của vàng với các tài sản rủi ro khác thấp hơn so với hầu hết các tài sản khác, khiến vàng trở thành một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư đáng mơ ước. Vàng đã được chứng minh hết lần này đến lần khác là giúp giảm thiểu rủi ro tổng thể”. Ví dụ, trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu giai đoạn 2007-2009, chỉ số S&P 500 đã giảm gần 57% trong khi vàng tăng 25%.

Bằng chứng gần đây nhất là vào ngày 8/10/2023, một ngày sau khi bùng nổ xung đột giữa Israel-Palestine, giá vàng đã tăng từ 1.809 USD/ounce lên 1.983 USD/ounce, đánh dấu mức tăng 5% chỉ sau vài tuần. Ông Alex Ebkarian, đồng sáng lập Viện Tài chính Allegiance Gold (Mỹ), nhận định: “Bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng do xung đột Israel-Palestine ở Trung Đông vẫn tiếp diễn mà không có giải pháp rõ ràng trong ngắn hạn hay cả dài hạn. Do sự bất ổn địa chính trị này, cũng như các vấn đề khác đang tiếp diễn trên khắp thế giới như chiến sự tại Ukraine, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung…, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục chuyển sang tài sản trú ẩn an toàn như vàng vào năm 2024”.

Minh Châu
.
.