Thỏa thuận kiểm toán Mỹ-Trung chưa ngã ngũ

Thứ Hai, 05/09/2022, 18:31

Trung Quốc và Mỹ đã ký một thỏa thuận để giải quyết các tranh chấp về kiểm toán đối với các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, tuy nhiên cả hai bên có cách hiểu khác nhau về cách tiếp cận hợp tác.

Ủy ban Giám sát kế toán các công ty đại chúng Mỹ (PCAOB), Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Bộ Tài chính Trung Quốc mới đây đã ký kết một thỏa thuận cho phép PCAOB kiểm tra và điều tra các công ty kế toán công đã đăng ký có trụ sở chính tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Tuy nhiên, một số nhà bình luận cho biết cách diễn giải tuyên bố do PCAOB và CSRC đưa ra là khác nhau và sự mâu thuẫn như vậy có thể tạo ra những trở ngại cho việc thực hiện thỏa thuận.

Thỏa thuận kiểm toán Mỹ-Trung chưa ngã ngũ -0
Thỏa thuận cho phép kiểm tra các công ty Trung Quốc là tin tốt cho thị trường chứng khoán nước này.

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận này là tin tốt cho thị trường chứng khoán Hong Kong và Trung Quốc, đồng thời trong ngắn hạn sẽ hỗ trợ cho các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của tập đoàn Alibaba đóng cửa ở mức 95,15 HKD (12,12 USD) vào ngày 29-8, tăng 10,6% so với ngày 25-8 khi các nhà đầu tư bắt đầu suy đoán rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm đạt được thỏa thuận về các tiêu chuẩn kế toán. Cổ phiếu của Meituan đã tăng 13,8% lên 186,7 HKD trong khi cổ phiếu của Weibo đã tăng 14,5% lên 160,8 HKD so với cùng kỳ.

Hiện tại, hơn 200 công ty Trung Quốc đang niêm yết trên các thị trường vốn của Mỹ. Họ đang sử dụng các dịch vụ kiểm toán do hơn 30 công ty kiểm toán Trung Quốc đã đăng ký với PCAOB cung cấp.

Vào ngày 10-3, Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) thông báo rằng 5 công ty Trung Quốc – gồm 3 công ty dược phẩm sinh học là BeiGene, Zai Lab và Hutchmed, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Yum Trung Quốc và nhà sản xuất thiết bị làm sạch vi mạch ACM Research - có thể bị hủy niêm yết nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn kế toán của Mỹ. Sau đó, SEC đã bổ sung thêm 17 công ty Trung Quốc vào danh sách các thực thể có thể bị trục xuất khỏi các sàn giao dịch của Mỹ vào ngày 21-4 và 80 công ty khác, bao gồm JD.com và Bilibili, vào ngày 4-5.

CSRC cho biết họ kiên quyết chống lại việc chính trị hóa các quy định chứng khoán và Bộ Tài chính Trung Quốc gần đây đã đạt được tiến bộ tích cực về vấn đề này sau khi hợp tác với PCAOB.

Ngày 24-7, Tờ Financial Times đưa tin Trung Quốc đang chuẩn bị một hệ thống để chia các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ thành 3 nhóm dựa trên mức độ nhạy cảm dữ liệu của họ để họ có thể dễ dàng hơn trong việc cùng một lúc tuân thủ các yêu cầu công bố thông tin của Mỹ và các quy tắc bảo mật dữ liệu của Trung Quốc. Tuy nhiên, CSRC cho biết họ vẫn chưa nghiên cứu kế hoạch cho một hệ thống như vậy.

Alibaba cho biết họ đã nộp đơn lên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong vào ngày 26-7 để xin chuyển từ trạng thái niêm yết thứ cấp hiện tại sang trạng thái niêm yết chính. Sau khi hoàn tất việc thay đổi, Alibaba sẽ trở thành công ty có niêm yết chính tại cả Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) dưới dạng Cổ phiếu lưu ký của Mỹ (ADS) và trên Sàn Giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEX) dưới dạng cổ phiếu thông thường.

