Thời xưa ngăn cấm nạn cờ bạc như thế nào?

Thứ Hai, 08/01/2024, 14:58

Cờ bạc không chỉ gây hại cho người dân mà còn là nguyên nhân của nhiều tệ nạn và tội phạm khác, nên từ thời xưa, triều đình phong kiến đã có các biện pháp ngăn cấm cờ bạc.

Thời Lê, ngay sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước và lên ngôi năm 1428, thì sang năm 1429, vua Lê Thái Tổ đã ban hành chỉ dụ trị tội những kẻ đánh bạc, du thủ, du thực, đàn đúm, chơi bời… nhằm động viên nhân dân chăm chỉ làm ăn, tái thiết đất nước. "Kẻ nào du thủ du thực, đánh cờ đánh bạc thì quan ty và quân dân bắt nộp để trị tội. Đánh bạc thì chặt năm ngón tay, đánh cờ thì chặt một phân ngón tay", chỉ dụ viết.

Khi nhà Lê đã ổn định quyền lực, Bộ luật Hồng Đức ban hành dưới đời Lê Thánh Tông (còn được gọi là “Lê triều hình luật”, hay “Quốc triều hình luật”) có điều 188 thuộc Chương "Vi chế" (làm trái pháp luật) quy định phạt nặng kẻ tổ chức đánh bạc, dù vậy mức phạt không khắt khe như thời Lê Thái Tổ. Theo điều này, ai tụ tập đánh bạc bị đánh 70 trượng, phạt ba quan tiền. Người tố cáo vụ việc thì được nhận thưởng. Người đứng đầu hay tái phạm tội đánh bạc thì bị tội thêm một bậc. Người a tòng thì được giảm tội một bậc.

bac.jpg -0
Chơi bạc.

Cấm trò “phán thán”

Dù thời Lê sơ cấm cờ bạc triệt để như vậy, nhưng sau cuộc chiến tranh Lê  Mạc, đến thời Lê trung hưng, tệ cờ bạc vẫn còn khiến triều đình vua Lê, chúa Trịnh phải nhiều lần ra lệnh cấm. Theo bộ chính sử “Đại Việt sử ký tục biên”, chép sự kiện vào năm Chính Hòa thứ 19 (1698), đời Vua Lê Hy Tông rằng: “Tháng 2, cấm đánh bạc. Bây giờ trong nước vô sự, quan dân nhiều người thích đánh “Hốt lú”, hơi lơ là với chức nghiệp. Triều đình (thực tế là chúa Trịnh) bèn sai quan Đề lĩnh đi giám sát và cho người lạ tố cáo, phát giác. Những nhà chứa chấp và những người đánh bạc đều bị phạt tiền nặng nhẹ tùy theo ngôi thứ và phẩm trật”.

Về trò “hốt lú” này, “Tục biên” giải thích: Dịch chữ “ý tiền”, cũng gọi là “phán thán”. Sách “Lịch triều tạp kỷ” của Ngô Cao Lãng dùng chữ “phán thán” khi chép về sự kiện này: Bấy giờ trong nước vô sự, quan và dân hay chơi “phán thán”, rất bê trễ chức vụ. Bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của triều Nguyễn bổ sung thêm “ở nơi đô hội thành thị, trò này lại càng thịnh hành lắm”.

“Tục biên” giải thích về trò “phán thán” như sau: Theo sách “Hậu Hán thư”, Lương Ký thời Hán hay đánh “phán thán”. Cách chơi là dùng bốn đồng tiền làm lệ, lần lượt “hốt” và “xỉa”. “Cương mục” cũng giải thích: “Cách chơi “ý tiền”: Con bạc đặt tiền kín, rồi kiểm điểm bằng cách cứ 4 đồng là 1 vị”.

“Tục biên” giải thích rõ hơn, theo từ điển “Từ hải” của Trung Quốc: “Phán thán” còn gọi là “than tiền”. Cách chơi là trong bàn đánh bạc để một chiếc hộp chia thành 4 cửa: 1,2,3,4; muốn đánh cửa nào thì đặt tiền cửa ấy. Những người đương trường được tùy ý lấy một số đồng tiền hoặc hạt gì đó (không rõ số lượng) bỏ vào trong một cái hộp đã để sẵn ở giữa bàn. Xong rồi người cầm cái đổ số tiền đã đựng trong hộp ra đếm, cứ xỉa 4 đồng tiền làm một đơn vị. Cuối cùng xem số lẻ còn bao nhiêu. Số lẻ này là 2 thì người đánh cửa số 2 được, là số 3 thì người đặt cửa số 3 được.

Thời xưa ngăn cấm nạn cờ bạc như thế nào? -0
Chơi bài.

