“Thợ săn” donate
Truyền thông bẩn, nội dung xàm xí, vô bổ hay tạo những drama ảo, giật gân nhằm câu kéo sự quan tâm, theo dõi trên cộng đồng mạng. Khi khán giả lên án, phanh phui, công kích, chửi rủa lại chính là nguồn thu khổng lồ cho những “thợ săn” donate (quyên góp).
Tạo drama “bào” donate
Khi “đói” view, “nghèo” donate, các YouTube, Tiktoker, người của công chúng sẽ tìm đến chiêu bài dùng búa rìu dư luận để rèn nên áo giáp doanh thu, không cần bảo vệ hình ảnh, chỉ cần giữ được sự chú ý, bởi trong thế giới số, sự quan tâm có giá trị hơn cả uy tín. Họ liên tục tạo dựng những drama (tình huống, sự kiện gây chú ý) để đạt được mục đích kiếm tiền.

Cách đây ít ngày, YouTube T.D đã tung một video về việc bị ba thanh niên chặn đường hăm dọa và đòi “xử lý” anh ta về một vụ drama mà T.D đang theo dõi và tham gia. Trong clip dài hơn 3 phút, T.D một mình di chuyển trên đoạn đường vắng thì bị nhóm thanh niên lao ra chặn xe. Sau dăm ba câu truy vấn, lời qua tiếng lại thì nhóm thanh niên “ra tay” với T.D. Anh này liền bỏ xe chạy và bị rớt điện thoại. Nhóm thanh niên truy đuổi đến khu vực chiếc điện thoại rớt xuống cỏ, nhưng vẫn thu âm được tiếng nói của thanh niên về cuộc truy tìm T.D.
Ngay lập tức, hội drama đồng loạt lên bài giật tít, live trực tiếp, đưa ra nhiều suy đoán, đồn thổi. Một số anh em trong hội còn tuyên bố sẽ đi giải cứu và xử lý đối tượng đã có hành vi truy sát T.D. Drama nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem và theo dõi trên các kênh YouTube. Những tín đồ là fan của nhóm YouTube này xót thương cho T.D khi anh ta trở thành nạn nhân, từ đó không ngừng trao thưởng bằng donate. Drama kéo dài mấy tiếng đồng hồ thì bắt đầu xuất hiện có gì đó sai sai. Những chuyên gia “mổ xẻ” đưa ra nhận định, rất có thể đây là tình huống tạo tin giả, vì các yếu tố trong clip rất thiếu căn cứ và phi logic.
Chuyên gia và các “thánh soi” nhận định, một người đang đi trên đoạn đường vắng tự nhiên có ba thanh niên lao ra chặn xe, truy sát lại được chính người này quay trực tiếp tung lên mạng là không thuyết phục. Khi T.D vứt xe bỏ chạy, ba thanh niên kia không đuổi kịp lại càng vô lý. Điều vô lý nữa là chạy đến đoạn chiếc điện thoại của T.D bị rơi thì nhóm thanh niên tự nhiên dừng lại, truy hô tìm kiếm đối tượng…
Trước những phân tích như trên, YouTuber T.D đã phải lên mạng xin lỗi và thừa nhận đó là clip do mình dàn dựng để câu view, câu live vì thời gian qua kênh của anh ta ít lượng người xem, điều đó đồng nghĩa việc thu nhập từ donate của kênh sẽ giảm mạnh. Sau sự việc, YouTube T.D đã phải lên cơ quan công an giải trình.
Cũng trong tình trạng “đói” donate do kênh bị bóp tương tác, YouTuber H.P. liền nghĩ ra một câu chuyện hư cấu để câu view. Theo đó, H.P.TV lên một clip chia sẻ trường hợp của em bé “mặt gấu” bị mất tích không rõ nguyên. Em bé “mặt gấu” từng là nhân vật trong clip của H.P quay, gia đình bé có hoàn cảnh khó khăn, mẹ bị khờ, cha bỏ đi biệt xứ. Bé “mặt gấu” sinh ra bị vết bớt to đen trên khuôn mặt, giống như mặt một chú gấu nên có biệt danh là “mặt gấu”. Sau hiện tượng bé “mặt gấu”, cộng đồng mạng đã chung tay ủng hộ tiền của, vật chất cho hai mẹ con đi chữa bệnh và sinh sống.

Tiếng tăm của H.P.TV từ đó cũng thơm lây và có thêm nhiều người yêu mến. Số lượng người đăng ký, theo dõi kênh tăng lên hàng trăm ngàn. Bẵng đi thời gian, do nội dung sáng tác của kênh ngày một tẻ nhạt, đơn điệu nên H.P.TV sụt giảm nguồn thu nhập lớn. Từ đó, anh ta đã nghĩ ra câu chuyện mất tích của bé “mặt gấu” để hâm nóng lại kênh và kiếm thêm tiền donate. Khi câu chuyện của bé “mặt gấu” đăng lên, khán giả lập tức phản hồi tích cực. Họ thành lập hội nhóm chia sẻ thông tin, về tận nhà của mẹ con bé “mặt gấu” tìm hiểu để giúp đỡ. Liên tục những ngày sau đó, kênh của H.P.TV nhận được lượt xem đông đảo, khán giả hỏi thăm tình hình tìm kiếm thông tin của bé “mặt gấu”. Cùng với đó, nhiều người ủng hộ tiền, chuyển donate cho H.P để anh ta có thêm động lực làm việc tốt.
