Thời xưa ngăn chặn quan lại tham ô như thế nào?

Thứ Bảy, 08/07/2023, 08:36

Luật pháp các thời đại, quốc gia, đều có các quy định nhằm ngăn chặn và xử phạt các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội. Các triều đại phong kiến ở Việt Nam trước đây cũng luôn xây dựng và nỗ lực thực thi luật pháp nhằm nghiêm trị quan lại ở mọi cấp, mọi chức vụ có hành vi lợi dụng chức quyền và ảnh hưởng của mình để tham ô tiền bạc, tài sản của nhà nước, của công và của nhân dân.

Ngay từ triều Lý -  triều đại phong kiến đầu tiên xây dựng bộ “Hình thư”, đã có những quy định cụ thể về việc trừng trị những hành vi tham ô, ăn trộm của công. Theo đó, các quan lại thu thuế của nhân dân, ngoài mười phần đóng vào kho nhà nước, được thu riêng một phần gọi là “hoành đầu”. Kẻ nào thu quá số ấy thì bị khép vào tội ăn trộm. Khố ty thu thuế lụa, nếu ăn lễ lấy lụa của nhân dân thì cứ mỗi thước lụa phạt 100 trượng; một tấm lụa đến trên 10 tấm thì theo số tấm, thêm phối dịch 10 năm.

các triều đại phong kiến việt nam đều xử nghiêm các tội tham nhũng, tư túi.jpg -0
Các triều đại phong kiến Việt Nam đều xử nghiêm các tội tham nhũng, tư túi

Sang thời Lê sơ, đã ban hành bộ “Quốc triều hình luật”, hay còn gọi là Luật Hồng Đức, theo thống kê thấy có tới 102 điều trong tổng số 722 điều trong Luật Hồng Đức quy định về các tội tham nhũng và hối lộ.

Chỉ không lâu sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thành công, vua Lê Thái Tổ lên ngôi, triều Lê sơ đã đối diện với nhiều vụ tham nhũng, quan lại lợi dụng chức vụ để tư túi. Như theo ghi chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1435, triều đình của vua Lê Thái Tông đã điều tra, bắt và xét hỏi tới 53 kẻ tham quan ô lại ở địa phương.

Thậm chí, nhiều vị đại thần là công thần từ khởi nghĩa Lam Sơn cũng trở thành đối tượng tham nhũng, hay sách nhiễu quân, dân để tư túi, bị sử sách ghi lại, từ Thái úy Lê Thụ, đến các vị Thái phó như Lê Văn Linh, Nguyễn Xí.

Cho nên đến thời vị vua anh minh Lê Thánh Tông, nhà vua từng chua chát phát biểu: “Khoảng năm Thái Hòa, Diên Ninh (thời vua Lê Nhân Tông), trên thì tể tướng, dưới thì trăm quan mưu lợi lẫn nhau, bừa bãi hối lộ”. Trong 38 năm trị vì của mình, vua Lê Thánh Tông đã ban hành hơn 10 sắc chỉ để chỉ để chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý các quan lại nhà nước vi phạm các quy định về tội tham nhũng. Năm 1483, vua Lê Thánh Tông ra sắc chỉ ân xá nhiều loại tội phạm, nhưng riêng những kẻ tham nhũng xếp cùng tội đại nghịch không được hưởng khoan hồng.

Thời xưa ngăn chặn quan lại tham ô như thế nào? -0
Những viên thu thuế giấu giếm từ 300 quan trở lên thì xử lưu đày đi châu gần

Luật Hồng Đức hay Quốc triều hình luật được ban hành dưới thời vua Lê Thánh Tông xử lý nặng các hành vi tham ô, tư túi. Điều 138 của luật Hồng Đức quy định: “Quan lại tham ô từ một đến 9 quan tiền, bị cách chức; từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày; từ 20 quan trở lên, bị chém. Ăn lễ từ một đến 9 quan phải phạt 50 quan; từ 10 đến 19 quan phạt từ 60 đến 100 quan; từ 20 quan trở lên phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”.