Ngô Cao Lãng bổ sung thêm rằng theo luật cấm ban hành năm 1698, những kẻ chứa gá và đánh bạc đều luận vào tội nặng. Tiền phạt thì cứ theo phẩm trật và ngôi thứ mà tính. Những văn khế giả mạo đều bị tịch thu cả để tiêu hủy đi; tiền mặt đánh bạc của kẻ được người thua đều sung công, quan thể sát (viên quan khám xét và lùng bắt, như cảnh sát ngày nay) và người tố giác đều được thưởng.

Đến năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717), đời Vua Lê Dụ Tông, vào ngày 21 tháng Giêng, có lẽ do tệ đánh bạc vẫn còn nhiều, “Đại Việt sử ký tục biên” cho biết, triều đình phải nhắc lại lệnh cấm đánh bạc.

“Lịch triều tạp kỷ” chép chi tiết lệnh cấm bổ sung năm đó như sau: Phàm những kẻ đánh bạc và chứa gá, bất luận là quan, quân hay dân đều phải phạt tiền hơn kém khác nhau; phải thu và tiêu hủy hết các văn tự làm giả mạo; phải tịch thu và sung công hết các món tiền đã ăn thua với nhau, rồi trích lấy một nửa số tiền đã tịch thu được, thưởng cho người tố cáo. Hễ viên nào hoặc kẻ nào đã dự cuộc đánh bạc, biết ra tự thú trước thì được miễn phạt. Xã trưởng và phường trưởng có biết mà không tố cáo cũng bị luận phạt. Viên quan đi khám xét mà cho hòa giải, sẽ bị khép vào tội xuê xoa.

Quy định mức phạt nặng

Đặc biệt, lệnh cấm lần này quy định mức xử phạt rất nặng, áp dụng từ các hàm quan cao nhất của triều đình trở xuống. Cụ thể, hàng võ, các quan tam thái (thái sư, thái phó, thái bảo), tam thiếu (thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo) và tả hữu đô đốc, hàng văn thì từ thượng thư và đô ngự sử mà gá bạc, sẽ bị phạt 500 quan tiền; nếu đánh bạc thì bị phạt 300 quan.

Hàng võ, từ đô đốc, tước quận công đến các chức ở thự vệ (như quân thự, quân vệ) và tước hầu; hàng văn, từ thị lang đến các chức khoa đạo (tức lục khoa và lục đạo) mà gá bạc, thì bị phạt 300 quan; đánh bạc thì bị phạt 200 quan.

Hàng võ, từ tả hữu hiệu điểm, chánh đội trưởng và dự quản binh phụng thị; hàng văn, từ các chức ở bộ, ở tự (như Đại lý tự, Hồng lô tự) và những viên có dự chầu hầu và làm việc công mà gá bạc thì bị phạt 150 quan; đánh bạc bị phạt 100 quan.

Thời xưa ngăn cấm nạn cờ bạc như thế nào? -0
Hình vẽ minh họa một “xới” chắn thời xưa.

Các viên nội giám phụng thị mà gá bạc và đánh bạc, cũng đều bị phạt tùy theo thứ bậc chức phẩm của mình. Các nha môn thân quý (phủ các quý tộc chỗ họ thân với nhà vua, nhà chúa) mà gá bạc và đánh bạc cũng đều bị phạt như thể lệ xử phạt các quan tam thái, tam thiếu. Các hạng quân và dân gá bạc và đánh bạc, sẽ bị phạt 100 quan chỉ đánh bạc thì bị phạt 60 quan.

Có thể so sánh các mức phạt này với mức tiền đền mạng được quy định trong điều 29 của Bộ Luật Hồng Đức: Quan nhất phẩm, tòng nhất phẩm đền 15.000 quan; nhị phẩm, tòng nhị phẩm đền 9.000 quan; tam phẩm, tòng tam phẩm đền 7.000 quan; tứ phẩm, tòng tứ phẩm đền 5.000 quan; ngũ phẩm, tòng ngũ phẩm 2.000 quan; lục phẩm, tòng lục phẩm 1.000 quan; thất phẩm, tòng thất phẩm 500 quan; bát phẩm đến cửu phẩm 300 quan; thứ nhân trở xuống 150 quan.