Câu chuyện nóng mạng xã hội được 3 ngày thì người mẹ của bé “mặt gấu” bỗng nhiên xuất hiện trên một kênh YouTube khác. Người mẹ đính chính lại việc mất tích của con, cho biết đó là thông tin không đúng sự thật, vì mẹ con cô ấy đang về nhà ngoại chơi. Người mẹ tố YouTuber H.P.TV không hề liên hệ hay hỏi thăm mẹ con cô ấy trong suốt thời gian qua đã tự động lên clip bịa ra câu chuyện mất tích của bé gấu.
Cộng đồng mạng được một phen muối mặt, đồng loạt “quay xe” lên án, chửi rủa YouTuber H.P.TV cố tình đăng thông tin sai sự thật để câu view, câu like, lừa đảo tiền bạc của bá tánh xa gần. Im lặng một ngày, H.P.TV đã phải lên clip đính chính sự việc. Trước tiên, anh ta xin lỗi mẹ con bé “mặt gấu” về “tai nạn thông tin” vừa qua. Anh ta biện minh rằng, trước đó vài ngày có chuyến công tác gần nhà mẹ con bé gấu nên ghé vào thăm thì nhà khóa cửa, hỏi hàng xóm họ nói không biết. Từ thông tin trên, anh ta mới làm clip về sự biến mất bí ẩn của bé “mặt gấu”, vì lòng thương cảm, muốn giúp đỡ người yếu thế chứ không có ý xấu xa gì.
H.P.TV quăng cho thiên hạ một clip giải thích vô cảm rồi “lặn xuống”, bỏ mặc sự tức giận của mọi người. Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong vài ngày tại drama giả tạo, kênh của H.P đã thu về hàng chục triệu đồng tiền donate, cùng hàng ngàn lượt chia sẻ, đăng ký kênh.
Hiện các nền tảng như Facebook, Instagram hay TikTok thường sử dụng các thuật toán ưu tiên nội dung gây tương tác mạnh như drama tình ái, cuộc chiến người nổi tiếng hay những vụ việc mất tích, bắt cóc bí ẩn, ly kỳ, từ đó càng khuếch đại sự lan truyền của các câu chuyện nóng hổi, mặc dù chúng chưa được xác minh hay kiểm chứng.
Một câu chuyện bắt cóc ly kỳ vừa được dựng lên tại Gia Lai đã khiến dư luận một phen nháo nhào. Theo đó, ngày 10/7, tài khoản Facebook có tên Bích Trâm đăng bài viết với nội dung cháu Bùi Thanh Nhi (5 tuổi, trú tại xã Biển Hồ, tỉnh Gia Lai) bị hai người đàn ông bắt cóc khi đang đi chợ cùng bà ngoại. Theo bài đăng, cháu bé bị bắt cóc đã một tuần qua chưa có thông tin gì, mong cộng đồng mạng chia sẻ để tìm kiếm. Bài đăng còn kèm video và hình ảnh được cho là quay lại khoảnh khắc cháu bé bị bắt cóc.
Bài viết đăng lên, 14.000 người lao vào chia sẻ khắp nơi mong giúp được em bé sớm trở về nhà. Trong lúc cộng đồng đang tích cực tìm kiếm thông tin của bé thì chủ tài khoản Bích Trâm chỉnh sửa bài đăng, đưa thông tin bà ngoại của cháu lên cơn đau tim cần phẫu thuật, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Cùng với đó là số tài khoản ngân hàng để nhận tiền hỗ trợ.
Công an xã Biển Hồ đã nhanh chóng vào cuộc xác minh và khẳng định, đây là thông tin bịa đặt do các đối tượng lừa đảo dàn dựng. Đoạn video ghi cảnh bé gái bị bắt cóc có dấu hiệu dàn dựng tại một địa điểm chưa xác định, còn hình ảnh người phụ nữ ôm ảnh bé cũng bị cắt ghép sai sự thật.