Ngày 29-7, SEC đã đưa Alibaba vào danh sách theo dõi và cảnh báo rằng tập đoàn này sẽ buộc phải hủy niêm yết tại Mỹ nếu các kiểm toán viên Mỹ không thể kiểm tra các báo cáo tài chính của họ.

Các nhà quản lý Mỹ và Trung Quốc cuối cùng đã đạt được thỏa thuận ban đầu về vấn đề này vào ngày 26-8 vừa qua. Trong một tuyên bố, Chủ tịch PCAOB Erica Williams khẳng định: “Thỏa thuận này cho phép PCAOB tiếp cận đầy đủ các giấy tờ liên quan tới công việc kiểm toán, nhân sự kiểm toán và các thông tin khác mà chúng tôi cần để kiểm tra và điều tra bất kỳ công ty nào chúng tôi chọn, không có hẽ hở và không có ngoại lệ. Nhưng thử thách thực sự sẽ là liệu những lời lẽ trên giấy có được biến thành khả năng tiếp cận hoàn toàn trên thực tế hay không”.

Theo thông tin từ phía Mỹ, thỏa thuận này cho phép PCAOB có toàn quyền lựa chọn các công ty, các hoạt động kiểm toán và các vi phạm tiềm ẩn mà cơ quan này sẽ kiểm tra và điều tra mà không cần tham khảo ý kiến hay có ý kiến đóng góp từ các cơ quan chức năng Trung Quốc. Ngoài ra, các thủ tục đã được xác lập để các thanh tra viên và điều tra viên của PCAOB có thể xem các giấy tờ kiểm toán đầy đủ với tất cả các thông tin trong đó và để PCAOB lưu giữ thông tin khi cần thiết. PCAOB có quyền tiếp cận trực tiếp để phỏng vấn và lấy lời khai từ tất cả các nhân viên liên quan đến các cuộc kiểm toán mà PCAOB kiểm tra hoặc điều tra.

PCAOB sẽ cử các đội công tác đến Trung Quốc đại lục và Hong Kong để xem liệu những lời hứa của phía Trung Quốc có được thực hiện hay không. Các đội này sẽ báo cáo công việc của họ cho PCAOB vào cuối năm.

Người phát ngôn của CSRC cho biết phía Trung Quốc sẽ tham gia và hỗ trợ việc phỏng vấn cũng như việc lấy lời khai của các nhân sự có liên quan của các công ty kiểm toán mà phía Mỹ yêu cầu. Ông cho biết các giấy tờ kiểm toán mà cơ quan quản lý Mỹ cần tiếp cận sẽ do phía Trung Quốc thu thập và chuyển sang.

CSRC bày tỏ mong muốn được hợp tác với các cơ quan quản lý của Mỹ và nói rằng nếu cả hai bên có thể thỏa hiệp về các thông lệ kiểm toán mới, các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sẽ có thể tránh được việc bị buộc phải hủy niêm yết.

Dickie Wong, Giám đốc điều hành nghiên cứu của Kingston Securities Ltd, đánh giá: Thỏa thuận này là tin tốt cho cổ phiếu các công ty của Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là các công ty này bây giờ có thể ngừng chuẩn bị cho khả năng bị trục xuất ra khỏi thị trường Mỹ.

Theo nhà nghiên cứu này, các nhà quản lý Trung Quốc rõ ràng đã thỏa hiệp với các yêu cầu của Mỹ bằng cách cấp cho phép PCAOB có quyền tiếp cận các hồ sơ kiểm toán của các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho biết ngay cả khi PCAOB có được tất cả các tài liệu này, cuối cùng phía Mỹ vẫn có thể cảm thấy không thỏa mãn.

Khánh An  (Theo Asia Times)
.
.