Năm sau, 1718, vào ngày 20/7, lại tiếp tục có lệnh cấm đánh bạc. Vẫn theo “Lịch triều tạp kỷ” thì triều đình lệnh rằng phàm những cuộc ăn thua nhau bằng vàng bạc, tiền tài sẽ bị cấm hết thảy. Kẻ nào can phạm, hễ có người tố cáo thì quan xử kiện sẽ chiếu theo luật lệ về việc gá bạc, đánh bạc mà luận tội, phạt tiền. Riêng trẻ con chơi đùa đánh bạc ở đầu ngõ, bên đường, nơi xứ này xứ khác, nếu ở trong kinh đô thì cho phép quan đề lĩnh đến xem xét; ở ngoài các trấn thì cho phép quan lưu thủ hoặc trấn thủ đốc thúc bảo các xã trưởng, phường trưởng đi xem xét; nếu bắt gặp các đám bạc thì liền tịch thu số tiền đánh bạc, dùng roi để đánh đòn răn dạy chúng. Nếu xã trưởng hoặc phường trưởng có sự dung túng đến nỗi viên thừa sai bắt được đám bạc, thì sẽ phạt trượng ngay các viên xã trưởng, phường trưởng để răn chừa. Còn các cuộc chơi cờ, chơi bài lá thì không nằm trong lệ cấm này, nhưng số tiền chơi chỉ hạn chế từ 1 tiền trở xuống (1 quan bằng 600 tiền). Còn nếu kẻ nào tạ sự để tăng số tiền lên nhiều hay nhân cớ đó mà sinh ra chuyện nọ sự kia, đều phải theo luật lệ đánh bạc mà xử tội.

Kế thừa luật nghiêm thời Trần

Nếu vua Lê Thái Tổ ra lệnh chặt năm ngón tay những người đánh bạc, thì luật hình thời Trần còn nghiêm khắc hơn nhiều. Dù bộ “Hình thư” thời Trần không còn, nhưng qua ghi chép trong chính sử, ta có thể thấy rõ. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng năm Hưng Long thứ tư đời Vua Trần Anh Tông (1296), vào tháng ba, khi biết quan thượng phẩm Nguyễn Hưng đánh bạc, vua đã ra lệnh "đánh chết".

Dù pháp luật nhà Trần xử nghiêm hành vi đánh bạc nhưng đến đời Vua Trần Dụ Tông thì nhà vua lại đam mê cờ bạc đến mức bỏ bê triều chính. Nhà sử học Phan Phu Tiên bình luận rằng: "Người trong nước bắt chước cái dở ấy thành ra không thể ngăn cấm được nữa. Cờ bạc thành tệ nạn rồi dẫn đến mất nước".

Sách sử chép rằng năm 1362, Vua Trần Dụ Tông "chiêu tập các nhà giàu trong nước ở làng Đình Bảng (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), làng Nga Đính thuộc Quốc Oai (Hà Nội ngày nay)... vào trong cung đánh bạc làm vui. Có tiếng bạc đặt tới 300 quan tiền, ba tiếng thì đã gần ngàn quan rồi”.

Vì Vua Dụ Tông mải mê ăn chơi, thích uống rượu, cờ bạc, hát xướng, bắt nhân dân xây cất cung điện, vườn hoa, hồ cá khó nhọc nên trăm họ khổ cực. Khi Vua Dụ Tông mất, Dương Nhật Lễ là người khác họ lên ngôi. Họ Trần vất vả mới giành lại được ngai vàng. Nhưng sau các đời Duệ Tông, Phế Đế, quyền lực dần rơi vào tay Hồ Quý Ly, rồi đất nước bị giặc Minh xâm lược sau đó.

Ngược dòng lịch sử, qua các tài liệu để lại, có thể thấy cờ bạc cũng đã thông dụng trong dân chúng, binh lính từ đầu thời Trần, trở thành mối nguy của đất nước. Do đó, trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai năm 1285, trong bài “Dụ chư tì tướng hịch văn” bất hủ để động viên binh sĩ dưới quyền, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm của quân và dân ta:

"Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường để hiến sứ giặc mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát".

Như vậy, qua bản hịch văn này, có thể thấy thời Trần, những trò chơi như săn bắn, uống rượu, nghe hát, chọi gà, đánh bạc đã xuất hiện trong quân đội của ông, hoặc rộng hơn, là trong dân gian. Trong lời hịch, sau khi điểm ra những tệ nạn này xong, Hưng Đạo Vương phân tích rõ cho quân sĩ của mình tác hại của các tệ nạn đó:

"Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo giáp; mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi được quân mưu; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao; tiền của đâu mà mua cho được đầu giặc; chó săn ấy thì địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được cho giặc say chết, tiếng hát hay không làm được cho giặc điếc tai”.

Nhờ dẹp bỏ các tệ nạn cờ bạc, chơi bời, quân dân đồng lòng đoàn kết mà quân đội Đại Việt đã ba lần đánh thắng các cuộc xâm lược của đế quốc Nguyên - Mông.

Sang thời Nguyễn, dù luật pháp cấm đánh bạc nhưng hình phạt có phần nhẹ hơn. Theo các sắc lệnh ban hành khi Vua Gia Long mới lên ngôi, hoặc trong bộ hình luật triều Nguyễn là “Hoàng Việt luật lệ”, ban hành năm 1813 dưới thời Vua Gia Long, thì người đánh bạc sẽ bị đánh 100 roi, bắt làm phu dịch 3 năm, chỗ tiền đánh bạc đều bị sung vào kho của nhà nước.

Lê Tiên Long
.
.