Luật Hồng Đức cũng quy định rất rõ, đối với mọi biểu hiện lợi dụng uy quyền, cưỡng chiếm tài sản công của quan lại đều xử phạt không dung túng. Điều thứ 80, chương Tạp luật viết: “Các quan cai quản quân dân các hạt, vô cớ mà đi đến những làng, xã trong hạt, hay là cho vợ cả, vợ lẽ, người nhà đi lại, mượn việc mua bán làm cớ để quấy nhiễu quân dân, lấy của biếu xén thì xử tội biếm hay bãi chức. Người tố cáo đúng sự thật thì được thưởng tùy theo việc nặng nhẹ”. Điều thứ 86 chương này cũng viết: “Các quan cai quản quân dân cùng những nhà quyền quý mà sách nhiễu vay mượn của cải đồ vật của dân trong hạt thì khép vào tội làm trái pháp luật và phải trả lại tài vật cho dân”.

Các hành vi tư túi, lợi dụng việc công để làm việc tư, chiếm đoạt hay ăn cắp của công đều bị luật hình thời Lê nghiêm trị. Điều thứ 11 chương Tạp luật của Luật Hồng Đức viết: “Những quan giữ việc thu phát của công mà trái luật (trái luật như là thu vào nhiều mà phát ra ít, đáng phát thứ cũ lại phát thứ mới, đáng nhận thứ tốt lại nhận thứ xấu) thì xử biếm một tư và tính số thừa thiếu ấy bồi thường nộp vào của công. Quan chủ ti giấu không phát giác ra thì xử phạt 50 roi, quá nữa thì xử tội biếm hay phạt. Người giữ kho bắt người đến lĩnh vật gì làm giấy biên nhận, trong giấy biên nhiều mà phát cho ít thì xử tội đồ và phải bồi thường như luật”.

Bộ luật này quy định, nếu như viên quan quản kho mà ăn trộm, lấy cắp tiền của thì cũng xếp vào tội ăn cắp của công: “Quan giám lâm, người coi kho mà tự lấy trộm thì xử như tội ăn trộm thường và phải bồi thường tang vật gấp hai lần”.

Thời xưa ngăn chặn quan lại tham ô như thế nào? -0
Bộ luật - Hoàng Việt luật lệ - ban hành dưới thời vua Gia Long, có tới 79 điều quy định riêng về luật hình đối với các tội tham ô, nhũng nhiễu

Đặc biệt với hành vi ăn trộm quốc khố, quân lương, luật thời Lê xử phạt rất nghiêm khắc. Điều thứ 30 chương Quân chính quy định: “Khi hành quân mà coi việc vận lương sai kỳ hạn, để đến nỗi hết lương, thì phải xử tội theo quân pháp. Đi đường để mất lương thực hay vật dụng thì phải đền số tổn thất; ăn trộm hay giấu giếm lương thực hay vật dụng thì phải chém và phải bồi thường gấp hai…”.

Các quan viên trưng thu lương thuế, nếu trưng thu xong theo kì hạn mà không nhập kho, cố ý xâm hại của công, sẽ bị xử tội đồ (làm việc khổ sai) hay lưu (đày đi xa). Điều 44 chương Hộ hôn quy định: “Nếu những quan thu tiền thuế và những đồ phải thu đã thu được mà để quá kỳ không nộp vào kho, nếu quá 2 tháng, 3 tháng, cho là tội giấu giếm, quá 4 tháng trở lên cho là tội ăn trộm; tội giấu giếm thì một quan xử biếm một tư, 10 quan biếm hai tư, 30 quan biếm ba tư, 50 quan xử đồ làm khao đinh, 100 quan đồ làm tượng phường binh, 200 quan đồ làm chủng điền binh, 300 quan trở lên thì xử lưu đi châu gần, tội ăn trộm thì xử tội theo luật ăn trộm và bồi thường gấp hai”. Điều thứ 42, chương Tạp luật cũng quy định những ai giấu các đồ vật của công có giá trị từ 50 quan trở lên đều phải xử tội chết.

Nối tiếp các truyền thống của pháp luật thời Lê, triều Nguyễn ban hành bộ “Hoàng Việt luật lệ”, hay thường gọi là “Luật Gia Long”, cũng dành nhiều nội dung về các tội tham ô, tư túi. Trong 398 điều của bộ luật ban hành dưới thời vua Gia Long này, có tới 79 điều quy định riêng về luật hình đối với các tội tham ô, nhũng nhiễu với những quy định rất nghiêm khắc. Điển hình như điều 31 quy định, quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất là 70 trượng, cao nhất là treo cổ. Về tội biển thủ, điều 392 quy định: "Người nào dùng các thủ đoạn biển thủ, lấy trộm tiền lương, vật tư kho cũng như mạo phá vật liệu đem về nhà nếu tang vật thu được lên đến 40 lượng thì bị chém".