Công an xã Biển Hồ cho biết, các đối tượng ban đầu tung tin giả để thu hút chia sẻ, đồng thời khóa bình luận để tránh bị vạch trần. Khi bài viết lan rộng, mục đích thật sự mới lộ rõ: Kêu gọi chuyển tiền ủng hộ nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đánh đổi nhân phẩm để câu view
Trong các drama lùm xùm trên mạng xã hội thời gian vừa qua phải kể đến câu chuyện tình ái giữa những nhân vật nổi tiếng gồm streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng), rapper Pháo (Nguyễn Diệu Huyền) và hotgirl Ngọc Kem (Trần Nguyễn Hồng Ngọc). Hàng triệu người thức đêm để xem một livestream chuyện đời tư giữa ViruSs, Ngọc Kem và rapper Pháo, nhân vật có sức ảnh hưởng trong giới giải trí với những lời lẽ công kích, chỉ trích nhau.

Để có quyền bình luận công kích, khán giả phải đăng ký trả phí 135.000 đồng/tháng. Chính điều đó quy ra tiền tươi thóc thật chảy vào ví người họ đang thấy phẫn nộ. Trong khi, trên kênh cộng đồng của ViruSs ghi nhận 635 người đăng ký (bao gồm cả những thành viên đã đăng ký từ trước). Ngoài ra, người xem còn liên tục donate cho ViruSs bằng những vật phẩm ảo như hoa hồng, sư tử, cá heo, TikTok Universe…Trong bảng giá của TikTok, những vật phẩm này sẽ quy đổi ra tiền và sau khi trừ các khoản chi phí, số tiền này sẽ được chia hoa hồng cho các bên. Theo tính toán của một số chuyên gia, phiên livestream hàng triệu người xem của ViruSs có khả năng thu về hơn 100 triệu đồng.
Sau khi gây náo loạn trên mạng xã hội, cặp đôi chính phải lên tiếng xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến cộng đồng mạng. Ngọc Kem tuyên bố chấm dứt drama về ViruSs. Cô cho biết bản thân bỏ cuộc, không tung bằng chứng liên quan việc bạn trai cũ hẹn hò nhiều người cùng lúc. “Mọi thứ được phơi bày rõ ràng. Tôi tin cộng đồng mạng là người thông minh và tinh tế. Xấu tốt, đúng sai họ đều nhìn nhận và đánh giá được. Cảm ơn mọi người luôn quan tâm yêu thương, đồng thời xin lỗi vì để việc cá nhân gây phiền khán giả”, Ngọc Kem viết.
Ngay sau đó, ViruSs cũng tuyên bố thoát khỏi drama, đồng thời gửi lời xin lỗi khán giả, những người không liên quan bị ảnh hưởng do chuyện cá nhân anh ta. “Tôi không chịu trách nhiệm trước tất cả thông tin liên quan tôi nhưng chưa được kiểm chứng dẫn đến hiểu lầm. Tôi lần nữa xin lỗi vì chuyện cá nhân ảnh hưởng đến nhiều người không liên quan”, ViruSs nói.
Chính họ thổi bùng lên drama rồi lại chủ động dập tắt nó bằng hai từ “xin lỗi” khá nhẹ nhàng, bỏ mặc nỗi tức giận cùng sự hoài nghi của hàng triệu khán giả. Theo chuyên gia tâm lý Lê Kim Chung, Chủ nhiệm CLB Lá chắn TP Hồ Chí Minh, không loại trừ drama là chiêu truyền thông bẩn. Tức là, những gì xảy ra chỉ là màn kịch được dàn dựng bài bản và nổ ra có ý đồ, người trong cuộc đều có phần. Người thu về nhiều tiền, người tăng lượng theo dõi để bán hàng, người có hit “bự” top 1 trending.

“Trong không gian mạng, đặc biệt là TikTok và YouTube số lượt xem, lượt bình luận, mức độ tranh cãi càng cao, livestream càng được đẩy lên top đề xuất. Chủ nhân của những drama đều hiểu rõ điều đó. Mỗi bình luận tức giận, mỗi màn tranh luận gay gắt giữa các phe fan (người hâm mộ) và antifan (người phản đối) đều góp phần khiến buổi livestream nóng hơn, lan rộng và thu hút nhiều người muốn tham gia cuộc tranh luận. Từ đó, chủ các phòng live là người được hưởng lợi nhiều nhất. Vì tiền bạc, họ cũng chẳng quan trọng mặt mũi hay nhân phẩm”, chuyên gia Kim Chung nhìn nhận.
TS. Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Luật - Tâm lý, Trường đại học Hoa Sen cho rằng, mạng xã hội hiện có nhiều trang hóng biến drama. “Luật pháp không cấm hóng drama. Tuy nhiên, nói thế nào, cư xử sao cho phù hợp là điều cần bàn. Giới trẻ ngày nay đang hướng đến lối sống hiện đại, thời thượng, hợp xu thế. Người trẻ thường nghĩ rằng, nếu không kịp hóng drama, mình sẽ trở nên lạc hậu, không theo kịp tin tức. Tuy nhiên, cả người tạo drama lẫn người hóng drama không an toàn thì phải chịu tác hại rất nặng nề. Nếu đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật, xúc phạm đời tư người khác thì có khả năng phải đối mặt với những chế tài của pháp luật”, TS. Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.