Sử sách triều Nguyễn ghi lại cho thấy, nhiều vụ tham ô, tư túi đã bị xử rất nặng. Điển hình như vụ án vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831), có viên khố lại (nhân viên coi kho) của Vũ khố (cơ quan quản lý vũ khí) tên là Hoàng Hữu Nhẫn, phạm tội ăn bớt son bạc, bị chính nhà vua phát hiện. Vua Minh Mạng sai xử tử và ra chỉ dụ với Bộ Hình: “Trẫm sai lấy một cân son bạc thế mà Hoàng Hữu Nhẫn đệ lên 15 lạng (ăn bớt một lạng). Trẫm truyền chỉ gạn hỏi, nó lại tìm lời chống chế. Trẫm biết là gian, sai đem cân lại, quả nhiên thiếu”.

Nhà vua nói: "Thánh nhân xưa đặt ra pháp luật là ý muốn trị tội để mong không phải trị tội nữa, phạt một người mà muôn người sợ. Nếu trẫm không theo luật nặng mà trị tội thì chỉ được cái tiếng suông khoan hồng, sau này càng nhiều người phạm pháp thì trừng trị tội chết không xuể nữa".

Vì thế khi đem Hoàng Hữu Nhẫn ra thắt cổ ở cửa Vũ khố, vua yêu cầu các quan lại ở Vũ khố quỳ xung quanh nhìn để khiếp sợ, tránh phạm pháp như vậy.

Thời xưa ngăn chặn quan lại tham ô như thế nào? -0
Thời Lê, vị quan che giấu không phát giác việc thuộc cấp tư túi của công cũng bị xử phạt 50 roi

Trước đó, năm 1822, cũng dưới triều vua Minh Mạng, tại Quảng Đức (sau đổi là Thừa Thiên) và Quảng Trị bị thiên tai nên gạo đắt, triều đình cho phát 25.000 hộc để bán cho dân. Có tên lính quản lý kho thóc ở kinh là Đặng Văn Khuê phụ trách phát thóc cho dân, nhưng mỗi hộc thóc lại thiếu một ít. Vụ việc bị phát giác, vua Minh Mạng giao bộ Hình tra xét. Án xong tâu lên, vua Minh Mạng liền ra lệnh chém.

Bộ sử triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục” viết rằng, năm 1823, một viên quan làm việc tại Phủ Nội vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng bị phát giác, đem ra bộ Hình nghị án. Bộ Hình kết Hữu Diệm án đi đày. Vụ án tâu lên, vua cho rằng ở thời vua trước, có một viên quan thông đồng với thợ bạc đúc trộm ấn giả để trộm đổi lấy ấn thật trong kho, những tên này đều bị chém ngay. Nay tên Hữu Diệm dám công nhiên lấy trộm cả cân vàng, nên vua lệnh giải ngay Hữu Diệm đến chợ Đông Ba chém đầu để răn đe những người khác có ý định phạm tội.

Năm 1832, ở Bắc thành xảy ra một vụ thâm hụt công quỹ. Nguyên là Cục Bảo Tuyển (Tràng Tiền - đơn vị chuyên đúc tiền) dùng đồng đúc tiền bị thiếu nhiều, sự việc bị đem xét xử, cuối cùng viên Chủ sự Chế Công Hoạt là người trông nom công việc đúc tiền từ trước đến sau, bị tội chém, sau được chuẩn cho giảm xuống tội đồ 5 năm, còn một số viên quan khác Viên ngoại lang Lưu Công Nghị và thự Tư vụ Nguyễn Doãn Thông tiếp nhận việc này làm chỉ mới vài tháng, được xử giảm một bậc phải tội lưu, chuẩn cho xuống tội đồ 4 năm.

Dù vụ này được Thân Văn Quyền - Tả thị lang bộ Hộ, sung  tâu xin giảm án, nhưng vua Minh Mạng không bằng lòng, xuống dụ bảo rằng: “Chế Công Hoạt, Lưu Công Nghị và Nguyễn Doãn Thông, đều là lũ tham ô, thấy lợi quên nghĩa, dối việc công mưu lợi riêng, tội đáng xử vào tội chém và lưu mà chuẩn cho giảm xuống tội đồ, đã là nhẹ rồi, thế mà Thân Văn Quyền còn tâu ở trước mặt ta, cầu xin gia ơn, như vậy hình như có ý gây kéo bè để mua danh chăng?”. Sau đó, ngay cả Thân Văn Quyền cũng bị nhà vua giáng chức.

Lê Tiên Long
.
.